NGÔ KINH LUÂN: Nhà báo ĐOÀN THẠCH HÃN qua những miền buồn


1.

Nhiều năm trước, khi còn là sinh viên chỉ cần nghe đến cái tên ĐOÀN THẠCH HÃN (1948-2014), đủ khiến tôi có cảm giác đó là con người mà mình chỉ có thể đứng từ xa ngắm nhìn. Bởi, tên tuổi của Đoàn Thạch Hãn lớn quá, còn tôi chỉ là lớp hậu bối. Có biết đâu, những nghiệp duyên đưa đẩy để tôi được tiệm cận với Đoàn Thạch Hãn. Tôi gọi Đoàn Thạch Hãn là chú, xưng con. Còn Đoàn Thạch Hãn thường bảo, “Chú nói cho Luân nghe” hay “Để tôi nói cho Luân rõ”.

 

HTH-anh-R

Nhà báo ĐOÀN THẠCH HÃN (1948-2014)

 

Một ngày, tôi nhận được điện thoại của anh Lê Huy Phú, thời điểm ấy tôi có coi nội dung trong miền Nam cho vài tờ báo khác. Đó là một công việc làm ngoài để kiếm thêm thu nhập lo cho gia đình, chứ cũng không có gì là ghê gớm lắm. Anh Huy Phú nói anh muốn giới thiệu cho tôi một cây bút để cộng tác. Tôi đến nơi hẹn, và hơi hốt hoảng khi được nghe: “Đây là anh Đoàn Thạch Hãn”. Sau vài câu chuyện xã giao, là đến công việc. Chú Đoàn Thạch Hãn nói rất hay, logich và hợp lý. Tàn cuộc gặp, chú gửi bài viết đầu tiên. Về sau, chú viết rất nhiều loạt bài dài kỳ cho ấn phẩm tôi đang cộng tác.

Có chi tiết này ít người biết. Một lần, tôi nhờ chú làm loạt “Những tỷ phú Sài Gòn”, chú có trả lời: “Luân phải để chú hỏi lại Dương Ngọc Dũng, vì Dương Ngọc Dũng nắm giữ toàn bộ thông tin tốt nhất về những tỷ phú Sài Gòn trước đây. Nếu Dũng đồng ý, chú sẽ viết”. Dương Ngọc Dũng là một cây bút trước 1975, ông có cộng tác với báo An Ninh Thế Giới một thời gian dài, rồi sau thôi viết báo hẳn (theo tôi được biết) về mở chuỗi nhà hàng rất thành công có tên Việt Phố. Dương Ngọc Dũng cực kỳ thú vị, với ria mép tỉa khéo, với áo quần tươm tất với trí nhớ siêu việt về bất cứ ngóc ngách nào của Sài Gòn ngày trước. Giữa ông và chú Đoàn Thạch Hãn, không chỉ là bạn bè, mà đó là mối quan hệ anh em mà sinh tử dường như cũng không thể chia rời.

Theo quy định của cơ quan, cán bộ nhân viên không được làm báo ngoài. Tuân thủ, tôi trả lại khối lượng công việc mà tôi đã đảm nhận ở những tờ báo khác. Ngoại trừ, tình thân mà chú Đoàn Thạch Hãn dành cho tôi cũng như sự thân hữu mà tôi dành cho chú Đoàn Thạch Hãn.

 

2.

 

Có lần cà phê, chú Hãn bảo với tôi: “Luân biết Du Tử Lê không?”. Tôi trả lời, “Dạ, đó là một thi sĩ con thích đọc”. Chú nói, “Chú là bạn thân của Du Tử Lê”. Chuyện tưởng rồi thôi, cho đến lúc chú gọi cho tôi thông báo “Du Tử Lê mới từ Mỹ về, Du Tử Lê muốn gặp Luân”.

Chiều ấy, Du Tử Lê, chú Đoàn Thạch Hãn và tôi ngồi ở vỉa hè trên đường Cao Thắng. Tôi ngõ ý muốn mời hai chú vào quán cà phê kế bên. Chú Lê gạt, nói: “Chú muốn ngồi ở Sài Gòn theo kiểu này”. Trưa hôm sau, tôi mời chú Lê dùng cơm ở Võ Văn Tần. Hôm đó, có vợ chú Lê, chú Đoàn Thạch Hãn, anh Hà Quang Minh, anh Lê Thiếu Nhơn và một vài người khác tôi không nhớ rõ lắm. Uống được một ít bia, mặt chú Hãn đỏ gay. Tưởng là chú say, nhưng không, chú đang lên huyết áp. Ngay lúc ấy, tôi mới nhận ra rằng chú Đoàn Thạch Hãn đã già. Bởi bấy lâu, chưa bao giờ tôi có một ý niệm về tuổi tác đối với chú Đoàn Thạch Hãn. Trong bài viết “Du Tử Lê - ám ảnh phố phường” của mình, tôi có nhắc đến chi tiết này thì phải (?).

Lần khác, anh Phạm Thanh Long, anh Giản Thanh Sơn và tôi đang ăn phở Dậu trên đường Nam Kỳ Khởi Nghĩa thì vô tình gặp chú. Lúc này, căn bệnh tiểu đường mà chú đang mắc phải đã bắt đầu phát tán. Phần cẳng chân của chú đã lở loét, tôi thưa: “Chú giữ gìn sức khỏe, chứ con thấy như vậy là không ổn. Tự mình thương mình thôi, chú ạ”. Chú Đoàn Thạch Hãn trả lời, “Luân đừng lo, tôi sống đến từng này tuổi rồi, còn gì nuối tiếc nữa đâu”. Rồi chú nói rất nhiều, nói rất nhiều về những thứ khác của cuộc sống, đột nhiên chú đúc kết khiến tôi xúc động đến tận cùng, “ Tôi đi qua chiến tranh, thấy một ngày dài lê thê vô ngần. Mười năm tôi ở trong trại giam, thấy một ngày dài lê thê đến vậy. Bây giờ nghiệm lại, hai mươi năm tôi sống trong hòa bình, tôi thấy nhanh như một cái chớp mắt. Ai già cũng phải chết thôi, chứ tôi không có từ bỏ bạn bè đâu”. Gần Tết năm ngoái, trong một bài tạp bút, tôi có viết về chú, “Trong lưng chừng gió của tháng Chạp, mùa rộng lượng với thứ tha. Rong chơi cùng con trong sở thú, chầm chậm nghĩ về tháng ngày mình đang sống. Nỗi vui lẫn với muộn phiền. Con trai đưa ra lời hứa hẹn đầu tiên: “Khi nào con lớn, con đi làm nhà báo công an với ba”.  Tối qua, nhắn tin cho chú Đoàn Thạch Hãn: “Con đọc Duyên Anh Vũ Mộng Long, có những dòng nhắc về chú đầy trân trọng”. Chú Hãn phản hồi: “Ngày tôi còn trẻ, cũng tài hoa như cháu bây giờ. Nhưng đời tôi có nhiều sai lầm, còn Luân đang đi đúng hướng”.

Điều này, chú Đoàn Thạch Hãn chưa bao giờ kể lại với tôi, như thông qua anh em tôi biết. Chú luôn bảo vệ tôi trong câu chuyện với một ai đó khi tôi vắng mặt. Có hai người bảo vệ tôi trong những tình huống ấy. Thứ nhất, chú Đoàn Thạch Hãn. Thứ hai, anh Lê Huy Phú. Viết lách mà, viết báo hay là văn chương, thì câu chuyện sau lưng là thứ không thể nào tránh khỏi. Hôm nào có ai nói về tôi “viết hay mà xấc”, chú Đoàn Thạch Hãn vặn, “Hay là được rồi, xấc là gì, không xấc là gì. Nói vậy là không được”.

 

3.

 

Con trai đầu của tôi chào đời, tôi có thưa với chú “Chú ạ, chú hiểu về nơi này nhiều hơn con. Chú cho con hỏi là có ai chấm tử vi tốt không ạ? Con muốn lấy lá số cho con trai đầu của mình”. “Tôi biết chấm tử vi. Tôi ít khi chấm cho người khác, tôi sẽ chấm cho cháu”. Hơn tháng sau, chú Đoàn Thạch Hãn đưa lá số tử vi của con trai tôi (Ngô Trí Minh). Lá số cho đến giờ tôi vẫn giữ gìn và trân trọng. Vận một vài điều con tôi biểu hiện, thấy chú chấm rất đúng. Con trai thứ hai của tôi chào đời (Ngô Tuệ Minh), tôi vẫn nhờ chú lấy lá số. Chú nhận rồi, nhưng chưa kịp hoàn tất thì chú đi.

Sáng thứ Tư tuần rồi, sau kỳ nghỉ lễ dài, vừa họp xong thì nhận được điện thoại của anh Phan Bùi Bảo Thy. Anh Thy nói, “Luân ơi, nhà báo Đoàn Thạch Hãn mất rồi, cháu của anh vừa báo”. Tôi như lặng đi bởi cuộc điện thoại này, tôi gọi cho anh em để kiểm tra. Đúng là, chú đã mất.

Tôi cùng anh Lê Minh Quốc đến Nhà đại thể của Bệnh viện Ung bướu TP.HCM, không gặp được mặt chú. Vì nhân viên nhà đại thể đã khóa cửa, mà cũng không thể gặp được khi chưa quàn. Một người anh em nói với tôi, chú Hãn sẽ quàn tại chùa Xá Lợi một đêm trước khi về lại quê mẹ ở Quảng Trị, quê mà có dòng sông Thạch Hãn - chú lấy làm bút danh. Hồi trước, vì quê mà chú ở lại Việt Nam. Hồi trước, chú làm có tiền đã gửi về nhờ mấy chị em xây lại phần mộ cho cha mẹ, xây luôn cho chú một kim tĩnh kế bên để dành.

Tối, tôi cùng nhạc phụ sang chùa thắp hương cho chú. Tôi hỏi nhạc phụ, “Ba cũng biết chú Hãn hả ba”. Ông trả lời nhiều chi tiết tôi không tiện kể, chỉ là biết có với nhau một đoạn ân tình. Nhạc phụ tôi nói, “Biết ông bệnh sớm hơn, thì ba đi thăm rồi. Mấy mươi năm không biết liên lạc ở đâu”. Tôi nghe xong, mà buồn.

Lần cuối cùng tôi gặp chú Đoàn Thạch Hãn là khi chú rủ tôi đến quán của ca sĩ Cẩm Vân - Khắc Triệu trên đường Phạm Ngọc Thạch để tham dự buổi ra mắt thơ của chú Du Tử Lê. Đêm đó, chú Hãn vui như trẻ thơ dẫu đứng đi tấp tễnh, dẫu hơi thở nặng nề.

Suốt chừng ấy năm tôi biết chú, chưa bao giờ tôi thấy một Đoàn Thạch Hãn mở miệng than phận mình. Cứ an nhiên vậy, mặc nhà trọ đến tháng, mặc túng thiếu tiền bạc. Khi nào cũng ăn vận đường hoàng, khi nào cũng hút loại thuốc lá chú ưa thích, khi nào cũng không muốn cho người khác thấy hoàn cảnh của mình thực tại. Tôi biết, anh em văn nghệ sĩ giúp đỡ chú nhiều lắm. Ai cũng thương chú như người anh em của mình.

Đêm, tôi đứng bên quan tài, nhìn mặt chú lần cuối. Nói một câu tiễn biệt, chú qua những miền buồn rồi. Hẹn lai sinh nếu có, may mắn thì lại cùng nhau làm những tay chơi.


N.K.L

(nguồn: Chuyên đề ANTG ngày 8.9.2014)  


Cùng một tác giả:

Ngô Nguyệt Hữu: Thơ tặng thi sĩ Lê Minh Quốc

Ngô Nguyệt Lãng: Nhan sắc viết văn

Ngô Kinh Luân: Hồn nhiên bạn hữu

Ngô Kinh Luân: Bằng hữu Sài Gòn

Chia sẻ liên kết này...

Add comment


Việt Tuấn Trinh | www.viettuantrinh.com