NGÔ KINH LUÂN: Bằng hữu Sài Gòn

 

Bạn đọc nói với mình rằng, cứ tưởng anh viết phiếm, viết bình luận. Hóa ra, anh viết tản mạn đọc buồn buồn. Mà sao anh hay chơi với nhiều người lớn tuổi hơn anh quá vậy? Thật ra, mình có nhiều bằng hữu cùng tuổi, những đứa em thân thương. Ai cũng yêu quý mình. Nhưng yêu quý mình hơn cả, có lẽ là những người anh nhiều tuổi. Có vậy thôi, mà tự dưng ngồi nhớ.

15_nha135

Nhà văn Trần Nhã Thụy (ảnh chụp năm 2007)

 

1.

Lâu lắm, không gặp Lê Minh Quốc. Sau cái độ, uống bạt mạng từ Thanh Đa kéo dài cho đến Miss Sài Gòn. Lê Minh Quốc rất nổi tiếng ở Sài Gòn, mà chắc không chỉ ở Sài Gòn. Ngày mình còn là sinh viên, mình ngưỡng mộ Lê Minh Quốc thập phần. Ngưỡng mộ từ thơ, cho đến khảo cứu. Đặc biệt là quyển tiểu thuyết vừa của anh, mình nhớ nhan đề Thời của mỗi người viết về cuộc chiến tranh tại chiến trường Campuchia. Một tác phẩm xứng đáng đặt bên cạnh bất cứ tác phẩm nào viết về thế giới bên trong cuộc chiến.

 Một dạo, Quốc ngồi đâu cũng gọi mình. Quốc, Trần Hoàng Nhân và mình cứ cách hôm là gặp nhau. Một tháng đều đặn hai lần, Chuyên đề ANTG Giữa tháng và Cuối tháng ra, Quốc sẽ nhắn tin cho mình.

Hôm, nhà thơ Văn Công Mỹ rủ mấy anh em uống rượu vang, đọc thơ cạnh bờ sông. Quán nhà của Văn Công Mỹ. Văn Công Mỹ rất quái. Đang làm phòng trà, có tiếng tăm trong làng giải trí. Đùng cái, chán. Chán về mở quán, uống rượu làm thơ. Văn Công Mỹ uống rượu cực dở, nhưng được cái chiều bạn. Bạn uống bao nhiêu cũng được, nói gì cũng được. Nói quá thì Văn Công Mỹ nhào vào… đọc thơ. Văn Công Mỹ mới ra tập Dạo đàn bên sông đọc rất thú.

Mình say, Lê Minh Quốc cũng say. Trần Hoàng Nhân say quá đã bỏ của chạy lấy người từ lâu lắc.

Lê Minh Quốc nói: “Mày phải uống với anh cho cạn đêm. Có mày, anh thấy đời anh tươi trẻ”. Lại 100 Phạm Ngọc Thạch, lại Miss Sài Gòn. Mình không thể hiểu được, thế quái nào Lê Minh Quốc lại thích Miss Sài Gòn đến vậy. Miss Sài Gòn, nhạc không, rượu không, chỉ có bia ướp lạnh và một căn phòng trống với ghế nệm. Vậy mà, cứ say là Lê Minh Quốc lại về Miss Sài Gòn, nhé. Như là nhân tình nhớ nhau mỗi khi không còn tỉnh táo.

Lâu lắc, Lê Minh Quốc có ký trên một cái card visit, bảo với mình: “Mày đến quán này chơi, cứ đưa card có chữ ký của anh, thì anh sẽ thanh toán hết”.

Nhưng, chưa bao giờ mình xài đến cái card ấy. Không phải vì mình lắm tiền, mà đơn giản, không có Lê Minh Quốc mình sẽ không đến Miss Sài Gòn.

Mình chỉ thích ngồi với bằng hữu, rượu không phải là thứ có thể kéo mình đến bất cứ cuộc vui nào.

Quốc hay khen mình: “Em viết báo rất đời”. Quốc quý mình, mình tin chắc điều đó. Quốc mỗi lần say cắm mặt, đều thét lên: “Phồn thực, Phồn thực”, nghe cực duyên. Phồn thực là một cách nói trại đi của thứ được gọi là Yoni.

Quốc có nhiều nỗi buồn, mình biết. Mà mình không thích kể ra.

 

2.

Trần Nhã Thụy là anh của mình nhiều năm rồi. Trần Nhã Thụy đương nhiên cực kỳ nổi tiếng. Ngày đó, Trần Nhã Thụy chạy chiếc motor, hai anh em phung phí biết bao nhiêu thời gian ở Bông Giấy.

Bông Giấy nằm trên đường Trần Quốc Thảo. Ở đó, đại loại thứ gì cũng dở. Nhưng hai anh em vẫn ngồi.

Thụy giới thiệu mình về Chuyên đề Văn nghệ Công an. Mình mới về Văn nghệ Công an thì Thụy nhảy sang Tuổi Trẻ. Nhớ là có nói với mình: “Em về đây cố gắng làm. Có người thay rồi, anh… biến”.

Thụy hay lang thang Sài Gòn, nhìn vào những góc khuất. Cái gì Thụy viết cũng được, viết rất hay. Viết từ anh chàng bán đồ chơi ở vệ đường, viết đến nhóm chơi motor hay cho chim sẻ ăn, viết về đồng quê, viết về phố thị… Mình nhớ, Thụy có cái tạp bút viết về nước mắm quê, đọc xong để lại nhiều dư vị. Đẳng cấp cao nhất của Thụy, theo mình vẫn là truyện ngắn. Nói vậy, không có nghĩa bảo Sự trở lại của vết xước, tiểu thuyết của Thụy không là đẳng cấp.

Thụy kín tiếng, làm việc như người thiếu nợ lâu năm cần cày bừa để thanh thản. Viết suốt. Viết báo, viết tạp bút, viết văn, viết kịch bản phim truyền hình… Dạo này, viết cả facebook. Có điều, viết facebook thì không có tiền nhuận bút. Mười năm rồi, không thấy Thụy khác đi. Vẫn vậy, đẹp trai cao to và được nhiều xinh tươi để ý.

Mình nhờ gì, Thụy cũng giúp. Mình vẫn luôn hỏi ý kiến Thụy về chuyện này chuyện kia. Mình chơi với nhiều văn nghệ sĩ ở Sài Gòn, hay nghe họ nói về những tác phẩm dự tính. Riêng Thụy, chưa bao giờ Thụy nói về điều đó. Chỉ lẳng lặng viết.

Thụy uống như Kiều Phong trong Thiên Long Bát Bộ của Kim Dung. Ngồi với nhau cả trăm lần, chưa bao giờ thấy Thụy say. Tuyệt nhiên chưa bao giờ thấy say.

 

3.

Sinh nhật con trai mình, mình có mời mấy anh em sang nhà uống rượu. Lê Thiếu Nhơn chở theo bác Thanh Tùng. Thanh Tùng của “Mỗi mùa hoa đỏ về, hoa như mưa rơi rơi”.

Lê Thiếu Nhơn thân thiết với mình, mình không phải kể lại. Mình chỉ nói về bác Thanh Tùng.

Mình giới thiệu với mấy thằng em: “Đây là bác Thanh Tùng - Thời Hoa Đỏ”. Thằng nào thích văn chương, nhìn bác Thanh Tùng mê tơi. Thằng nào không thích văn chương nhìn bác Thanh Tùng cũng như là… dân viết báo.

Không phải đến lúc Thời Hoa Đỏ được nhạc sĩ Nguyễn Đình Bảng phổ nhạc thì Thời Hoa Đỏ mới được nhiều người biết. Thời Hoa Đỏ đã nổi tiếng từ trước đó rất lâu. Có điều, giai điệu dễ đi vào lòng người hơn.

Thơ Thanh Tùng hay lắm, lãng mạn, buồn buồn. Đặc biệt là thơ tình. Viết như Thanh Tùng: “Quán ngập lá và mắt em đen thế/ Rượu không say, chỉ đủ để buồn thôi”. Viết được như vậy, là đủ để vinh danh rồi. Sống theo nghề chữ nghĩa, chỉ cần viết được vậy.

Thanh Tùng ngồi chung phòng làm việc với Lê Thiếu Nhơn tại số 5 Nguyễn Bỉnh Khiêm. Căn phòng nhỏ nhỏ trên tầng 3, nếu tôi nhớ không nhầm. Luôn đặc quánh mùi khói thuốc. Chỉ khổ thân mỗi nhà văn Nguyễn Khoa Đăng, suốt ngày được hai ông Lê Thiếu Nhơn và Thanh Tùng cho hút thuốc thụ động. Nguyễn Khoa Đăng rất hay.

Thanh Tùng ngồi bình thơ cho ấn phẩm Kiến Thức Gia Đình, nơi Lê Thiếu Nhơn đang làm Trưởng ban Thư ký tòa soạn. Thanh Tùng viết tay, Lê Thiếu Nhơn bảo nhân viên kỹ thuật gõ máy tính lại. Chữ Thanh Tùng bay bổng, tôi không thể nào đọc được.

Thanh Tùng hay nói với mình: “Tuổi trẻ như các cậu mới thích”. Mình không đáp lời. Chỉ nghĩ rằng, tuổi trẻ nào không thích. Nhưng nếu mình đủ tài năng để có được một thứ như Thời Hoa Đỏ, còn thích hơn nhiều. Mình thề là mình nói thiệt.

 

4.

Mình mới vừa viết về Giản Thanh Sơn, nhắc lại thì kỳ, nhưng mình đang cảm động. Mà mình, rất hay dễ bị cảm xúc chi phối.

Giản Thanh Sơn, trưa Sài Gòn nóng như điên, nhắn tin cho mình, ra với anh. Mình ra, Giản Thanh Sơn móc cái ba lô bằng vải dù, đưa cho mình cái áo khoác jeans, yêu cầu: “Em mặc thử”. Mình mặc xong, tự Giản Thanh Sơn khen đẹp luôn. Giản Thanh Sơn đi nước ngoài, thấy ký giả Tây mặc áo đẹp. Chụp ảnh rồi về Việt Nam lùng mua vải, đặt may. Áo may xong, Giản Thanh Sơn đi đâu cũng nhét trong ba lô để canh tặng mình. Mình thương lắm.

Có lúc khuya khuya, thấy điện thoại báo có cuộc gọi nhỡ của Giản Thanh Sơn. Gọi lại, sợ có chuyện gì. Giản Thanh Sơn nhấc máy nói: “Anh mới đi công tác về, nhớ em quá. Mai em rảnh mấy anh em mình tụ họp”.

Giản Thanh Sơn hay tháp tùng lãnh đạo đi nước này nước kia, trước mỗi chuyến đi bao giờ anh em cũng ngồi với nhau. Đi có ít lâu, mà lúc nào cũng nhớ.

Chuyện hài vô cùng. Mình với Giản Thanh Sơn đang ngồi chơi, tự dưng mặt Giản Thanh Sơn xanh như đọt chuối non. Mình hoảng quá, Sơn có tuổi, chẳng may lên cao huyết áp hay tụt huyết áp thì căng thẳng vô cùng.

May mà không sao. Mấy em đùa, tại mình viết Giản Thanh Sơn hút thuốc lá, nên Sơn cứ phải hút thuốc liên tục. Hút không quen, say khói thuốc nên mệt thôi. Sơn sợ mình hiểu nhầm, giải thích liên tục: “Không có, không có. Chẳng qua là anh… say trà”.

Mình không có quá nhiều bằng hữu, nhưng đã nhắc, thì không thể không nhắc đến Phạm Thanh Long, người mình hay đùa “Người không được quyền chết”. Nhưng có lẽ, mình sẽ không nhắc đến Phạm Thanh Long trong bài viết dạng tạp văn này, mình sẽ viết riêng về Phạm Thanh Long sau. Phạm Thanh Long lớn hơn mình rất nhiều tuổi, áng chừng sinh năm 1953. Long cũng không biết rõ năm sinh của anh, một thời khốn khó. Hay gọi tếu táo cho mình: “Nhân danh công tác bảo vệ cán bộ, tôi yêu cầu đồng chí đến đây ăn trưa gấp”… Ngồi với Long, muốn gì cũng được. Bảo, ăn bánh mì giờ này thì thích, anh nhỉ? Ngay lập tức, Long gọi điện thoại nói tài xế đi mua bánh mì. Có lúc nói: “Em chỉ muốn ăn cơm gà”. Rất nhanh chóng, Long nhờ người đi mua cơm gà. Luôn có cảm giác rằng, Long chỉ chờ bằng hữu muốn gì để chiều chuộng. Còn phần mình, Long chỉ uống trà… Lipton chanh đường nóng.

Tất nhiên, cũng có nhiều người không thích mình. Mình cả ngày làm việc, không hiểu sao lại có người không thích. Nhưng biết là làm sao, bởi như mình vẫn viết, mỗi cá nhân luôn là một thị phi.

Anh mình nói chính xác, anh mình bảo: “May mắn nhất của em là có người còn chịu nghe em nói. Chứ như anh, biết nói với ai”. Như thiền ấy, biết đủ là đủ, biết vui là vui. Làm sao có thể thỏa mãn hết những thứ mình mong muốn.

Còn về những thằng hèn, mình không lưu trong trí nhớ của mình. Mình không thể nào hiểu nổi, thế giới này rộng lớn thế, người tốt còn nhiều thế, sao tự nhiên chọn cho mình kiểu sống như dở hơi không biết bơi đến thế.


Ngô Kinh Luân

(nguồn: http://antgct.cand.com.vn/vi-VN/nhandam/2012/12/56379.cand)

 

Cùng một tác giả:

NGÔ KINH LUÂN: Hồn nhiên bằng hữu

Chia sẻ liên kết này...

Add comment


Việt Tuấn Trinh | www.viettuantrinh.com