Lê Vương Duy: DỊCH CÂN KINH - kéo dài tuổi xuân


1. Khái niệm:

Dịch cân kinh là phương pháp thể dục dưỡng sinh của các võ sư ngày xưa. Chủ yếu của phép luyện tập này, là tạo sự chuyển động của các hệ gân mạch trong cơ thể một cách nhẹ nhàng nhưng lâu bền, do đó các tạng phủ nội môi (phần trong sâu của cơ thể) được tăng cường chuyển hóa khí huyết, kết quả sức khỏe của người tập luyện ngày càng thịnh vượng hơn.

dich-can-kinh-1R

(ảnh: Internet)

 

Dịch cân kinh theo nguyên ngữ có nghĩa là vận động đường gân, vì người lớn tuổi thì gân cốt nói chung đã suy thoái (nhiều khi còn suy tổn nữa, năng lượng sinh học (énergie biologique) lâm vào tình trạng suy nhược, nên thường có rối loạn chức năng ở lục phủ ngũ tạng, bệnh tuổi già phát sinh, làm hạn chế sức lao động của người có tuổi. Luyện tập dưỡng sinh theo Dịch cân kinh, là cách phục hồi nội lực (quân bình âm dương, điều hòa khí huyết), dựa vào nguyên lý vận động như hòa và trường diễn hệ gân mạch. Phương pháp này dễ tập và rất cần thiết cho những người suy nhược (do các bệnh chứng mãn tính).

2. Cách tập luyện:

dich-can-kinh-2R

(ảnh: Internet) 


Muốn tập Dịch cân kinh, chỉ cần đòi hỏi người tập hai đức tính: kiên nhẫn và bình thản. Nóng vội thì không thích hợp.

Mỗi sáng sớm và chiều tối, tập như sau:

- Đứng thẳng, dang hai chân ngang với tầm dài hai vai, mười đầu ngón chân và gót chân bấm mạnh xuống mặt đất (người xưa gọi là xuống tấn) rồi giữ nguyên vị thế này (cho đến khi tập xong).

- Hai tay duỗi thẳng và thư dãn (nghĩa là không tập trung sức lực ở hai tay), dùng ý thức ở đầu điều khiển hai tay đu đưa cùng một lúc ra phía trước và phía sau thân thể (giống như chuyển động của quả lắc đồng hồ) và duy trì chuyển động quả lắc này một cách ung dung không gắng sức.

- Đầu mặt nhìn thẳng phía trước (không cử động khi tập), mắt lim dim (để hạn chế không suy nghĩ gì nhiều), miệng đếm thầm số chuyển động của hai tay (cùng một nhịp điệu). Cố gắng mỗi lần tập, đạt được 500 đến 1000 nhịp vận động rung lắc hai tay, là tốt.

3. Cơ chế của phương pháp tập:

Luyện thể dục dưỡng sinh theo Dịch cân kinh, theo nhãn quan của đông y  học là tạo thế y dịch “thủy hỏa ký tế” (đầu lạnh – chân nóng), vì khi nhu động hai tay thì hai chân vẫn phải ở thế xuống tấn (dồn lực bám chặt mặt đất), hệ thống gân mạch toàn cơ thể (từ tay, qua thân thể, xuống đến chân) đều dịch động, khí huyết luân chuyển tối ưu đến các cơ quan tạng phủ. Như vậy luật âm tụ (đầu óc thư giãn, tạo được tình huống ức chế êm đềm) dương tán (hai chân căng nóng, đưa nguyên khí vào tạng phủ) của cổ y được duy trì, tức là năng lượng sống (sức khỏe) ngày càng củng cố.

Ngày nay, ta cũng có thể hiểu thêm về hiệu quả của phương pháp Dịch cân kinh như sau:

- Sự rung lắc hai tay (trong khi cơ thể bất động) là cách thải bỏ các chất làm ô nhiễm tế bào ra khỏi màng tế bào (do cử động cơ học tạo ra lực đàn hồi ở mỗi tế bào), từ đó các độc tố (bị loại thải ấy) bị hút vào các mạch máu và các bạch mạch, rồi cuối cùng được gan thận biến đổi … Vậy thì rõ ràng trạng thái rung động nhẹ nhàng liên tục của dịch cân kinh, là cách rửa sạch sẽ tế bào ở các tạng phủ nội môi …

- Hai chân dồn lực lực xuống mặt đất (khi tập dịch cân kinh) cũng là các hấp thụ điện tích âm, tức là tạo điều kiện cho cơ thể hưởng các hạt électron của môi trường sống, giúp quá trình trao đổi khí trong thân thể tốt hơn. Viện sĩ y học Vaxiliep cũng đã giải thích “Nếu thiếu ion âm trong không khí, dù chỉ trong vòng vài tiếng đồng hồ thì cũng đã gây nên ảnh hưởng xấu đến sức khỏe con người”. Trong khi phần đầu mặt (do trạng thái thư giãn, không tập trung suy nghĩ khi tập) vốn mang điện tích dương (hay ion dương) lại trung hòa (không hấp thụ) điện tích dương của khí quyển, tránh được khí độc trong không khí (như oxyt nitơ, ôzôn …) có hại cơ thể.

4. Hiệu quả tốt:

Tập Dịch cân kinh trong thời gian ngắn vài ngày, thì chưa thấy ngay hiệu quả tốt về sức khỏe. Nhưng sau một tuần lễ trở đi thể dục theo dịch cân kinh (ngày tập hai lần: sáng, tối, mỗi lần 500 – 1000 nhịp hai tay) chắc chắn đem lại kết quả cụ thể như sau:

-    Ăn ngon cơm hơn lúc chưa tập.

-    Giấc ngủ sâu và dài hơn mỗi đêm.

-    Da dẻ hồng hào, tươi nhuận hơn.

-    Các bệnh chứng do rối loạn thần kinh chức năng (thực vật) như: nhức đầu, táo bón, mỏi lưng, tức ngực dần dần biến mất (khỏi bệnh).

-   Các bệnh mãn tính của các tổ chức nội môi (lục phủ ngũ tạng) như: thấp khớp, đau bao tử, yếu gan, viêm ruột kết, hen suyễn … cũng biến chuyển thuận lợi hơn trong việc khôi phục sức khỏe.

Thiết thực hơn cả, tập Dịch cân kinh rất thích hợp với tạng người suy nhược, ốm yếu lâu ngày và già lão. Thể dục Dịch cân kinh là phương pháp dưỡng sinh đơn giản, dễ làm, hiệu quả, bảo vệ sức khỏe chống bệnh tật tốt. Nam, phụ, lão, ấu tập luyện đều có sức khỏe cả. Bài thể dục dưỡng sinh này đã được nhà giáo - thầy thuốc Lê Hưng VKD tập từ năm 1972 (năm 33 tuổi) đến bây giờ …

 

LYĐK. Lê Vương Duy

Chia sẻ liên kết này...

Add comment


Việt Tuấn Trinh | www.viettuantrinh.com