Đất miền Trung không cằn cỗi tiếng chim
Em cứ hồn nhiên ra sông gánh nước
Hình ảnh quê nhà đã trở về trong ký ức của tôi bằng những câu thơ từ tháng năm ngồi ở giảng đường đại học. Câu thơ vọng lên dịu dàng, nhưng thấp thoáng một chút bùi ngùi trong trí nhớ. Những sáng mưa trắng trời. Những chiều mưa xối xả. Đó là nắng mưa của miền Trung mà phương ngữ có câu:
Sách Quốc văn giáo khoa thư
Mắm cá cơm
Mì bột bắpNắng cháy đầu
Mưa toạc óc
Còn có sự ví von nào khốc liệt hơn không?
Năm tháng đi qua.
Ngôi trường làng thuở ấu thời đã lưu giữ lại nhiều hình ảnh của năm tháng đó.
Lúc ấy, chông chênh một chiếc đò bé nhỏ, chống chọi lại dòng sông cuồn cuộn nước lũ đục ngầu đưa những cậu học trò đến trường. Các em ngồi co ro, chụm đầu dưới chiếc áo tơi, tay lạnh run, môi tê cóng nhưng khi ngước nhìn về phía trường làng thì lòng ấm lại... Mưa của những ngày tuổi nhỏ đã theo em vào tận cửa lớp. Vào tận trong giấc mơ nghèo khó của đêm khuya ủ dột rét mướt.
Tôi lại nhớ những ngày mưa, than ôi, những giọt nước tong tả từ mái liếp đã mục đổ ào xuống mặt bàn, hoen ố tấm bảng đen. Các em co chân trên ghế, túm tụm vào nhau mà môi run lập cập. Cô giáo đứng ở góc lớp, thẫn thờ nhìn trời đang giông bão, chẳng hiểu cô đang nghĩ gì mà thỉnh thoảng quay nhìn lũ học trò rồi thở dài…
Và nắng. Tôi đang nhớ về những dải cát trắng mênh mông. Nắng chói gắt. Nắng nhức mắt. Nơi ấy, chỉ có thể mọc lên những cây xương rồng mà gai nhọn tua tủa đâm lên... Nhưng những bước chân trần hoặc mang dép mo cau của các cậu học trò vẫn lầm lũi bước đến trường. Lúc ấy, mỗi giọt mồ hôi rơi xuống cát trắng, tưởng chừng như nó sẽ bốc hơi ngay lập tức. Nhưng khi vào đến cổng trường, thấy cây bàng xanh, xòe bóng mát đang đứng nghiêm nghị thì lòng dịu lại. Và lòng cũng nôn nao lạ thường khi nghe tiếng trống trường vang lên...
Tôi lại nhớ những ngày nắng. Những giọt nắng xuyên qua mái tranh để lại một vệt sáng dài trên mặt. Trong lớp nóng bức, thỉnh thoảng có gió lùa vào nhưng lại mang theo hơi nóng của vùng quê mênh mông cát trắng. Sau này, tôi mới biết vùng cát trắng xứ Quảng quê tôi đã tạo nên cảm hứng lạ lùng để nhà thơ Ý Nhi có được những câu thơ tuyệt hay:
bỗng hiện về một miền cát trắng mênh mông, với màu trắng dịu dàng, quyết liệt
tôi đã đến, tôi đặt chân mình trên cát
cát ròng ròng tuôn chảy dưới lòng chân…
Tôi còn nhớ, thỉnh thoảng lại có những cơn gió lốc ào đến và cuốn theo cả cát. Cát bay vào trong mắt cay xè và cát tung tóe đầy trên trang vở mới.
Lúc ấy, trong thâm tâm của các em lại vang lên lời dặn dò của mẹ: “Cố gắng học cho ngoan, cho giỏi con à. Áo của anh Hai cũng vừa vặn. Trông con bảnh tỏn ghê”. À! Ấy là chuyện của những ngày trước mà em đã mè nheo với mẹ là nhất quyết không chịu đến trường, vì không có quần áo mới. Mẹ em hứa, sau mùa thu hoạch bắp sẽ sắm cho em một bộ mới kẻng. Nhưng rồi thời tiết thất thường, mưa ủng đất. Bao nhiêu công sức của mẹ đổ xuống dòng Thu Bồn cuồn cuộn nước trắng xóa. Thế là đêm đêm mẹ lại lặng lẽ ngồi bên ngọn đèn dầu khâu, vá lại chiếc áo của anh Hai cho em. Thì trông cũng vừa vặn. Chỉ tiếc trên túi áo một vết mực tím đã loang, mẹ giặt mãi vẫn không sạch. Mẹ lại bảo: “Anh Hai con học giỏi, con mặc áo của anh Hai thì chắc là hên lắm đây!”. Mà, ngay cả chiếc cặp da của anh Hai em cũng cũ mềm. Một quai đeo đã đứt. Ừ thì cũng chẳng sao. Nhà mình nghèo thì chịu vậy thôi. Còn đỡ hơn con Tí, thằng Tèo phải đi chăn trâu, có được ê a đến lớp đâu. Em cố mím môi cười khì cho mẹ vui lòng.
Năm tháng đi qua.
Tôi lớn lên. Bỏ lại sau lưng ngôi trường bình dị, cũ kỹ, nhỏ bé của năm tháng hoa niên để vào học nơi phồn hoa phố thị. Quay đầu nhìn lại Ngũ Hành Sơn đang đứng dãi dầu trong mưa nắng, đột nhiên trong lòng lại nhớ đến:
Tháng chín trắng trời cơn giông tầm tả
Mẹ mặc áo tơi còng lưng cấy mạ
Hình ảnh người mẹ ở quê nghèo đã thôi thúc các em học.
Năm tháng đi qua.
Bây giờ, không chỉ hình ảnh lo toan của người mẹ, tôi nghĩ các em nhỏ ngày nay đã may mắn hơn gấp nhiều lần. Tôi biết, đã những bàn tay nhân ái của cộng đồng đã đến với các em vùng quê nghèo cùng tâm niệm “Chia sẻ là hạnh phúc”. Hạnh phúc nghĩ cho cùng, chính là sự cho đi, là sự chia sẻ. Những ngôi trường mới được dựng lên, những phần thưởng vì học sinh nghèo hiếu học ngày một nhiều hơn. Và qua đó, cộng đồng đã thắp lên niềm hy vọng trẻ em được đến trường ngày một nhiều hơn. Chỉ nghĩ đến thế, tôi đã ấm lòng.
Năm tháng đi qua.
Hình ảnh của quê nhà nay đã khác. Tôi biết, trong đêm đen của sự thiếu thốn ở nhiều vùng sâu, vùng xa đã lập lòe những ánh sáng đom đóm. Ánh sáng ấy như ngọn đèn bền lòng góp phần đưa các em đến lớp. Từ đây, trong suy tư các em sẽ còn có thêm một hình ảnh mới, một ý thức mới “Chia sẻ là hạnh phúc”. Hạt giống ấy, tôi tin sẽ được các em gìn giữ và khi lớn lên sẽ tiếp tục gieo hạt - bởi lẽ khi trang vở lật ra, mấy ai xa quê mà không thấy trên trang giấy trắng hiện lên hình ảnh của quê nhà, hiện lên tháng ngày đi học?
L.M.Q
(nguồn: báo CA Đà Nẵng số Xuân 2012)
< Lùi | Tiếp theo > |
---|