Ai là người đầu tiên đã nghĩ ra từ “cơm” và “phở” để chỉ quan hệ trong và ngoài luồng của người đàn ông? Có trời mà biết. Tại sao lại chọn phở chứ không là món ăn gì khác? Ta hãy nghe một nhà văn bậc thầy thuộc hàng thượng thừa sử dụng tiếng Việt nói về phở: “Mùa nắng ăn một bát, ra mồ hôi, gặp cơn gió nhẹ chạy qua mặt lưng, thấy như giời quạt cho mình. Mùa đông lạnh, ăn bát phở nóng, đôi môi tái nhợt thắm tươi lại...” (Nguyễn Tuân). Rõ ràng, xuân thu nhị kỳ, mùa nào con người ta cũng có thể dùng phở. Trong Món ngon Hà Nội, nhà văn Vũ Bằng đã “định nghĩa” một cách tinh tế, phở là “món quà căn bản”.
Quà, ta hiểu chỉ có thể ăn chơi, ăn cho vui, cũng có thể ăn lót dạ chứ không ai có thể ăn quà mãi được. Nói tắt một lời, quà đừng hòng thay cơm. Hiểu rõ nghĩa đen để khi “đá giò lái” bàn luận qua nghĩa bóng, ta mới thấy hết sự thông minh của ai kia đã nghĩ ra từ “phở” nhằm “đối trọng” với “cơm”. Cha chả là hay.
Khi người đàn ông khoái “phở”, tí tởn với “phở”, họ có đáng trách không? Nhân danh đàn ông gương mẫu, tôi cho rằng không. Trước hết phải trách người đàn bà phía sau lưng người đàn ông đó. “Thiên trách kỷ, hậu trách nhân”, câu nói này hoàn toàn đúng cho những ai có người bạn đời “sáng dẫn cơm đi ăn phở, trưa đưa phở đi ăn cơm, chiều phở về nhà phở, cơm về nhà cơm, tối ăn cơm mà lòng thèm phở”. Oái oăm chưa?
Không phải ngẫu nhiên mà người đàn ông khoái phở. Tâm lý này chỉ diễn ra khi các đấng Thúc Sinh, Nghị Hách, Chí Phèo không tìm thấy ở vợ mình sự đồng điệu, sự cảm thông, chia sẻ… Có phải đó là lúc trong công việc hằng ngày, người đàn ông không thể tìm thấy sự tin cậy ở vợ để có thể “trút bầu tâm sự”? Đúng rồi. Đúng mà chưa đủ. Có những người vợ rất giỏi về chuyên môn, trình độ cỡ này cỡ nọ có thể “dạy” chồng như dạy đứa nhóc lên năm. Ấy vậy mà chồng vẫn không “tâm phục khẩu phục” vẫn “chân trong chân ngoài”, vẫn léng phéng “tầm sư học đạo” nơi khác…
Tại sao thế?
“Nè, cái cô X của công ty đối tác với tớ sao mà “ngon lành” vậy hở trời? Ngồi cạnh, cảm thấy mình trẻ đi những mươi tuổi chứ chẳng đùa. Bởi da trắng quá, ngực ngãi môi trầm quyến rũ quá, đã thế, cứ mỗi câu lại “dạ thưa” ngọt sớt. Nghe sướng tai”. Sao nữa? “Chà, cái cô đồng nghiệp của tớ mới quái làm sao. Mỗi lúc trao đổi công việc, cứ áp sát ngực vào tớ, miệng lại cười tươi như hoa mà thấy ấm cả lòng” v.v… và v.v… Những tình huống, những điều kiện thuận lợi ấy, đã khiến người đàn ông dù có sắt đá cũng “mềm” đi. Đừng nói đâu xa, ngay cả Hồ Tôn Hiến đằng đàng sát khí nhưng khi chạm mặt nàng Kiều, lập tức “Lạ thay mặt sắt cũng ngây vì tình”.
Rõ ràng, người đàn ông dễ “sa ngã” lắm lắm. Tôi quả quyết rằng, người đàn ông bên cạnh “phở”, lúc ấy, trở thành một con người khác, từ trong vô thức y như đứa trẻ mới lớn: “Vẫn hỏi lòng mình là hương cốm/ Chả biết tay ai làm lá sen?” (Nguyên Sa). Y hỏi cứ như mới mười tám xuân xanh, dù mái tóc đã muối nhiều hơn tiêu, bước lên cầu thang đã thở hồng hộc. “Phở” hấp dẫn vì nó tạo ra cảm giác cho người đàn ông có thể quay về với cái thuở “hãy để nghe trời giảng nghĩa yêu” (Xuân Diệu) và quên đi tuổi tác, quên đi thực tại đang giăng ra trước mắt...
Trong khi đó “cơm” thì sao? Thì ngày ngày qua tháng nọ, vẫn bộ quần áo đó, vẫn mùi hương quen thuộc đó, vẫn ngữ điệu chát chúa đó, vẫn câu thở than cơm áo gạo tiền, vẫn hàng trăm thứ hằm bà lằn “anh ơi bếp hết ga”, “anh ơi sắp đóng tiền học cho thằng tí cái tún”, “anh ơi, anh à” nghe sốt cả ruột. Rối cả lòng.
Đã thế, mối quan tâm hàng đầu của người đàn ông lúc chăn êm nệm ấm vẫn là chuyện chăn gối,. Ấy vậy mà “cơm” vẫn “bổn cũ soạn lại” lặp đi lặp lại đến ngấy. Chưa cần “lật bài” đã biết “con tẩy” giấu lá bài gì rồi, vậy còn gì hấp dẫn? À, mỗi lần muốn “sáng tạo” cho nó mới mẻ thì “cơm” đã la oai oái: “Anh học cái trò vớ vẩn này của ai vậy? Đừng quên, tôi là vợ anh chứ không phải mấy ả đóng phim đâu nhá!”. Nghe “cơm” phán một câu đạo đức ngời ngời thế kia, tâm trạng người đàn ông chỉ có thể gó gọn trong hai từ “cụt hứng”.
Bởi thế mới có chuyện như sau: Ngày nọ, một vị quan chức hoặc giám đốc nào đó cùng nữ thư ký đi công tác xa. Để tiết kiệm ngân sách của cơ quan, họ ngủ cùng một phòng. Đêm đến, sau một hồi suy nghĩ, vị giám đốc mới khẽ khàng thăm dò: “Mình ngủ như thế nào?”. Cô thư ký đáp gọn: “Thì ngủ như vợ chồng anh à”. Nghe câu nói ấy giữa lúc thanh vắng, người đàn ông sẽ làm gì? Thưa, ông ta quay mặt vào tường và… ngáy khò khò!
Nỗi “ám ảnh” về “cơm” ghê thật chứ chẳng đùa.
Đàn ông là chúa so sánh, những lúc nằm cạnh “cơm”, nếu không hài lòng y vội nghĩ ngay đến những lúc du dương cạnh phở. Lúc ấy thì sao? Chẳng hề ai mở miệng ra nhắc nhở đến bổn phận công việc trong ngày, nếu có, cũng nhẹ nhàng hơn, âu yếm hơn chứ không cau mặt cau mày tranh luận, bàn cãi đến độ “nung nấu tâm can vò võ trán” (Huy Cận) như chiến tranh sắp nổ ra.
Chà! Trong mắt người đàn ông “phở” và “cơm” khác nhau nhiều lắm.
Dẫu biết như thế, tự ý thức như thế nên bất kỳ người đàn ông nào có bản lĩnh cũng đều cân nhắc khi phải lựa chọn giữa “cơm” và “phở”. Nếu chỉ tạt ngang qua đường, sao cũng được, nhưng nếu phải tính toán “chiến lược” lâu dài thì họ chỉ chọn “cơm”. Bởi “phở chỉ là món quà căn bản” như ta đã biết. Đã là quà thì không thể thay cơm. Chính vì thế, nhiều người đàn ông khi quy về với cơm phải thở vắn than dài não nùng như câu cải lương lên giọng thống thiết:
Lâu dần thì mình cũng già
Đi đâu cho mệt, về nhà vợ vui
Về nhà, đi tới đi lui
Nhìn cơm nhớ phở ngậm ngùi nhơi cơm…
Chỉ riêng từ “nhơi” đã phản ánh hết tâm trạng lâm ly bi đát của người đàn ông. Ta không bàn thêm. Chỉ xin nhấn mạnh rằng, sự chọn lựa lâu dài giữa “cơm” và “phở” tùy thuộc vào bản lĩnh của người đàn ông. Đó là bản lĩnh của một người luôn biết phải chọn gì, nếu không, sự trả giá của chính mình không còn có cơ hội để “sửa sai”. Hỡi quý ông, vậy ta chọn gì?
L.M.Q
(nguồn: Tạp chí Thế giới phụ nữ 8.4.2013)
< Lùi | Tiếp theo > |
---|