Đinh Thu Hiền: “Sông Hương có nói chi mô”

Mục lục
Đinh Thu Hiền: “Sông Hương có nói chi mô”
ĐINH THU HIỀN: Sông Hương có nói chi mô
ĐOÀN THẠCH BIỀN: Sông Hương có nói chi mô
Tất cả các trang

song-huong-co-noi-chi-moRR

(Ảnh: Internet)

 

Ở Huế, có quán bánh khoái Lạc Thiện.

Tôi đã từng đến nơi ấy vào dịp Tết vừa rồi. Ăn và thấy ngon. Hàng ngàn người đã đến ăn. Chuyện ấy bình thường. Ăn, và viết được truyện ngắn lấy bối cảnh từ nơi ấy, chỉ có thể nhà văn. Sông Hương có nói chi mô là truyện ngắn của nhà văn Đoàn Thạch Biền viết năm 1993. Đọc xong, ta cảm nhận được câu chuyện hư hư thật thật, nhân vật như thật như ảo. Nào ai biết bao nhiêu phần trăm lấy từ "người thật việc thật" hay chỉ hoàn toàn hư cấu?

Không sao cả. Miễn là truyện ngắn hay. Hay đến độ khiến nhà báo, nhà thơ Đinh Thu Hiền năm 2014 khi đến Huế, chị đã gặp chủ nhân quán Lạc Thiện và viết bào báo "Sông Hương có nói chi mô".

Truyện ngắn và bài báo cùng tựa của Đinh Thu Hiền & Đoàn Thạch Biền sẽ gúp bạn đọc hiểu hơn nữa về phong cách, phương thức tác nghiệp của nhà văn và nhà báo.

 

L.M.Q

(VII.2014)


song-huongRRR

 

ĐINH THU HIỀN: "Sông Hương có nói chi mô"

 

Gương mặt xinh đẹp, trắng trẻo, đôi mắt thăm thẳm biết nói, Lê Thị Thu Cúc sống trong đại gia đình đặc biệt của mình. Quán Bánh khoái Lạc Thiện ngay cửa Thượng Tứ nổi tiếng khắp xứ Huế, không chỉ vì món ăn ngon mà còn vì thân phận của những người đàn bà câm sống tại đây.

 

Lặng như dòng sông

Trước khi từ Sài Gòn ra Huế, nhà văn Đoàn Thạch Biền có nhắn tin cho tôi: “Em nhớ tới quán Bánh khoái Lạc Thiện để gặp những người phụ nữ câm nhé”. Thú thật ban đầu tôi không mặn mà lắm với việc này, đơn giản vì món bánh khoái quá nhiều dầu mỡ. Ăn 1 cái bánh là cảm giác mỡ chạy ớn khắp các tế bào. Nhưng vế sau của lời hẹn thì coi bộ hấp dẫn hơn. Vì sao quán bánh khoái nổi tiếng, có mặt trong tất cả các cuốn Guide Book đủ ngôn ngữ trên thế giới về Huế, lại nằm gọn trong gia đình những người đàn bà không thể nói được? Có bí mật nào chăng?

Huế những ngày hè tháng Tư nắng nóng và oi bức. Vậy nhưng khi bóng tối sập xuống, gió từ sông Hương thổi lên mát rượi, đủ thấy sự thong dong của bao du khách và người dân đi dạo trên cầu Tràng Tiền. Từ khách sạn Sài Gòn Morin, chỉ cần băng qua cây cầu thơ mộng này, quẹo trái rồi quẹo phải là nhìn thấy cửa Thượng Tứ của Thành Nội. Ngay đầu đường tấm biển quán Bánh khoái Lạc Thiện đã cũ theo mưa gió thời gian, nhưng đủ để khách đi đường biết được điểm cần tới.

Tôi dựng xe và kiếm chiếc bàn ngoài vỉa hè. Ngay bên cạnh tôi, bà lão tóc bạc phơ đang ngâm đôi bàn tay sưng khớp vào chậu nước muối. Đó là bà Ngô Thị Trà, 90 tuổi, chủ của Bánh khoái Lạc Thiện, mẹ của 7 người con bị câm bẩm sinh, trong đó có Thu Cúc.

Chuyện kể thì dài dòng lắm, nói ra thì lạc đề trong bài viết này. Nhưng túm gọn lại, bà Trà từ Quảng Trị ra Huế từ nhỏ. Bà lấy chồng, 1 công chức Huế thời Pháp, 2 người sinh được 8 người con. Chỉ trừ cô con gái đầu biết nghe và nói bình thường, còn lại 7 người con phía sau, bao gồm 1 cậu con trai và 6 cô con gái thì đều bị câm. Không ai biết lý do vì sao. Các nhà chuyên môn đều lắc đầu không giải thích được. Để tạo công việc cho các con, bà Trà cho mỗi người con gái học nghề khác nhau. Chỉ riêng cậu con trai là được truyền nghề làm và bán bánh khoái. Tuy vậy, các chị em thì vẫn tụ về đây, phụ bán hàng mỗi khi khách đông.

Sở dĩ tôi chọn Lê Thị Thu Cúc để viết, vì cảm thấy trong 6 chị em câm điếc ấy, đôi mắt của cô có nhiều điều muốn nói hơn hẳn. Thu Cúc không đẹp rạng ngời như cô em út, nhưng lại mang nét dịu dàng kiểu con gái Huế, vô cùng Huế.

 

10430413_606641942787803_2665684008849297353TTT_n

Cô câm Thu Cúc cùng chồng trong Thành Nội


Buồn vì sự khác người

Để nói chuyện với Thu Cúc, tôi nhờ người phiên dịch, là cô cháu gái của Cúc. Hai người họ ra dấu đủ kiểu, mãi mới chuyển được ý của tôi cần hỏi. Rồi lại làm ngược lại, khó khăn vô cùng.

Lê Thị Thu Cúc kể, ngày còn nhỏ xíu, ra đường thấy mọi người nói chuyện mà không nghe được, buồn khủng khiếp. Nhưng về nhà, nhìn các chị em gái của mình cũng y chang vậy thì lại thấy sự hòa đồng. Từ nhỏ tới lớn, vì không bị va chạm với bất cứ điều gì nên cũng không thấy tổn thương bao giờ. Nước mắt với Cúc là sự hiện diện xa xỉ trong cuộc sống của cô.

7 anh em bị câm của Thu Cúc được mẹ mướn thầy về dạy học ngay tại nhà, cứ hàng ngày “nói chuyện” và vui sống cùng nhau. Càng lớn, Cúc càng trắng trẻo và xinh đẹp. Cô có cuộc sống hướng ngoại nên vô cùng đông bạn. Và tất cả bạn bè đều là những người có khả năng ăn nói bình thường. Thu Cúc không chơi với ai bị câm điếc giống như cô.

Ở tuổi cập kê, Cúc có rất nhiều bạn trai theo đuổi. Quán Bánh khoái Lạc Thiện của bà Trà đông khách vì tài đổ bánh và vị ngon riêng của nước lèo, nhưng chắc cũng vì sự xinh đẹp của 6 cô con gái câm điếc. Cô con gái kế út Thu Cúc ngoài thời gian học văn hóa, học may vá từ bà chị cả, thì cũng chạy bàn phụ gia đình. Khi thì rửa rau thơm, khi thì lau dọn chén bát. Các anh chàng ở Huế vì mê 6 cô con gái của bà Trà mà tới ăn bánh khoái thường xuyên thay cơm. Hàng phố kể, thời xuân sắc của chị em Thu Cúc, tiệm Bánh khoái Lạc Thiện đông nghẹt khách ra vô, chủ yếu là các chàng công tử hào hoa phong nhã. Người tới tán tỉnh, người tới ngắm nghía, cũng có người tới chỉ để thỏa trí tò mò.

Một bữa, có cả gia đình mở tiệm sửa đồng hồ ở phố gần đó kéo nhau tới ăn. Cậu con trai tên Trần Tấn Bửu nhìn thấy Thu Cúc thì mê quá. Chẳng màng tới ăn uống, anh chàng cứ ngồi để ý cô con gái kế út của bà chủ tiệm chạy tới chạy lui. Ít bữa sau, cha mẹ của Bửu đi qua gặp cha mẹ của Cúc để xin cho đôi trẻ làm đám cưới. Vậy là chẳng cần tìm hiểu, cũng không có thời gian yêu đương, Cúc vâng lời mẹ đi về nhà chồng.


Hạnh phúc của người câm

10377245_606641609454503_6740809158874719324_n

Cô câm Thu Cúc hạnh phúc bên chồng và các con


Ngày đám cưới, Thu Cúc tự tay trang điểm và làm tóc cho mình, không cần ai phụ giúp. Anh Bửu là người đàn ông chiều chuộng và tôn trọng vợ. Họ có với nhau 3 người con, 1 trai và 2 gái. Các con của anh chị sở hữu vẻ đẹp chọn lọc nhất của ba và mẹ nên dung mạo rất tuyệt vời. Cứ tới ngày Lễ 8/3 hay Lễ tình nhân, anh Bửu đều mua hoa hồng tặng cho Thu Cúc. Họ không nói được với nhau nhiều, nên chỉ biết thể hiện tình cảm bằng những chi tiết vô cùng nhỏ nhặt. Và cũng bởi câm điếc, nên không bao giờ Cúc phải buồn phiền vì “to tiếng” với chồng.

12 tuổi, Lê Thị Thu Cúc đã được chị gái cả dạy cắt may nên sau khi cưới chồng, cô quyết định mở tiệm may đồ. Chỉ chuyên may kiểu sườn xám nên tiệm của Cúc đông khách vô cùng. Đặc biệt với khách Việt kiều, mỗi lần về thăm quê đều ghé đặt cả vài chục bộ quần áo để mang đi. Ngày đông hay hè, Thu Cúc đều miệt mài để cắt đo các miếng vải in bông theo kiểu riêng cho sườn xám. Khách tới chẳng cần nói gì, cứ đứng yên để cô chủ câm lấy số đo. Mọi việc còn lại, Thu Cúc quyết định hết. Mà chẳng ai phải phàn nàn. “Lạ nhất là từ trước tới nay, khách nào tới thử đồ cũng thấy vừa vặn nên không ai phải sửa gì cả”, cô cháu gái tên Loan – người phiên dịch cho cuộc “nói chuyện” giữa tôi và Thu Cúc nhận xét nhanh bằng giọng chất giọng Huế thanh thoát.
Trong lúc chờ thiếu nữ mới vô tiệm lựa mẫu áo và váy, Thu Cúc mang album hình ra khoe. Những tấm hình tuyệt đẹp và lãng mạn giữa cô và chồng đứng trong Thành Nội và cạnh sông Hương, đủ thấy tình yêu sâu nặng sau nhiều năm chung sống.

“Sông Hương có nói chi mô”, tứ này không phải là của tôi nghĩ ra, mà do tôi đọc trong truyện của nhà văn Đoàn Thạch Biền. Nhưng cảm thấy không thể khác hơn với cuộc sống và thân phận của người con gái bị câm sống gần cửa Thượng Tứ. Đôi mắt đen với lông mi dài cong của Thu Cúc cho tôi cảm giác, nếu không bị câm điếc bẩm sinh, có thể cuộc đời của Thu Cúc không thể bình yên và phẳng lặng như đã có. Đời người con gái, chẳng ai biết trước được mình sẽ tới bến nào đục, bến nào trong.

Vậy thì cứ như sông Hương, làm răng phải nói điều chi!

 

Đ.T.H

(nguồn: Tạp chí Thế giới phụ nữ - 5.2014) 


 

ĐOÀN THẠCH BIỀN: Sông Hương có nói chi mô

 

Tôi đã đến Huế hai lần, lần nào cũng vội vã vì bận công việc nên chỉ ở lại một hai ngày. Huế vốn thâm trầm, thầm lặng, nên chẳng thể hiểu vội vã được. Tôi đã liều viết cái phần mình chưa hiểu về Huế nên không tránh khỏi sự hiểu lầm. Rất mong bạn đọc gốc Huế lượng thứ.

- o O o -

Tường dắt tôi đi thăm lăng Tự Đức. Vốn là dân Huế nên Tường rành rọt, chỉ cho tôi biết nơi nhà vua xem hát bộ, nơi cung nữ ở... Khiêm Lăng to lớn này được xây dựng trong ba năm và vua thường đến đây vừa nghĩ ngơi vừa chiêm ngưỡng nơi sẽ chôn cất mình.

Ngồi nghỉ chân dưới bóng mát một cây sứ cổ thụ, bên ngôi mộ xây bằng đá cẩm thạch của vua, tôi tò mò đọc bài thơ chữ nôm của vua Tự Đức in trên tấm vé bán vào thăm lăng. "Khôn dại cùng chung ba tất đất, Giàu sang chưa chín một nồi kê". Tôi thầm hỏi: "Vua đã viết được như vậy, sao còn làm khổ người dân xây chung quanh "ba tấc đất" của vua nhiều ngôi nhà to lớn như một cung điện? Phải chăng từ xưa đến nay, giữa viết và làm thường khác xa nhau?"

Trưa hè ở Huế trời nắng gắt. Khi rời khỏi lăng vua Tự Đức, tôi cảm thấy đói bụng. Tôi nói Tường chở tôi đi ăn một món ăn Huế. Tường nói sẽ chở đến quán bánh khoái. Nơi đó cô gái bán hàng biết mười ngoại ngữ.

Tôi tin là Tường nói thật. Người Huế vốn ham học. Cô gái hàng ngày phải giao dịch với nhiều khách du lịch nước ngoài nên có thể em đã học được một số ngoại ngữ. Nhưng biết được mười ngoại ngữ thì cũng đáng nể, tôi hối thúc Tường chạy xe Honda thật nhanh để được gặp mặt cô gái. Vừa "no mắt" vừa no bụng.

Tường dừng xe trước một quán bán bánh khoái gần chợ Đông Ba. Khách ra vào tấp nập. Nhiều nhất vẫn là khách du lịch nước ngoài mặc quần soọc vai mang balô. Phải đợi một lúc, chúng tôi mới có ghế ngồi. Những chiếc bánh khoái nóng hổi được đem đến. Chúng giống như bánh xèo ở Sài Gòn nhưng chỉ nhỏ bằng lòng bàn tay và được chiên vàng rụm. Đặc biệt bánh khoái ăn với tương chứ không phải nước mắm chua ngọt. Ăn xong một chiếc bánh khoái mùi rau húng quế còn thơm ngát trong miệng, tôi hỏi Tường:

- Cô gái biết mười ngoại ngữ đâu?

Tường cười chỉ cô gái mặc áo thun đỏ, váy trắng (điều hiếm thấy ở các cô gái Huế) đang đứng nói chuyện với một ngoại kiều cách chỗ tôi ngồi hai cái bàn. Em đứng quay lưng lại nên tôi không nhìn thấy khuôn mặt em. Hai người đang trò chuyện vui vẻ, rất tiếc họ đứng hơi xa nên tôi không nghe rõ họ nói tiếng nước nào.

Một khách nước ngoài ngồi gần bàn tôi, gõ đũa vào miệng chén. Cô gái quay lại nhìn rồi bước đến tính tiền. Lúc này tôi mới nhìn rõ khuôn mặt em. Một khuôn mặt thanh tú với đôi mắt to đen láy và cái miệng luôn cười. Người khách chỉ những đĩa thức ăn trên bàn. Cô gái gật đầu nhẩm tính rồi ghi vào phiếu tính tiền đưa cho ông ta xem. Người khách chỉ vào một cái đĩa và giơ hai ngón tay. Cô gái cười ghi thêm vào phiếu tính tiền. Người khách móc tiền ra trả và cười nói: "How old are you?". Đáp lại, cô gái xòe hai bàn tay ra hai lần, lần sau em cụp lại một ngón cái.

Bây giờ tôi mới hiểu Tường đã "chơi chữ". Cô gái bị câm và phải nói chuyện bằng 10 ngón tay. Uống một ngụm bia Huda, tôi hỏi Tường:

- Cô gái bị tật hồi nhỏ à?

Tường gật đầu rồi nói:

- Cả ba chị em đều bị câm.

- Bệnh di truyền?

- Không, ba mẹ mấy cô đều nói năng bình thường. Người ta đồn rằng mộ ông nội của mấy cô táng trúng lưỡi rồng nên gia đình làm ăn phát đạt, bù lại con cháu đều bị câm. Nếu dời mộ đi chỗ khác, các cô sẽ nói được nhưng bù lại gia đình sẽ nghèo mạt ba đời. Cô chị đang đứng đổ bánh khoái đó. Cô thứ hai đi tính tiền, còn cô út ở trên lầu lâu lâu xuống phụ việc. Cũng may ba chị em tuy không nói được nhưng vẫn nghe được và họ viết chữ rất đẹp.

Tôi không biết đấy có phải là điều "may" hay càng khốn khổ hơn khi người ta nghe được mà không nói được? Đợi quán thưa khách, tôi gọi cô gái đến tính tiền để có dịp trò chuyện. Cô gái đếm những đĩa bánh khoái và hai chai bia trên bàn rồi em viết phiếu tính tiền. Tôi hỏi:

- Em tên gì?

Cô gái cười nhìn quanh rồi chỉ bức tranh vẽ hồ sen Tịnh Tâm treo trên tường.

Tôi nói:

- Em tên Liên?

Cô gái gật đầu. Tôi hỏi tiếp:

- Nhưng gì... Liên?

Em viết trên phiếu tính tiền chữ Diệu.

- Diệu Liên! Tên hay quá. Đóa sen huyền diệu.

Cô gái e thẹn cúi đầu. Tôi bắt đầu kể lể: Tôi ở Sài Gòn mới ra thăm Huế lần đầu. Đến một nơi nào xa lạ, tôi nghĩ không phải chỉ đi xem thắng cảnh hay đi dạo phố xá mà hiểu được nơi đó. Cần phải thưởng thức những món ăn đặc sản và nhất là phải làm quen với một cô gái, nhờ vậy mình sẽ hiểu nơi đó hơn. Tôi đã ăn bánh khoái Huế rất ngon. Tôi muốn em giúp tôi hiểu Huế thêm một chút nữa được không?

Cô gái nhìn thẳng vào đôi mắt tôi. Cũng may vì vội vã khi ra Huế, tôi đã bỏ quên đôi kính cận một độ của mình ở Sài Gòn nên nhìn đôi mắt tôi lờ đờ như đôi mắt cá ươn rất "vô tư", cô gái đã thương hại gật đầu.

Buổi tối mùa hè, Huế đã mát nhờ những hàng cây hai bên đường rì rào tiếng lá. Tôi chở Diệu Liên trên chiếc xe Honda mượn của Tường. Em ngồi sau chỉ đường bằng cách vỗ vai phải, vai trái của tôi và tôi sẽ quẹo phải hay quẹp trái.

Nhờ em tôi mới biết hồ Tịnh Tâm với ngôi nhà ngồi hóng mát bị sụp đổ một bên, không còn nguyên vẹn như trong bức tranh vẽ treo ở quán em. "Đường phượng bay" xanh rì bóng lá vì mùa hoa phượng đã tàn. Bánh cuốn ở Kim Long khác hẳn bánh cuốn ở Sài Gòn. Và chè thịt heo quay ngon hơn chè sâm bổ lượng ở Chợ Lớn.

Tôi hỏi: Em hãy chỉ tiếp cho tôi biết nơi nào bán cơm hến, bánh ướt, chè bắp?

Em che miệng cười khúc khích. Tôi đưa cuốn sổ tay cho em và em viết: Ông tham ăn quá. Những món ăn ngon, ông ăn cùng một lúc, chúng cũng sẽ hết ngon.

Tôi nói:

- Nhưng ngày mai tôi phải về Sài Gòn rồi. Làm sao tôi có thể thưởng thức những món ăn kia?

Em viết:

- Chúng sẽ mãi còn ngon khi ông còn háo hức muốn ăn?

Tôi nói:

- Thôi bây giờ chúng ta đi uống càphê. Tôi muốn biết cà phê ở Huế ngon cỡ nào.

Em gật đầu và tôi tiếp tục chở em đi. Cầu Tràng Tiền đang sửa chữa lại, em chỉ tôi chạy xe qua cây cầu mới. Chúng tôi vào một quán cà phê lộ thiên ở sát bờ sông Hương, ngay phía trước trường Quốc Học.

Tôi chọn một cái bàn đặt ngay dưới bóng đèn điện sáng choang. Chẳng phải tâm hồn tôi ưa thích sự trong sáng mà vì ngồi ở nơi sáng sủa, tôi mới có thể đọc được những câu em viết trả lời.

Tôi gọi cho em một ly đá chanh và cho tôi ly cà phê đen. Rất bất ngờ tôi được nghe lại giọng ca Tuấn Ngọc với bài "Chiều một mình qua phố" của Trịnh Công Sơn ở quán cà phê này. Diệu Liên mấy máy đôi môi hát theo. Tôi hỏi:

- Em cũng biết bài hát này à?

Diệu Liên gật đầu và môi em tiếp tục mấy máy. Tôi buồn muốn khóc khi thấy em say sưa hát một bài ca không thành lời. Im lặng là vàng, đúng vậy. Nhưng im lặng mãi sẽ là đất đá. Tôi không muốn em là đất đá. Tôi thầm cầu mong cho em một lần được nghe giọng hát của chính mình. Bài hát dứt, môi em vẫn còn run run vì xúc động hay vì lời ca "ngoài kia không còn nắng mềm, ngoài kia ai còn biết tên?"

Không ngăn được tò mò, tôi hỏi em câu chuyện người ta đồn về gia đình em mà Tường đã kể cho tôi nghe lúc trưa.

- Chuyện đó có thật không?

Em gật đầu. Ôi "ba tấc đất" của người chết đã làm khổ người sống quá nhiều! "Giàu sang chưa chín một nồi kê". Tại sao người ta bắt im lặng mãi? Tự nhiên tôi nổi sùng nói:

- Em hãy cho tôi biết mộ ông nội em nằm ở đâu? Tôi sẽ thuê người ta dời mộ để em nói được. Em cần phải nói, phải hát.

Em khẽ nắm tay tôi lắc lắc. Rồi em cúi xuống viết vào cuốn sổ tay tôi để trên bàn: Ông cần em phải nói, ông mới hiểu? Sông Hương có nói chi mô mà người ta cũng hiểu nó.

Viết xong, em ngẩng lên nhìn dòng sông Hương lấp lánh ánh trăng. Mặt nước phẳng lặng không gợn sóng. Gió từ mặt sông thổi lên mát rượi. Tôi nhìn vào đôi mắt em đang mở lớn. Đôi mắt cũng lấp lánh ánh trăng nhưng có nói chi mô. Đôi mắt đó câm hay tâm hồn tôi điếc?

 

Đ.T.B

Chia sẻ liên kết này...

Add comment


Việt Tuấn Trinh | www.viettuantrinh.com