QUÁCH GIAO: Tình bạn của thi sĩ QUÁCH TẤN - Thân tình giữa Yến Lan và Quách Tấn

Mục lục
QUÁCH GIAO: Tình bạn của thi sĩ QUÁCH TẤN
Tình bạn Bàn Thành Tứ Hữu
Thân tình giữa Yến Lan và Quách Tấn
Yến Lan hát bội để gởi niềm tâm sự
Tất cả các trang

 

Thân tình giữa Yến Lan và Quách Tấn


 

quach-tanRR


Tuy quen nhau rất muộn nhưng Yến Lan đã có nhiều thời gian sống cùng Quách Tấn tại Nha Trang và Bình Định.

Năm 1941, sau khi Hàn Mặc Tử mất và Chế Lan Viên ra Thanh Hóa dạy học, Yến Lan vì buồn nên vào Nha Trang chơi gần nửa năm. Công việc của Yến Lan chỉ ở nhà đọc sách khi Quách Tấn đi làm. Tủ sách trong nhà gồm có sách chữ Pháp, chữ Hán và các sách các báo trong nước. Yến Lan đọc và ghi chú các điều cần nhớ và hàng đêm đều đem ra thảo luận cùng với Quách Tấn. Hiện tại  húng tôi còn giữ được một tập ghi chép của Yến Lan về thơ Pháp và Trung Hoa dày trên 100 trang khổ giấy lớn (A4). Chúng tôi mỗi khi đi học về đều quanh quẩn bên chú Lang (Yến Lan tên thật Lâm Thanh Lang) và được chú chỉ dạy thêm về các bài vở ở nhà trường. Chú giảng dạy rất dể hiểu và nhiều lý thú. Ngoài ra chú còn dạy tôi học thuộc những bài thơ lục bát của Tản Đà, những bài ca dao. Má tôi đối với chú Lang rất quý mến và thương yêu như em ruột.

Những kỷ niệm giữa ba tôi và chú Lang tôi thường được chứng kiến vì khi đi chơi biển hoặc viếng cảnh Tháp Bà, Hòn Chồng hay các thắng cảnh khác tôi đều được cho đi theo. Đi Hòn Chồng thì tôi thích thú khi được chú Lang chỉ cho cách ngắm cảnh nước non theo kiểu chổng khu nhìn cánh vật qua hai chân và đầu lộn ngược.

Tôi say sưa nghe những câu chuyện về bàn tay ông Khổng Lồ còn in lại trên vách đá và nhất là những bài thơ vịnh Hòn Chồng của chí sĩ Trần Quý Cáp và của cụ Thuần Phu Trần Khắc Thành.Sở dĩ tôi luôn luôn có mặt trong các cuộc thăm viếng thắng cảnh vì ba tôi và các thân hữu thường chỉ đi vào ngày chúa nhật.

Nhà tôi ở bên cạnh một ngôi đình tên là Đình Xương Huân. Đình có cây me lâu năm, tàn xõa trùm lên ngôi nhà bếp của chúng tôi. Đến mùa me có trái, thấy chúng tôi nhìn chùm me chín mà thèm song không thể nào hái được, chú Yến Lan bắt thang leo lên mái nhà hái đem xuống cho chúng tôi. Vừa khi ấy ba tôi đi làm về. Chú Lang sợ ba tôi ngầy nên vừa đánh đu trên nhánh me vừa cười giả lả:

- Anh Tấn ăn me chín được không?

Biết được tấm lòng của chú nên hình ảnh hái me vẫn sống mãi trong lòng ba tôi. Trong hồi ký ba tôi có viết: "Hình ảnh ấy trong mấy mươi năm vẫn sống trong lòng tôi. Mùa thu năm Mậu Thân (1968) lòng bổng nhớ Yến Lan da diết, tôi ra đứng tần ngần dưới gốc me. Bổng một trận lá me vàng tuôn xuống làm sốn dậy bóng dáng cố nhân! Gần 15 năm ly biệt, không một tin đưa! Bồi hồi, ấo não tôi viết được một bài lục bát:

Me thu lã chã mưa vàng

Bóng thu hiu hắt bóng chàng năm xưa

Bấy chầy cách trở nắng mưa

Đời Ly Tao ngọt hay chua hỡi lòng.

Thời tiền chiến, nhờ sống trong một môi trường an lành, sung túc nên tình bạn chỉ biết vui trong niềm vui riêng với gia đình, bạn hữu. Mùa hè sống với trời mây biến cả. Tết đến thì đi ngao du Bình Định Nha Trang. Kỷ niệm đầy đủ và nên thơ nhất là tình bạn sum vầy dưới khóm mận trước sân".

Cây mận sống đã lâu năm, cành lá sum suê tỏa bóng mát đầy sân là nơi ba tôi và các bằng hữu thường trải chiêu hoặc bắt ghế ra ngồi trong những buổi trưa. Khi mận ra hoa thì râu hoa mận rụng đầy sân như tuyết phú, khi trái chín thì màu đỏ của trái mận làm  ngây ngất lòng thi nhân. Cảnh mận ra hoa, mận chín và sự sum họp của bạn bằng thường chứa chất vào trong thơ của ba tôi. Như:

Gốc mận ba cành huê lại huê

Đường xa ba bạn mãi chưa về.

Bóng sân trải chiếu chờ tin mộng

Bướm chập chờn hương gió bốn bề.

Từ năm 1942 Yến Lan ra Thanh Hóa dạy trường Mission thế chỗ cho Chế Lan Viên vào dạy trương Chấn Hưng (Đà Nẳng) thì chú Lang thường vào Nha Trang trong những ngày hè. Tuy nhiên sau này chú Chế Lan Viên có vợ và chú Yến Lan cũng vậy nên kể từ năm 1943 chú Yến Lan thưa vào Nha Trang. Ba tôi có thơ:

Năm ngoái trời trưa chung bóng mận

Năm nay mận nở luống trông nhau

Ngày xanh gặp gỡ dần thưa thớt

Mây ráng thêm thương tuổi bạc đầu.

Trong những năm kháng chiến chống Pháp, ba tôi cùng chú Yến Lan cùng ở Bình Định nhưng xa cách nhau trên ba mươi cây số. Vì không có phương tiện nên đi lại thăm nhau khó khăn và nhất là sinh kế nên hai người rất ít khi gặp nhau.

Quách Tấn ngồi thắc gióng

Yến Lan nấu sà phòng

Văn chương tỉnh Bình Định

Phó mặc Nguyễn Thành Long.

Khi đó tôi học trường Nguyễn Huệ  ở Bồng Sơn và Hòa Bình nên thường có dịp ghé lại thành Bình Định để đọc thơ Yến Lan và nhất là xin chép những vở kịch kháng chiến để về trình diễn tại địa phương.

Sau hiệp định Geneve (1954) Yến Lan và gia đình tập kết ra Bắc, Quách Tấn và gia đình trở lại Nha Trang. Trước khi chia tay hai nhà thơ gặp nhau tại Bồng sơn trong một buổi học tập chính trị. Hai người lén nói chuyện riêng nơi vắng vẻ. Quách Tấn khuyên Yến Lan nên ở lại vì đi tập kết chỉ có hai năm. Yến Lan tuy ưng thuận song còn ngập ngừng nên gởi cho Quách Tấn ba bản thảo: hai tập thơ “Xa Xăm” và “Kết Giao” cùng một tập kịch thơ “Bóng Giai Nhân”. Sau đó thím Yến Lan vào Nha Trang và nhận nơi Quách Tấn một bức thư gởi cho Yến Lan tin cho biết tay tỉnh trưởng Phú Yên đã có kế hoạch thủ tiêu những người ở lại (trong đó có Yến Lan) vậy Yến Lan nên đem gia đình đi tập kết. Tâm sự Quách Tấn dường như đã có trong thơ từ trước:

Chở nặng buồn thương xe bạn đi

Ráng vàng lau trắng bóng sâm si

Đầy sân hoa mận hai lần nở

Lòng bạn phương xa đã nóng về.

Suốt hai mươi năm trời (1954-1975) kẻ Bắc người Nam lòng thương nhớ không lúc nào nguôi:

Nước chia đôi nhà cũng chia đôi

Anh Nam em Bắc, bạn phương trời

Chờ mong mộng luống chìm theo mộng

Thương nhớ lời không dám rỉ lời

Mòn mỏi niên quang hoa lá rụng

Bẽ bàng tâm sự nước mây trôi

Những đêm ánh sáp ngời trang sử

Sùi sụt dòng Ngân sóng biển khơi.

Trong những ngày xa cách Yến Lan có viết một bài thơ nhan đề “ Nhà Tôi Đó” đề tặng Quách Tấn. Bài thơ làm tháng 6 năm 1957 dài 227 câu. Có những đoạn như:

Anh từ bảy bến đò cách quãng

Tìm đến nhau như vệt nắng vàng hanh

Giữa chiều đông tìm sưởi tâm tình

Đọng giữa khay trà chén không đủ bộ

Hai chúng ta đang ngày gian khổ

Được gần nhau chỉ một vài đêm

Dưới nhà này

như trong tổ

đôi chim

Nằm ấp lại bãi bờ trước ngày kháng chiến

Đâu Nha Tang

con tàu đêm bánh chuyển

Rụng mất rồi trăng hẹn bãi thông xanh

Mây giăng ngang những nét chữ thư tình

Lòng lên sạn nẻo đường nắng ướm

Và từ ấy trong thơ tôi vắng bướm


Và cảm động nhất là đoạn kết:

Chính anh đang đi trên đường phố chợ

Chân dừng lại trước gian nhà tôi ở

Nhịp bước rộn ràng động thức mấy cây

Anh lại gần

Gọi khẽ: “Yến Lan

Gió đã lạnh hãy mặc thêm chiếc áo

Đốt điếu thuốc

và cùng mình đi dạo”

Trên đường chiều ngất ngưởng chúng ta đi

Bóng ngã qua đồi nhòe bóng những cây si

Dưới chân đồi người tưởng bóng mây

Vội cởi nón để nhìn sao rựng mọc.

Nhớ đến Yến Lan, Quách Tấn trong các tập thơ đã xuất bản như tập Đọng Bóng Chiều có bài Chi Xiết viết đề tặng Xuân Khai (tức Yến Lan):

Hoa bưởi ngát vườn sương

Khuya rồi canh nhớ thương

Phương trời thu lận đận

Chi xiết niềm tha hương

(Nha Trang 1964)

Và Trông Mận Nhớ Người, viết đề tặng Hoan (tức Chế Lan Viên), Lang:

Mận già ba gốc sum suê

Ngã hai còn một não nề nhớ thương

Xuân về cành biếng đơm hương

Đầy sân rụng ánh tà dương lạnh lùng

Đây là một bài thơ trong tập Nhánh Lục chưa xuất bản. Tập này toàn là thơ lục bát có nhiều bài như Tình Chim, Cúc Nảy Hương đều nói đến sự thương nhớ các bạn ở xa.

Trăm năm đã non nguyền nước hẹn

Dẫu đôi bờ tình hẹn trước sau

Đôi bờ dẫu bạc gió lau

Lòng thương vẫn nhớ một màu sông xanh

(Cúc Nảy hương – Nhánh Lục)

Năm 1972 trong tập thơ Tiếng Vàng Khô, Quách Tấn có đôi câu:

Muốn đem tâm sự trao lòng giấy

Thoảng khói ngàn xa bút ngại ngần

thì năm 1982 (mười năm sau) Yến Lan cũng viết bài tứ tuyệt:

Nhớ bạn nhiều hôm da diết nhớ

Lại đành không tiện viết thư thăm

Ngại trao tâm sự cho tờ giấy

Đè nặng thêm tay kẻ nhận cầm

(Vô Tình và Hữu Tình)

Bài thơ của Yến Lan làm từ tháng 9 năm1982 mà mãi đến tháng 10 năm 1990 (hơn 8 năm) mới cho đăng báo. Được hỏi ý kiến Quách Tấn đã trả lời: “Tôi vẫn biết và tin chắc rằng lòng hai bạn đối với tôi xưa sao nay vậy. Thái độ hờ hửng chỉ là sắc tướng bên ngoài. Tình thương yêu nhau mới là thể tánh.Tướng tùy duyên, tánh bất biến nên lòng tôi đối với Yến Lan vẫn nguyên chất lượng”.

Trong thời gian đất nước phân đôi, tình của nhà thơ Yến Lan đối với Quách Tấn được một người duy nhất chứng kiến, đó là chú Quách Tạo em ruột nhà thơ Quách Tấn. Trước kia chú Quách Tạo tuy không được liệt vào hàng tứ hữu song vì thường xuyên có mặt ở Nha Trang trong những ngày vui dưới bóng mận, những cuộc du hành lý thú trong các dịp Tết tại Bình Định và nhất là  trong những buổi bàn luận văn chương giữa các nhà thơ. Chú Quách Tạo hiểu về thơ rất sâu sắc, đọc nhiều và lại biết võ nghệ và hát bội rất thiện nghệ. Khi tập kết ra Bắc chú làm ở viện Kiểm sát tối cao Hà Nội và ăn cơm tháng tại nhà chú Yến Lan. Tình cảm giữa hai gia đình rất thân thương như tình ruột thịt. Trong hồi ký của mình chú Quách Tạo có viết lại câu chuyện Yến Lan hát bội (bài có đăng trong cuốn Đào Tấn và Hát Bội Bình Định) và câu chuyện về tập thơ Giọt Trăng.


Sau đây là câu chuyện trích trong Hồi Ký của Quách Tạo:

 

42550nhung-buoc-thuRR



Add comment


Việt Tuấn Trinh | www.viettuantrinh.com