Bùi Hải Phong: BƯỚC ĐẦU KHẢO SÁT LỄ HỘI BÌNH DƯƠNG - * KHÁI QUÁT VỀ LỄ HỘI TRUYỀN THỐNG CỦA CÁC DÂN TỘC TRÊN ĐẤT BÌNH DƯƠNG

Mục lục
Bùi Hải Phong: BƯỚC ĐẦU KHẢO SÁT LỄ HỘI BÌNH DƯƠNG
* VÀI NHẬN XÉT VỀ CÔNG TRÌNH BƯỚC ĐẦU KHẢO SÁT LỄ HỘI BÌNH DƯƠNG
* KHÁI QUÁT VỀ LỄ HỘI TRUYỀN THỐNG CỦA CÁC DÂN TỘC TRÊN ĐẤT BÌNH DƯƠNG
Tất cả các trang

 

KHÁI QUÁT VỀ LỄ HỘI  TRUYỀN THỐNG CỦA CÁC DÂN TỘC TRÊN ĐẤT BÌNH DƯƠNG

 

bui-hia-phong

Nhà thơ, nhà giáo, nhà nghiên cứu Bùi Hải Phong


I- Vài nét về quá trình hình thành cư dân và các tộc người trên đất Bình Dương:

Bình Dương là tên gọi của một tỉnh miền Đông Nam bộ, nằm về phía tây nam của Tổ quốc. Phía bắc và tây bắc, Bình Dương giáp với Campuchia. Phía đông bắc giáp Đaklăk. Phía đông giáp Lâm Đồng; Phía tây nam giáp Đồng Nai. Phía tây giáp Tây Ninh và phía nam giáp Thành phố Hồ Chí Minh.

Tên gọi Bình Dương là tên gọi được Quốc hội và Chính phủ nước Cộng Hòa Xã Hội Chủ Nghĩa Việt Nam chính thức công bố vào ngày 06 tháng 11 năm 1996. Bình Dương tuy trước đây có nhiều tên gọi khác nhau qua nhiều thời kỳ khác nhau do điều kiện về lịch sử, xã hội; về không gian cấu thành khác nhau như Thủ Dầu Một, Thủ Biên, Sông Bé¹... nhưng tựu trung, Bình Dương về vị trí địa lý, điều kiện tự nhiên và những nét đặc thù về thổ nhưỡng, sinh thái và đặc biệt là một số tập tục lâu đời về tín ngưỡng, về tôn giáo... thì không mấy thay đổi². (Nét sinh hoạt chứa đựng yếu tố tâm linh này có ảnh hưởng rất nhiều đến sự sống còn của lễ hội truyền thống sẽ trình bày ở chương sau).

[¹ Tên gọi Thủ Dầu Một, Thủ Biên,... là các tên gọi khác nhau trong các giai đoạn lịch sử khác nhau của Bình Dương trước ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước.

² Chẳng hạn như tập tục cúng tế, đi lễ đình, lễ chùa, lễ nhà thờ... thì vẫn tồn tại. Các đình, chùa, miếu mạo, cũng như một số cảnh quan văn hóa tại đây vẫn được bảo tồn (Chùa Hội Khánh, nhà thờ Phú Cường, Đình Tân An, Bà Lụa, Tương Bình, chùa Bà, chùa núi Châu Thới, v.v.)]

Tại Bình Dương, đông nhất là người Kinh rồi đến người Hoa và một số dân tộc ít người khác sống rải rác ở các huyện thị trong tỉnh.

Về người Việt (Kinh) chính thức đến sinh sống tại Bình Dương, cũng chưa có tài liệu nào xác định rõ thời điểm cụ thể. Tuy nhiên, trên chặng đường lịch sử hình thành nên vùng đất Bình Dương như ngày nay, có thể xác định sơ bộ được như sau:

Theo tài liệu khảo cổ học từ nhiều di tích, di chỉ đào được tai Dốc Chùa, Bưng Sình (Tân Uyên) thì khả năng xuất hiện của người Việt cổ ước lượng từ 2000 đến 2500 năm¹. Còn người Việt sau này, các tài liệu về lịch sử cho hay rằng, từ năm 1674, tức là khoảng nửa sau thế kỷ XVII trở đi, chúa Nguyễn Phúc Chu đã cho mở một đợt chuyển dân khá quy mô đến các vùng Mô Xoài (Bà Rịa), Đồng Nai (Biên Hòa), Gia Định..., tạo nên một đợt di dân khá rầm rộ, sôi động... Bình Dương là vùng đất phụ cận, cách những địa điểm trên không xa… nên việc di dân tiệm tiến đến khu vực này, có lẽ cũng không ngoài thời điểm lịch sử nói trên ?

Ngoài đợt di dân quy mô, có “tính tổ chức” đó của chúa Nguyễn, vào khoảng đầu thế kỷ XX, do nhu cầu mở mang, phát triển các đồn điền cao su phục vụ cho chủ nghĩa tư bản phương Tây, thực dân Pháp ở Đông Dương, trong đó tại Nam kỳ, đã mở một đợt chuyển dân vô, gọi là hợp đồng mộ phu, tức là dân “công tra” (contract), cũng khá bài bản, đưa dân từ các tỉnh Bắc bộ, Trung bộ... về các vùng Lộc Ninh, Phú Riềng, Dầu Tiếng, v.v. làm công nhân cao su.

Năm 1954, sau Hiệp định Giơ-ne-vơ, một số đồng bào ta theo đạo Thiên chúa cũng làm một đợt chuyển dân khá đông đúc và qui mô vào phía Nam. Số dân di cư theo đạo Thiên chúa này về vùng đất Bình Dương, phần lớn sống tại các vùng biên giới Lộc Ninh, Bù Đốp, Phước Long...

Sau ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng, Đất nước thống nhất, số người từ khắp nơi trong cả nước, đủ các sắc tộc, nghề nghiệp... đến cư trú tại Bình Dương khá đông². Ngoài người Việt (Kinh), người S’Tiêng, M’Nông sinh sống lâu đời trên đất Bình Dương, tại đây còn nhiều tộc người khác nữa như dân tộc Hoa (người Hoa) dân tộc Kh’mer (người Kh’mer) đến sinh sống và cư trú cũng khá lâu, mà nay cũng chưa xác định rõ từ thời điểm nào là tuyệt đối ³. Trước đây khi nói đến các tộc người trên đất Bình Dương, chủ yếu người ta nói đến các dân tộc như Việt (Kinh), người S’Tiêng, người M’Nông, người Hoa, người Miên (Kh’mer), đã có mặt từ lâu tại đây. Bây giờ trên đất Bình Dương đã có thêm người Tày, Nùng, Chăm, Thổ, Giáy, Giá Rai, Sán Chày, Mường, Thái, Dao, Sán Dìu, Êđê, v.v. nâng số tộc người trên đất Bình Dương lên đến 28 loại (kể cả người nước ngoài). Các tộc người này sống tại các địa phương phân bố không đồng đều.

[1 Địa điểm khảo cổ học Dốc Chùa, NXB khoa học xã hội, Hà Nội, 1993.

² Theo số liệu của chi cục Thống kê Sông Bé, tính đến ngày 30/06/1995, số dân di cư đến vùng Sông Bé (Bình Phước Thủ Dầu Một) đã là 58.742 người..

³ Theo “Phú Cường, lịch sử văn hóa truyền thống và cách mạng” (Sơ thảo) do UBND Phường Phú Cường xuất bản năm 1990 thì người Hoa có mặt tại khu vực Sông Bé – Đồng Nai khoảng từ năm 1689 trở đi ước lượng ban đầu khoảng vài trăm người, tập trung ở vùng cù lao Phố (Đồng Nai) ngày nay.]

Xét các tộc người cư trú và sự phân bố khác nhau trên địa bàn Bình Dương, có thể thấy rất rõ các đặc điểm về sinh hoạt cũng như nhu cầu về văn hoá, về tâm linh… khác nhau. Một trong những biểu hiện của nét khác nhau đó chính là việc tổ chức lễ hội văn hóa cổ truyền ở các làng, bản, thôn, xóm, các địa phương trong tỉnh.

II- Lễ hội văn hóa truyền thống của các dân tộc trên đất Bình Dương :

Lễ hội cổ truyền của các tộc người trên đất Bình Dương là một trong những nét sinh hoạt văn hóa tâm linh (Spirit culture) khá đặc sắc vừa mang tính chất phổ biến của lễ hội cổ truyền Việt Nam vừa có nét độc đáo, riêng biệt của văn hóa vùng Sông Bé (Bình Dương) do điều kiện sống, điều kiện tự nhiên; về thời tiết và tính chất của nền sản xuất, của nghề nghiệp cũng như những tập tục của các tộc người nơi đây tạo nên.

Lễ hội cổ truyền của các tộc người tại đây rất đa dạng và phong phú; rất nhiều hình thức tổ chức với những nghi lễ, tập tục, cùng với thời gian, sắc tộc, tín ngưỡng... khác nhau, riêng biệt, do đó, khi đặt vấn đề “Bước đầu khảo sát tìm hiểu lễ hội cổ truyền của các tộc người Sông Bé( Bình Dương..)” phải căn cư` thống nhất trên những nét cơ bản do tính chất lịch sử, thực tế của nó đặt ra.

Tại Bình Dương, các tộc người trong cộng đồng của mình đều có lễ hội, như lễ cúng đình của người Việt; lễ cúng cơm mới “cúng lúa” với tục đâm trâu trong;  Lễ “Pơ thi” (bỏ mả),... của người S’Tiêng; Lễ “mừng cơm mới”, Lễ Donhta của người Kh’mer, Lễ Vía Bà, Lễ chùa Ông Bổn… của người Hoa, v.v.

Tuy nhiên, không phải dân tộc nào cũng tổ chức được lễ hội của mình, bởi lẽ, có khi, do họ sống quá phân tán hoặc số lượng người trong cộng đồng quá ít (chẳng hạn như dân tộc Gié Triêng chỉ có 3 người hoặc thậm chí như dân tộc Sila, H’mông, Bana tại Bình Dương  (thời điểm năm 1993) chỉ có... một người. Mặt khác, có những dân tộc vốn mang trong mình những “then”, những “lượn” đầy trữ tình như dân tộc Tày, Nùng... nhưng khi làm một cuộc chuyển dân vào vùng đất mới, họ chưa có đủ thời gian và điều kiện để tổ chức lễ hội của họ. Cũng như vậy, những người Khơme Sông Bé (Vì sống ở cao nguyên) mà không thể có các hình thức “đua ghe ngo” hoặc “thả đèn gió trông trăng” vào dịp rằm tháng 10 hàng năm. Những thiệt thòi riêng cho các tộc người trên đất Sông Bé Bình Dương cũng là thiệt thòi chung về mặt bằng văn hóa sắc tộc của các vùng văn hóa di dân khác.

III- Phân loại:

Bước đầu, có thể tạm phân loại các lễ hội Bình Dương theo hình thức tộc người trên cơ sở tính chất nghi lễ thực hành và biểu hiện trực tiếp qua các việc tổ chức ngày lễ như sau:

Lễ cúng đình của người Việt ở các vùng Thuận An, Thị xã, Bến Cát, Tân Uyên.

Tại các làng xã ở vùng phía Nam Sông Bé này có hơn 80 ngôi đình còn hoạt động cúng đình. (Xem bản thống kê các lễ hội). Lễ cúng đình ở các làng xã nơi đây thường tổ chức hai kỳ vào mùa Thu và mùa Xuân. Một lễ được gọi là lễ Kỳ Yên (cầu an); có nơi gọi là lễ Xuân kỳ và một lễ khác gọi là lễ Thu Tế (thu báo). Đây là hai kỳ lễ chính. Ngoài ra, ngày sóc, ngày vọng... có một số đình vẫn mở cửa để bá tánh vào cúng.

Ở hai kỳ lễ chính này của người Việt, người ta tổ chức theo chu kỳ 3 năm 1 lần có mời gánh hát bội. Những năm có ngày lễ lớn, dân làng nô nức đón chào và đi lễ cúng đình rất đông, làm lễ cúng đình rất lớn. Phạm vi tổ chức vượt khỏi một làng, xã (Khách mời gồm các bậc trong Ban lễ đình của nhiều xã lân cận. Người tham gia lễ hội không chỉ là dân trong làng mà còn dân các làng xã xung quanh. Cỗ lễ lớn, một phần để lại cúng đình và một phần (lớn) mang về nhà “liên hoan” trong gia tộc, dòng họ (xem biên khảo cụ thể lễ hội cúng đình đình Bà Lụa và lễ hội cúng đình Tân An). Trong lễ cúng đình của người Việt, dựa trên đặc điểm của từng làng xã, từng nét riêng biệt của đình mà xếp thành các loại:

Loại đình làng có tổ chức cúng đình bài bản nghi thức có lễ rước Thần, hát bội. Phần hội rõ nét hơn... Đó là các loại đình làng còn sắc phong, Thần thờ, hoặc những đình làng ở nơi tập trung đông dân cư, làm ăn phát đạt, truyền thống làng xã ở đây có nhiều nét văn vật... như đình làng Tân An, đình làng Bà Lụa (thị xã) đình Phú Long, Tân Thới, Dĩ An, Ngãi Thắng (Thuận An), đình làng Uyên Hưng, Tân Ba (Tân Uyên), đình làng Dầu Tiếng (Bến Cát),v.v. loại đình làng này, nay không nhiều.

Loại đình làng nặng nề phần nghi lễ cúng đình mà phần hội giảm nhẹ hoặc không có hát bội, nghi thức ở loại đình này là cúng đình đơn giản (thắp hương, khấn vái và cộng cảm) tùy theo lễ lộc bá tánh cúng vào mà mở hội...

Lễ hội chùa Bà, chùa Ông Bổn của người Hoa

Lễ hội chùa Bà ở “cung thiên hậu thánh mẫu” (thiên hậu cung) tại Phú Cường thị xã Thủ Dầu Một, tổ chức hàng năm vào rằm tháng giêng âm lịch.(Có người gọi là “Hội vía Bà”hoặc “Lễ vía Bà” *các cách gọi đó không có ảnh hưởng gì đến lễ hội nên vẫn quen dùng và gọi cách nào cũng được

Lễ hội chùa Bà ở tả phụng thiên hậu cung tại xã An Thạnh (chợ Búng - Thuận An) tổ chức vào rằm tháng giêng hàng năm (Thực ra, đây là một điểm hội chi nhánh của lễ hội chùa Bà Phú Cường, vì người ta đến lễ ở “tả phụng cung” xong, bao giờ cũng đến dự hội chùa Bà ở thiên hậu cung tại Phú Cường).

Lễ chùa Ông Bổn họ Lý ở ấp 7 phường Chánh Nghĩa tổ chức vào ngày 16/1 và 12/8 âm lịch hàng năm.

Lễ chùa Ông Bổn họ Vương ở các chùa Ông Bổn Bà Lụa (thị xã), chùa Ông Bổn Lái Thiêu (Thuận An), Từ đường họ Vương ở Tân Khánh (Tân Uyên). Các lễ hội này thay phiên nhau hàng năm, tổ chức vào ngày 25/2 âm lịch.

Lễ hội “Bích liên đình” của dòng Phước kiến tại ấp 7 phường Chánh Nghĩa (thị xã Thủ Dầu Một) tổ chức vào ngày 19/02 âm lịch để tạ ơn Bảo sanh đại đế, Quan công và Đức phật quan âm. V,V..

Lễ hội tháng hai của người S’Tiêng (lễ cúng cơm mới) của đồng bào S’Tiêng ở 68 sóc tại Bình Long cùng với hội bào ở các sóc Tân Quang, An Khương, Phước An (Bình Long); lễ hội cúng lúa (Tút Ba) của người S’Tiêng Phước Long tổ chức vào tháng 3 âm lịch tại các sóc S’Tiêng Phước Long.

Lễ hội Chol chơ mây Th’mây của người Kh’me tai Nha Bích (Bình Long) tổ chức vào ngày 13/04 âm lịch hàng năm,v.v...

“Lễ hội mừng công”, “lễ hội chiến thắng”, “lễ kỷ niệm những ngày lịch sử” của địa phương…Về phương diện tâm linh, nó không phải là tín ngưỡng dân gian nhưng lại là ý chí, tình cảm của thời đại, là niềm tin mãnh liệt của dân tộc tin vào một điều có thực đã đạt đến (sự thành công thắng lợi của cách mạng). Đó là gắn với truyền thống của dân tộc... Các ngày lễ này không tổ chức theo nghi lễ cổ điển mà tổ chức theo dạng “mítting”, ngày hội thể thao văn hóa và thường gắn liền với những cột mốc lịch sử, chiến thắng như ngày 2-9; ngày 30-4,v.v...

Ngoài các lễ hội truyền thống của các tộc người trên đất Sông Bé, tại đây còn có các lễ hội tôn giáo (phật giáo, đạo giáo) mang tính chất chính thống thuộc phạm vi tôn giáo như lễ phật Đản, lễ Vu Lan báo hiếu, lễ Thánh Mi-Sa, lễ tết Nôen. Cũng giống như dạng thức các lễ hội trong năm của đời người như lễ Sinh nhật, lễ dạm hỏi, cưới xin; Tết nguyên đán, nguyên tiêu, hàm thực, đoan ngọ,v.v... (không chủ trương nghiên cứu, tìm hiểu trong đề tài này, xin không nêu ra ở đây).

Sự sắp xếp trên đây chỉ là mức độ tương đối theo một tiêu chí cụ thể nhất định, chưa thể thỏa mãn các yêu cầu.

IV- Tính chất và đặc điểm của lễ hội văn hóa truyền thống Bình Dương:

Lễ hội truyền thống của các dân tộc trên đất Bình Dương mang tính chất phổ biến của lễ hội nông nghiệp và lễ hội làng nghề, nói đúng hơn là lễ hội của nền văn minh lúa nước (Ricecivilization) từ xa xưa truyền lại như nhiều lễ hội khác trên đất nước.

Tính chất phổ biến của lễ hội nông nghiệp thể hiện rất rõ ở sự gắn bó với các nghi lễ, thể thức thờ cúng và cách hành lễ mang sắc thái nông nghiệp, lễ hội làng nghề. Ở Bình Dương, tính chất đó thể hiện ở cách gọi tên các lễ hội, ở nghi thức tế lễ, trò diễn cũng như hình thức bày biện cỗ lễ cúng đình. Ngoài ra để giúp cho lễ hội trang nghiêm và mang tính giá trị tâm linh thì người xưa rất coi trọng đình làng, miếu mạo, cung, điện...để hành lễ (nói chung là ở thái độ tôn tạo cảm quan văn hóa)

Về tên gọi các lễ hội ở Bình Dương nói riêng và trong vùng cũng như cả nước nói chung, có nhiều cách gọi khác nhau, tuỳ theo từng vùng miền từng tiết lễ cụ thể… nhưng tựu trung, có mấy tên gọi quen thuộc thường gặp như lễ Kỳ Yên (cầu an), lễ Thu báo (thu tế), lễ Cầu bông, lễ Khai hạ, lễ Hạ điền, lễ Sắp ẩn,v.v. của người Việt¹; lễ Cầu mưa (brok-ba), lễ Cúng cơm mới (Pa-ba-khiêu), lễ Bỏ mả (Pơ-thi)... của người đồng bào S’Tiêng²; lễ cúng Thần ruộng (Neak-ta-xre), lễ cúng Thần mục súc (Arăk-Viêl), lễ gọi Hồn lúa (Hno-Pralưng-Xrâu) lễ chào Mặt trăng (Sampeah-preah-khe) của người Kh’mer³.

Đối với người Hoa,  lễ hội rằm tháng giêng hàng năm được gọi là Lễ vía Bà. Lễ chùa ông Bổn (16/1), v.v..

Các tên gọi này của lễ hội thường gắn liền với việc trồng trỉa, thu hoạch mùa màng thắng lợi. Lễ cầu bông của người Việt chẳng hạn, là một lễ phổ biến ở đây, cầu cho cây trái đơm bông kết quả, cho mùa màng bội thu, hoặc lễ Ok om bok (ăn cớm dẹp), lễ cầu mưa của người Kh’mer, cầu cho sự no đủ, sung túc trong mỗi gia đình. Lễ vía Bà tại cung Thiên hậu Thánh Mẫu của người Hoa giúp cầu vận may, cầu tài, cầu lộc, làm ăn phát đạt,v.v.

Nhìn chung, tên gọi của lễ hội là tên gọi phản ánh thái độ của con người đối với tự nhiên. Trong xã hội nông nghiệp chưa phát triển như ở nước ta , việc “điều tiết thái độ” của con người đối với tự nhiên như vậy là hợp lý, bởi lẽ, ở đây, con người sẽ thực sự thấy mình là chủ thể nhưng là chủ thể lệ thuộc vào tự nhiên, thái độ tích cực ở đây là sự tôn trọng thiên nhiên. Khi con người ta bày tỏ thái độ (trân trọng, biết ơn, cầu xin, mong mỏi, trông cậy,v.v.) đối với Thần linh như vậy, thể hiện quá trình tiếp xúc với thiên nhiên, với con người, họ luôn luôn giữ được sự cân bằng tốt đẹp (một trạng thái tâm linh rất cần cho con người để sống lạc quan, yên vui, mạnh khỏe...)

Về trò diễn và bày biện cỗ lễ

Lễ hội truyền thống tại Bình Dương, ngoài nét đặc trưng phổ biến là lễ hội nông nghiệp, có một luồng khác đan xen vào không kém phần sôi động, đó là lễ hội làng nghề. Nghề ở đây có thể là nghề tiểu thủ công nghiệp hoặc thương mại... Nhưng nếu tách bạch ra như thế, e khiên cưỡng, bởi lẽ, những người tham gia lễ hội nông nghiệp cũng đi tham gia các lễ hội khác hoặc trong những trường hợp cụ thể như ở Tân An (thị xã) thì trong lễ hội nông nghiệp, tính chất nghề nghiệp thủ công được đưa vào khá rõ nét (thi bày biện cỗ, lễ, bày bán sơn mài,...) do đó, xin cứ tạm gọi loại thứ hai này (khác với loại thứ nhất – lễ hội nông nghiệp) là Lễ hội làng nghề. Đó là trường hợp lễ hội chùa Bà ở cung Thiên Hậu (chùa Bà), Lễ thờ thất phủ đại nhân tại chùa Ông Bổn, Lễ Đình Bích Liên (Thị xã TDM), Lễ Từ đường họ Vương ở Tân Phước Khánh (Tân Uyên) Lễ chùa Bà tại Tả phụng Thiên hậu Thánh mẫu ở Búng (Thuận An) và một phần lễ cúng đình tại Tân An (Thị xã TDM).

Tại các tiết hành lễ này, người ta không cúng và không có các nghi thức hành lễ phức tạp như ở lễ cúng đình. Người hành lễ chỉ vía (vái) khấn, cầu xin phước lộc,  và tham gia trò diễn múa rồng, đấu đèn lồng và rước kiệu Bà...

Trong lễ hội chùa Bà, tiết rước Bà là tiết được chờ đợi và hấp dẫn nhất, bởi kéo theo đó là nhiều trò diễn cùng các thiểu quan¹ văn hóa phong phú làm cho màu sắc và không khí lễ hội thêm hấp dẫn, lôi cuốn...

[1: Chữ dùng của tiến sĩ Cù Huy Chữ để phân biệt với các thiết chế văn hóa ( nhà hát, sàn diễn..). Cảm quan văn hóa (là những công trình kiến trúc, nghệ thuật đạt đến mức biểu trưng cho một dòng họ, một bộ tộc, một  Đất nước… ( chẳng hạn như Tháp chàm, Hồ gươm, Tháp Rùa, chùa Một cột... ).  Còn thiểu quan văn hóa - theo cách diễn đạt trên - là những vật dùng mang tính tô điểm, trang trí nội thất, phù trợ cho cuộc vui ( đèn ông sao, chùm bong bóng bay, chim bồ câu, cờ màu, trống, chiêng., tráp thơ tại chánh điện,v.v..) hoặc những thứ trang trí trong đình chùa như bộ giáo mác, những chiếc, lư hương…]

Ngoài các tiết mục múa lân, múa rồng mà nhiều đơn vị không riêng gì tại Bình Dương tham gia, rất nhiều đoàn lân, rồng ở thành phố Hồ chí Minh và các tỉnh lân cận cùng tham gia, xẩy ra từ trước ngày 14 tháng giêng cho đến hết ngày rằm tháng giêng.  Tiết đấu giá đèn lồng, rước Bà là việc mà gần như các lễ hội người Hoa đều có. Tiết đấu giá đèn lồng (trò diễn) diễn ra vừa âm ỉ, vừa sôi động, hào hứng... tạo cho lễ hội sức sống (nguồn tái sinh) đáng quí. (Người đấu giá đèn lồng, mang được đèn lồng về nhà coi như đó là lộc, tài đắc… của năm) Cho nên, việc đấu thầu tưởng như đã xảy ra trước lễ (đặt hàng trước) âm ỉ sống dậy từ đó cho đến mùa lễ hội năm sau. Điều tưởng như đơn giản này nhưng khi đi vào đời sống tâm linh của con người nó trở thành sức mạnh tinh thần rất lớn giúp cho họ thành đạt trong nghề. Còn chung quanh việc đấu giá đèn lồng, cả một không khí sôi động nô nức để chờ rước đèn về. Đèn lồng đẹp, màu sắc lộng lẫy hấp dẫn... gợi ấn tượng sâu sắc, mạnh mẽ... cho bao người đến coi.

Như vậy, trò diễn múa lân, múa rồng, xin lộc Bà, vay tiền Bà, đấu giá đèn lồng... cùng với các dịch vụ buôn bán nhang, đèn bán chim, thả cá, giữ xe...tạo thành không khí sinh hoạt, khuyến thương sôi nổi, hấp dẫn... Đặc biệt tiết lễ, trò diễn “vay tiền Bà” có một không hai trong hội xẩy ra ở đây như tiếp thêm sức sống cho hội. Tiết lễ này cùng trò diễn đấu giá đèn lồng có bề sâu của hình thức “chu chuyển tư bản” giá trị . Đó chính là tính chất của một lễ hội nghề nghiệp có cho vay cho trả nhưng tự giác một Vốn vạn lời tự giác đến trả không đòi nợ không ghi tên.(Khuyến thương).. Lễ hội làng nghề không tổ chức ăn uống (cộng cảm) tại đình làng hoặc nơi xảy ra lễ hội, như ở lễ cúng đình. Cỗ lễ mang đến cúng, vía rồi mang về, tổ chức liên hoan ở nhà, coi như một lễ gia tiên của năm.

Riêng lễ hội làng nghề tại lễ cúng đình của Tân An (thị xã) mang khá rõ nét là lễ hội của ngành nghề thủ công mỹ nghệ và nông nghiệp. Tại đây dân làng có tiết thi bày biện cỗ lễ đẹp và sang trọng một cách mỹ thuật. Tiết mục này phản ánh dấu ấn của việc thi thố tài năng, tay nghề, mà không phải nơi nào cũng làm được, vì chỉ có làng (có) nghề mới đảm trách được – Nói cách khác,  chỉ có làng nghề mới tạo ra được giá trị đó. Một cỗ lễ bày trên bàn thi có khi lên đến trên chục triệu đồng (như cỗ lễ của xí nghiệp sơn mài Đồng Tâm – thị xã).

Lễ hội làng nghề bên cạnh lễ hội nông nghiệp là một yếu tố cộng sinh phát triển đáng khuyến khích và có nhiều nét hấp dẫn, tạo ra sự phong phú cho sinh hoạt văn hóa làng xã nơi đây.

V- Thiết chế và cảm quan văn hoá lễ hội Bình Dương – Đình làng Bình Dương:

Đình làng Bình Dương

Cùng với các hình thức trên, tính chất của một lễ hội nông nghiệp tại Bình Dương còn thể hiện rõ ở khâu tôn tạo thiết chế, cảm quan của lễ hội,  trước hết đó là đình làng.

Nói đến lễ hội không thể không nói đến đình làng. Đình làng vừa là nơi để tập trung dân làng những khi có việc cần vừa là nơi để dân làng thờ cúng Thành hoàng làng và là nơi mở hội cúng tế hàng năm của làng.

Đình làng là một thiết chế văn hoá làng xã khá cần thiết và quan trọng của hương thôn, làng xã trước đây.

Theo Ông Trần Tất Đạt, đình làng là một loại kiến trúc đa năng, vừa có tính chất dân dụng, tính chất công cộng, vừa có tính tôn giáo. Đó là nơi hội họp của các kỳ hào bàn công việc làng, xã, là nơi thờ tự một hay nhiều vị Thành hoàng làng, cũng là nơi dân làng tổ chức hội hè, đình đám(...) có thể nói mọi sinh hoạt của cộng đồng, xãhội ở làng quê Việt Nam, đều phần lớn diễn ra nơi các đình (Trần Tất Đạt - Cái đình trong kiến trúc Việt Nam - Kiến thức ngày nay 5/1994).

Rõ ràng đình làng là biểu tượng truyền thống quí báu  của làng, xã. Vì vậy, đình làng được xây cất công phu. Gỗ phải là gỗ tốt, gỗ quí…như (lim, sến...) lấy từ rừng sâu về. Cột đình cổ có thể một người ôm không xuể. Đặc biệt vị trí đình làng được chọn cất rất cẩn thận.

Vị trí đình phải được chọn đặt nơi cao ráo, sạch sẽ. Hướng (đình giống như hướng nhà lý tưởng ở đây) chọn xây ngoảnh mặt về phía nam, đông nam hoặc hướng đông. Xung quanh đình bao giờ cũng có cây cối cổ thụ bao bọc xum xuê... tất cả đó tạo ra một không gian huyền ảo, im lặng và thiêng liêng... và, hình như, đó là khu vực cấm, khu vực linh. Vị trí đình đặt ở khu vực linh thiêng

Đình làng ở Bình Dương, ngoài đặc điểm trên, ở một số đình cổ nơi đây còn giữ được vẻ bề thế, linh nghiêm của một chốn sơn lâm, thủy mặc; tiền thủy, hậu sơn, gắn với sông nước v.v.

Chẳng hạn như đình Tân Mỹ (Tân Uyên), đình Bến Giảng (Phú An - Bến Cát), đình Bà Lụa (Phú Thọ, Thị xã), đình Phú Long, Vĩnh Phú (Thuận An)...  Đa số đình làng ở đây đều được xây cất theo luật Phong thuỷ cẩn thận mà người xưa rất coi trọng

[Những đình làng thuận hướng nam, (tức là hướng Minh đường) đó là hướng xây cất đảm bảo nhiều yếu tố phong thuỷ tối ưu. Kế đến là hướng Thanh Dương (hướng đông) nhưng hướng này sáng quá, tức là gặp nhiều ánh nắng mặt trời trực diện. Các hướng ít chọn là huyền vũ (hướng bắc), tá lả (hướng tây)…]

(Nguồn sơ dẫn: Giáo sư Huỳnh Minh Đức – Đại học Văn Lang, Sài Gòn)

Đình Tân Mỹ (xã Tân Mỹ, Tân Uyên), nền đình cũ rộng khoảng 300m². Đình tọa lạc trên một khu đất rộng hơn 1500m², cao hơn mặt đất 50m, xung quanh lại được bao bọc bởi hai bàu sen và những cây sao, sến, dầu cao, sầm uất, cổ thụ. Đình nằm ngoảnh mặt ra bờ sông Đồng Nai. Từ đường đi nhìn vào đình, cảm giác đường bệ, linh thiêng hiện lên trong vòm cổ thụ tốt tươi, huyền ảo, vắng lặng... khiến cho ta phải kính cẩn, nghiêng mình. (Đáng tiếc ngôi đình cũ đã bị tiêu thổ kháng chiến thời chống Pháp. Bay giờ làm lại vừa nhỏ, vứa đơn sơ...)

Đình Bà Lụa (Đình Phú Cường xã Phú Thọ) rộng khoảng trên 300m², còn gần đủ hình mẫu của một ngôi đình cổ (cổng đình vô nhà võ ca, nhà việc và chính điện). Đình cũng nằm trên một khu đất cao ráo ngoảnh mặt ra sông Sài Gòn. Song ở đây, đình được cất bên cạnh một con lạch thông với sông Sài Gòn nên đình càng tạo ra vẻ linh thiêng khác thường, nếu không đi theo con đường bên hông để vào mà đi chính diện thì phải qua con lạch rồi mới theo các bậc tam cấp để lên đình. Từ sông đi vô lạch, từ lạch đi lên tam cấp, qua các bậc đá mà lên đến sân đình là một khoảng thời gian và không gian đủ cho con người suy nghĩ và chiêm nghiệm về Thần linh, về người đời xung quanh...Cũng vậy, đình Phú Long (xã Phú Long – Thuận An), nằm ngoảnh mặt ra sông Sài Gòn, bề thế. Vẫn là một không gian tĩnh lặng, mênh mang, gieo vào lòng người cảm giác linh nghiệm. (Tục truyền đình đã bị đốt 2 lần không cháy ?)

Đình Tương Bình (Tương Bình Hiệp – Thị xã Thủ Dầu Một) ngoảnh mặt ra bờ sông Sài Gòn. Đình không nằm sát bờ sông mà cách bờ sông một khoảng trống. Trong khoảng trống đó, có con đường đi qua trước đình (giống như đình Tân Mỹ). Đi qua đình, một bên đình, một bên sông, vừa im lặng, vừa như sợ hãi (một điều gì đó nảy sinh từ cảm giác).

Khác với đình Tương Bình, Tân Mỹ, Đình Bến Giảng (Phú An – Bến Cát) chỉ còn lại không gian nền đình và một gian xây sơ sài. Đình nằm sát cạnh bờ sông Sài Gòn và ngoảnh mặt ra sông qua một vài thửa ruộng, vườn điều... cũng một không gian thật tĩnh lặng...

Đình Tương Hòa (Định Hòa - TX TDM) lại nằm ngoảnh mặt ra một cánh đồng, tuy không tạo được cảnh quan sông nước, nhưng lại có sự khoáng đạt và tầm xa không gian trước mặt.

Nhìn chung, đình làng Bình Dương khá nhiều. Nhưng, trong số đình này, đình cổ còn lại quá ít và không nguyên dạng. Tuy nhiên đình làng ở đây đã góp phần không nhỏ vào việc tổ chức lễ hội của một vùng quê. Có thể nói đây là những thiết chế tín ngưỡng, thiết chế văn hoá làng xã hết sức quan trọng tạo ra sự thành công của lễ hội dân gian, bảo tồn sự phát triển của văn hoá dân tộc.

Cùng với vị trí đình làng là khâu trang trí nội thất trong đình và khu vực đình, mang ý nghĩa giáo huấn và triết lý sâu sắc. Nhờ vào các câu liễn, đối, tấm chúc bằng chữ Hn trong đình mà ta có thể biết được phần nào tư tưởng, tình cảm , triết lý sống... của chủ nhân của nó.

Khảo sát đa phần hệ thống đình làng Bình Dương, ta thấy, không có một đình nào lại không có câu liễn, đối, tấm chúc; không một đình làng nào lại không có ít nhất dăm ba câu chữ Hán hàm nghĩa phong phú, ý tứ sâu sắc... thể hiện nhiều quan niệm sống , triết lý sâu sắc và lòng nhân ái, bao trùm của người xưa. Chẳng hạn như nói về nơi chốn linh thiêng và ứng nghiệm của đình thì có Chung linh dục tú (đất thiêng nẩy hiền tài - Đình Tân An) Long ngâm hổ trếu (Rồng hú hổ gầm – Linh không đàn) Phong hòa vũ thuận (mưa thuận gió hòa – Bích Liên Đình)... Những loại tấm chúc như thế, phổ biến trong các đình làng tại đây.

Để tỏ tấm lòng thành kính, biết ơn của mình với Thần Thánh, người xưa nêu: Ân thùy vạn cổ (Ơn muôn đời còn nhắc), Đức phối càn khôn (Đức sánh như Trời đất), Ân tý vạn dân (ơn Thần che chở khắp muôn nơi) Thần ân phổ chiếu (ơn Thần chiếu dõi khắp nơi), Đồng mục ân quang (Tắm gội ánh hào quang của Thần), Tích phước vô cương (ban phước lành không bờ bến), Nhơn phong như tại (tiếng nhơn đức còn lưu mãi nơi này), v.v. (Xem phần phụ chú  chữ Hán các đình ở cuối sách).

Ý tưởng, phán đoán, triết lý... này thể hiện một trình độ văn minh  khá phát triển - văn minh Hán - tự Việt Nam. Ngoài chất giáo huấn được đưa ra trong từng câu, từng chữ, thì tính chất văn hóa, ý nghĩa nhân văn thẩm thấu qua hệ thống, qua các tín hiệu ngữ nghĩa để lại rất rõ nét. Nói một cách tóm lược, nếu không có một loạt các câu liễn, tấm chúc bằng các chữ Hán để lại, ta không có một giá trị cụ thể nào của làng, của xóm, của quê hương và những con người cụ thể nơi đây. Do đó, cùng với nền văn học truyền khẩu, hệ thống đình làng và những thiết chế tư tưởng của nó... đã phản ánh sự tồn tại và phát triển tất yếu của làng quê Việt Nam trong từng giai đoạn của quá khứ khá rõ nét.

Điều mà chúng ta nhận chân được là sự phát triển của một nền học vấn tại đây khá sớm.

Tìm trong các câu liễn, tấm chúc trang trí tại đây, ta không khỏi ngạc nhiên trước vẻ đẹp trí tuệ và sự vươn tới của tiền nhân.

Chẳng hạn, nếu theo vị trí cũ và các câu liễn là nguyên văn từ khi lập đình thì, hệ thống các câu đối ở đình làng Bà Lụa, đình Tân An (thị xã) là những áng văn chương phong nhã, thâm thúy...

Ở đình Bà Lụa, phần lầu của cổng đình, phía trên có biển đề :

Phú Cường linh từ

(Đền thiêng Phú Cường).

Kế đến 2 bên là câu đối 2 vế phú (mô tả) đình:

Minh nguyệt chiếu cao lâu

Bạch vân y tịnh chử

(Trăng sáng dõi lầu cao, mây trắng dựa cù lao yên tĩnh). Hai vế câu đối này như là một tứ thơ, một bức tranh đẹp có một không hai trong toàn bộ các câu liễn ở các đình Sông Bé.

Cũng tại đây, phía sau cổng đình còn hai vế câu đối khác, ý nghĩa cũng không kém phần sâu sắc:

Xuân thu trường chúc hương yên dục

Thủy mộc do tồn thiết thạch tâm

(Quanh năm khói hương nghi ngút tỏa sức sống, cây cối non sông mãi mãi còn vững như sắt đá).

Còn hai bên tả vệ, hữu vệ đình, cũng được mô tả bằng hai câu liễn khác:

-  Câu đối ở bàn thờ hữu vệ :

Đăng diễm quang huy trình cát sắc

Hương hoa bàn nhiễu kết tường vân

Tạm dịch :

(Ánh đèn tỏa màu sắc tốt lành

Cảnh sắc hoa thơm kết thành mây sáng)

-  Câu đối ở bàn thờ tả vệ :

Tổ ân luân thành thông nhật vịnh

Xuân thu vạn phúc thử thời tân

Tạm dịch :

(Ân huệ của tổ tiên như ánh mặt trời

Muôn vàn phú đức may mắn nay có được)

Ở đình Tân An (thị xã Thủ dầu Một) có những câu liễn tuyệt hay mà trong vùng hiếm thấy:

Cảnh thực xuân hòa sái tửu truyền cam ca thánh đức

Dân hy vật phụ xúy sênh tấn cổ nhạ Thần hưu.

Tạm dịch :

(Trong cảnh đẹp, nắng xuân ấm áp, chén rượu hương nồng chuyền nhau, ca tụng công đức Thánh Thần)

Dân yên vui, của dồi dào, thổi khèn, nổi trống, đón nhận sự phù hộ của Thần Thánh nơi đây).

Hai vế câu đối ở đình Phú Long  và ở đình Tân Thới  (Lái Thiêu)

Trái : Thánh đức quang huy bảo an chánh trực

Phải: Thần ân chiếu diệu hựu thiện đôn ngưng

(Đức của Thánh tỏa sáng giữ gìn mọi điều chánh trực.

Ơn của Thần soi dọi thúc làm mọi việc tốt lành)

Nơi bàn thờ Thần Nông tại đình Tân Thới - Thuận An:

Phải : Vạn cổ cương thường văn hóa trọng

Trái : Thiên thu đạo đức lễ nghi tôn

( Xưa nay cương thường đều coi văn hóa là trọng

Ngàn năm đạo đức vẫn lấy lễ nghi làm đầu )

Hai tấm chúc tại Đình Phú Long:

Trên : Hộ quốc tý dân ( Giúp nước cứu dân )

Dưới : Nhơn phong  như tại ( Tiếng nhân đức lưu mãi ở đời )

Về thần thờ và sắc phong

Thần thờ trong các đình đền miếu, võ… rất quan trọng. Thần thờ trong các đình miếu, là phản ánh thái độ trân trọng đối với tự nhiên của người xưa. Thần là người thay mặt vua hoặc trời trông coi dân chúng (bảo ngã lê dân). Thần rất gần với dân. Thần là người trung gian giữa Trời với người.

Thần thờ chính trong các miếu, đình, làng xã của người Việt, gọi chung là Thành hoàng (làng); của người dân tộc gọi là Giàng; của người Hoa gọi là Thánh (đế, đại nhân…)

Xét về loại, thấy rõ có 3 loại Thần nổi bật được các tộc người thờ, đó là Thiên Thần, Nhân Thần và Thánh Nhân.

[¹ Khái niệm lễ hội dùng trong công trình này, giới hạn trong phạm vi lễ hội dân gian truyền thống (Hội làng và lễ hội Cách mạng )  không dùng với các khái niệm “Những ngày lễ trong một gia đình” như lễ sinh nhật, lễ đầy tháng, đầy năm, lễ mừng thọ, lễ tế sống, lễ khao vọng, hoặc lễ dạm hỏi, cưới xin,v.v... Cũng không dùng với mạch khái niệm “những ngày tiết (tết) có tính chất phổ biến như Tết nguyên đán (1/1 âm lịch); Tết nguyên tiêu (15/1 âm lịch) ; Tết hàn thực (3/3 âm lịch) ; Tết thanh minh (15/3 âm lịch) ; Tết đoan ngọ (5/5 âm lịch) ; Lễ trung nguyên chạy đàn... (15/7 âm lịch).

² Trong các lễ như lễ cầu mưa, lễ cúng cơm mới,v.v... của người S’Tiêng hoặc các dân tộc ít người dọc dãy Trường Sơn như M’Nông, Gia rai, Ê đê... thường có tục đâm trâu, đây là một phần việc (tiểu tiết) của lễ như giết heo, gà, cúng tế... để hiến sinh, cúng Trời (Giàng) và thần linh. Ở lễ lới như mừng chiến thắng, mừng công thì đâm trâu ở nhà rông..,(Bòng Kpa-o rông), ở lễ thường, làm tại gia đình như cầu mưa, cúng cơm mới (gọi là Bòng Kpa Ptang) “nếp sống - phong tục tây nguyên” - Bộ VH -TT, NXB VH - TT, Hà Nội, 1995.

³ Trong lễ này có nơi gọi là “Thả đèn gió trông trăng” (15/10 âm lịch) có tục ăn cốm dẹp (Ok-om-bok), đút cốm vào miệng trẻ, khi trẻ nuốt xong hỏi chúng muốn gì, chúng trả lời những điều tốt đẹp như được mùa, giàu có,v.v... thì đó là hy vọng của cả làng năm đó ]

Nói chung về Thần thờ, đó là biểu tượng cho những sức mạnh siêu việt có thể chi phối toàn bộ cuộc sống của con người. Thiên Thần lại càng siêu việt hơn. Thiên Thần có đầy đủ sức mạnh để trừng phạt cũng như để ưu ái, che chở, ban phước lành cho dân chúng (con người).

Thiên Thần ở đây là Trời (Giàng), Đất, Mặt Trăng, Sấm Sét, Thần Nông, Thần Nước, Thần Mây, Thần Gió, Thần Núi,v.v.

Còn Nhân Thần ở đây, là Người có công với dân, với nước hữu danh hoặc vô danh. Thành hoàng cũng có 2 loại. Loại có sắc phong và loại là tín phong. Thần có sắc phong là Thần do vua phong sắc để làng thờ; còn Thần có tín phong là Thần do dân lập để thờ như trường hợp của Ông Huỳnh Công Nhẫn (Đình Phú Hội –Thuận An) Ông Trương Công Định (Đình Ông Ngãi Thắng – Thuận An), v.v.

Ông Huỳnh Công Nhẫn, lai lịch chỉ là một vị thường dân trong làng nhưng sống có đức độ, hay làm phúc và có công với dân làng vùng Tân Thới, Bình Hòa, Vĩnh Phú (Thuận An) là khai khẩn đất đai, lập bờ ao, quai đê chống ngập... dân làng rất nể trọng. Khi ông chết dân làng lập miếu thờ cúng kiếng sau thấy chật hẹp, họ xây lăng gọi là lăng Ông và dần dần tu chỉnh nên thành đình. Đình Ông Ngãi Thắng lại thờ Ông Trương Công Định, người có công dẹp giặc. Khi đi qua đây Ông hy sinh, dân làng lập đền thờ. Hiện còn mộ chí tại ấp Ngãi Thắng (Thuận An).

Cũng có nơi đình thờ phúc thân hoặc tà thần.(ở Bình Dương không có loại này)

Nếu như người Việt và các dân tộc ít người khác thờ thần thì người Hoa thờ Thánh nhân

Tại cung Thiên hậu và tại các chùa Ông Bổn hoặc miếu, võ của người Hoa không thờ Thần (Thành hoàng và các vị Thần khác như Thần Nông, Giàng..).mà thờ các vị (Nhân kiệt) có nhiều đức tính tốt, có công giúp đỡ ngành nghề phát triển. Chẳng hạn chùa Bà thờ Thiên Hậu Thánh Mẫu (Lâm Mặc Nương) là người phò giúp nghề đi biển và buôn bán (tiểu sử của bà sẽ nói rõ ở phần phụ lục về chùa Bà). Chùa Ông Bổn Chánh Nghĩa thờ Thất Phủ Đại Nhân (xem phần lễ chùa Ông Bổn),v.v.

Về sắc phong: “Sắc phong” đình làng (giống như tờ “Quyết định công nhận”, phong thần cho các đình. Tại các đình làng Bình Dương chỉ còn lại rất ít. Tên tuổi các vị Thần trong sắc phong hầu như không có mà chỉ do dân làng truyền tụng.  Thần ở đình Bà Lụa (Đình Phú Cường - ấp Bà Lụa, xã Phú Thọ - thị xã Thủ Dầu Một) tương truyền là Ông Nguyễn Tri Phương. Còn đình Tân An (xã Tân An, thị xã Thủ Dầu Một) tương truyền là Ông Nguyễn Văn Thành – một vị thần thời Tự Đức bị bọn gian thần bức hại.

Đình còn sắc phong như đình Phú Long, đình Tân Thới (Thuận An), đình Tương Bình Hiệp (Thị xã Thủ Dầu Một) ngay cả đình Tân An (Thị xã TDM) cũng vậy, sắc phong có ấn tín vua Tự Đức nhưng không đề rõ tên Thần mà chỉ để Thành hoàng bổn cảnh (Thần trông coi khu vực).

Ngoài Thành hoàng làng, Thần Nông (ông Hổ thờ trước sân đình) của người Việt, có Thần Bầu Trời, Trời, Sấm sét, thần núi, thần sông của cá tộc người miền núi đó là những vị Thần có “tính thiêng” rất mạnh mẽ, uy lực đối với đồng bào dân tộc. Những vị Thần này thường có ý nghĩa chi phối hành vi của con người trong cuộc sống các bộ tộc. Họ thờ cúng có nghĩa là hiến tế cho Thần những vật quí mong Thần chấp nhận và ban ân, phù hộ, đừng quở phạt… Thần của ngừơi dân tộc gắn chặt với đời sống hàng ngày của họ.

VI - Cơ chế vận hành của lễ hội truyền thống Bình Dương :

Tính tự giác và thói quen :

Đi cầu lễ là do tự giác. Đi trẩy hội là do thói quen. Hai yếu tố tâm lý này giúp con người giải quyết yêu cầu đặt ra. Đến với lễ hội đến với Thần linh… với nhiều lý do.

Bày tỏ lòng thành kính, biết ơn Trời đất Thần linh giúp mình và giữ mối quan hệ tốt đẹp với xung quanh. Đây chính là giá trị văn hóa tự tạo ở mỗi con người, mỗi gia đình, mỗi cộng đồng dân tộc, (giải tỏa mối quan hệ giữa người – tự nhiên với thái độ trân trọng, tạo ra sự hài hòa cần thiết, tốt đẹp - Đó là một dạng biểu hiện văn hóa (văn hoá ứng xữ với tự nhiên)

Tránh sự “trừng phạt, sự trả thù,...” của Thần linh, Trời đất...(theo quan niệm của nhận thức). Sự sợ hãi này tạo ra nhu cầu bắt buộc lễ thần..., yếu tố này ít giá trị văn hóa hơn. Nó nằm giữa ngưỡng cửa của văn hóa và đạo đức (sợ hãi quá, tiết chế tội ác,v.v.) Yếu tố sợ hãi tạo tâm lý thuần phục Thánh Thần thường dễ dẫn đến dị đoan nhiều hơn (Điều này xảy ra nhiều hơn đối với các tộc người kém phát triển) ở miền núi như S’Tiêng, M’Nông, Mạ, H’Mông...

Tính cởi mở và hòa nhập :

Mang đặc điểm kêu gọi rõ nét. Khi đã có lòng tự giác, thói quen muốn đi, muốn đến... (lễ hội), nếu như có điều kiện (có sự kêu gọi mời mọc, cởi mở, chân tình, hòa nhập...) sẽ có sự xích lại, tùy theo mức độ của tính tự giác và thói quen mà mức độ hòa nhập cao hay thấp, chóng hay lâu. Cũng tùy theo mức độ của sự kêu gọi hòa nhập mà người ta đến ít hay nhiều (với lễ hội).

Quyền lợi :

Đi lễ hội có nhiều quyền lợi : Thỏa mãn nhu cầu tâm linh ; tạo ra giá trị tinh thần mới cho bản thân, tộc họ...

Ba nội dung đặc điểm của cơ chế vận hành này của lễ hội gắn chặt với nhau, tạo ra sức sống bền vững cho lễ hội.

Có tính tự giác và thói quen nhưng không có đặc điểm khác, thì tính tự giác và thói quen sẽ không phát triển thành tiền đề nhu cầu, khởi động (của lễ hội)...

Có sự cởi mở, hòa nhập mà không có quyền lợi thì người ta dửng dưng, coi thường, tính tự giác và thói quen mai một, lễ hội trở thành tẻ nhạt, rời rạc.

Quyền lợi tạo ra động cơ cho việc tổ chức lễ hội và khơi dậy lòng ham mê, tự giác.

Tìm và vận dụng được các giá trị hợp thành này của cơ chế vận hành lễ hội dân gian, sẽ tạo ra những giá trị khác từ các lễ hội đời mới (lễ hội cách mạng, mừng công...)

Khi đánh giá chung về lễ hội truyền thống Bình Dương, có thể rút ra mấy nhận xét khái quát :

Lễ hội truyền thống Bình Dương là lễ hội gắn liền với nền nông nghiệp, tiểu thủ công nghiệp của thời đại “văn minh lúa nước” của Ông Cha ta từ xưa truyền lại, có tính truyền thống rõ rệt (kế thừa từ đời này qua đời khác và ngày càng phát triển tích cực, sinh động với nhiều hình thức mới và nội dung hấp dẫn, tiến bộ.)

Lễ hội truyền thống mang tín ngưỡng dân gian lành mạnh có tác dụng tốt đối với đời sống tinh thần con người.

Lễ hội truyền thống Bình Dương có những nét chung của lễ hội dân gian trong vùng nhưng cũng có những sắc thái riêng biệt bởi tính chất đa tộc trong cộng đồng của nó.

Từ những đặc điểm có tính khái quát đó, có thể tìm thấy giá trị tiêu biểu của lễ hội Bình Dương như sau :

- Giá trị thỏa mãn nhu cầu tâm linh được coi trọng :

Giá trị này được thể hiện ở hai yếu tố cụ thể :

Sự đền đáp ơn nghĩa (đối với tổ tông, đối với Trời đất Thánh Thần và muôn loài trong thiên nhiên tạo hóa)

Sự cầu xin che chở, giúp đỡ từ Thần linh, Trời Phật... Toàn bộ hệ thống hành lễ và các kiểu tế lễ đều toát lên ý nghĩa này.

Đây là giá trị khẳng định cao nhất bộc lộ niền tin hoặc thể hiện khát vọng của con người trước cuộc sống.

Sự bộc lộ này là vô tận, là ẩn số bên trong mà con người tự tạo ra cho mình để giúp mình tồn tại chứ không ai khác và cũng không ai thay được.

- Giá trị tái tạo cuộc sống – tái sinh nội lực (recurrection)  tiếp tục phát triển .

Để có cuộc sống của bản thân, con người đã phải tự tạo ra. Trước “Đấng Tối Thượng” (do mình chiêm nghiệm), con người bày tỏ niềm tin và khát vọng sống và vươn tới. Và để thỏa mãn niềm tin và khát vọng sống đó, con người bộc lộ niềm vui (hòa nhập, vui vẻ, cởi mở và được sống chân tình với nhau). Từ yếu tố vô thức (chiêm nghiệm Thần linh qua lễ) con người trở về với thế giới hữu thức hiện thực : liên hoan, ca hát, nhảy múa, ăn uống, mừng công, mừng thắng lợi (mở hội)… tạo ra tinh thần phấn khích … để lại tiếp tục tham gia vào đời sống tiếp theo sau lễ hội .

Lễ hội sẽ giúp người ta bày tỏ và nhớ đến những gì cần nhớ để tiếp tục (gặp lại, trao đổi, sống chan hòa với nhau) phát triển không ngừng.

Lễ hội Bình Dương (và lễ hội nói chung), có quá trình diễn biến và chu trình khép kín như vậy cho nên sự bổ sung hoàn thiện cho nhau giũa phần lễ và phần hội  rất có ý nghĩa.

Nếu chỉ có phần lễ mà không có phần hội thì phẩn lễ ít linh thiêng và chỉ xẩy ra trong phạm vi hẹp (một gia đình hay một tộc họ…) ít thu hút đông đảo quần chúng nhân dân tham gia. Ngược lại chỉ có phẫn hội mà phần lễ sơ sài thì phần hội thiếu sự sâu sắc, linh nghiệm, thiếu sự tái sinh quan trọng và ít thu hút quần chúng đi tiếp về lâu về dài…

Tóm lại, xét về “bản thể luận của hiện tượng lễ hội” trên đây, cho thấy người dân Việt nói riêng và con người nói chung mang trong tâm cảm của mình một ý niệm rất chân phương: Lòng biết ơn Trời Đất, thiên nhiên (thần linh)…. được cụ thể hoá bằng hành vi cúng tế, hiến sinh, dâng thần… Đó là sự trả ân, đền nghĩa cho cho những gì mình thụ hưởng và luôn luôn coi trọng mối quan hệ đó – mặc dầu trong thực thế nó chỉ là tượng trưng. Tuy vậy, khi trở thành một nhu cầu tâm linh, hiện tượng này có sức thu hút , hấp dẫn và trở thành sức mạnh vô cùng lớn lao để tạo ra sự sống tốt đẹp đi cùng với con người mãi mãi.

Tuy nhiên, điều còn lại cần phải được khắc phục, chấn chinh… ở lễ hội Bình Dương là, do điều kiện phát triển của kinh tế, chính trị (chiến tranh kéo dài) mà các giá trị cổ truyền bị thất bát. Cảm quan và thiết chế văn hóa mất mát đi nhiều. Phần còn lại đã không được giữ gìn, bảo quản, duy tu cẩn thận (Chiếc xe tăng ở ấp 2 Phú An hoặc chiếc giang thuyền của Mỹ nguỵ bị quân ta đánh chặn tê liệt ở Bến Bạch Đằng, sau đó bị mất nhiều bộ phận, đặc biệt, chiếc giang thuyền đã bị cưa bán ve chai)… Hiện tượng mất sắc phong, mất cồng chiêng, mất chuông khánh, lư hương và những gì về di sản có thể... đã diễn ra âm ỉ suốt chặng đường qua, làm giảm mất ý nghĩa cổ kính và sức vươn dậy của lĩnh vực này.

Hiện tượng buôn Thần bán Thánh, mê tín dị đoan và hủ tục vẫn còn tồn tại, gây dấu ấn nặng nề, lệch lạc về sự phát triển, tha hóa của phong tục, tập quán lành mạnh của dân tộc, và vì thế lễ hội giảm mất phần thanh thoát, trong sáng tự nhiên và tính hòa nhập của nó.

B.H.P

Chia sẻ liên kết này...



Add comment


Việt Tuấn Trinh | www.viettuantrinh.com