Khi đang say men tình ái, dù dãy khăn đen đã bịt mắt nhưng con người ta vẫn hân hoan lao ra biển khơi và có thể bay lên trời. Họ chăm bẳm “Rước em lên đồi, cỏ hoang ngập lối. Rước em lên đồi, hẹn với bình minh” (P.D) mà không cần phải tính toán, so đo những gì sau đó. Dẫu nàng “đi chợ thì hay ăn quà”, cũng chẳng hề gì: “Chồng yêu chồng bảo về nhà đỡ cơm”. Dẫu nàng “Đêm nằm thì ngáy o o”, gớm, có gì mà lớn chuyện? “Chồng yêu, chồng bảo: ngáy cho vui nhà". Rõ ràng, lúc ấy, chỉ có hình ảnh chàng (hoặc nàng) choáng ngợp trong trí óc với những gì đáng yêu nhất, đẹp đẽ nhất.
Khi Thị Nở gặp Chí Phèo cũng thế. Nàng đã quên béng đi những lúc gã nhơn tình đổ đốn say sưa, cào mặt ăn vạ, suốt ngày há mồm ra chưởi cả làng Vũ Đại. Đến với tình yêu? Sự khôn ngoan đã trốn biệt đâu mất, chỉ còn là cảm xúc của trái tim. Trái tim hân hoan gõ nhịp yêu đời.
Thế là cả hai thề thốt “Ra giêng anh cưới em”. Đúng quá! Yêu nhau thì phải chung thân với nhau, ăn chung mâm, nằm chung gối cho hả lòng hả dạ đêm thương ngày nhớ. Nàng còn quả quyết: “Đói no thiếp chịu lạnh lùng thiếp cam”; và chàng: “Dẫu phận anh nghèo cũng quyết chí nuôi em”. Ai đã từng yêu, đã từng hò, từng hẹn với người yêu? Thử nghĩ lại đi, lúc ấy chúng ta thường nói với người bạn tình như thế nào?
Nói gì thì tùy mỗi người, nhưng tôi biết chắc chắn các giai tài gái sắc dưới gầm trời này điều có chung một đặc điểm: Họ mở mồm ra thề thốt và hứa hẹn một cách quả quyết như dao chém đá. Dẫu trời gầm đất lở cũng không lay chuyển được lòng dạ sắt son của họ. Lúc ấy, thời gian của tương lai đẫm vị ngọt trên môi để họ tuôn ra những lời “có cánh”, đại loại “anh (hoặc em) sẽ…”. Sẽ thế này sẽ thế kia nghe mà sướng cả con ráy.
Chính vì thế, sau khi “Anh tra khớp bạc, lục lạc đồng đen” đặng “khớp con ngựa ô” và “đưa nàng về dinh” thì chuyện gì sẽ xẩy ra? Trước hết, cảm giác đầu tiên là họ sẽ thốt ra “Đời không như là mơ”.
Trời! Bao nhiêu là phiền toái, lo toan mà trước đó họ chưa thể hình dung ra. Chẳng hạn, trước đây mỗi lần đến đâu, chàng cũng nằng nặc, năn nỉ nàng đi chung xe cho “có bạn có bè”, nay chàng thấy chẳng khác gì phải dẫn theo “cái của nợ”. Trước, đi đâu nàng cũng đòi theo cho bằng được, nay có nói gẫy lưỡi, nàng vẫn quyết “một tấc không đi, một ly không rời” chỉ muốn ở nhà hú hí với con. Đi đâu mặc xác, cứ về đúng nhà, đúng giò là được.
Những chuyện cỏn con ấy nhiều vô số như cát trên bãi biển. Khó có thể kể xiết. Lúc yêu nhau, sắp đám cưới, chỉ cần nàng (hoặc chàng) se mình là người kia đã lo sốt vó, cuống cuồng nhưng nay thì sao? Không phải đã hết yêu, nhưng công việc mỗi ngày đè nặng trên vai nên họ cảm thấy mệt mỏi và trách sao người kia không tự lo mà bất cứ việc gì cũng “phải nhờ cậy đến tay này?”. Nghe nói thế, lập tức người kia vặn lại: “Ô hay! Thế trước khi đến với nhau, anh (hoặc cô) đã hứa hẹn với tôi thế nào? Sao mà mau quên thế hở trời?"
Ôi chao, hằm bà lằn đủ chuyện.
Chuyện rằng, một đêm mưa gió bão bùng, ngoài trời mưa như thác, đường phố vắng tanh, có một người đàn ông lầm lũi bước trong mưa. Anh ta đến gõ cửa tiệm bánh bánh ngọt và mua cái bánh. Ông chủ tiệm tròn mắt kinh ngạc: “Trời! Anh thèm bánh đến thế ư?”. Người đàn ông lắc đầu một cách thảm hại như Nghị Hách trong đêm tân hôn, động phòng hoa chúc lại phát hiện... Thị Mịch đã mang bầu, bèn bẽ bàng mà rằng: “Kẻ ấy hung tợn quá, bảo đi thì phải đi”. Người bán bánh thương tình, chọn cho anh chiếc bánh ngon nhất. Người đàn ông nọ lắc đầu: “Hãy cho tôi chiếc nhỏ nhất”.
Hỡi các đấng mày râu, hãy nhớ lại đi, tại sao trước đây, ta có thể đội mưa gánh nắng chìu chuộng tất tần tật cho nàng, không thèm há mồm ra than van mà sao nay lại “than thân trách phận” não nùng đến thế? Và nàng, nàng cũng nhớ lại đi, lúc trước đã quan tâm, lo toan đến chàng như thế nào?
Tóm lại, chuyện sau hôn nhân là chuyện nhiều tập. Nếu chuyện Ngàn lẻ một đêm nhiều tình tiết, ly kỳ, hấp dẫn thế nào thì chuyện vợ chồng cũng thế thôi. Vấn đề đặt ra, ta cần thẳng thắn nhìn nhận những gì đang xẩy ra và tìm cách giải quyết theo chiều hướng tích cực, bởi “đời không như là mơ”.
L.M.Q
(nguồn: Tạp chí Thế giới phụ nữ 22.4.2013)
< Lùi | Tiếp theo > |
---|