BÁO CHÍ Lê Minh Quốc viết LÊ MINH QUỐC viết tựa tập sách của ĐINH THU HIỀN

LÊ MINH QUỐC viết tựa tập sách của ĐINH THU HIỀN

   Tập sách của Hiền

hien-to


    Tôi ngờ rằng trên đường chỉ tay của Hiền có hai nhánh. Một nhánh đi lên cõi địa đàng - để nàng có thể hái những bông hoa trên trời. Bông hoa ấy có tên gọi là thi ca. Và một nhánh khác đi xuống tận cõi ta bà bụi bặm của trần gian muôn mặt - để từ đó nàng có thể gặp gỡ mọi kiếp nhân sinh. Những kiếp nhân sinh ấy được thể hiện khác rõ nét qua những tập phóng sự từng “nổi đình nổi đám” một thời; và nay là tập ký sự về nhân vật.
    Viết về nhân vật không dễ. Bởi đó là cuộc trò chuyện không chỉ dành cho hai người. Mà còn có cả người thứ ba - độc giả - tham dự nữa. Tôi đã “tham dự” qua từng trang viết của Hiền và câu chuyện của họ đã cuốn hút lấy cảm xúc của tôi.
    Tại sao cuốn hút?
    Bởi số phận của mỗi con người  - dù nổi tiếng hay không - cũng đều vượt qua mọi trang tiểu thuyết hư cấu. Đã là chất liệu của đời sống thì bao giờ cũng hấp dẫn. Khi đọc những đoạn GS Võ Tấn kể lại lúc ông cầm dao mổ, có những đoạn ta phải rợn người. Hiền viết một câu thật nhẹ nhàng: “Hai danh từ “lương y” và “kẻ sát nhân” chỉ cách nhau trong khoảnh khắc”. Tưởng nhẹ như không, nhưng để có được câu ấy phải là sự từng trải và chiêm nghiệm cả một đời người của vị lương y đáng kính. Với nhân vật khác, như nhà văn Đoàn Thạch Biền, ta thấy Hiền phải hiểu phải đọc tác phẩm của nhà văn mới có thể đưa ra một nhận xét mà không ai có thể cãi được: “Đoàn Thạch Biền đều viết về tình yêu chia lìa nhưng không quá cay đắng và nghiệt ngã, như một cơn mưa phùn bay qua, đủ để người đi đường thấy thấm ướt áo”. Có lúc như một nghệ sĩ nghiệp ảnh, Hiền đã chộp được cái khoảng khắc điển hình để làm nên cái “hồn” của tác phẩm. Đó là trường hợp Hiền đã đã dẫn dắt câu chuyện để diễn viên Thương Tín bật ra câu nói điếng người: “Thế thôi sự nhạy cảm quá nhiều, đôi khi trở thành con dao làm đứt tay người trong cuộc”. Đọc đến lời tâm sự này, tôi cảm thấy bùi ngùi và thương cảm cho sự lênh đênh của một số phận. Hoặc ở nghệ sĩ nhiếp ảnh Thái Phiên, Giản Thanh Sơn, nhà văn Mạc Can, Nguyễn Phúc Giác Hải... tôi nhận thấy Hiền cũng đã ghi nhận lại được “cốt cách” của họ. Chính nhờ thế, nhìn “toàn cảnh” của tập sách ta thấy như một bức tranh có nhiều gam màu khác nhau...
      Hãy để ý mà xem, tùy theo tính cách của nhân vật mà Hiền đã có cách thể hiện khác nhau. Nếu với diễn viên Việt Trinh thấp thoáng một nỗi ngậm ngùi; thì với Mạc Can lại là tiếng cười ý nhị pha lẫn một chút hài hước. Mà không hài hước sao được khi nghe tác giả Tấm ván phóng dao kể về vợ như thế này: “Mấy chục năm nay rồi, tôi chẳng làm điều gì buồn cho vợ cả. Chỉ đến khi đã già, tôi xin vợ đi rong chơi, cho “ra riêng”. Bả cười phè, giờ vẫn thỉnh thoảng điện thoại: “Ông ơi, ông ở đâu?”. Trả lời: “Ngồi quán cà phê”. “Bao giờ ông về?”. Trả lời: “Có thể chút về nhưng cũng có thể một tuần”. Người này cũng thoáng lắm. Nghe tôi nói vậy chỉ cười rồi cúp máy, thế thôi. Tôi rong chơi cho sướng, già rồi, ai thèm tán tỉnh nữa mà sợ!”. Đúng tính cách cà rỡn của Mạc Can.
      Khép lại tập sách của Hiền, tôi nhận thấy trang viết của Hiền hấp dẫn được người đọc còn ở chỗ nàng biết khơi chuyện, dẫn dắt câu chuyện để “người trong cuộc” bộc bạch nỗi niềm. Muốn như thế, trước hết người viết phải hiểu nhân vật và phải tạo cho nhân vật một sự tin cậy nhất định để họ “trải lòng”. Mà trong cuộc đời này, Hiền đã là một người như thế.
     Bạn không tin ư? Hãy nhìn khuôn mặt trái xoan tươi tắn và đôi môi hồng đào và con mắt biết cười của Hiền thì ta biết được đó là mẫu người mà ta có thể tin cậy để chia sẻ. Rõ ràng ngoài tài năng về nghiệp vụ thì đức tính ấy, tâm tính  ấy cũng là thế mạnh của một nhà báo.

LÊ MINH QUỐC
X.2007

(Nguồn: Tập sách  Người nổi tiếng mà tôi biết của Đinh Thu Hiền) 

Chia sẻ liên kết này...

Add comment


Việt Tuấn Trinh | www.viettuantrinh.com