“Đất lành chim đậu”. Sài Gòn là một vùng đất như thế. Năm tháng sinh viên, tôi đã có những ngày lang thang trên “ngựa sắt” khắp hang cùng ngõ hẻm của chốn phồn hoa đô hội này. Và đã yêu một người yêu một người.
Xin cám ơn con ngựa sắt cà tàng
Rong ruổi theo em chưa hề bỏ cuộc
Chiếc xe đạp như một vần thơ
Chuyên chở tôi đi tỏ tình khó nhọc
Ai cũng có hoa trái của một thời tuổi trẻ trong mộng mị lẫn đời thường. Hoa trái thơm tho như mắt môi của một người con gái ấy. Gặp một người, yêu một người. Và chúng tôi đã có kế hoạch nên duyên sắt cầm. Năm 1987, tôi viết bài thơ Nơi em về làm dâu.
Có bài thơ viết cho một người, nhưng sau đó lại được nhiều người yêu thích. Anh Đặng Việt Hoa - Phó Tổng biên tập báo Thanh Niên là một trường hợp. Hầu như những dịp trà dư tửu hậu, lúc hào hứng nhất, anh đều ngâm nga bài thơ này theo giọng Quảng Nam. Nghe bồi hồi khôn xiết. Hỏi, thuộc bài thơ này lúc nào? Anh cho biết là đọc và nhớ từ thời còn sinh viên. Hình ảnh đầu tiên trong bài thơ này, tôi chọn Hồ Con Rùa. Không phải bây giờ, mà ngay từ lúc đó, đoạn đường này đã mọc lên khá nhiều quán cà phê và bọn sinh viên chúng tôi thường tụ tập ở đó. Một phần là cà phê quán cóc, rẻ tiền và cái chính là được nhìn phố xá ngựa xe tấp nập mỗi ngày. Từ “Con đường Duy Tân cây dài bóng mát” (nay Phạm Ngọc Thạch), ta có thể phóng một tầm mắt đến tận Nhà thờ Đức Bà. Mỗi chiều nhẹ nhàng gió và nắng đã gợi lên cảm giác rất đỗi bình yên.
Lúc ấy, tôi nghĩ đến hình ảnh “lý ngựa ô” - một điệu lý nổi tiếng và quen thuộc của người Phương Nam. Từ đó, bài thơ đi sâu vào mô tả vùng đất đã cưu mang mình khôn lớn từng ngày.
Đất miền Trung không cằn cỗi tiếng chim
Em cứ hồn nhiên ra sông gánh nước
Xứ Quảng quê mình “chó ăn đá, gà ăn đất”, dù nghèo nhưng thiên nhiên thanh thản, phóng khoáng lạ thường. Mỗi sáng, trên đường đi học, ai lại không nghe tiếng chim gù rúc rích trên lùm tre? Từng âm thanh lăn xuống đường làng như tửng chuỗi ngọc vỡ ra và tạo nên âm thanh lóng lánh. Hình ảnh, các thôn nữ quê mình gánh nước luôn gợi trong tôi cảm giác hết sức thánh thiện và hôn nhiên. Ráng chiều thấp thoáng ngoài xa, chiếc đòn gánh đong đưa trên đôi vai mảnh khảnh kia tạo nên vóc dáng yểu điệu lạ thường.
Nói đến Xứ Quảng là phải nhớ đến mưa. Dù không đến mức “Nỗi chi rứa Huế ơi / Mà mưa xối xả trằng trời Thừa Thiên” (Tố Hữu), mưa quê mình cũng bạo liệt không kém. Sau này khi đi làm báo, những lần về quê cứu trợ bão lụt tôi luôn rùng mình nhìn những ngấn sẫm đọng lại trên vách tường, sau khi nước rút. Đã có lần tôi viết: “Làm sao vẽ được cơn cuồng nộ của bão? Những đêm đen toác hoác cả vòm trời. Nơi đó, có dòng sông điên cuồng nhào xuống đất. Đất hóa thành sông lênh láng ngược lên trời”. Dù khắc nghiệt nhưng cha mẹ vẫn kiên cường bám đất,còng lưng cấy mạ “Để nuôi anh ăn học ở quê em”. Câu thơ giản dị nhưng đọc lại tôi vẫn còn xúc động, bởi đó là ơn nghĩa, là “bệ phóng” để người con xa quê bước vào đời và thành đạt.
Bạn đã đến Thăng Bình, Đại Lộc… chưa? Hoặc những vùng đất ven biển ở Xứ Quảng? Rồi à. Chắc trong tâm trí vẫn còn gợi lên hình ảnh cây xương rồng kiêu hãnh vươn lên đất bỏng. Lạ quá đi chứ? Tôi buộc miệng kêu lên:
Rễ bám chặt đất khô khan
Thân kiêu hãnh đón chói chang nắng trời
Ô hay cây cũng như người
Vượt qua khắc nghiệt đến thời nở hoa
Sắc trầm tĩnh đến thiết tha
Hương thanh khiết lại mượt mà như không
Cây gai tua tủa xương rồng
Lại trổ hoa thắm sắc hồng ngộ chưa?
Chính từ nơi chôn nhau cắn rốn mà thời tiết khốc liệt khiến tôi liên tưởng đến các bà mẹ Xứ Quảng: “Sao mẹ chắt chiu đến cả nụ cười”. Ngay cả nụ cười cũng “chắt chiu” gìn giữ, thế mới biết người quê mình cần kiệm, lo toan, dè xẻn biết chừng nào. Mà như vậy cũng phải thôi. Vùng đất không giàu có, không được thiên nhiên ưu đãi thì phải “khéo ăn thì no, khéo co thì ấm”. Âu cũng là đặc tính tốt đẹp của người Việt.
Khi người con gái làm dâu xa xứ. trong tâm tâm họ luôn vọng lên tiếng nói khắc khoải và âu lo “Má ơi! Đừng gã con xa / Chim kêu, vượn hú biết nhà má đâu”. Nghe từ “má”, ta biết chắc cô gái ấy người Nam bộ, hoặc là người Sài Gòn. Hiểu được điều thầm kín này, tôi viết: “Em về làm dâu đừng có ngại ngùng / Mẹ sẽ thương em suốt đời nhân hậu”. Mà quả thật như thế, các bà mẹ chồng Quảng Nam, theo tôi biết, luôn dành tình cảm đôn hậu cho con dâu. Con dâu là con trong nhà.
Bài thơ đã viết hơn hai mươi năm, vẫn còn nhớ như in trong ngày đám cưới của tôi và bạn thơ Nguyễn Trung Bình, đồng nghiệp Mai Phúc…; rồi những dịp tri ngộ đồng hương xứ Quảng đầu xuân lại được vang lên ấm áp. Tôi lan man viết những dòng này dành tặng cho những đấng mày râu quê mình có vợ là người Sài Gon - như một lời chung vui của tình đồng hương Xứ Quảng.
NƠI EM VỀ LÀM DÂU
Con gái Sài Gòn về làm dâu miền Trung
Có lá me rơi trên tà áo mới
Có lý ngựa ô đang theo anh đứng đợi
Đưa em về trong ngày lễ vu quy
Lá me ơi rơi hoài mãi chi
Trong lần đầu bài thơ gặp gỡ
Gió hồ Con Rùa còn xanh nỗi nhớ
Anh thương em tận cổ chí kim
Đất miền Trung không cằn cỗi tiếng chim
Em cứ hồn nhiên ra sông gánh nước
Trên lùm tre tiếng chim gù xanh mướt
Chiều quê anh đằm thắm nụ hôn đầu
Đất miền Trung thương em đến làm dâu
Tháng chín trắng trời cơn giông tầm tã
Mẹ cùng cha còng lưng cấy mạ
Để nuôi anh ăn học ở quê em
Về miền Trung em hiểu anh hơn
Anh yêu em sao cứ run giọng nói
Đất cằn khô hoa xương rồng đỏ chói
Sao mẹ chắt chiu đến cả nụ cười
Anh làm thơ lúc mẹ tuổi năm mươi
Tóc bạc trắng, đắng cay đầy phiền lụy
Cánh cò vẫn bay trong lời ru chung thủy
Nên đi xa anh nhớ mãi quê mình
Em về làm dâu đừng có ngại ngùng
Mẹ sẽ thương em suốt đời nhân hậu
Anh thương em là điều không thể giấu
Căn nhà mình ấm áp nỗi vui chung
Ơi! Con gái Sài Gòn về làm dâu miền Trung
(1987)
(nguồn: Báo C.A Đà Nẵng Xuân 2013)
< Lùi | Tiếp theo > |
---|