Một chuyến đi du lịch của người thân (Mỹ)
“Mưa chi mưa mãi
Lòng biết thương ai
Trăng lạnh về non không trở lại
Mưa chi mưa mãi
Lòng nhớ nhung hoài
Nào biết nhớ nhung ai
Mưa chi mưa mãi
Buồn hết nửa đời xuân
Mộng vàng không kịp hái...”
Những cơn mưa thúi trời thúi đất của xứ Huế chính là nguồn cảm hứng vô tận để nhiều nhà thơ “gặt hái” được những bài thơ buồn não ruột. Không riêng gì Lưu Trọng Lư, tác giả Tiếng thu, mà Nguyễn Bính, trong một chuyến đi giang hồ, rồi “nằm mốc ở nơi đây” đã thốt lên não nùng:
Giời mưa ở Huế sao buồn thế
Cứ kéo dài ra đến mấy ngày...
Sầu nghiêng mái quán mưa tong tả
Chén ứa men lành lạnh ngón tay...
Và ngay cả nhà thơ Tố Hữu, khi cảm nhận về mưa của quê mình đã tự hỏi: “Nỗi niềm chi rứa Huế ơi/ Mà mưa xối xả trắng trời Thừa Thiên?” Ừ thì mưa! Nơi nào cũng có mưa. Nhưng có lần trao đổi thân mật với chúng tôi, anh Xê - phó chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên Huế đã “tiết lộ” một thông tin đáng để những người làm du lịch suy nghĩ. Ấy là tại sông Hương núi Ngự sẽ hình thành tour du lịch... mưa Huế!
A! Nghe ra thấy cũng ngồ ngộ. Lâu nay, người ta vẫn thích đi chơi lúc trời trong nắng mát, để ngắm cảnh, chụp hình, để nghe chim kêu vượn hót... chứ mấy ai thích đi trong mưa dầm dề, ướt át, lạnh đến buốt xương! Nhưng nghĩ như thế là... nhầm. Vấn đề đặt ra là cách tổ chức như thế nào cho hợp lý, phù hợp tâm lý của những người muốn được tận hưởng những cơn mưa bất tận ở Huế! Không chỉ như cái thời thi sĩ Lỡ bước sang ngang đã “Thuốc lào hút mãi người ra khói”. Mà phải được “hỗ trợ” thêm nhiều thứ nữa, chẳng hạn được ăn cái gì cho “đã”, cho đúng “điệu nghệ” lúc chìm đắm trong mưa Huế nữa chứ!
Một chuyến đi du lịch của người thân (Mỹ)
Năm kia tôi có được đọc một truyện ngắn của nhà văn Nhật Bản, trong đó có hai nhân vật, họ có thú vui lạ lùng là đôi lúc đi bộ vài trăm cây số đến một ngôi chùa, đến nơi cả hai ngồi im lặng, đối diện nhau, cùng ngắm nhìn cây bonsai suốt một ngày rồi lặng lẽ... đi về! Thế thì, làm du lịch không phải “thấy người ta ăn khoai mình cũng vác mai đi đào”. Mà phải tìm cho mình một hướng đi riêng, tận dụng thế mạnh vốn có của địa phương mình, tất nhiên, nó cũng nằm trong quy hoạch tổng thể du lịch cả nước, như phát triển du lịch Đà Nẵng trong thế liên kết chặt chẽ với du lịch miền Trung - Tây Nguyên, đặc biệt là du lịch Huế và Hội An - Mỹ Sơn.
Vậy ở Đà Nẵng có gì? Câu hỏi này, tôi tin chắc rằng Sở Du lịch Đà Nẵng cũng từng “nung nấu tâm can vò võ trán” để tìm câu trả lời. Vẫn biết Đà Nẵng có tiềm năng, lợi thế là nằm trong vùng tài nguyên du lịch phong phú, vị trí trung tâm của những di sản văn hóa thế giới; có bờ biển đẹp dài hơn 60 km và nhiều danh lam thắng cảnh v.v... Có lần qua trò chuyện, anh Sâm - giám đốc Sở Du lịch Đà Nẵng cho biết, các anh đang xúc tiếng mở tour du lịch sinh thái, làng quê. Chẳng hạn, đó là các khu du lịch làng quê Hòa Xuân, làng văn hóa dân tộc Katu Hòa Phú, khu vực sông Trường Giang...
Thoáng nghe qua đã thấy hấp dẫn rồi. Thử nghĩ, tại sao một làng quê Đường Lâm ở Bắc bộ, như nơi hiện đang thờ danh tướng Ngô Quyền lại hấp dẫn du khách đến thế? Tại sao làng quê Bát Tràng lại gợi hứng cho cảm xúc đến thế. Tôi đã tìm đến, và tưởng chừng như không ghi nhận ngay thì đêm ấy sẽ không sao ngủ yên trước vẻ đẹp dân dã đã chín dần trong tâm tưởng:
Con đường quê cỏ mượt
Khói chiều lên biếc xanh
Gạch Bát Tràng mát lạnh
Mang giày đi sao đành?
Dưới ao sâu con cá
Quẫy đuôi cũng hiền lành
Gái men lam óng ả
Rơm vàng mượt bước chân
Một tiếng chim ngọt lịm
Tan trong chiều nhẹ tênh
Trong làng gió cổ kính
Ru lòng yên tĩnh hơn
Ngói âm dương lăng miếu
Rêu xám ướt và mềm
Một chiều qua vội vã
Nỗi nhớ lại lâu quên…”
Thì ra nhà thơ khi du lịch vẫn là kẻ “có lợi” nhất, vì ít ra ngoài những sản vật, khiến thức đem về, anh ta còn có dịp tiếp cận với một nguồn năng lượng mới để làm giàu cho cảm hứng sáng tạo. Lại nghĩ, làm du lịch mà không “móc túi” được du khách thì đâu phải làm du lịch.
Với tôi, có hai trường hợp đáng nhớ: Năm kia khi đặt chân lên Mỹ Sơn, ngay giữa trời nắng chói chang chúng tôi phải lội ngược về Đà Nẵng, vì nơi ấy không có gì để... ăn cho khoái khẩu! Và năm nọ, nhân dịp 30.4, chúng tôi ra Vũng Tàu chơi, cứ tưởng tiền thuê khách sạn cũng như “ngày như mọi ngày”, nhưng không ngờ do đón số lượng khách nhiều nên các khách sạn lập tức... tăng giá đồng loạt gấp đôi! Bực mình quá, chúng tôi phải bấm bụng. Lúc về nhà, tôi viết bài báo cho phản ánh đăng trên báo Vũng Tàu. Nhưng sau đó, dăm lần tôi gọi điện thoại anh Toàn - Tổng biên tập báo, hỏi Sở Du lịch có trả lời gì không thì anh cho biết là... không! Thế là mỗi lần nghĩ đến nơi ấy, muốn đi chơi lần nữa, cũng ngại chạm phải kiểu “cứa cổ” trên nên đành chuyển đi chơi ở Mũi Né vậy.
Một chuyến đi du lịch của người thân (Úc)
Trong khi đó, đến Thái Lan, tôi thấy họ nghĩ ra nhiều “độc chiêu” để “moi” tiền của du khách một cách hợp lý. Mà thôi, kể lại làm gì, ai cũng biết cả rồi, lại không khéo có người cho rằng “đi xa về nhà nói khoác”, vì sự so sánh nơi này với nơi kia bao giờ cũng làm người chưa đi xa bực mình. Thế những, cho tôi được tâm đắc với một chuyện khá thú vị, là lâu nay ta đã và đang báo động về một số làng nghề Việt Nam đang có nguy cơ bế tắc, sản phẩm làm ra không có người mua v.v... Sao ta không thử làm như họ, ví dụ như đem tranh dân gian Đông Hồ in vào vải lụa thật đẹp theo đủ kích cỡ để bán cho du khách?
Tôi đã thấy trong các siêu thị, trên hè phố Bangkok bày bán rất nhiều tranh dân gian Thái - in trên lụa với giá rất rẻ, chỉ khoảng 25 - 30 “bat” (tương đương 10.000 -12.000 đồng VN) mà thôi. Nếu đến Huế - chỉ đến Thành nội Huế là ta mới có thể mua được loại tranh in các phiên bản cảnh trên đỉnh đồng triều Nguyễn bằng giấy dó. Sao ta không phát triển rộng rãi loại tranh độc đáo đó như ở Thái Lan. Họ cũng cho in các điêu khắc văn hóa của họ bằng phương pháp thủ công, nhưng đường nét thật sắc sảo, sắc nét trên vải lụa. Lập tức nó nó hoàn toàn khác với tranh giấy dó của ta chỉ để trong bộ sưu tập - thì của họ, ta có thể treo trên tường cho mọi người cùng chiêm ngưỡng.
Một chuyến đi du lịch của người thân (Cù Lao Chàm)
Mà này, có thể gắn du lịch với tín ngưỡng tôn giáo không? Có chứ, bà chị tôi vào chơi núi Bà Đen (Tây Ninh), không biết người ta nhỏ to thế nào mà vay tiền của Bà. Tất nhiên là tiền âm phủ, không xài được trên trần thế, nhưng lại là “lộc” để mua may bán đắt. Vậy là mỗi năm sau Tết, chị tôi lại vào viếng Bà, chưa có tiền trả thì khấn nguyện, rồi bao giờ trả đủ thì thôi! Khoan bình luận gì cả, mà rõ ràng, nơi ấy có thể giữ chân được một số lượng du khách nhất định, người ta quay lại nhiều lần là vì ý thức tín ngưỡng trong tâm linh, tự nguyện chứ nào ai bắt buột gì đâu!
Danh lam thắng cảnh là nơi luôn quyến rũ những bước chân “đi cho biết đó biết đây”. Nhưng thiết tưởng phải có thêm “cái gì đó” để họ còn quay lại. Tôi nhớ mãi ấn tượng, lần nọ đi chơi AngKo Wat, leo lên tháp lại gặp ngay... bà thầy bói! Bói trúng trật như thế nào không rõ, nhưng cũng tạo cho mình cảm giác khó quên. Vì cứ nghĩ nơi thiêng liêng mà có người biết xem “tương lai quá khứ” thì ắt không phải... người trần mắt thịt (!)
Trở lại với tour độc đáo “mưa Huế”, đôi lúc tôi nghĩ sao Đà Nẵng không thử mở thêm tour... “đi bộ”! Nghe ra thấy buồn cười. Vì Nghị quyết 3 của Thành ủy Đà Nẵng đã định hướng là ưu tiên phát triển du lịch biển, du lịch văn hóa - lịch sử, sinh thái, du lịch công vụ... Nhưng càng đa dạng hóa thì càng hay chứ sao! Theo thiển ý của chúng tôi, du lịch Bà Nà có một sắc thái riêng không giống như những nơi khác là ta có thể “cỡi ngựa xem hoa” trong một tour ngắn ngày; còn ở Bà Nà thì không thể. Vì muốn tận hưởng sự thú vị hơn cả khi đến Đà Lạt, Sa Pa hoặc mùa xuân của nước Pháp như nhiều người từng ca ngợi thì du khách phải “sống” nơi ấy, thật sự đắm mình trong không gian Bà Nà thì mới có thể cảm nhận được hết sự độ lượng của thiên nhiên từ chân tơ đến kẻ tóc, cảm nhận hết được thời tiết lạ lùng: sáng, mùa xuân; trưa, mùa hạ; chiều, mùa thu và tối, mùa đông. Vậy vấn đề đặt ra, là phải thường xuyên có nhiều hoạt động khác nhằm thỏa mãn mọi nhu cầu của du khách.
Nếu chỉ đưa du khách “đi cho biết” Bà Nà bằng cách lên núi buổi sáng, xuống núi buổi chiều mà chỉ có mỗi một... thiên nhiên thì cũng khó lôi cuốn họ lên lại lần thứ hai.
Trong khi các nhà làm du lịch chuyên nghiệp đang suy nghĩ thì ta thử làm tour... đi bộ lên núi Bà Nà, có người hướng dẫn, không phải đi bằng đường trải nhựa rộng thênh thang, an toàn mà đi bằng đường rừng để tạo cho du khách cảm giác phiêu lưu, mạo hiểm, khám phá và chinh phục. Đi để chiêm nghiệm với phương ngữ địa phương “Nói dốc như dốc Bà Nà” và tôi cũng từng cảm nhận:
“Khúc khuỷu dốc với đèo
Vực sâu run mắt ngó
Suối thét gầm đầu non
Thác từ trên trời đổ
Vượn hú cõi càn khôn
Âm với dương tri ngộ
Ta bay lên trời chơi
Thấy trần gian cũng nhỏ...”
cũng là điều thú vị lắm đây. Và cũng nên nghĩ thêm chuyện “tầm thường” nhưng đối với du khách rất có ý nghĩa, là khi họ đã đến tận đỉnh Bà Na thì nên cấp cho họ... một giấy chứng nhận là đã có mặt tại chốn này! Cũng là điều vinh dự, một kỷ niệm đấy chứ! Nhất là lúc ấy chỉ tại Bà Nà, họ mới có thể:
“Vọc xuống hai bàn tay
Vốc lên chùm mây trắng...”
Một chuyến đi du lịch của người thân (Mỹ Sơn)
Nghĩ cho cùng, trong đời được đi chơi xa nhiều lần, há cũng là một lạc thú. Nhưng đi du lịch mà “ngon” nhất nếu chọn lấy một người thì tôi vẫn chọn lấy thi sĩ Tản Đà - người đã nâng “chủ nghĩa xê dịch” thành một triết lý: “Chơi cho biết mặt sơn hà / Cho sơn hà biết ai là mặt chơi” thì quả đáng cho đám hậu sinh phải ngưỡng mộ. Qua thơ của ông, ta thấy “thi sĩ trích tiên” đã từng lên chơi trên... trời! Nếu đó là một sự tưởng tượng phong phú thì trong đời thường, Tản Đà đã từng có một khát vọng... mở công ty du lịch!
Số là năm 1938, lúc ngheo túng nhất, phải mở cửa hàng xem số Hà Lạc, dịch thơ Đường cho báo Ngày Nay, thi sĩ đã tuyên bố với báo giới: “Tôi đang tổ chức một đoàn du lịch lấy tên là “Hồng Bàng dân tộc, Tản Đà du lịch đoàn”. Trong đoàn ấy chỉ chọn lấy mươi người thôi. Mười người thật xuất sắc về mọi phương diện, trong đó phải có đủ cả thầy thuốc, võ sĩ, kịch sĩ, thợ thuyền, đi đến đâu làm lấy mà ăn và đi toàn máy bay cả”. Nghe thế, nhà báo hỏi: “Hình như thi sĩ quên mất phi hành gia thì phải?”. Tản Đà nói nhanh: “Có chứ! Phải có hai phi hành gia trong bọn mình để nhỡ một người say rượu hay nhức đầu sổ mũi đã có người thứ hai thay ngay. Nhưng theo ý tôi thì cần nhất là võ sĩ. Võ sĩ cũng phải có hai: một chánh du côn, một phó du côn tuyệt bướng. Đến đâu có người sinh sự là ra giở võ choang liền, để cho người ngoại quốc biết dân Việt Nam không phải là hèn kém gì” (Ngày Nay số 147- 1939). “Phương án” du lịch của thi sĩ “Bạn bè sum họp, vợ chồng biệt ly” đã khiến ta phải... phì cười một cách hết sức thú vị.
Đã có lần, được ngồi trên xe để người ta đưa lên tận đỉnh Lang Biang, tôi thấy sung sướng vô cùng. Nhưng lần khác, theo dăm ba người bạn thử... đi bộ lên lại thì quả thật, nỗi sung sướng ấy tăng thêm bội phần. Bởi lẽ, du lịch không chỉ là tận hưởng những gì người đem lại cho mình mà còn là dịp mình “thử lại”, kiểm chứng lại mình nữa chứ!
Lê Minh Quốc
(nguồn: tạp chí Du lịch Đà Nẵng)
Cùng một chủ đề:
LÊ MINH QUỐC: Ngẫu hứng về những chuyến đi
LÊ MINH QUỐC: Du lịch của người câm
LƯU ĐÌNH TRIỀU: Bút ký du lịch
< Lùi | Tiếp theo > |
---|