Trong dòng chảy tất bật của ngày tháng, bỗng có một chiều thong dong đi trên phố, ngước nhìn vòm cây xanh, dòng người đi tấp nập, ta chợt kêu lên: “Tết đến rồi”. Tiếng gọi thầm dù không vang vọng, nhưng đủ đem lại một cảm giác lạ lùng. Có thể là cảm giác của người đi xa nhớ về đoàn tụ; của đứa trẻ hồi hộp chờ phong bì đỏ có tiền mừng tuổi; của những người tha hương mơ về bếp lửa ấm… Những cảm giác ấy, với tôi, cũng rạo rực như lần đầu tiên hò hẹn với người tình. Biết bao là hân hoan, xao xuyến và bấm đốt ngón tay mà đếm từng ngày. Đếm từng ngày đợi Tết.
Ảnh: Việt Tuấn Trinh
Tết Nguyên đán bắt đầu vào lúc giao thừa với lễ trừ tịch, nhưng từ ngày 23 tháng Chạp - ngày đưa ông Táo về trời đã là Tết. Người ta tin rằng, dịp này ông thần bếp sẽ “báo cáo” với Ngọc hoàng mọi chuyện tốt xấu trong năm qua tờ sớ. “Copy” hình ảnh này, nhiều tờ báo Xuân trước năm 1975 đã xuất hiện mục Sớ táo quân nhằm trình bày về những chuyện quan trọng trong năm qua một cách khôi hài và tinh tế.
Việc thờ thần bếp không mất đi vì ngoài tín ngưỡng nó còn có ý nghĩa nhắc nhở các thành viên trong một nhà phải ăn ở cho phải đạo. Chính vì thế, cái bếp giữ một vị trí quan trọng vào bậc nhất trong nhà. Khi xây cất nhà cửa phải coi hướng nào tốt để đặt bếp. Khi có chuyện lục đục trong gia đình, người ta thường được khuyên nhủ phải sửa lại hướng bếp. Bếp còn là nơi giữ lửa, làm ấm áp cho cuộc sống gia đình. Vì thế, ông Táo, cũng là cái bếp lò, luôn được giữ gìn sạch sẽ và bận rộn. Vào ngày này, tất bật đến mấy cũng không quên được tục lệ đưa ông Táo về trời thường là hương, đèn, trà, bánh (ở miền Nam còn có cả kẹo thèo lèo)… Nhà nào “chơi sang” thì trên mâm cỗ có con gà luộc, xôi gấc và con cá chép. Cá chép sau khi hương tàn, sẽ được mang ra sông, hồ và thả xuống nước. Điều này gợi cho chúng ta nhớ đến tích “cá vượt vũ môn hóa rồng” như một hình thức tiễn Ông Táo về trời.
Nếu những ngày trước ngày Tết, mọi gia đình đều có lễ rước ông, bà tổ tiên như ta đã biết thì trong đêm giao thừa còn có lễ trừ tịch cũng quan trọng không kém. “Giao thừa” là “cũ giao lại, mới tiếp lấy” nên có lễ trừ tịch hay lễ giao thừa là vậy. Theo nhà văn hóa Phan Kế Bính: “Tục ta tin rằng mỗi năm có một quan Hành khiển coi việc nhân gian, hết năm thì thần nọ bàn giao công việc cho thần kia, cho nên cúng tế để tiễn đưa ông cũ và đón ông mới”. Vì thế, dù giàu dù nghèo nhà nào cũng phải có lễ cúng giao thừa nhằm tạ ơn thần đất, thành hoàng, người khuất mày khuất mặt phù hộ trong năm qua.
Bàn thờ được thiết lập ngoài trời, có đỉnh hương trầm, nhang đèn, giấy vàng mã, bánh trái - thường là một cặp dưa hấu thật to, thật tròn trịa đẹp đẽ. Lễ vật tùy theo hoàn cảnh mỗi gia đình, không cần nhiều miễn là có lòng thành nhưng dứt khoát không thể thiếu chén rượu trắng. Vô tửu bất thành lễ là vậy. Ngày trước còn có văn khấn lễ giao thừa. Theo cụ Toan Ánh, đại khái là sau khi gia chủ xưng tên tuổi với thiên, thổ thì khấn: “Vọng bái: Trước bệ ngọc đức Tống vương hành khiển, ngũ đạo chi đức tôn thân: âm tào phán quan tại vị ở trước; Đức thổ địa nơi đây tại vị ở trước; Đức Thành hoàng bổn cảnh tại vị ở trước, cầu chư vị chứng giám. Cúi đầu kêu xin: “Chư vị phù hộ cho toàn gia chúng tôi, từ già đến trẻ, quanh năm được tăng phúc, tăng thọ, người an, vật thịnh, vạn sự hanh thông”.
Ảnh: Việt Tuấn Trinh
Nay hầu như không mấy ai còn nhớ lời khấn, nhưng lễ trừ tịch vẫn duy trì. Ngày trước, sau lễ trừ tịch thì nhiều người làm nghề gánh nước tự ý gánh cho mỗi nhà vài đôi nước, ngụ ý “của vào như nước”, gia chủ vui vẻ trả tiền công nhiều gấp mười ngày thường. Nay ai cũng xài nước máy nên tập tục này cũng mất đi. Sau khi cúng giao thừa, người ta thường rủ nhau đi chùa hái lộc đầu năm, đi xem bắn pháo hoa mãi đến rạng sáng mới trở về nhà…
Tết không chỉ dành cho người đang sống mà còn dành cho cả người đã khuất. Đây là dịp gặp gỡ giữa âm và dương, giữa trần thế và cõi u minh. Tất nhiên sự việc chỉ diễn ra trong tâm thức, không cần lý giải, ai ai cũng tin đó là điều có thật.
Thiêng liêng làm sao vào ngày cuối năm. Lúc ấy trên bàn thờ gia tiên bày biện một mâm cỗ rước ông bà tổ tiên. Cây có cội, nước có nguồn là vậy. Trên mâm cỗ vẫn là các món mà lúc sinh thời tiền nhân ưa thích. Đây cũng là một trong những biểu hiện của văn hóa người Việt, không cứng ngắt theo khuôn phép mà luôn uyển chuyển, linh động… Nhìn khói trầm thơm lãng đãng trong nhà, người ta tin rằng đó là những “gạch nối” giữa quá khứ và hiện tại, giữa thế hệ này với thế hệ trước. Rồi trong ba ngày Tết, con cháu trong nhà lại thành kính dâng lên hai bữa cơm chính cùng hoa quả. Do có sự “hiện diện” thiêng liêng ấy nên con cháu phải cư xử trên thuận dưới hòa, nếu có hiềm khích cũng phải bỏ qua, hàn gắn lại sự thuận thảo. Sau Tết, người ta lại chọn giờ khắc tốt nhất để làm lễ tiễn đưa các linh hồn trở về thế giới bên kia. Những ước mong được ban phúc bảo bọc, những lời cầu nguyện, những buồn vui của từng thành viên trong gia đình cũng được gửi theo qua lời khấn nguyện.
Tập tục tốt đẹp này đã tồn tại hàng ngàn năm nay và sẽ không bao giờ mất đi. Tuy nhiên, trong nhịp sống hiện đại, nghi lễ đón Tết đã khác trước. Đã giản lược khá nhiều. Phải thế thôi, khi mà hầu như cộng đồng đã bước ra ngoài nhịp sống nông nghiệp. Đọc lại câu ca dao quen thuộc:
Thịt mỡ, dưa hành, câu đối đỏ
Cây nêu, tràng pháo, bánh chưng xanh
Ta thấy cái Tết trong tâm thức từ ngày xưa đã khác. Chẳng hạn, không còn nhiều nơi, nhiều người trồng cây nêu, xem giờ tốt xuất hành, dán tranh tết, câu đối lên tường nhà, khai bút, khai ấn đầu xuân… Ngay cả hái lộc tại đền, chùa cũng hạn chế nhiều. Ai cũng tranh nhau hái lộc thì cây cối xác xơ thảm hại biết chừng nào? Hạn chế là phải rồi. Còn chuyện đốt pháo thì đã cấm tiệt v.v… Hình ảnh Tết cổ truyền còn lại chăng là dưa hành, bánh chưng xanh. Thịt mỡ không còn là sự khoái khẩu nữa, không tin cứ hỏi… phụ nữ đang ăn kiêng giữ eo thì rõ ngay! Sự thay đổi đó là cần thiết, nhưng có những tập tục không thể thay đổi mà phải lưu giữ từ đời này qua đời khác. Nói cách khác, đó là sự lưu giữ nền móng, bản sắc văn hóa của một dân tộc.
Tương truyền Bà chúa thơ Nôm Hồ Xuân Hương có câu đối thật hay, ít nhiều nói lên được quan niệm đón Tết của người Việt:
Tối ba mươi, khép cánh kiền khôn, ních chặt lại kẻo ma vương bồng quỷ tới;
Sáng mồng một, lỏng then tạo hóa, mở toang ra cho thiếu nữ bế xuân vào.
Qua đó ta thấy chuyện xông đất đầu năm xưa nay luôn là mối quan tâm của nhiều người. Ai cũng muốn người “nhẹ vía”, làm ăn phát tài phát đạt, mua may bán đắt, khôn ngoan lanh lợi đến “đạp đất” nhà mình. Có như thế mới “hên” cả năm. Người đến xông đất chúc “tăng phúc tăng thọ” nếu nhà có cha mẹ già; chúc “nhất bản vạn lợi”, buôn bán phát tài nếu là nhà buôn; chúc thăng quan tiến chức nếu nhà có người làm việc nhà nước v.v…Nếu trường hợp không nhờ cậy được ai, gia chủ tự xông đất nhà mình cũng được. Trong ba ngày Tết cũng là dịp bà con chòm xóm sang nhà viếng hỏi han nhau nhằm gắn kết tình làng nghĩa xóm. Tập tục này nay chỉ còn ở nông thôn, ở thành thị ít ai quan tâm đến.
Nói đến Tết thì không thể thiếu lì xì - phiên âm từ “lợi thị” tiếng Quảng Đông sang tiếng Việt, còn gọi tiền mừng tuổi. Tiền lì xì đựng trong phong bao màu đỏ tượng trưng cho sự may mắn, làm ăn phát đạt, học hành tấn tới… Có gia đình con cháu lì xì cho ông bà hoặc ba mẹ lì xì cho con cái vào lúc giao thừa, nhưng thường là sáng mồng một Tết. Lúc ấy, tam đại hoặc tứ đại đồng đường đều mặc quần áo mới sạch sẽ chúc mừng và trao cho nhau những phong bì lì xì. Người lớn mừng tuổi cho trẻ em; con cháu nhỏ mừng cho các ông bà như thay lời chúc thọ trăm năm an khang khỏe mạnh, vui vầy cùng con cháu… Ông bà lại chúc các cháu học hành giỏi giang hoặc năm mới làm ăn tấn phát hơn v.v… Trong ba ngày Tết, bạn bè đi thăm hỏi nhau thì ai cũng có sẵn vài ba phong bì lì xì. Tiền trong phong bì ít nhiều cũng được nhưng phải là số lẻ, ngụ ý sẽ dư mãi ra. Và nó còn có ý nghĩa chúc người nhận gặp được những điều tốt đẹp trong năm.
Ngày Tết, người Việt thường có nhiều kiêng cữ, nhưng nay đã “du di” ít nhiều. Theo tục lệ ngày xưa, mọi nợ nần trong năm phải trả trước Tết, không để sang năm mới. Có câu: “Giàu, khó ba mươi Tết mới hay”; hoặc “Réo như réo nợ ngày trước Tết”. Nay cũng vậy, chẳng ai muốn nợ cũ dây dưa sang năm mới. Vì thế kiêng nợ đòi vì sợ giông cả năm. Người ta còn kiêng làm lễ động thổ, đào đất…
Lại có tích xưa, có người lái buôn tên Âu Minh được Thủy thần ban cho con hầu là Ngư Nguyện và làm ăn giàu có. Sau, nhân ngày mồng một Tết đánh nó, nó chui vào đống rác mà biến mất, từ đấy nhà kia nghèo đi. Vì thế, ngày Tết còn kiêng quét nhà vì sợ tài lộc ra đường, đợi qua Tết mới hốt đổ đi.
Ngoài ra, không hẳn là một tập tục nhưng tạm gọi văn hóa năm mới. Từ rất lâu lắm rồi, Tết tượng trưng cho một thời điểm để người ta ăn ngon và mặc đẹp, vui chơi thư giản. Ai cũng sắm vài bộ quần áo mới cho ba ngày đầu năm, từ người lớn đến trẻ con. Giàu nghèo gì cũng thế, cứ đến Tết là phải tươm tất. Ai đến nhà ai cũng diện lấy bộ “kẻng” nhất. Ngày Tết ngày nhất, dù giàu nghèo ai ai cũng muốn thể hiện cái mới, cái đẹp của mình. Người ta kiêng mặc đồ màu đen, xám e xui xẻo; kiêng áo quần trắng e có điềm tang tóc. Những người có tang ma phải kiêng đến nhà người khác, ngay cả đàn bà, con gái đang bụng chửa dạ mang cũng vậy. Những người buôn bán mở hàng đầu năm kiêng những lời mặc cả, cò kè bớt một thêm hai sợ ế hàng, mua bán không mau mắn. Ngày Tết ngày nhất người ta cũng kiêng nói những lời thô tục, chết chóc, cau có, giận dữ; kiêng uống rượu say sưa, nôn ọe hoặc nằm lại nhà người khác; không để cho trẻ con khóc…
Dù hàng ngàn hàng triệu năm sau nữa, phong vị Tết, văn hóa Tết trong tâm thế của người Việt vẫn thiêng liêng bởi một lẽ không ai có thể chối bỏ được, đó là những ngày của sum họp, đoàn tụ nhiều thế hệ trong gia tộc, gia đình; là sự kết nối quá khứ và hiện tại; là sự gắn bó trong tâm thức của ông bà tổ tiên với thế hệ hôm nay...
LÊ MINH QUỐC
(nguồn: http://baoxuan.phunuonline.com.vn/mua-xuan/xuan-sum-vay/tet-niem-vui-cua-su-sum-hop/a84845.html
< Lùi | Tiếp theo > |
---|