Tôi sống với Đà Nẵng bằng những hoài niệm và thương nhớ. Mới hôm qua thôi, khi còn nằm trên căn gác trọ đìu hiu ở Sài Gòn, tôi đã viết:
Lời đầu tiên tôi muốn nói với em
Gặp Đà Nẵng là tôi thèm đi học
Đà Nẵng của tôi nhỏ nhắn như bàn tay của một cô gái mới lớn. Ví von như vậy có buồn cười không? Lâu lắm rồi, tôi đã có sự so sánh ấy. Năm mười tám tuổi - lần đầu tiên xa Đà Nẵng, vào bộ đội - khi ngồi trong căn hầm dã chiến ở Anlung, tôi và một vài đứa bạn đồng hương đã có lần thức thâu đêm để vẽ lại… bản đồ Đà Nẵng - bằng trí nhớ của mình. Vẽ lại chân dung của địa chỉ viết hoa để nguôi ngoai giữa ngút ngàn thương nhớ…
Và bây giờ, mỗi lần đi xa trở về quê hương, tôi đều tìm lại những con đường mà thời học trò đã đi qua. Mới đây nhất (9-1998), người đầu tiên chào đón tôi trở về Đà Nẵng là một gã bộ đội say rượu. Sự chào đón cuồng nhiệt và “lịch sự” của một cái ly ném vỡ tan tành vào giữa mặt… bàng hoàng và choáng váng. Bất chợt tôi bật lên câu hỏi với chính mình: “Đà Nẵng như vậy sao?”. Những giọt máu ứa ra, chảy vào môi mặn chát. Thôi, đời sống cần phải có những phút giây đáng ghét như vậy. Tôi an ủi tôi. Sau khi ngủ một giấc đầy mộng mị và căng phồng những hoài niệm, tôi lại lang thang đi qua những con đường mà ngày xưa tôi đã từng đi… từng đi như mười mấy năm trước.
Đà Nẵng của tôi, một địa chỉ viết hoa, đã cưu mang tất cả những đứa con đi xa đất Quảng. Có điều thành phố ấy không phải chỉ đầy ắp sự hoài niệm. Bây giờ, dù chưa đầy ắp những quán nhậu, những tủ thuốc lá ven đường, nhưng cũng đủ cho tôi thấy sự thay đổi. Và thay đổi lớn nhất là sự dửng dưng trong tình cảm. Dửng dưng trước những biến động và thay đổi từng ngày, từng giờ trên da thịt Đà Nẵng. Suy nghĩ như vậy có chủ quan không? Bên những ly cà phê đắng không còn là những trao đổi nhiệt tình về mơ ước, về hy vọng…
Tôi gặp những người bạn cũ, gắn bó với Đà Nẵng bằng tuổi đời đã sống, họ đều lắc đầu mệt mỏi: “Chưa hề có một lần nào đặt chân vào Nhà văn hóa phường hoặc của thành phố…”. Sự thú nhận ấy có chua xót không? Tôi đã có đôi lần thất vọng khi gặp lại bạn bè cũ để trao đổi những vấn đề mà có thời chúng tôi quan tâm. Vì cơm áo hay vì một lý do gì, mà bây giờ bạn bè tôi lại dửng dưng khi đối diện với những vấn đề nóng bỏng của cuộc sống, cần có sự góp tay, chung sức của mỗi người, nhất là tuổi trẻ? Buồn quá phải không? Chưa kịp buột miệng nói ra điều đó, tôi biết rằng mình đã lầm lẫn. Đi ngang qua chợ Cồn, qua những ngôi trường đang vào buổi tựu trường… sáng nay, tôi thấy đằng sau sự tất bật, bận rộn ấy đều lấp lánh sự sống. Đà Nẵng không ồn ào, náo nhiệt. Đó là cái hấp dẫn vô cùng lý thú. Có thể ta sẽ dễ chán nếu cứ ở mãi Đà Nẵng, nhưng khi đi xa - dù chỉ một ngày - thì bỗng dưng ta lại thấy nhớ từng góc phố đến sững sờ…
Vậy nên, bây giờ, dù đang về lại với Đà Nẵng, tôi cũng thấy bồn chồn và nhớ… Đà Nẵng. Địa chỉ viết hoa này đã trở thành một bầu vú mẹ để nuôi dưỡng tôi khôn lớn và làm thơ. Đừng trách tôi về lối ví von hoa hòe ấy. Bởi chiều nay, khi ngồi lại sân trường cũ và ngồi lại trong căn nhà của mình, tôi mới biết rằng: Đà Nẵng đã cho tôi một bản lĩnh để đi xa nhưng luôn mong ngóng buổi trở về.
Lê Minh Quốc
(Phóng viên báo Phụ Nữ TP.HCM)
(nguồn: Báo Quảng Nam -Đà Nẵng cuối tuần 18.9.1988)
< Lùi | Tiếp theo > |
---|