THỂ LOẠI KHÁC Tạp bút LÊ MINH QUỐC: Đạo làm con

LÊ MINH QUỐC: Đạo làm con

 

Có những giá trị văn hóa của một dân tộc, dù đã ngàn năm đi qua nhưng vẫn không thay đổi. Chẳng hạn, nghĩa vụ và đạo làm con. Từ ngàn xưa, trong tâm thức của người Việt, chữ hiếu luôn được coi trọng và đó là một trong những phẩm chất cần thiết khi đánh giá về tư cách, đạo đức của một con người. Ta có thể khảo sát qua lời ăn tiếng nói trong dân gian:

ba-me-LMQ-thoi-tre

Ảnh ba mẹ Lê Minh Quốc chụp thời trẻ (khoảng năm 1969)

 

- Một lòng thờ mẹ kính cha

Cho tròn chữ hiếu mới là đạo con

- Ân cha nặng lắm ai ơi!

Nghĩa mẹ bằng trời, chín tháng cưu mang

- Ngồi buồn nhớ mẹ ta xưa,

Miệng nhai cơm búng, lưỡi lừa cá xương

- Ngó lần nuột lạt mái nhà,

Bao nhiêu nuột lạt, em thương mẹ già bấy nhiêu

- Chiều chiều ra đứng ngõ sau,

Trông về quê mẹ ruột đau chín chiều

- Gió đưa cây cửu lý hương,

Từ xa cha mẹ thất thường bữa ăn

Sầu riêng cơm chẳng muốn ăn,

Đã bưng lấy bát, lại dằn xuống mâm

- Công cha đức mẹ cao dày,

Cưu mang trứng nước những ngày còn thơ

Nuôi con khó nhọc đến giờ,

Trưởng thành con phải biết thờ song thân

Thức khuya dậy sớm cho cần,

Quạt nồng ấp lạnh giữ phần đạo con

Văn hóa của người Việt có tiếp thu và chọn lọc những tinh hoa của nhân loại. Đó là lẽ hiển nhiên trong sự giao thoa của các giá trị văn hóa. Dù đứng ở góc độ nào, ta thấy chữ hiếu đã nhập vào tâm thức người Việt như một lẽ sống vĩnh hằng. Tôi thích câu danh ngôn “Thượng đế không có mặt ở mọi nơi nên ngài đã sinh ra các bà mẹ”; hoặc trong kinh Phật có dạy: “Điều thiện tối cao không gì hơn hiếu, điều ác cùng cực không gì hơn bất hiếu” (kinh Nhẫn Nhục), “Gặp thời không có Phật, khéo thờ cha mẹ tức là thờ Phật” (kinh Đại Tập)… Nghĩa vụ và đạo làm con của con cái thời nào cũng vậy, cũng phải thờ cha kính mẹ.

Có người hỏi, con cái phải thể hiện nghĩa vụ và đạo làm con như thế nào trong thời buổi họ luôn bận rộn và nhiều công việc? Thưa, thời nào thì con người ta cũng bận rộn với công việc cả. “Ăn theo thuở, ở theo thời”. Vấn đề này, trong ca dao dân gian cũng đã nói đến:

Mẹ già ở túp lều tranh

Sớm thăm, tối viếng mới đành dạ con

Sự quan tâm đến mẹ là điều hết sức cần thiết. Vẫn chưa đủ. Theo tôi vấn đề quan  trọng nhất là anh sống như thế nào để cha mẹ nở mày nở mặt với bà con láng giềng, với cộng đồng. “Đói cho sạch, rách cho thơm”. Cha mẹ dạy con cái như vậy, chứ không mong con cái phải bằng mọi cách “giàu nứt đố đổ vách” mà va thân vào tù tội. Mà chỉ cần con cái “nên người”.

“Nên người” ở đây ta có thể hiểu là con cái lớn lên, học hành đàng hoàng, cưới vợ gã chồng, có nghề nghiệp ổn định để nuôi sống bản thân, kiếm sống lương thiện… Niềm mong mỏi ấy, tôi nghĩ, các bậc cha mẹ nào cũng hằng mong như thế. Cho dù con cái có bận rộn bao nhiêu đi nữa thì sự quan tâm, thăm viếng, chăm nom cha mẹ cũng không thể xem nhẹ. Thời buổi này các phương tiện kỹ thuật từ điện thoại, email v.v… vẫn có thể giúp con cái thể hiện sự quan tâm ấy.

Có người cho rằng, trong thời đại @, xu thế coi trọng vật chất đang trở nên áp đảo đời sống tinh thần nên có những bậc làm cha mẹ coi trọng con này, ghét con kia, phân chia tài sản không đều là nguyên nhân khiến con cái bỏ bê nghĩa vụ đối với cha mẹ già sau này.

Tôi không tin như thế. Đã là con thì đứa con nào cũng do cha mẹ rứt ruột sinh con. Yêu thương như nhau cả thôi. Có thể cách biểu hiện của nhiều nhà mẹ không khéo nên con cái có thể hiểu nhầm. Mà cho dù có như thế đi nữa, con cái cũng không thể (không có quyền) bỏ bê cha mẹ. Ca dao, tục ngữ của người Việt có câu: “Con không chê cha mẹ khó, chó không chê chủ nghèo”. Ngay cả súc vật còn có nghĩa như thế, huống chi con người có ăn học. Tôi thích câu thơ này - không rõ có phải của Bảo Sinh:

Con ra không phải của ta

Tai họa của nó mới là của ta

Đấy! Khi con cái gặp nạn, dù con nghèo hoặc giàu thì cha mẹ cũng lo lắng, đau xót như nhau. “Máu chảy ruột mềm”. Đừng nghĩ thời buổi này giá trị vật chất đang coi trọng mà việc nhân nghĩa có thể bị xem nhẹ. Quan điểm của tôi, có những giá trị văn hóa thời nào cũng hợp thời cả, không lạc hậu. Chẳng hạn, sự yêu thương của cha mẹ dành cho con và ngược lại, nghĩa vụ của con cái đối với cha mẹ. Dù sau này, nhân loại có lên định cư ở Sao Hỏa đi nữa, giá trị ấy vẫn không thay đổi.

Dù đọc cả thiên kinh vạn quyển, thuộc làu làu kinh Phật nhưng với cha mẹ, người ấy không làm trọn nghĩa vụ và đạo làm con thì xem như vẫn chưa đọc gì, dù có làm đến “ông này bà nọ” thì vẫn chưa trưởng thành. Gương sáng về chữ hiếu trong đời thường còn có rất nhiều, nhiều như cát trên sông Hằng vậy. Mỗi người con đều có cách thể hiện cho riêng mình. Tôi thích nhất với những ai là khi cha mẹ già yếu, đau ốm vẫn thường xuyên chăm nom, mua miếng quà tấm bánh mà đấng sinh thành thích. Những chuyện này ai làm cũng được, chẳng khó khăn gì nhưng sự thành tâm ấy đáng quý biết chừng nào. Thờ Phật, thờ Thượng đế nào phải tìm kiếm đâu cho xa xôi - hiện thân của đức tin vĩnh hằng đó là cha, là mẹ của chính mình.

 

Lê Minh Quốc

(2012)

(nguồn:http://baophunuthudo.vn/sites/epaper/PNTD/Detail.aspx?ArtId=15275&CatId=170

Chia sẻ liên kết này...

Add comment


Việt Tuấn Trinh | www.viettuantrinh.com