CHỊ ĐẸP - Tìm tia nắng đổ trên phố

 

 

sai-fgon-lephuong-thao-1

Tìm tia nắng đổ trên phố
Yên Minh - Ảnh: Anh Nguyễn - Lê Minh Quốc


 

  Với người đàn bà đẹp viết văn Lê Phương Thảo (bút danh Chị Đẹp), phố Ngô Đức Kế là nơi mà người tha hương khi quay về muốn tìm tới cho thỏa nỗi nhớ…

 

 

Phố che mất nắng


Thảo nói, nhắc đến Phố Sài Gòn, là phải nói tới Nắng Sài Gòn. Nhưng sự hào phóng của thiên nhiên ban tặng cho vùng đất này, không phải thừa mứa lắm, ở ngay những con đường trung tâm thành phố. Nắng ở ngã ba Đồng Khởi - Đông Du bị chặn bởi các tòa nhà cao thấp có vẻ bức bối khó chịu, thi thoảng mới lọt xuống được một loạt tia nắng gãy đổ. Nắng ở ngã 3 Hồ Huấn Nghiệp - Đồng Khởi trốn hẳn vào các vách tường vì tòa nhà Time Square sừng sững như dãy núi kiếng màu xanh. Còn nắng ở ngã tư Ngô Đức Kế - Đồng Khởi vui vẻ và dễ chịu hơn vì sự tự do thoải mái rải xuống phố.

Trong con mắt của người đàn bà đã bước chân thường xuyên trên những con đường đẹp đẽ và tinh tế ở trời Âu, trời Mỹ, Đường Ngô Đức Kế của Sài Gòn không dài, cũng không đẹp. Chị kể với cách đời nhất, chẳng cần tô vẽ: “Đoạn đầu tấp nập bởi vòng xoay của Công trường Mê Linh với những toà nhà cao là khách sạn, mở ra với bến Bạch Đằng trước mặt, xe cộ không lúc nào ngừng. Taxi đậu dọc 2 bên lề. Nhiều nhà hàng. Nhắc đến con đường này, chắc thiên hạ thích thú nhất là số lượng nhà hàng, cafe, quán xá và gánh ngồi vỉa hè. Chỉ là con đường ngắn thôi, mà có thể kiếm được đầy đủ hương vị thế giới qua những món ăn Âu, Ý, Nhật, Việt. Đoạn cuối lại bị chặn ngang bởi đường Hồ Tùng Mậu, và tòa nhà Bitexco cao vời vợi một bên. Y như đi vào một con ngõ cụt”.

Ấy nhưng, trong sự bừa bộn, cho dù là con phố trung tâm, vẫn có phong cách sang cả của nó. Nổi bật nhất của đường Ngô Đức Kế là khách sạn Grand - 1 trong những khách sạn xưa và đẹp nhất Sài Gòn từ thời trước, đến bây giờ. Grand Hotel với kiến trúc Indochine, cổ nhưng không cầu kỳ như Majestic, có một chút gì đấy hơi hướm của artdeco, tuy rằng khách sạn này được xây dựng cách đây hơn cả trăm năm. “Nhưng Grand Hotel đi vào trí nhớ của tôi không vì thế, mà vì những gì nằm ở khu vực chung quanh kề cận khách sạn này”, Chị Đẹp chìm vào ký ức.

Những năm Thảo vừa từ Mỹ về Sài Gòn, đầu thập niên 1990, sau dài định cư, toàn bộ các khách sạn xưa cũ nổi tiếng một thời ở Sài Gòn đều có một tình trạng y như nhau: Vắng vẻ, cũ kỹ, bụi bặm và trong tình trạng bỏ trống. Không có những dự án kinh doanh với quốc tế, khách sạn đóng cửa “ngủ quên”. Nhiều khách sạn ở Sài Gòn đẹp đến thế, mà cứ khách nước ngoài về đều được dẫn đến khách sạn Lê Lai, một tòa nhà xây theo kiểu Mỹ vào những năm gần giải phóng. Grand Hotel thì xuống cấp, những mặt tường lỗ chỗ nham nhở các lớp vôi đã vỡ và mất đi theo thời gian. Sát vách khách sạn Grand, mặt đường Ngô Đức Kế có một khung cửa rất bé, chỉ lọt thỏm độ 2 người vào nếu vào cùng một lúc. Lên một chiếc cầu thang gỗ ọp ẹp, là một căn phòng rộng độ 10m2. Ở đấy, là một quán cơm bình dân nhưng khách đông nườm nượp. Mà quán có bán món gì cao lương mỹ vị đâu. Ngày nào cũng chỉ có chừng đấy món: canh chua, cá - thịt kho tộ, thịt luộc, tôm chua, gà kho gừng, vài món xào, vài món luôc, vài món canh... Thế mà ngon ngất ngây. Ngày nào cũng chừng đấy khuôn mặt đến ăn, đa số là các chủ tiệm kinh doanh ở loanh quanh khu phố này.

 

Tử tế cùng nhau qua kiếp đời


Bây giờ, Grand Hotel đã được khôi phục lại, xây dựng thêm to ra chiếm hẳn một block đường 3 mặt tiền. Quán 13 nổi tiếng đối diện xưa kia, may quá vẫn còn, mà thu nhỏ lại, thức ăn vẫn ngon, nhưng vỉa hè đã chật chội không còn kê được bàn ghế ra ngoài nữa.

Thảo kể, góc đường Đồng Khởi - Ngô Đức Kế có một toà nhà to. Một sản phẩm kiến trúc từ đời trước 1975 được biến thành công ty Nhà nước. Nhìn lên những tầng trên hiện giờ trông giống như một tòa nhà bỏ hoang, cây dại mọc xum xuê thản nhiên thò ra và vươn lớn lên từ góc nào đấy của các vách tường. Bên trong những mảnh tường và balcon kín này là những văn phòng có kiến trúc và hình thức, có lẽ cả nội dung, y như những công ty từ thập niên 1980. Tuy nhiên 2 tầng dưới cùng của tòa nhà này, ngay góc đường này, lại là một câu chuyện khác hẳn.

“Cho đến khi quán cà phê hiện nay của Trung Nguyên xuất hiện. Không còn một dấu vết sang trọng lịch lãm một thời nữa. Bây giờ cầu thang to rộng trải thảm đỏ rẻ tiền như đi vào một rạp hát bình dân. On The Six vĩnh viễn biến mất. Giới sành điệu của Sài Gòn mất đi một nơi tụ tập. Tôi thường xuyên ngồi tại quán café Trung Nguyên này, lên lầu, nhìn ra ngoài vách kính trong suốt, thấy những hàng lá xanh điệp non mướt mắt, thấy nắng Sài Gòn rơi rớt thay đổi theo giờ, thấy được gió Sài Gòn lay động cảm xúc và khi mưa đổ, thấy mặt đường lướt thướt ướt sáng bóng vắng tanh. Hằng uốn Saigon mùa trứng rụng đã được ra đời như thế”, Chị Đẹp - Lê Phương Thảo nói.

 

Mùi của hoài niệm và màu của tàn phai


Với quá nhiều ký ức như vậy, Thảo nói, Ngô Đức Kế là con đường có khả năng khiến người ta gọi tên mùi của một sự hoài niệm và màu của tàn phai. Người ta ăn và đi và nghĩ rằng, sao món ăn này không còn ngon như trước, sao con đường này bây giờ nhỏ hẹp lại rất nhiều.

Thảo chưa quên thuở ấu thơ: “Lúc trước tôi có hỏi ba tôi một lần cũng câu hỏi này, ông cười và nói ngày xưa con còn bé, phải đi 20 bước mới băng qua được 1 con đường. Rồi bẵng đi môt thời gian rất dài rất lâu không băng qua con đường này nữa. Trở về. Bây giờ chỉ cần 10 bước mà thôi. Con đường không nhỏ lại, chỉ là con đã lớn lên, chân con đã dài ra và bước được rộng hơn”.

 

sai-fgon-lephuong-thao-2

 

Guide bỏ túi 


- Đường Ngô Đức Kế nằm trọn trong trung tâm Q.1, kéo dài từ ngã 3 Ngô Đức Kế - Hồ Tùng Mậu, xuyên qua đại lộ Nguyễn Huệ, sang tới bùng binh phía Tôn Đức Thắng.

- Nơi đây tập trung rất nhiều các quán xá, nhà hàng, cà phê, dành cho người Sài Gòn sành điệu và du khách nước ngoài. Giá cả ở các quán xá nơi đây khá cao so với mặt bằng thu nhập chung.

- Trên con đường này cũng có nhiều tòa nhà, tập trung dân văn phòng làm việc cho các công ty đa quốc gia.

- Lê Phương Thảo là Việt kiều Mỹ, được biết tới nhiều với vai trò là doanh nhân và nhà thiết kế thời trang. Vài năm gần đây, với bút danh Chị Đẹp, Lê Phương Thảo đã cho xuất bản 3 cuốn sách về Sài Gòn khá ăn khách: Sóng đưa nước, Ve vãn Saigon; Saigon mùa trứng rụng. Hiện chị đi đi lại lại giữa California (Mỹ) và Sài Gòn.

 

Nghe phố


- Không lớn, con đường Ngô Đức Kế như sự tình cờ. Đường như một nét gì đó của thành phố khó gọi tên. Chút lặng lẽ bên ngoài, nhưng lại náo nhiệt bên trong. Chút vồn vã nhưng lại rất thầm lặng của cuộc sống thành thị. Chút gì mà bản thân tôi sẽ nghĩ thoáng qua khi nói về thành phố nơi tôi đang sống.

Hoàng Khôi (Q.7, TP HCM)

 

- Với tôi, đường Ngô Đức Kế phải là đoạn một chiều ngắn ngủi từ ngã 3 Hồ Tùng Mậu đi về phía đại lộ Nguyễn Huệ. Ở đó, nơi những ngày đầu bước chân vào Sài Gòn lập nghiệp, đồng lương nhân viên văn phòng ít ỏi chỉ cho phép tôi thưởng thức món bánh canh cua bình dân vỉa hè Ngô Đức Kế ngon tuyệt. Quãng đường đó còn là quán cà phê Kita lãng mạn một thời, là quán Nhân sushi nức tiếng.

Vũ Kiều Linh (Q.1, TP HCM)

 

(nguồn: Tạp chí Thế giới Phụ Nữ - 28.7.2014)

 

 Cùng một chủ đề


Sắp phát hành SÓNG ĐƯA NƯỚC

Đã phát hành SÓNG ĐƯA NƯỚC

Chị Đẹp ra mắt sách SÓNG ĐƯA NƯỚC

Vài hình ảnh ra mắt sách SÓNG ĐƯA NƯỚC

http://www.bloggazin.com/News.aspx?itemid=736

Tập sách VE VÃN SÀI GÒN của Chị Đẹp đã phát hành

Vài hình ảnh ra mắt tập sách VE VÃN SÀI GÒN

Tập sách SÀI GÒN MÙA TRỨNG RỤNG của Chị Đẹp đã phát hành

Vài hình ảnh ra mắt sách SÀI CÒN MÙA TRỨNG RỤNG

Mua SÀI GÒN MÙA TRỨNG RỤNG được tặng cà phê

Nơi lý tưởng vừa uống trà, cà phê vừa ngắm cảnh trung tâm Sài Gòn, và đọc SÀI GÒN MÙA TRỨNG RỤNG của Chị Đẹp

Mua SÀI GÒN MÙA TRỨNG TRỤNG tại Hà Nội

LÊ MINH QUỐC viết Tựa SÀI GÒN MÙA TRỨNG RỤNG

Chia sẻ liên kết này...

Add comment


Việt Tuấn Trinh | www.viettuantrinh.com