VÀI NHẬN XÉT VỀ CÔNG TRÌNH BƯỚC ĐẦU KHẢO SÁT LỄ HỘI BÌNH DƯƠNG
PGS - TS Phan An (Giám đốc Trung tâm Dân tộc học và Tôn giáo Viện Khoa học xã hội VN tại TP.HCM)
Xuất phát từ mục đích góp phần xây dựng một đời sống văn hóa của thời kỳ phát triển mới của đất nước và nói riêng là của tỉnh Sông Bé, công trình “Bước đầu khảo sát một số lễ hội các tộc người trên đất Sông Bé” (Bình Dương) của tác giả Hải Phong - Bùi Danh Nhựa (cán bộ Ban Tuyên Giáo Tỉnh ủy) thực hiện và hoàn thành là một cố gắng đáng trân trọng. Kinh nghiệm trong và ngoài nước cho thấy sự phát triển kinh tế luôn đi đôi với phát triển văn hóa có một ý nghĩa đặc biệt. Để xây dựng một nền văn hóa vừa hiện đại vừa đậm nét bản sắc văn hóa truyền thống Việt Nam, phải có cơ sở khoa học, trước hết là sự hiểu biết truyền thống văn hóa dân tộc. Nghiên cứu lễ hội các dân tộc trên đất Sông Bé thực chất là góp phần vào sự hiểu biết truyền thống văn hóa dân tộc của địa phương tỉnh nhà. Ý nghĩa khoa học và thực tiển của đề tài nghiên cứu trên đây khá rõ ràng và cần thiết.
Nội dung của công trình với gần 200 trang, gồm phần khảo cứu và các phụ lục, chứng tỏ tác giả có nhiều cố gắng và công phu trong việc sưu tầm, tập hợp các nguồn tư liệu thư tịch và điều tra khảo sát điền dã. Công trình đã cung cấp cho người đọc một khối lượng lớn tư liệu bổ ích và quý giá về các đình, miếu, cơ sở tín ngưỡng, lễ hội dân gian ở Sông Bé khá tỷ mỷ, chi tiết, giúp cho người đọc nhất là cán bộ thông tin cơ sở, cán bộ quản lý chuyên ngành những hiểu biết về một vốn văn hóa phong phú của tỉnh nhà.
Đặc biệt phần phụ lục của công trình, có nhiều tài liệu, tư liệu bao gồm các ảnh chụp, các bảng biểu thống kê, các sao chép Hán tự, (cả phần dịch thuật),v.v... Đây là những tư liệu rất phong phú và có giá trị văn hóa, khoa học qua đó chứng tỏ các tác giả đã bỏ nhiều công sức, thời gian để sưu tầm, khảo sát và thực hiện.
Các lễ hội văn hóa cổ truyền của các dân tộc ở Bình Dương - Sông Bé, đã được tác giả phân theo từng dân tộc Việt, Hoa và các dân tộc ít người khác, làm nổi bật đặc điểm lễ hội của các dân tộc; sự miêu tả cụ thể các diễn tiến, nghi lễ của các lễ hội đã cho thấy có nhiều vấn đề khoa học, văn hóa vừa thú vị, vừa cần thiết phải đi sâu hơn nữa để hiểu biết gái trị văn hóa truyền thống của cha ông, trước tiên là truyền thống dân tộc trên đất Bình Dương - Sông Bé.
Quá trình tìm hiểu truyền thống các dân tộc Bình Dương - Sông Bé đi sâu phân tích và lý giải nhiều nội dung, nhiều mặt liên quan đến đề tài, như về đình làng với những đặc điểm riêng ở Bình Dương - Sông Bé, mối quan hệ giữa đình làng và làng, đã tạo ra tiền đề cho việc nghiên cứu sâu hơn các giá trị truyền thống đặc biệt này của Sông Bé nói riêng và của cả nước nói chung.
Công trình của tác giả, không chỉ cung cấp tư liệu mà còn dựng lại một bức tranh tòan cảnh về họat động lễ hội của các dân tộc ở Sông Bé. Đó là sự đa dạng, phong phú về các loại hình lễ hội của các dân tộc, các vùng cư trú của các cộng đồng dân cư ở Sông Bé. Lễ hội truyền thống đã trở thành một nhu cầu quan trọng trong đời sống của người dân Bình Dương- Sông Bé, Trong dịp lễ hội mỗi một cá nhân và cộng đồng có điều kiện để hưởng thụ và sáng tạo văn hóa. Những giá trị văn hóa truyền thống này là một di sản quý báu, là hành trang trong sự nghiệp xây dựng sự nghiệp xã hội mới hôm nay ở ngay trên vùng đất Sông Bé.
Giải pháp của tác giả trong công trình là những đóng góp thực tế trên cơ sở khoa học đã được phân tích. Ở đây tác giả nêu lên những giải pháp chung, giải pháp cụ thể, để ra việc trùng tu các đình, chùa, miếu, việc bảo tồn lễ hội truyền thống, kiến nghị về phương thức xây dựng “Làng văn hóa truyền thống” với một đề án khá hấp dẫn. Đây chính là tâm huyết và nhiệt tình đáng quý của tác giả, mong muốn được góp phần mình trong công việc duy tu, bảo tồn di sản của cha ông xưa để lại cho con cháu hôm nay.
Trong công trình tác giả cũng đề cập đến vai trò và vị trí của lễ hội truyền thống đối với các mặt trong đời sống của dân cư tỉnh Bình Dương - Sông Bé. Lễ hội truyền thống trên một số mặt đã đáp ứng nhu cầu văn hóa với sự phát triển kinh tế, du lịch,v.v. Đó là những nhận xét có ý nghĩa để từ đó có định hướng bảo tồn và phát triển lễ hội dân gian truyền thống.
Nhìn chung, công trình “Bước đầu khảo sát, tìm hiểu một số lễ hội truyền thống các dân tộc trên đất Bình Dương - Sông Bé” của tác giả Hải Phong – Bùi Danh Nhựa có ý nghĩa khoa học cũng như trong thực tiển, đã được tác giả thực hiện với nhiều cố gắng và công phu. Bước đầu công trình đã đi sâu miêu tả được những lễ hội chính yếu của các cộng đồng dân cư, dân tộc tỉnh Sông Bé, giúp người đọc hiểu biết thêm một cùng văn hóa đặc sắc và phong phú của đất nước. Một số ý kiến phân tích, nhận định và kiến giải của các tác giả về nội dung lễ hội ở Sông Bé đáng lưu ý.
Tuy nhiên, công trình còn có một số hạn chế cần được khắc phục và bổ sung sửa đổi thêm ở chỗ, khi dùng những thuật ngữ như “ cảm quan văn hóa” “thiểu quan văn hóa” cần có giới thuyết và xác định chính xác hơn. Các phần lý giải phân tích về lễ hội làng nghề, cần đi sâu hơn, kỹ hơn cũng như cần nêu lên và phê phán những hiện tượng mê tín dị đoan, những tiêu cực cụ thể ở lễ hội Sông Bé như vay tiền, xin xăm, xóc quẻ, bùa, ngãi, ăn xin,v.v.
Công trình cần có sự sắp xếp công phu hơn để đảm bảo tính hệ thống, mạch lạc giúp người đọc theo dõi nắm bắt một cách dễ dàng hơn, các giá trị cần khẳng định.
P.A< Lùi | Tiếp theo > |
---|