LÊ VŨ QUỲNH PHƯƠNG: Bản dịch SUOI HOA - A Life in the Arts - * Bản dịch tiếng Việt của LÊ VŨ QUỲNH PHƯƠNG

Mục lục
LÊ VŨ QUỲNH PHƯƠNG: Bản dịch SUOI HOA - A Life in the Arts
* Bản dịch tiếng Việt của LÊ VŨ QUỲNH PHƯƠNG
* Nguyên bản tiếng Anh của KELLY L. LE
Tất cả các trang

Bản dịch tiếng Việt của LÊ VŨ QUỲNH PHƯƠNG

 

Nữ họa sĩ Suối Hoa, một trong các nhà tiên phong của nghệ thuật đương đại Việt Nam, chia sẻ với Kelly L. Le những cảm nhận của bà về cuộc sống đầy những thành công và cũng lắm thử thách.

 

ART_LHTL1375_Bui-Suoi-Hoa_Mar-14

Ảnh: Lâm Hiếu Thuận

Khi nghĩ đến các nghệ sĩ, chúng ta thường hình dung ra những con người khéo léo, dám nghĩ dám làm, không bị ảnh hưởng bởi sức ép của các công việc hành chính. Chúng ta biết đến họ qua bìa tạp chí và những buổi lễ khai mạc phòng trưng bày.

Dường như họ dễ dàng hòa nhịp vào những vòng xoay của xã hội với một phong thái tự tin và lôi cuốn - làm chúng ta tự hỏi: Liệu cuộc sống của một nghệ sĩ có luôn đầy ắp những khám phá và hứng khởi, hay có những suy tư nào đó ẩn sau vẻ vô tư hào nhoáng kia?

Hôm nay trả lời câu hỏi này cho chúng ta là một nghệ sĩ rất được ngưỡng mộ. Đó là họa sĩ tranh sơn dầu Bùi Suối Hoa. Với hơn 30 năm kinh nghiệm và để trở thành một nữ nghệ sĩ như hiện nay - bà đã chứng kiến mọi đổi thay, có cái tốt, cái xấu và cả những điều không mong muốn

Một cuộc sống khác biệt

Là con gái của Huyền Kiêu, một nhà thơ tài hoa đầu thế kỉ XX, Suối Hoa sinh trưởng trong một gia đình nơi mà tài năng mỹ thuật thiên bẩm của bà không chỉ được khuyến khích mà còn được mài giũa.

Bà được dạy dỗ để biết quý trọng văn hóa Việt Nam. Bố của Suối Hoa thường đưa bà đi xem chèo, một loại hình truyền thống của nhạc kịch miền Bắc. Khởi nguồn từ thời nhà Đinh, thông thường, chèo bao gồm các nhân vật nguyên mẫu mô tả đầy đủ về cuộc sống nơi thôn dã ở đồng bằng sông Hồng. Mỗi màn trình diễn đều có những bộ trang phục rực rỡ, nhịp điệu sống động và giai điệu làm say mê lòng người.

“Tôi luôn được truyền cảm hứng bởi lòng trắc ẩn của các nhân vật chèo,” bà cho biết. “Với tôi, đó là biểu tượng của tinh thần Việt và chứa đựng những ước vọng to lớn cho dù may mắn vốn chỉ là thoáng qua.”

Sự tận tâm khi nghiên cứu sâu về nghệ thuật chèo trên chất liệu sơn dầu đã giúp Suối Hoa sớm thành công trên con đường sự nghiệp của chính mình. Được đánh giá là một trong các tài năng tiên phong trong thời kỳ đổi mới bởi phòng trưng bày Plum Blossom đặt tại Hồng Công, Suối Hoa đã trở thành một nghệ sĩ được nhiều người săn đón. Vào thời điểm mà việc đi lại giữa các quốc gia vẫn còn chưa phổ biến, bà đã được mời sang Hoa Kỳ va nhiều nước châu Âu để sinh sống và làm việc với tư cách một nghệ sĩ.

 

ART_LHTL1177_Bui-Suoi-Hoa_Mar-14

Ảnh: Lâm Hiếu Thuận


Thành công vượt qua những khác biệt

Với số lượng sáng tác dồi dào, Suối Hoa là một người phụ nữ xuất sắc khi giữ vững được vị trí của mình trong lĩnh vực mà nam giới chiếm ưu thế. Một điều đặc biệt đáng chú ý là tuy bà thành công nhưng lại tránh tiếp xúc với công chúng cũng như các tổ chức nghệ thuật tư nhân - trong khi mọi người có suy nghĩ rằng tham gia các tổ chức đó là cần thiết để củng cố vị trí trong giới chuyên nghiệp.

Suối Hoa có suy nghĩ rằng chính những tác phẩm của mình sẽ tự khẳng định giá trị. Bằng nét bút độc đáo, những gam màu mạnh và bố cục rõ nét, bà tạo nên những hình dung độc đáo về phong cảnh và con người Việt Nam, dung hòa cả nội tâm và tinh thần.

Ở mức độ cá nhân, Suối Hoa là một hình mẫu cho tinh thần kiên quyết tự lập. Khoảng thập niên 80 của thế kỉ XX, bà đã đưa ra một quyết định làm thay đổi cả cuộc đời: rời khỏi nơi ở Hà Nội để tiến tới những ranh giới nghệ thuật ở Thành phố Hồ Chí Minh. Bà vào Sài Gòn một mình – một người mẹ đơn thân không có tiền hay công việc triền vọng.

“Đó là cả một cuộc đấu tranh để giữ được vị trí giàng viên ở Đại học Kiến trúc,” bà kể về những ngày đầu tiên ấy. “May mắn thay, không lâu sau đó, tôi cũng bán được tác phẩm của mình. Cũng thật đúng lúc, vì trong một năm giảng dạy, tôi nhận ra hình như mình không thể lên lớp đúng giờ.” Khẽ mỉm cười, bà tiếp lời, “Tôi thậm chí còn tệ hơn cả các sinh viên! Công việc dạy học vốn dĩ không dành cho tôi. Dù vậy, hội họa vẫn là cuộc sống của tôi.”

 

Chấp nhận thực trạng

Cuối những năm 1990 là thời kỳ bê bối của nghệ thuật Việt Nam. Nhu cầu tranh hiện đại đột ngột giảm sút. Những vụ tai tiếng giả mạo khiến những nhà sưu tập nước ngoài quay lưng và chú ý đến những thứ khác.

Những gì còn sót lại của hiện tượng này xuất hiện khắp Thành phố Hồ Chí Minh. Những cửa hàng nhỏ phổ biến, đặc biệt là dọc theo đường Bùi Viện và Đồng Khởi, bày bán những bản sao theo yêu cầu của cả nghệ sĩ Việt Nam và quốc tế. Trong khi các họa sĩ trẻ chấp nhận điều này như một thực tế trong cuộc sống thì các họa sĩ có uy tín lại thấy khó khăn để chấp nhận sự bất công này.

Suối Hoa vẫn không thấy hứng thú với những sự ủy thác. Dù được giới thiệu và xuất hiện chính trong nhiều bộ sưu tập trong và ngoài nước, quan tâm hàng đầu của bà là đạo đức nghề nghiệp. Những kẻ dối lừa luôn dựng lên những phòng trưng bày làm bình phong để bắt đầu bộ sưu tập riêng, bán cho khách hàng những bản sao chất lượng cao và giữ lại nguyên bản cho mình, hay thậm chí tệ hơn là sao lại toàn bộ rồi trả tranh về cho tác giả mà không bán.

“Niềm tin là tất cả,” bà chia sẻ. “Nghệ sĩ thường không dễ làm hài lòng người mua. Cái khó không phải là tìm cho được một phòng tranh chịu bày tranh của bạn mà là tìm thấy một nơi mà bạn có thể hợp tác lâu dài.”

 

ART_LHTL1397_Bui-Suoi-Hoa_Mar-14

Con người thực dụng

Với Suối Hoa, một họa sĩ không chỉ cần tài năng để phát triển vượt trội. Để sống, nghệ thuật của một người cần đánh giá trung thực những mặt hạn chế. Bà công nhận rằng sự tách biệt với công chúng của bà đã đem lại những hạn chế đáng kể, cụ thể là những nhà sưu tập về sau sẽ thấy xa lạ với những tác phẩm của bà.

Kiên quyết thay đổi, Suối Hoa lần đầu tiên giới thiệu một dòng tranh hoàn toàn mới vào cuối năm. Mặc dù khá lạc quan vể việc trình bày buổi diễn, bà nhận ra có thể sẽ là một sự lựa chọn tốt nếu tự tài trợ cho buổi triển lãm tại những địa điểm nổi tiếng, ví dụ như Bảo tàng Mỹ thuật Thành phố Hồ Chí Minh.

Ngoài ra vẫn có những vấn để thực tế mà người nghệ sĩ cơ bản cần đối mặt. Vấn đề ít được đề cập nhất là bảo quản tranh.

Bản thân Suối Hoa cũng là nạn nhân của tranh mốc. Vài năm trước, bà mất một số tác phẩm yêu thích vì tranh bị ẩm. “Thành phố Hồ Chí Minh rất ẩm ướt,” bà cho biết, “nhất là những khi gió mùa về. Thật không may, bạn chỉ làm được đến thế với những bức tranh mấy chục năm tuổi.”

Bài học rút ra

Sau những trải nghiệm, Suối Hoa trở nên trẻ trung và vui vẻ hơn bao giờ hết. Nhấp một ngụm rượu mơ tự làm, bà tự hỏi: “Còn gì để không thấy hạnh phúc nữa đâu? Tôi tự do thể hiện bản thân và làm những điều tôi muốn. Có thể tôi không sở hữu nhiều thứ trong cuộc sống nhưng tôi đã đạt được nhiều thành tựu trong tranh của mình.”

Mọi mặt trong cuộc sống của bà đều gắn liền với triết lý sống của chính mình. Mỗi sáng thức dậy bà lại đến một xưởng vẽ lớn nhìn ra một khu vườn tươi tốt, căng tràn nhựa sống với gió thổi hiu hiu. Trong khi những người du khách thông minh sử dụng thuốc chống muỗi, Suối Hoa nhẹ nhàng, tự tin len qua những tán lá trúc và dây leo.

Với đôi mắt sáng ngời và cây kéo làm vườn trong tay, bà như một sự hòa hợp của “suối” và “hoa” – đúng như cái tên của bà. Thả những lá trà mới hái vào bình lọc trà nhựa sáng màu, bà nói như không cần sức lực: “Bạn không cần phải vẽ thường xuyên hay bán quá nhiều tranh để trở nên thành công. Cuộc sống vốn phong phú- Nếu bạn có thể in dấu một phần tâm hồn minh lên tranh sơn dầu thì bạn đã làm rất tốt.”

Lê Vũ Quỳnh Phương (dịch)

 

NHỮNG BẢN DỊCH CỦA  LÊ VŨ QUỲNH PHƯƠNG:

 Thơ dịch từ tiếng Anh của một nữ sinh lớp 11

Làm thế nào để sống một mình mà không cô đơn?

Khoảng cách có thể giúp tình yêu bền vững hơn

Các thiếu nữ bị béo phì, thể dục nhịp điệu có thể mang lại nhiều lợi ích về sức khỏe hơn luyện tập đối kháng



Add comment


Việt Tuấn Trinh | www.viettuantrinh.com