Nhà thơ, nhà giáo Huệ Triệu: Người học giỏi văn sẽ tư duy rất logic

 

Từng học lớp cử nhân tài năng của ĐH Sư Phạm Hà Nội, hiện là Trưởng bộ môn Văn trường chuyên Lê Hồng Phong và là tác giả của ba tập thơ, cô giáo Huệ Triệu luôn đau đáu chuyện dạy và học văn trong nhà trường cũng như sáng tác văn chương.

Hue-TrieuRRRRR

Nhà thơ, nhà giáo HUỆ TRIỆU

Trong tháng 11 này, nhà thơ Huệ Triệu vừa ấn hành tập thơ thứ ba Cảm thức sông (NXB Hội Nhà văn) cũng là cách ghi nhớ ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11. TT&VH có cuộc trò chuyện với nhà giáo, nhà thơ Huệ Triệu về việc sáng tác văn chương và dạy văn trong nhà trường.

 

* Đầu tiên xin chúc mừng cô ngày Nhà nhà giáo Việt Nam 20/11, xin hỏi cô trong những ngày như thế này, cô thích được học trò tặng gì nhất?

- Như rất nhiều nhà giáo, tôi thích được tặng hoa và những tấm thiệp làm bằng tay có ghi lời chúc dễ thương của học trò. Với tôi, như vậy là đủ để vui trong ngày 20/11.
Nhà thơ, nhà giáo Huệ Triệu

* Trong đời sống kim tiền thực dụng như hiện nay, nhiều phụ huynh vẫn nghĩ “tặng phong bì” cho thầy cô vừa tiện vừa nhanh. Cô nghĩ sao về khái niệm “phong bì” nhân ngày 20/11?

- Quan niệm “tặng phong bì” cho thầy cô giáo nhân ngày 20/11 là sai lầm, tuy nhiên thực tế điều đó vẫn đang diễn ra, tạo nên sự nhìn nhận méo mó về nghề giáo hôm nay. Nhiều thầy cô giáo như tôi cảm thấy rất buồn khi phụ huynh, học sinh “tặng phong bì” cho mình. Với nhiều thầy cô, món quà họ cần nhất là tình cảm thầy trò ấm áp. Với tôi, khi học trò của mình học hành nghiêm túc, sau này thành đạt trong công việc, hạnh phúc trong gia đình… mới là món quà vô giá của những người làm thầy.

Tôi biết có rất nhiều thầy cô “sợ” ngày 20/11 khi quà cáp, phong bì “tự nhiên” tìm đến nhà. Nhiều thầy cô đã đóng cửa trong ngày 20/11 để “tránh mặt”. Ngày 20/11 này, tôi cũng đóng cửa nhà đi Đà Lạt đến hết tuần mới về cũng là một cách “tránh mặt” như thế.

* Người đời có câu: “nhà văn, nhà báo, nhà giáo cũng như nhà nghèo”. Cô vừa làm nhà giáo lại làm nhà văn, xin hỏi cô hai nghề này có nghèo không?

- Khi bước chân vào học văn ở ĐH Sư Phạm, tôi đã xác định nghề này không thể “giàu về vật chất”. Khi làm thơ viết văn, tôi càng xác định mình không thể nào giàu theo nghĩa đen mà thiên hạ vẫn nghĩ. Nhưng nghề giáo, nghề văn lại rất giàu về cảm xúc và tâm hồn, điều này nói ra tưởng là “xa xỉ” trong thời buổi kim tiền hiện nay.

* Vậy sáng tác văn chương có giúp ích gì cho nghề dạy văn của cô?

- Sáng tác giúp tôi cân bằng, khi viết giúp mình giải tỏa và chạm đến cảm xúc nhiều người đồng điệu. Nghề giáo vô cùng cần cảm xúc, nhất là dạy văn, có cảm xúc sẽ dạy văn tốt hơn. Viết cũng là cách để duy trì cảm xúc thường trực trong người mình. Khi dạy văn mà không có cảm xúc sẽ khô khan, thầy cô không có cảm xúc trước bài giảng thì làm sao học trò yêu thích môn học được.

* Trước khi làm thầy, cô đã từng làm trò, xin hỏi người thầy nào cô yêu mến nhất, vì sao?

- Tôi quý nhất là GS-NGƯT Nguyễn Khắc Phi khi thầy dạy tôi ở ĐH Sư phạm Hà Nội. Lớp chúng tôi học khi đó khá đặc biệt, cả lớp chỉ có 9  người và học trong 5 năm, khi ra trường chúng tôi có hai bằng ĐH và sau ĐH. Những buổi học với thầy Nguyễn Khắc Phi thường kết thúc rất muộn, khi nhà ăn tập thể đã đóng cửa, thầy trò về ký túc xá nấu cơm ăn với rau. Thầy Nguyễn Khắc Phi dạy như “lên đồng” truyền tất cả cảm xúc của thầy cho chúng tôi. Cả lớp chỉ còn mình tôi dạy THPT, các bạn còn lại đều làm ở Cục, Viện… Mỗi khi tôi dạy một tiết học không thành công, tôi đều nhớ đến thầy để tìm lại cảm hứng nghề giáo.

* Khi nhiều phụ huynh và học sinh ít chọn môn văn để thi vào ĐH, thì gần đây, Bộ Y tế đề nghị thi môn văn vào ngành y. Cô nghĩ sao trước thông tin này?

- Với người làm nghề dạy văn trong nhà trường, tôi rất vui khi thấy xã hội không đánh giá thấp chuyên ngành của mình, như việc thi văn vào trường y. Thực tế, môn văn rất khoa học, người học giỏi văn sẽ tư duy rất logic, ít nhất là logic trong diễn đạt. Học văn đâu phải thành nhà văn, nhà thơ mơ mộng đâu?! Nhưng nói đi thì cũng phải nói lại, đừng đổ thừa ngoại cảnh, vấn đề gốc là thầy cô dạy văn có truyền được lửa để nâng tính chủ động trong việc học và đọc văn của học trò hay không.

Cảm thức sông là tập thơ thứ ba của nhà thơ nữ Huệ Triệu. Vẫn tiếp nối mạch thơ trữ tình nồng hậu, đằm thắm và tinh tế của Mùa cây thay lá, Thức một miền xanh, ở tập thơ này người đọc còn nhận ra những vỉa tầng của tư duy và thẩm mỹ sáng tạo qua bút pháp mới mẻ vượt lên truyền thống. Thơ Huệ Triệu đã đánh thức trong sâu thẳm lòng ta những miền nhớ thương” - Nhà thơ Trương Nam Hương.

Hoàng Nhân (thực hiện)

(nguồn: http://thethaovanhoa.vn/van-hoa-giai-tri/nha-tho-nha-giao-hue-trieu-nguoi-hoc-gioi-van-se-tu-duy-rat-logic-n20141120070547411.htm)

 

Thông tin về nhà thơ, nhà giáo HUỆ TRIỆU:

Đọc CẢM THỨC SÔNG của HUỆ TRIỆU

Chùm thơ HUỆ TRIỆU

Thơ HUỆ TRIỆU


Chia sẻ liên kết này...

Add comment


Việt Tuấn Trinh | www.viettuantrinh.com