THỂ LOẠI KHÁC Biên Khảo Lê Minh Quốc - MỘT NGÀY Ở MỸ - 8

Lê Minh Quốc - MỘT NGÀY Ở MỸ - 8

Mục lục
Lê Minh Quốc - MỘT NGÀY Ở MỸ
Thay lời tựa - Nhà văn NGUYỄN NHẬT ÁNH
1
2
3
4
5
6
7
8
9
LỜI BẠT ĐI MỘT NGÀY ĐÀNG Nhà văn DẠ NGÂN
Tất cả các trang


8.
Đường ơi ta bước lên nhìn trước nhìn sau, ta tin chắc ngươi chưa phải là tất cả những gì đang có
Ta tin chắc nơi đây vẫn còn nhiều thứ ta không nhìn thấy
(Walt Whitman)

            Tôi sẽ kể một câu chuyện có thật, nhưng người Mỹ và người Việt ở Mỹ sẽ bảo chuyện cổ tích. Không ai tin. Không ai cho rằng chuyện này đã xẩy ra trên đất Mỹ, nếu có chỉ trong giấc mơ. Nghe xong, họ sẽ cho tôi bịa. Bạn thân mến, trên đời này có những chuyện không ai ngờ đến, thế mà vẫn xẩy ra. Ấy mới là muôn mặt của đời sống. Ấy mới là... Mà thôi, chuyện gì  ghê gớm đến độ phải rào trước đón sau?


          Từ San Francisco, chúng tôi đi xe về Sacramento - thủ phủ của bang California, đến chơi với gia đình một người bạn, Hùng. Cuộc hội ngộ này không thể thiếu rượu. Làm sao có thể thiếu rượu - bởi một trong những phát minh vĩ đại nhất của nhân loại từ ngày khai thiên lập địa đến nay vẫn là rượu, chỉ đứng sau chữ viết. Trước mắt tôi, những chai rượu xếp hàng ngang trên bàn như cuộc ra quân hùng hậu của một binh đoàn thiện chiến. Binh đoàn của Napoléon “bách chiến bách thắng” chứ không đùa. Sau nhiều ngày không ngốn nổi thức ăn Mỹ, không được lang chạ với Lưu Linh, tôi và bốn người bạn cũng “ăn như rồng cuốn, uống như rồng leo”. Chuyện trò rôm rả. Gần 1 giờ sáng, tất cả say mềm. Say ngất ngư. Say quắt cần câu. Mềm như cọng bún. Tôi bật người ra ghế nằm chềnh ềnh đánh một giấc ngon lành. Trong khi đó, những người bạn khác phải chếnh choáng, chềnh choàng đứng dậy. Họ phải ra về, dù ở Mỹ ít ai say rượu dám lái xe. Nhưng phải về vì mai đi làm sớm, vì vợ đợi con mong, vì... Cả hàng trăm lý do đưa ra. Cuối cùng, Hùng không thể níu được khách, đành dứt áo để họ “quyết chí lên đường”.


           Lúc tôi đang chập chờn giấc ngủ, bỗng Hùng hoảng hốt lay dậy. Mặt mày tái mét. Tưởng chuyện gì ghê gớm sắp xẩy ra, tôi nín thở. Hùng thì thầm: “Anh Hà vừa bị cảnh sát thổi còi”. Chỉ có thế sao Hùng lại căng thẳng đến thế? Anh Hà dính líu vào vụ buôn bán, chuyên chở ma túy à? Lái xe cán chết người à? Không thể. Tôi chưa kịp hỏi, Hùng nói ngay: “Vì... vượt đèn đỏ”.


       Trời ơi! Tưởng gì, chuyện này có gì phải lo lắng? Đóng phạt là xong! Tôi lầu bầu và xoay lưng ngủ tiếp.
Sáng thức dậy, một cú điện thoại của anh Hà gọi vào điện thoại cầm tay của tôi: “Chiều nay đến nhà mình nhé! Ăn mừng! Ăn mừng!”. Nghe giọng nói “hồ hởi phấn khởi” lắm lắm. Tôi ngạc nhiên. Chưa kịp hỏi tại sao, anh đã cúp máy. Hùng từ trên nhà bước xuống bảo: “May quá! Nếu không mình sẽ ân hận dài dài”. May cái nỗi gì? Ân hận cái nỗi gì? Tôi chẳng hiểu mô tê ất giáp gì cả. Chưa kịp hỏi, Hùng đã vội vã ra xe đi làm. Còn tôi, một người bạn khác cũng đưa xe đến đón.


           Chiều. Đúng hẹn. Tôi đến nhà anh Hà. Đến nơi, đã thấy những gương mặt của đêm hôm qua. Ai nấy đều tươi roi rói. Mặt mừng ra mặt. Sau khi “Nghiêng chai rót xuống huy hoàng/ Chạm ly hoành tráng sổ sàng niềm vui”, anh Hà kể:


           -Dù quen biết nhau chừng mươi năm nay, nhưng đêm qua là lần đầu mình đến nhà Hùng. Ở Mỹ là vậy, chỉ một cú điện thoại là xong, chẳng mấy khi đến nhà thăm nhau. Do không biết đường, khi đến mình phải bám sau xe Hoàng. Khi về, cũng thế. Trên đường về, xe chạy bon bon không có gì phải nói, nhưng khi đến giao lộ xe Hoàng vượt qua trước. Sợ lạc, mình cũng phải bám sát theo đuôi. Không ngờ ngay lúc ấy đèn đỏ! Lập tức cảnh sát xuất hiện. Tim mình vọt ra khỏi lồng ngực. Mất toi 5.000 USD là cái chắc! Vừa say rượu, vừa vượt đèn đỏ không khéo ngồi tù như chơi! Chao ôi cái kiếp con rệp. Trong lúc ấy mình lanh trí thò vào túi tìm cây chewinggum nhai cho át mùi bia rượu, nhưng khổ nỗi không có! Khi bước xuống xe mình run như cầy sấy. Tay cảnh sát còn trẻ, tuổi cỡ con trai đầu của mình, nói những điều mình vi phạm, tất nhiên mình không cãi. Sau đó, y hỏi tại sao vượt đèn đỏ? Mình thành thật kể lại mọi chuyện. Kể xong, mình thở dài và chắc nẫm thế nào cũng bị phạt. Mà bị phạt đã là may, chứ không khéo còn bị tù nữa là khác! Khiếp quá!


           Tôi vội chen vào:


     -Khiếp gì! Phạt thì mình trả tiền, chứ làm gì phải bỏ tù người ta?


         Anh Hà cười khì:


       -Đó là luật Mỹ. Để mình kể tiếp. Không hiểu sao, tay cảnh sát này nghe mình nói xong, trả lại giấy tờ xe cho mình và cho lên xe đi tiếp! Trời ơi trời! Đất ơi  đất! Mình không tin vào tai mình nữa! Quả là một chuyện lỳ lạ nhất trên đời! Mình không thể tưởng tượng nổi!


         Ai ai cũng ồ lên như thế! Cứ như đang nghe kể một câu chuyện lạ lùng nhất trên đời.


         Tôi ngẩn tò te.


       Tôi không thể nào hiểu được, vì sao cái chuyện “nhỏ như con thỏ” với người ta lại “chuyện lớn” như thế, lớn đến độ chiều nay phải có một bữa tiệc ăn mừng! Dường như hiểu được sự thắc mắc của tôi, Hùng giải thích, đại khái rằng...


        Ở Mỹ, vi phạm luật giao thông như phóng nhanh, vượt đèn đỏ, lấn đường… ngoài chuyện trả tiền phạt chừng vài trăm đến cả ngàn đô, thì còn bị ghi vào hồ sơ cá nhân (Driving Record). Vì vậy, mỗi lần vi phạm càng tăng thêm điểm xấu trong hồ sơ. Khi có nhiều điểm xấu, ngoài việc đóng tiền bảo hiểm phải tăng thêm (từ vài trăm đến vài ngàn USD một năm), còn là tình tiết tăng nặng mỗi khi gặp chuyện liên quan đến luật pháp.


          Ở Mỹ không riêng gì xe, mà tất tần tật mọi thứ đều phải mua bảo hiểm. Bảo hiểm nhà, bảo hiểm xe, bảo hiển nhân thọ... Trăm thứ hầm bà lằn, không sót thứ nào! Nếu ta lái xe phạm luật, các hãng sẽ căn cứ vào đó buộc ta phải đóng thêm tiền bảo hiểm! Bia rượu trong lúc lái xe làm điều tối kỵ, tiếng Mỹ gọi là DUI (driving under the influence) xem như bị tội phạm hình sự.


             Trường hợp như anh Hà chỉ cần đo nồng độ rượu trong người từ 8 phần ngàn, tức uống khoảng hai lon bia là “xong phim”! Nếu dưới nồng độ đó, cảnh sát cũng có thể bắt vì cho rằng lái xe như thế không an toàn! Thậm chí, cho dù không uống nhưng rượu bia để trong xe, bên cạnh chỗ ngồi cũng bị bắt, ngoại trừ để sau cốp xe. Người vi phạm có thể bị tước quyền lái xe từ sáu tháng đến ba năm và nếu tái phạm, có thể bị cấm lái xe vĩnh viễn.


     Tôi hốc há mồm:


        -Thế thì quá quắt thật!


          Hùng vẫn chậm rải:


         -Trong các vi phạm về giao thông, lái xe khi say rượu là tội nghiêm trọng nhất. Dù không vi phạm gì, vẫn đủ tỉnh táo chạy đúng luật, chạy đúng tốc độ cho phép nhưng nếu bị cảnh sát phát hiện, ta vẫn có thể bị bắt giữ. Khi một người lái xe gây tai nạn chết người, phát hiện trong người có nồng độ rượu, sẽ bị truy tố tội cố sát cấp một. Người vi phạm, ngoài việc bị phạt tiền vài ngàn USD, còn có thể bị buộc đi lao động công ích vài tuần lễ, thậm chí còn có thể bị ngồi tù. Luật này không ngoại lệ đối với bất cứ ai. Chẳng hạn, cuối năm 2007, cả thế giới xôn xao đưa tin về vụ nàng Paris Hilton - một nữ diễn viên điện ảnh giàu có, nổi tiếng của nước Mỹ phải ngồi tù hai tuần lễ về tội lái xe khi đang say. Với trường hợp của anh Hà, thông thường cảnh sát đối xử như một tội phạm, họ tra ngay vào tay một cái còng số tám chắc nịch, đưa về sở cảnh sát giam giữ trong vòng 24 tiếng! Khỏi cần “thanh minh thanh nga” gì sất!


     Tôi thật thà:


         -Ta có thể “đút lót” được không?


        -Không thể nào!


         -Nếu ta phóng xe chạy luôn?


       -Chỉ có “từ chết đến bị thương”. Lập tức, toàn bộ các ngả đường đều bị cảnh sát phong tỏa, và nếu cần họ huy động ngay... máy bay quần trên bầu trời, từ trên cao đèn chiếu sáng rọi xuống để xem ta chạy đâu cho thoát!


            Tôi lè lưỡi. À! Thì ra lâu nay mình đọc mấy mẩu chuyện cười liên quan đến lái xe và rượu, nay tôi ngờ rằng chỉ có thế xuất phát từ nước Mỹ. Chuyện như thế nào nhỉ? Chuyện rằng: Xe của cô gái đụng phải xe của người đàn ông. Cô gái leo ra khỏi xe và nói: “-Thật kì lạ! Hãy nhìn xem! Xe của chúng ta hoàn toàn bị phá huỷ nhưng thật may mắn không ai bị thương cả. Đây có lẽ là cơ duyên kiếp trước xui khiến chúng ta gặp nhau?”. Người đàn ông ngây thơ gật đầu. Ai lại không gật đầu trước một thiếu nữ xinh đẹp và ăn nói thanh lịch như thế? Tôi cũng thế thôi. Cô ta nói tiếp: “-Xe bị hỏng nhưng chai rượu này vẫn còn nguyên, chúng ta hãy uống để mừng ngày gặp gỡ”. Đúng quá rồi chứ còn gì nữa? Như các bậc trượng phu khác trên trái đất, người đàn ông này hào hứng ngửa cổ tu nhiều ngụm rồi đưa chai rượu cho cô gái. Nhưng cô ta... cất chai rượu vào xe. “-Ủa cô không uống sao?”. Lập tức đàn ông này ngất xỉu, ngay sau khi nghe câu trả lời! Câu gì vậy? Cô ta nói ngon ơ: “-Không, tôi đang đợi... cảnh sát đến!”.


           Thì ra, hệ thống luật pháp của mỗi dân tộc cũng ảnh hưởng đến tiếng cười của người dân xứ sở đó. Không để cho tôi lan man, Hùng nói tiếp:


           -Cảnh sát đến là rách việc. Ta sẽ phải hầu tòa, dứt khoát phải móc ra khoảng gần 2.000 USD nộp phạt. Còn gì nữa? Bằng lái sẽ bị tịch thu chờ xét duyệt lại, khoảng sáu tháng. Muốn “xóa án” ta phải ngoan ngoãn đóng tiền phạt và đi học lại luật lệ giao thông! Muốn có lại bằng lái, không chỉ nhiệt tình tham gia khóa học cai rượu, ta còn bị bắt buộc lao động công ích vài tuần! Chưa hết, chiếc xe của ta có thể còn bị đặt máy thử rượu vào ổ khóa. Mỗi lần lên xe nổ máy, ta phải thổi vào đó. Nếu trong hơi thở có nồng độ rượu, xe sẽ không nổ máy! Nếu vẫn tái phạm, ta có thể... ngồi chơi xơi nước trong tù vài ba năm và đừng hòng có mơ một ngày đẹp trời ngồi xe cầm volant đưa người tình dạo phố! Thế là hết. Ở Mỹ, không được lái xe xem như cụt giò!  


        Hùng còn nhấn mạnh:


        -Ở Mỹ cái tội “lái xe dưới ảnh hưởng của rượu” được ghi vào hồ sơ lý lịch. Quan trọng hơn, người mang hồ sơ này rất khó xin được việc làm. 


       Tôi thắc mắc:


         -Làm sao cảnh sát và các công ty biết được các vi phạm đó trong hồ sơ của người khác?


        Hùng đáp:


        -Mỗi người ở Mỹ đều có hai hồ sơ cá nhân, một được quản lý bằng hệ thống điện toán của chính quyền, và một do hệ thống điện toán của một công ty tư nhận quản lý. Hồ sơ do chính quyền quản lý thì tập trung vào các hoạt động và hành vi liên quan tới luật pháp, mà phổ biến nhất là các vi phạm về luật giao thông. Hồ sơ do công ty tư nhân quản lý tập trung nhiều vào chuyện thu nhập, nghề nghiệp, các hoạt động kinh doanh, và tín dụng. Nhưng dù được thiết lập và quản lý từ hai cơ quan khác nhau, hai hồ sơ này liên hệ mật thiết với nhau và bổ sung cho nhau.


       Nghe ớn quá!


         Sau này tôi xuống bang Florida, trong một dịp trà dư tửu hậu, anh Tâm - chồng nhạc sĩ, ca sĩ Tâm Khanh cũng cho biết những thông tin tương tự như vậy. Anh bảo, thang điểm của bằng lái xe tại tiểu bang này là 10. Nếu vượt đèn đỏ, không ngừng hẳn xe ở bảng STOP v.v... bị trừ 3 điểm và bị phạt tiền từ 200 USD đến 350 USD. Nếu bị trừ 6 điểm (chỉ cần vượt đèn đỏ 2 lần) phải đi học lại luật giao thông, nếu không sẽ bị treo bằng lái từ 3 đến 6 tháng! Nếu ai vượt quá thang điểm, bằng lái bị rút luôn vĩnh viễn. Nếu chạy quá tốc độ? Ta bị phạt tiền một cách lũy tiến tùy thuộc vào số vận tốc vượt quá. Có nhiều nơi phạt gấp đôi giá bình thường khi đã có thông báo trước. Tiền phạt rất cao thường từ vài trăm đến vài ngàn USD! Ngồi trên chiếc xe còn có không ít ràng buộc, chỉ cần chủ xe lơ tơ mơ để đèn xe chết bóng đèn cũng bị “thổi còi” ngay, phải thay bóng và đem lại cho Sở Cảnh sát duyệt!


         Tôi quá đỗi ngạc nhiên trước những thông tin này. Như vậy ta lý giải chuyện của anh Hà như thế nào? Không vội, ta hãy nghe anh Hà nói:


         -Vấn đề không chỉ bị phạt tiền, phạt tù điều mình sợ nhất vẫn là lưu lại một vết đen trong lý lịch của mình. Khi ấy vợ con, anh em bạn bè nghĩ mình như thế nào? Vậy hóa ra bao nhiêu năm sống đàng hoàng, nay phạm tội phóng nhanh vượt ẩu, vi phạm luật pháp còn “ăn làm sao nói làm sao” với mọi người?


     Gió ngoài vườn vẫn lồng lộng. Những bông hoa nghiêng trong nắng. Vạt cỏ vẫn xanh. Đâu đó có tiếng chim kêu khắc khoải. Tôi thoáng nghĩ, để giữ phẩm giá một con người vẫn là mối quan hệ cộng đồng. Mối quan hệ đó có nhiều ràng buộc khiến ta phải tự giữ mình. Điều đó đôi khi còn quan trọng hơn cả hệ thống luật pháp đang hiện hành. Nhưng muốn được như thế, cộng đồng ấy phải ổn định về an ninh, tăng trưởng kinh tế, văn hóa và hệ thống pháp luật phải chặt chẽ nhằm bảo vệ quyền lợi chính đáng cho mỗi thành viên. Thú thật nghe câu chuyện này xong, tôi hết dám... nâng ly hào sảng như đêm qua nữa vì đường về nhà còn xa mà người bạn lái xe cũng đang nốc tì tì. Nắng nhạt dần. Gió lạnh. Tôi mở sổ tay và hý hoáy ghi lại cảm xúc vừa đến:


Tưởng rằng cỡi ngựa xem hoa
ngờ đâu hoa đè oằn lưng ngựa
ngựa suýt quỵ chân bon
đi một ngày hiểu biết nhiều hơn
tiếc rằng tuổi đang ít, sức khỏe đang ít
và nhiệt tình cũng ít
chẳng thiết ghi chép
nhạt dần mây trời ngày xuân
gió đã thổi từng mùa
bạc tóc
ngựa vẫn cỡi xem hoa
dìu hoa về trong óc
mệt nhọc...


         Thấy tôi ngồi trầm ngâm làm thơ giữa bàn nhậu, anh Hà bảo:


    -Uống đi! Mời các bạn cạn ly chúc mừng cho sự may mắn thần kỳ vừa rồi của mình.


       Mọi người hào hứng nốc cạn. Và câu chuyện vẫn tiếp tục lý giải về “câu chuyện cổ tích” của anh Hà. Mọi người bảo thật ra tay cảnh sát ấy không phải vì cao hứng, vì “nhân đạo” gì cả. Vì lý do gì? Hùng nói với tôi:


         -Anh à! Mỗi công dân Mỹ được quản lý bởi một con số gọi là số SS (Social Security). Số này mỗi người chỉ có một, không thay đổi và vĩnh viễn theo mình cho đến khi về bên kia thế giới. Muốn làm thẻ tín dụng, bằng lái xe... hay bất cứ chuyện gì quan trọng đều dùng số SS này cả. Bằng lái xe ở Mỹ giống như một thẻ căn cước điện tử. Mỗi cảnh sát Mỹ đều có mang theo máy quét (scanner) nhỏ, để đọc tóm tắt hồ sơ tư pháp của người lái xe ngay khi họ kiểm tra. Còn khi đến xin việc ở đâu, người xin việc phải ký vào giấy chấp thuận cho bên thuê muớn được đọc hồ sơ cá nhân của mình. Với giấy chấp thuận này, thông qua mạng điện toán, bên thuê mướn có thể phát hiện ngay những điểm tốt xấu trong lý lịch của người xin việc. Vì vậy ở Mỹ, một khi đã vi phạm luật pháp, thì anh khó có thể xoá được dấu vết.


      Như thế, khi anh Hà đưa giấy tờ ra, cảnh sát đã biết được về nhân thân anh. Họ biết anh không phải là tay bợm nhậu chuyên nghiệp, chưa từng tiền án tiền sự mà nay chỉ vì một lý do, mà lý do ấy chính đáng nên họ bỏ lỗi cho qua. Thế thôi.



Add comment


Việt Tuấn Trinh | www.viettuantrinh.com