Huệ Triệu: BIỂN XANH RU GIẤC HÀNG DƯƠNG

 

Một sáng đầu năm 2015, chúng tôi - một số các nhà thơ, nhà giáo và gia đình ở TP HCM chọn Côn Đảo làm điểm đến đầu tiên trong kế hoạch xuyên Việt 2015. Dù đã được chiêm ngưỡng vẻ đẹp của nhiều vùng trời, vùng biển khác của Tố quốc, nhưng với tôi, dù lần thứ 3 đến thăm Côn Đảo, nhưng mỗi thời khắc đặt chân lên vùng đất này đều mang một ý nghĩa thật đặc biệt, thiêng liêng.

 

Truoc-mo-nha-CM-Nguyen-An-NinhRRR

Từ trái, nhóm nhà giáo, nhà thơ: Như Ngọc, Minh Nguyệt, Minh Lê, Trương Nam Hương, Thanh Hà, Huệ Triệu, Đức Nhân chụp ảnh lưu niệm trước mộ nhà cách mạng Nguyễn An Ninh

 

Trên đường về trung tâm thị trấn Côn Đảo, một vùng xanh ngắt hiện ra với trời xanh, biển xanh, sắc núi xanh… Tất cả tạo ấn tượng về một không gian mát lành kì diệu. Có ai ngờ, hòn đảo nhỏ bình yên đang ngời lên trong nắng sớm này lại là nơi giặc giam cầm, nơi chứng kiến sự hy sinh của hơn 20 ngàn chiến sĩ cách mạng và những người Việt Nam yêu nước.

Ngay gần khách sạn Hoàng Ngọc- Côn Đảo là trại giam Phú Sơn thời Pháp thuộc với những bức tường lạnh lùng rêu xám. Sự kết hợp giữa hệ thống các khu khách sạn, nghỉ dưỡng, resort hiện đại đan xen với các di tích nhà tù, nhà giam thời Pháp, Mĩ có thể nói đã tạo nên một cấu trúc du lịch “độc nhất vô nhị” ở Côn  Đảo và theo tôi, bản thân cấu trúc ấy đã là lời nhắc nhở về nguồn…

Trong suốt 113 năm (từ tháng 2/1862 đến tháng 5/1975), thực dân Pháp và đế quốc Mĩ  đã xây dựng cả ngàn phòng giam, xà lim, chuồng cọp nhằm giam cầm, hành hạ, tra khảo hàng vạn chiến sĩ cách mạng kiên trung. Đi tham quan các di tích, tới trại giam Phú Tường, Phú Sơn, Phú Bình, Phú Hải, khu Chuồng Bò…, tận mắt chứng kiến tội ác chất chồng của kẻ thù, nơi giam cầm đày ải, nơi tiếng thét căm hờn cất lên cùng tiếng hát, nơi máu nhuộm đỏ lao tù và nụ cười bất diệt trên môi người Cộng sản, người yêu nước. Trời và biển Côn Đảo vẫn mãi xanh, như hình ảnh người con gái anh hùng Võ Thị Sáu cài lên mái tóc đóa hoa dừa nước thắm tươi trước lúc ra pháp trường sẽ còn sống mãi. Thời gian có thể xóa mờ nhiều thứ, nhưng cũng sẽ làm đậm màu hơn nhiều giá trị, giúp con người trưởng thành hơn, sống có ý nghĩa hơn.

Sáng 7.1, chúng tôi đến dâng hương ở nghĩa trang Hàng Dương linh thiêng, huyền thoại. Là nghĩa trang lớn nhất tại Côn Đảo, nghĩa trang Hàng Dương rộng khoảng 20 ha, nơi yên nghỉ của hàng vạn chiến sĩ cách mạng và người yêu nước Việt Nam qua nhiều thế hệ bị tù đày. Kính cẩn nghiêng mình trước sự hy sinh to lớn của bao anh hùng liệt sĩ, tất cả chúng tôi như cùng lặng đi trong niềm xúc động.

 

Truoc-mo-TBT-Le-Hong-PhongR

Từ trái, nhóm nhà giáo, nhà thơ: Đức Nhân, Huệ Triệu, Minh Lê, Trương Nam Hương, Như Ngọc, Minh Nguyệt, Thanh Hà chụp ảnh lưu niệm trước mộ TBT Lê Hồng Phong

 

Chúng tôi tới khu A của nghĩa trang, viếng nhà cách mạng tiền bối Nguyễn An Ninh và mộ cốTổng Bi thư Lê Hồng Phong. Đây cũng là đích đến trong nhiều chuyến về nguồn của trường THPT chuyên Lê Hồng Phong, TP. HCM - nơi tôi đang giảng dạy. Đứng trước mộ cố Tổng bí thư Lê Hồng Phong,  tôi và những đồng nghiệp đang công tác tại ngôi trường mang tên ông dấy lên niềm biết ơn, tự hào… Tới khu B, chúng tôi một lần nữa đứng lặng trước ngôi mộ của người nữ anh hùng Võ Thị Sáu. Không biết đã có bao nhiêu câu chuyện xung quanh sự hy sinh anh dũng của chị, chỉ biết sau thời khắc chị bị giặc xử bắn (7 giờ sáng ngày 23 tháng 1 năm 1952), cái tên Võ Thị Sáu đã trở thành huyền thoại, thành biểu tượng cho tinh thần bất khuất hiên ngang trước mũi súng của kẻ thù. Phía sau phần mộ người nữ anh hùng giờ mướt tán xanh cây hoa phượng, phía trước là một cây lê-ki-ma miền đất đỏ đang kết trái lành. Ở nghĩa trang Hàng Dương, nơi chị yên nghỉ nghìn năm, hoa trái quê hương vẫn đang ấm áp vỗ về, và có phải thế không, những chùm phượng sẽ cháy lên như lửa, nhắc ta về sự bất tử của một lứa tuổi đẹp tươi thiếu nữ…

2.-Truoc-mo-anh-hung-Vo-Thi-SauRR

3.-Tham-nha-tuong-niem-anh-hung-Vo-Thi-SauRR

Trước mộ và trong Nhà Lưu niệm Võ Thị Sáu

nhathoTRUONGNAM-HUONG-VO-THI-SAU-R

Nhà thơ Trương Nam Hương chụp ảnh lưu niệm trước mộ Liệt sĩ, Anh hùng LLVTND Võ Thị Sáu

 

Nhìn phía nào ở nghĩa trang Hàng Dương cũng hàng hàng lớp lớp những ngôi mộ liệt sĩ vô danh. Sự tàn bạo của kẻ thù cướp đi cuộc sống của hàng vạn người, và để lại nỗi đau khôn cùng cho những người còn sống. Tôi thầm cảm ơn những bàn tay tình nghĩa đã đặt lên những hàng mộ chí ấy đóa hoa sen thắm đỏ, đã thắp những nén hương thơm tưởng niệm, thầm cảm ơn biển xanh gió mát hàng dương ngày đêm hát tặng các anh lời ru của biển trời đất nước quê hương…

Côn Đảo - 8.1. 2015
HT

 

Thông tin về nhà thơ, nhà giáo HUỆ TRIỆU:

Đọc CẢM THỨC SÔNG của HUỆ TRIỆU

Chùm thơ HUỆ TRIỆU

Thơ HUỆ TRIỆU

HUỆ TRIỆU: Người học giỏi văn sẽ tư duy rất logic

Chia sẻ liên kết này...

Add comment


Việt Tuấn Trinh | www.viettuantrinh.com