QUÁCH GIAO: Tình bạn của thi sĩ QUÁCH TẤN - Tình bạn Bàn Thành Tứ Hữu

Mục lục
QUÁCH GIAO: Tình bạn của thi sĩ QUÁCH TẤN
Tình bạn Bàn Thành Tứ Hữu
Thân tình giữa Yến Lan và Quách Tấn
Yến Lan hát bội để gởi niềm tâm sự
Tất cả các trang

Tình bạn Bàn Thành Tứ Hữu

 

Ở Bình Định có bốn nhà thơ chơi thân với nhau là Hàn Mặc Tử, Chế Lan Viên, Yến Lan và Quách Tấn. Một nhà thơ đất Kiên Mỹ thuộc huyện Bình Khê gọi bốn nhà thơ này là Bàn Thành Tứ Hữu, tức là bốn người bạn của đất Bình Định. Bàn Thành là thành Đồ Bàn thủ đô của nước Chiêm Thành tại Bình Định vào thế kỷ thứ X do vua Ngô Nhật Hoan xây cất. Thành Đồ Bàn  nhờ địa thế và kiến trúc kiên cố nên bền vững trên 5 thế kỷ. Đến năm 1470 vua Lê Thánh Tông đánh lấy đổi tên là thành Qui Nhơn. Đời Tây Sơn,  Nguyễn Nhạc xưng đế đóng đô tại đây được 18 năm, đặt tên là Hoàng Đế Thành. Năm 1799 Nguyễn Ánh lấy được đổi tên là Bình Định thành. Năm 1814 thành Đồ Bàn bị phá đi để lấy đá xây thành mới cách thành cũ chừng 5 cây số về hướng Nam. Người đời sau khi nói đến địa danh Bình Định thường dùng tên  Đồ Bàn

Bốn nhà thơ tuy không cùng sinh song đã sống tại Bình Định và đã kết tình văn nghệ  cùng nhau nên bạn hữu đặt tên là Bàn Thành Tứ Hữu cho thêm phần văn chương. Ngoài ra bốn nhà thơ này còn được gọi là Tứ Linh (bốn con vật linh thiên là rồng, phụng, lân, rùa) Bốn nhà thơ này không lập ra nhóm trường thơ Bình Định, không thuộc nhóm thơ Qui Nhơn. Tuy nhiên họ vẫn là những nhà thơ của Bình Định.

Người lớn tuổi nhất trong Bàn Thành Tứ Hữu là Quách Tấn (1910) kế đến là Hàn Mặc Tử (1912) rồi Yến Lan (1916) và cuối cùng là Chế Lan Viên.(1920). Quách Tấn và Yến Lan đều sinh tại Bình Định. Hàn Mặc Tử và Chế Lan Viên sinh tại Quảng Trị và lớn lên trên đất Bình Định. Hàn Mặc Tử chết sớm vào năm 28 tuổi (1940) chết và được chôn trên đất Bình Định. Chế Lan Viên chết năm 69 tuổi (1989) hỏa táng trên đất Sài Gòn. Quách Tấn mất năm 85 tuổi chôn nơi Xứ Trầm Hương (Khánh Hòa). Và Yến Lan mất năm 83 tuổi (1998) chôn tại quê hương Bình Định.

Làng thơ Bình Định dùng tên Tứ Linh để gọi Tứ Hữu: Hàn Mặc Tử là rồng, Chế Lan Viên là phụng, Yến Lan là lân và Quách Tấn là rùa. Phần lớn nhân cách và văn phong của mỗi người đều tương xứng với mỗi con vật.

Trong Bàn Thành Tứ Hữu, hai nhà thơ Yến Lan và Chế Lan Viên quen thân với nhau từ thuở ấu thơ vì hai người cùng sống với gia đình gần bên nhau tại thành Bình Định. Yến Lan gặp Hàn Mặc Tử năm 1930 tại nhà Yến Lan và cùng lên xuống thăm nhau. Lúc này Yến Lan đang mang biệt hiệu Xuân Khai và Hàn Mặc Tử còn lấy hiệu Phong Trần. Hàn Mặc Tử quen với Chế Lan Viên năm 1936 khi đang cùng học trường collêge Qui Nhơn. Từ ấy ba nhà thơ qua lại cùng nhau và cùng có ý định thành lập trường thơ Loạn. Sau đây là một đoạn hồi ký của nhà thơ Yến Lan về trường thơ này:

"Sống giữa lòng Bình Định, những chiều hiu hiu nắng quái, tôi và Chế Lan Viên thường lên lầu cửa Đông mà hai đứa tôi gọi là lầu Tư Tưởng, phòng tầm mắt nhìn thị trấn, rồi vọng đến những chân trời xa tắp, lòng ngậm ngùi cho mảnh đất quê hương đã trải qua lắm uộc đổi thay. Có lúc chúng tôi nghĩ xa hơn đến các triều đại của quá khứ từng nối tiếp nhau đến sự thăng trầm biến thiên của lịch sử, rồi bàn nhau cùng viết về cảnh điêu tàn, những cuộc đời dâu bể. Hoan đi sâu vào sự đau thương, tán tạ, thịnh vượng, làm sống lại những lễ hội, sinh ca của các hội tộc quyền quý, rồi binh biến, máu lửa thay cho một thuở thanh bình. Tập thơ của Chế có tên là Điêu Tàn. Tập thơ của tôi đặt tên là Giếng Loạn.

Nghe tôi đôi lần đề cập đến Giếng Loạn, Tử rất muốn xem (lúc này anh đang bệnh). Tôi mang xuống cho anh. Khoảng một tuần sau Tử đưa trả bản thảo và nói: Tôi đã xem hết tập thơ rồi. Có một số  xúc cảm nên cố làm một bài riêng tặng cậu. Anh lấy ở túi áo ra trao cho tôi và trân trọng nói. Đây cứ tạm coi như là một bài bạt sơ thảo. Mà tôi thấy cái nhan đề không ổn. Sao cậu không viết là “Giếng lạng” mà viết là “Giếng Loạn”? Tôi đáp:

"Có vấn đề ngôn ngữ tôi muốn thảo luận với anh đấy. Rồi tôi và Tử bàn nhau hồi lâu, sau cùng thống nhất là “Giếng Loạn”. Loạn ở đây là loạn lạc, đày đủ ý nghĩa hơn Lạng là bỏ hoang. Bài thơ Tử tặng tôi chính là bài “Trăng Tự Tử” mang dáng dấp của một bài bạt cho cả tập thơ. Tôi đã có chủ ý sẽ in nó vào tập “Giếng Loạn” khi xuất bản. Nhưng bản chép tay ấy với cả tập thơ bị thất lạc lúc đi sơ tán, ngày Pháp mở chiến dịch Át- lăng đánh vào Qui Nhơn. Bản in trên các sách hiện nay là bản lưu từ trong xấp di cảo do anh Quách Tấn giữ (Trích Hồi ký: Yến Lan - Nhớ Mãi Về Anh).

Trong hồi ký về Bàn Thành Tứ Hữu, Quách Tấn cũng có viết:

Lúc ấy Hàn Mặc Tử đã hoàn chỉnh tập Thơ Điên, Chế đã xuất bản tập Điêu Tàn, Yến Lan có làm tập thơ Giếng Loạn. Trong ba tập tơ đều có không khí siêu thực, bất thường nên ba tác giả mới cùng nhau lập ra  Trường Thơ Loạn. Trường Thơ Loạn, năm 1938 lấy bài tựa tập Thơ Điên và tập Điêu Tàn tạm dùng làm tuyên ngôn. Trương thơ ra đời không được nhiều người hưởng ứng nên không gây được ảnh hưởng trong làng thơ ( Trích Bóng Ngày Qua. Bàn Thành Tứ Hữu).

Quách Tấn quen với Hàn Mặc Tử từ năm 1931 khi Quách Tấn làm việc tại Đà Lạt nhờ một người bạn là Nguyễn Trấp ở Qui Nhơn tìm hộ. Hai người quen nhau và Tử giới thiệu Chế Lan Viên cùng Yến Lan cho Quách Tấn. Mãi đên khi Hàn Mặc Tử mất (11/11/1940) Ba nhà thơ Quách, Chế và Yến mới thật thân nhau và sồng bên nhau trong những ngày vui nơi xứ Trầm Hương có tiếng sóng của biển Nha Trang đồng vọng dưới bóng mát của khóm mận ba cành trong sân vườn nhà 21 đường Bến Chợ.

Những tình cảm giữa các người bạn đều được ghi lại trong hồi ký của Quách Tấn. Về Hàn Mặc Tử có “Đôi Nét Về Hàn Mặc Tử”. Về Bích Khê có “Đời Bích Khê”, Với Chế Lan Viên và Yến Lan trong “Bàn Thành Tứ Hữu”. Sau đây là những gì chưa có trong hồi ký của Quách Tấn.



Add comment


Việt Tuấn Trinh | www.viettuantrinh.com