Lâm Bích Thủy: YẾN LAN - Trên chuyến tàu về lại quê năm ấy


Không hiểu vì sao mà câu chuyện này lại ám ảnh tôi mãi không dứt. Nhất là vào lúc này, khi bè lũ lãnh đạo của Trung Quốc, ngang nhiên đặt gian khoan Hải dương 981 trên thềm lục địa của ta, gợi tôi nhớ lại câu chuyện mà cha tôi - nhà thơ Yến Lan đã kể đi kể lại nhiều lần cho chúng tôi nghe. Hồi ấy, mỗi lần kể xong, ông lại ngâm nga: “Con ơi chớ vội làm giàu/ Thằng Tây nó cút thì thằng Tàu nó sang”. Quả là như vậy! Giờ, tôi mới hiểu, ý cha muốn thông qua chuyện đời mình để dạy con tinh thần dân tộc, tình yêu nước, ý chí tự chủ, sự kiên nhẫn và lòng tự trọng. Bất kỳ ở đâu, trong hoàn cảnh nào cũng cần bình tĩnh mà suy xét kỷ trước khi hành động. Nhất là với những tình huống xấu nhất, khi đối mặt với kẻ thù “Biết mình, biết ta trăm trận trăm thắng”.

 

nguyen-khaiRR

Từ trái: Nhà văn Nguyễn Khải, nhà thơ Yến Lan & nhà thơ Hoàng Minh Châu

 

Câu chuyện xảy ra vào thời gian ba tôi đang dạy học tại  trường Mission-Thanh Hóa. Ông dạy được hai năm thì vào ngày 9 tháng 3 năm 1945 Nhật đảo chính và tước khí giới của quân đội Pháp ở Đông Dương. Đại sứ Nhật ở Đông Dương là Matsumoto Shunichi đòi người Pháp phải chấp nhận vô điều kiện quyền chỉ huy của Nhật trên mọi phương diện. Pháp thua trận, te tua tháo chạy. Ở Thanh Hóa, một trong những nơi Nhật đến chiếm là trường Mission. Lúc bấy giờ, nhà giáo – thi sĩ Xuân Khai (tức Yến Lan) đang chuẩn bị trở về quê. Qua tình hình nắm được, biết thầy giáo này vừa dạy giỏi vừa có uy tín với học sinh vì ông còn là một nhà thơ đã có tiếng tăm trong nước. Bọn Nhật vội đến, gặp ông, bày tỏ mong muốn thầy giáo sẽ ủng hộ sự tiếp quản của Nhật, ở lại tiếp tục dạy theo nền giáo dục mà Nhật đề ra.

Trước hết, chúng khiêng đến cho ông hai cái hòm. Các thầy giáo, tưởng ông ngầm hợp tác nên được Nhật hối lộ thứ gì quí giá. Họ xì xào, chỉ trỏ với thái độ khó chịu. Thầy Xuân Khai xua tay, lắc đầu tỏ ý không nhận. Sĩ quan Nhật ra hiệu để ông mở hòm xem xong rồi hãy từ chối. Trước mặt các thầy và lính Nhật, thầy mở cả hai thùng ra. Đó là hai thùng phấn viết bảng không bụi. Sau đó một người Nhật nói với ông bằng tiếng Pháp, sẽ trả lương rất hậu nếu ông ở lại. Nhưng ông khăng khăng đòi trở về quê hương Bình Định để tham gia kháng chiến cứu quốc .

Tại sân ga, cảnh tượng thật hỗn độn, khó phân biệt; nào Tây, nào Nhật, nào dân ta; kẻ cầm súng đứng gác, người qua lại mang, vác đủ thứ trông lôi thôi, lếch thếch; khiến lòng thầy bừng bừng căm giận. Thầy  càng căm hơn khi chứng kiến cảnh bọn lính Pháp, tuy thua trận nhưng vẫn ức hiếp dân ta quá đỗi. Khó khăn lắm mọi người mới mua được tấm vé; rồi trầy trật mãi để len chân vào được tới chỗ. Nhưng chỗ chưa kịp ấm đã phải rời đi, vì “Chuyến tàu này dành cho quân đội Pháp, bà con đợi chuyến sau”. Thế là dân ta, lại gồng, gánh, mang, vác, ào ào, xô đẩy nhau, lèn, lách để ra khỏi toa - nơi mà mình vừa chen chúc, xô đẩy để tới được!

Từng tốp người đi áo nâu bạc rách

Tiếng thở dài hơn tầm mắt ngửng trông

Đường chưa qua đã là bước đường cùng

Mà đất cũ không còn nơi chốn ở…

Lính Pháp quýnh quáng nhào lên chiếm chỗ, miệng không ngớt xua dân ta như xua gà: “Allez! Allez Annamie”. Đấy! cả cái tên nòi giống tổ tiên của ta cũng bị chúng miệt thị, khinh bỉ. Chúng không coi dân ta là người! mà chúng dùng chữ súc vật - Annamie để gọi dân ta! Cảnh tượng ấy đọng mãi trong lòng thầy giáo nhà thơ Xuân Khai:

Ôi mảnh đất khi xới lên từng thớ

Nhìn chưa phai máu thịt của cha ông

Chân trời kia mắt họ ngời trông

Bóng nắng, giọt mưa đều còn xa lạ

Họ đứng đó nhớ từng gốc rạ

Mà giữa lòng trống trải một lưng cơm

Ngày mai,

Ngày mai trôi đến chốn xa hơn

Trải năm tháng chắc gì kiếm được…

Bữa cơm đợi tàu gượng nhai, gượng nuốt

Tôi đứng lên dù chưa ấm chỗ ngồi

Khi vé cầm tay bỗng lại sợ tiếng còi

Xé thêm rách những cuộc đời xơ xác

Nhìn cảnh dân tinh mình bị xua đuổi, thầy giáo, nhà thơ liên tục thốt lên: “Nhục quá! nhục quá!”. Lòng tự trọng dân tộc trỗi dậy trong ông: “Là trí thức mình không thể để chúng đuổi như đuổi một con vật. Mất thể diện con người quá! Nếu ta bị chúng buộc phải rời toa, ta sẽ từ từ xuống một cách đàng hoàng!”

Các toa dưới, dân chưa kịp xuống, lính Pháp đã tràn lên chèn cả lối đi, rất lộn xộn. Trong khi đó, toa thầy mua vé vẫn chưa có ai lên; thấy vậy thầy lưỡng lự và suy nghĩ: đi hay ngồi lại? Thôi cứ từ từ xem sao cái đã; rồi đủng đỉnh đưa hai tay lên nắm quai valise trên giá, để yên và phóng tầm mắt qua cửa sổ toa, quan sát, nghĩ cách đối phó: “Nếu, bọn Pháp xông lên, chúng thấy tay ta đang để trên quai valise, có nghĩa đang chuẩn bị ra đi, sẽ không đuổi ta “Allez! Allez Annamie” như đuổi người dân. Khi ấy, ta đỉnh đạt, đàng hoàng bước xuống. Ít ra, trong mắt chúng; ta - trí thức Việt Nam cũng là con người như chúng”, thì bỗng, từ phía sau, một giọng nói rất lịch sự:   

- Bonsoir monsieur” (Xin chào ngài).

Thầy giáo, lúc này, tay vẫn chưa rút khỏi quai valise, chỉ quay đầu sang bên trái, xem ai vừa nói, và nói với ai mà nghe rất lễ phép. Thì ra, đó là một sĩ quan người Pháp. Tay phải anh ta cũng đang xách chiếc valise bằng nhom, cở trung bình, nhìn nhà giáo vẻ có lỗi. Còn nhà giáo nghĩ chắc có sự nhầm lẫn gì mà tai mình nghe không rõ ; lịch sự hỏi lại:

-  Pardon, Excusez-moi! (Xin lỗi, Ngài làm ơn nhắc lại?).

Người sĩ quan vẫn nét mặt và  nụ cười để sẳn trên môi, tiếp:

- Excusez-moi! Puis-je m’asseoir ici (Xin thứ lỗi, tôi có thể ngồi ở đây?).

Nhanh như chớp, trong đầu thầy giáo một phản xạ có điều kiện lập nên: - vậy là rõ rồi! Giờ đây mình là người có quyền quyết định ngồi lại hay rời khỏi toa, chứ không phải người Pháp. Bằng động tác lịch sự của người trí thức Việt Nam, và rất tự tin, nhà thơ Xuân Khai rút đôi tay khỏi chiếc valise và độ lượng, quả quyết:  

- Oui! S’il vous plait monsier….

Khi con tàu chạy đã khá lâu, nhà giáo mới biết mình mua vé tại toa dành riêng cho sĩ quan Pháp và gia đình họ. Nhưng ông cứ thắc mắc mà không sao hiểu được: Tại sao, suốt cuộc hành trình về Bình Định, tất cả sĩ quan Pháp trên cùng toa đều tỏ ra rất kính trọng; nhất là các bà vợ, ai cũng nhìn ông nể trọng, mọi cử chỉ có vẻ như cố tránh làm mếch lòng người trí thức Việt Nam trong bộ complet trắng ngồi cùng toa với những người con của mẫu quốc Pháp. Kể cả sau này, khi kể cho chúng tôi, ba tôi vẫn tự hỏi: "- Tại sao họ rất lễ phép và nể trọng mình quá đỗi như vậy? Phải chăng do nhân cách, thái độ đàng hoàng tự tin của mình? Hay vì bộ complet trắng, sang trọng từ chất liệu vải Pháp mà cô Thỏ đã tặng?" (Các bạn còn nhớ bộ complet trắng do cô Thỏ - người con gái lai Pháp trong bài viết của tôi “Mùa xuân này lạnh lắm em ơi” may tặng ông…”. Còn theo chúng tôi: “Do phong thái đỉnh đạt, đàng hoàng của người văn sĩ đất Bình Định đã làm cho bọn Pháp kính trọng ông”.

 

L.B.T

Chia sẻ liên kết này...

Add comment


Việt Tuấn Trinh | www.viettuantrinh.com