HUỲNH VĂN HOA: CHÓE VÀ NỖI SỢ


Mới đó mà đã 10 năm, Chóe từ biệt thế gian này. Chóe là họa sĩ tên tuổi của Việt Nam trong thế kỷ XX, tên thật là Nguyễn Hải Chí, sinh ngày 11-11-1943 tại Chợ Mới, An Giang và mất 12-3-2003 tại Mỹ, đưa về an táng tại Định Quán, Đồng Nai.

Những năm cuối thập niên 60 và đầu thập niên 70, làng báo miền Nam có hai cây cọ biếm nổi tiếng. Đó là Huỳnh Bá Thành - Họa sĩ Ớt và Nguyễn Hải Chí - Họa sĩ Chóe. Tên tuổi của họ gắn liền với những hoạt động chính trị, những biến động của đất nước, thấm đẫm những cung bậc của yêu thương, căm phẫn, bi tráng, dằng xé...của một thế hệ lớn lên trong bão táp chiến tranh.

 

8-Choe---Nghe-cuoio-R-1

 

Những bức vẽ của Chóe trên các báo Diễn đàn, Sóng thần, Khởi hành, Báo Đen,… đã gây nên những làn sóng dư luận, có lúc dữ dội về những vấn đề thời sự, về những nhân vật chính trị trên chính trường miền Nam và thế giới trước 1975. Chóe đứng về phía nhân dân để cất lên tiếng nói - tiếng nói chống bạo tàn và kêu gọi nhân nghĩa.

Lần này, kỉ niệm 10 năm ngày mất của một họa sĩ tài năng, Công ty Văn hóa Phương Nam và NXB Văn hóa - Văn nghệ cho ra mắt cuốn sách Nghề cười - tập hợp những tác phẩm đặc sắc của Chóe trên các lĩnh vực hội họa, văn học và âm nhạc. Ngoài 17 truyện ngắn, 9 tản văn, 10 ca khúc, các thư từ viết cho gia đình, còn có 24 bài thơ ngắn, rất đặc sắc. Những bài thơ ngắn này, đầy chất triết luận, là những nghĩ suy, dằn vặt của Chóe về các vấn đề nhân sinh, thế sự, về những cảm xúc đời thường. Có bài ngắn, chỉ 12 từ (Hoa hồng) hay 15 từ (Nơi ta đợi em), 17 từ (Mùi môi), (Trót làm người vui tính) hoặc 18 từ (Lửa rơm), 20 từ (Lá rụng), (Dặn dò)...Giữa các bài thơ ngắn đó, có bài thơ nói về nỗi sợ, đó là Ta sợ:

 

Suốt đời ta sợ

Sợ nắng, sợ mưa, sợ sương, sợ khói

Sợ tập vẽ cánh chim bay bằng tay trái

Làm người xem ngỡ vẽ cá ngửa bụng bơi

Ta sợ bóng đêm

Ta sợ trời quá sáng

Sợ ma quỷ hiện hình

Hơn cả quỷ ma

Sợ chân dung trừu tượng

Ta sợ vẩn, sợ vơ

Sợ nói ra nỗi sợ.

 

Bài thơ này có 14 từ “sợ”, rải ra trong các dòng thơ. Tác giả nói ”suốt đời ta sợ”, sợ đủ thứ trên đời, từ nắng mưa, đến “sợ vẩn, sợ vơ", kể cả “sợ nói ra nỗi sợ”. Có lẽ rằng, trong văn học Việt Nam, Chóe là người đầu tiên nêu lên nỗi sợ ở những góc nhìn như thế! Câu hỏi đặt ra là, vì sao Chóe bày tỏ cái sợ của mình như vậy ? Cần biết, trước 1975, cây cọ biếm của Chóe đụng đến mọi vấn đề thế sự. Chóe chỉ sợ sự thật. Chóe không sợ cường quyền. Chóe không sợ tù đày. Chóe chấp nhận tất cả. Chóe hiên ngang, đứng thẳng. Vậy mà, Chóe lại sợ những thứ ngỡ như chẳng ra đâu vào đâu ! Nghe mà lạ đời!

Vì sao Chóe sợ những hiện tượng tự nhiên, sợ nắng, sợ mưa, sợ sương, sợ khói ? Đây có phải là nỗi sợ bâng quơ? Chắc chắn là không  Thiên nhiên là đối tượng nhận thức của con người. Tự bao giờ, con người vẫn sợ thiên nhiên. Nỗi sợ tà dương nắng xế, sợ nguyệt khuyết trăng tàn, sợ chớp bể mưa nguồn, sợ sông khuya quạnh vắng, sợ nắng lở chiều hôm, … là nỗi sợ có thật mà con người thể hiện trong văn chương từ cổ chí kim. Bà Huyện Thanh Quan sợ “Ngàn mai gió cuốn chim bay mỏi/ Dặm liễu sương sa khách bước dồn/ Kẻ chốn Chương Đài, người lữ thứ/ Biết ai mà tỏ nỗi hàn ôn”. Khi Kiều ở lầu Ngưng Bích, với “bên trời góc bể bơ vơ”, Nguyễn Du đã cho thấy một Thúy Kiều run sợ, cô đơn trước cái bao la của “cửa bể chiều hôm” với không gian ba chiều: chiều rộng, chiều xa, chiều cao qua cái nhìn tâm trạng của nhân vật. Huy Cận sợ “Chiều mồ côi, đời rét mướt ngoài đường”, sợ “Nắng đã xế về bên xứ bạn/ Chiều mưa trên bãi nước sông đầy”. Vậy là, nói như Chóe, con người phải biết sợ. Sợ để sống hòa hợp với thiên nhiên. Cao Bá Quát viết: Nhất sinh đê thủ bái mai hoa là vậy !

Sợ không bao giờ là cảm xúc, là thái độ vô nghĩa cả, càng không phải chỉ là trạng thái tâm lý bình thường. Cao hơn, đó là thái độ triết học, thái độ nhân sinh, thái độ ứng xử của con người trước cái cao cả của thiên nhiên, vũ trụ, trước cái vô thường của cuộc đời. Chính từ nỗi sợ, con người hướng thượng, hướng thiện. Con người sợ cái ác, cái xấu, cái quả báo, vì thế, tôn giáo mới trở thành điểm tựa tinh thần, trở thành chốn đi và về của chân-thiện-mỹ !  Ở đời, chỉ những kẻ bất chấp các quy luật của cuộc sống, không hiểu biết về lịch sử, không tôn trọng lẽ tự nhiên, không biết sợ là gì, thì tất yếu sẽ đến lúc phải trả giá về sự nghiệt ngã của nhân quả. Trong Truyện Kiều, Nguyễn Du đã viết:

Thiện căn chỉ tại lòng ta

Chữ tâm kia mới bằng ba chữ tài

Bởi thế, xét đến cùng. cái sợ không phải lúc nào cũng là vô ích, vô nghĩa. Sợ, để biết sống đúng mực, sợ để biết trân trọng những gì đáng quý trong cuộc đời, sợ để biết cẩn trọng hơn. Đó là cái sợ nên có trong cuộc đời. Ranh giới giữa cái “sợ” và “không sợ” cũng có lúc thật mong manh, khó lường. Chỉ có điều là, trước mỗi ứng xử, trước mỗi lựa chọn, con người cần bình tâm nhận ra lằn ranh của các giá trị, đừng tặc lưỡi bước qua. Trong Thiền học Phật giáo có pháp môn “Đáo bỉ ngạn”, có nghĩa: Đến bờ bên kia. Nghĩa bóng là đạt tới chỗ chân thiện.

Cái sợ giúp con người phấn đấu vươn lên để tự hoàn thiện mình, để không đánh mất mình. Có lẽ nên hiểu Chóe ở góc độ này !

 

H.V.H

(Đà Nẵng, 5.2013)

 

Cùng một chủ đề:

LÊ MINH QUỐC: Nhớ CHÓE

 

 

 

Chia sẻ liên kết này...

Add comment


Việt Tuấn Trinh | www.viettuantrinh.com