THỂ LOẠI KHÁC Biên Khảo Lê Minh Quốc - MỘT NGÀY Ở MỸ - 5

Lê Minh Quốc - MỘT NGÀY Ở MỸ - 5

Mục lục
Lê Minh Quốc - MỘT NGÀY Ở MỸ
Thay lời tựa - Nhà văn NGUYỄN NHẬT ÁNH
1
2
3
4
5
6
7
8
9
LỜI BẠT ĐI MỘT NGÀY ĐÀNG Nhà văn DẠ NGÂN
Tất cả các trang


5.
Tôi quay lại đàng sau, qua sương mù, nhìn những ngày vã mồ hôi với những nhà biện luận, những kẻ đua tranh
Tôi không chê bai, không tranh cãi, tôi chứng kiến, tôi chờ
(Walt Whitman)

         Trời rét lạnh. Những vòm cây đã trút lá. Khẳng khiu cành. Mây xám. Dạo một vòng quanh thủ đô Washington D.C, tôi lại có cảm giác như đang đi trong một thành phố châu Âu nào đó, ít ra cũng là Hà Lan mà tôi đã từng đến. Đường phố dưới chân đi. Những bước đi xa lạ. Đường phố không có bụi bặm. Đường phố sạch sẽ, ngăn nắp và có vẻ đẹp của một thiếu nữ đã qua tuổi xuân xanh mắt biếc để hồi xuân trong sự đằm thắm và nền nã. Điều này không lạ, bởi kiến trúc ở đây mang dấu ấn của nhiều nền văn hóa khác nhau. Không phải nhà nghiên cứu, nhưng đọc lịch sử Mỹ biết được sự thành của Hiệp chủng quốc Hoa Kỳ, cho phép tôi nhận ra điều đó. Nhìn những ngôi nhà thờ rét mướt trong mưa, dìu hiu trong gió, cửa đóng kín và chìm trong bóng cây che khuất lòng tôi chợt ấm áp. Chiêm ngưỡng phong cảnh lạ với tôi cũng dạt dào cảm xúc như đắm đuối một phụ nữ đẹp. Vậy có thích làm thơ không? Thích chứ? Thơ rằng:


Khói xe mù mịt đất trời
Tìm đâu một chỗ ta ngồi hôn em?
Ngày vừa xuống đêm vừa lên
Động cơ náo nhiệt vang rền tiếng xe
Lặng im ta lắng tai nghe
Tiếng chim khản giọng vỉa hè... Có đâu!


       Viết như thế là một sự ngớ ngẩn, nếu nhằm miêu tả một đại lộ ở trung tâm thủ đô nước Mỹ. Tưởng rằng, với một xã hội công nghiệp hóa hiện đại như Mỹ thì phố xá sẽ mù mịt bụi khói. Không hề. Nhiều bạn bè ở đây cho biết, các loại xe hơi sử dụng đều gắn thêm một bộ lọc nhằm hạn chế tối đa khói xe.


     Washington D.C hình thành từ năm 1790. Tôi có mặt vào dịp lễ hội hoa anh đào nên nhan sắc lại càng rực rỡ. Đi dạo dưới những vòm cây thỉnh thoảng lại nghe tiếng chim kêu ríu ríu. Buổi chiều lạnh tê tái, tím môi. Trước mắt tôi cả một rừng hoa sắc hồng nhạt, rất nhạt, nhạt như một chút son còn sót lại lơ đễnh trên môi người tình phụ. Nghe đâu có khoảng 3.750 cây hoa anh đào với 17 giống khác nhau đã bén rễ nơi này. Những bông hoa ánh lên vòm trời nhạt nắng, tôi có cảm tưởng như đang nhìn một bức tranh thủy mạc. “Đào hoa y cựu tiếu đông phong”. Câu thơ Đường bất chợt vọng về nhẹ nhàng trong trí nhớ. Nao lòng.


        Lâu nay, tôi nghĩ, đi du lịch phải đạt được ba yếu tố: chiêm ngưỡng danh lam thắng cảnh nơi ấy; ăn một món ăn đặc trưng nơi ấy; và cuối cùng nơi ấy phải để lại trong trái tim mình dấu môi hôn của một cuộc tình vội vã. Nay thì không. Tôi lặng lẽ đi với nhà báo Phạm Thu Nga, và nhà thơ Bùi Thanh Tuấn - những đồng nghiệp trẻ dễ mến. Rừng hoa anh đào khiến du khách lưu luyến là món quà kỷ niệm tình hữu nghị giữa Hoa Kỳ và Nhật Bản do thị trưởng Tokyo Yukio Ozaki tặng cho nhân dân Washington DC vào năm 1912. Ngắm hoa, tôi lại liên tưởng đến cây tre Việt Nam và tự hỏi, bao giờ có rừng tre của Thánh Gióng được mọc lên nơi đây? Nếu có một rừng tre xanh bao bọc chung quanh hồ Tidal thì tuyệt vời nhỉ? Lạc trong rừng hoa quanh hồ Tidal, bên bờ sông Potomac trong một chiều sắp tắt nắng, tôi lại nhớ  mẹ tôi - một người phụ nữ thuần hậu, bình dị, cần kiệm rặt tính cách Quảng Nam, suốt một đời chỉ đi từ nhà đến chợ, một năm mười hai tháng, một tháng ba mươi ngày cũng chỉ biết từ chợ về nhà. Tôi tự hỏi: “Biết lúc nào mẹ mình ở quê nhà mới được nhìn cảnh đẹp như thế này. Chắc chắn không bao giờ”. Đột nhiên bùi ngùi...


     Đột ngột dâng lên trong tôi một niềm thương cảm khi bước đến Khu tưởng niệm cựu chiến binh Mỹ. Những người lính đã bỏ xác vô ích tại chiến trường Việt Nam. Trước mắt tôi là hai bức tường đá granite đen dựng chụm vào nhau và có xu hướng thấp dần ở hai bên, tạo thành chữ V. Mỗi cạnh của chữ V, tôi đếm có 74 phiến đá lớn. Mỗi phiến đá rộng và cao hơn 1 mét được ghép lại. Trên bức tường chữ V đó khắc tên của hơn 58.000 lính Mỹ chết trận. Đây là một trong mười kiến trúc đẹp nhất của nước Mỹ. Cái đẹp ghi nhớ về sự chết chóc và sai lầm trong một cuộc chiến do chính quyền Mỹ gây ra. Rải rác dưới chân bức tường tưởng niệm, tôi thấy có những bó hoa tươi. Hoa tươi như máu. Trước đây với chiến tranh Việt Nam, công dân Mỹ đã bị đẩy vào cái chết phi lý của một cuộc chiến phi lý. “Đáng ân hận và hỗ thẹn” như một cựu chiến binh Mỹ đã thừa nhận. Lỗi không phải tại họ. Lỗi tại chính quyền Mỹ. Ngay phía bên ngoài bức tường này, dưới vòm cây xanh, tôi thấy có vài bệ gỗ cao, trên đó người ta đặt quyển sổ lớn ghi toàn bộ danh sách lính Mỹ đã chết. Đó là Veterans memorial - directory of names 1959 - 1975, dày 766 trang, bọc nhựa từng trang để khách tham quan dễ dàng tra cứu. Cuộc chiến tranh vệ quốc của nhân dân Việt Nam đã đi qua. Trang sử cũ sai lầm của người Mỹ đã khép lại. Dưới chân tượng đá này, khoát lại áo ấm, tôi ghi một ý nghĩ chợt đến:


Lạnh từ trong xương
Buốt từ chân tóc
Anh ngước mắt nhìn
Con đường cao tốc
Một mắt liếc dọc
Một mắt nhìn ngang
Nước Mỹ xa xăm
Dẫn anh đi dạo
Đi từ trang báo
Đến cái truyền hình
Đi từ báo cáo
Đến cõi nhân sinh
Ngày tháng chiến tranh
Qua như ác mộng
Để sớm mai này
Gió chiều lồng lộng
Anh nghe tiếng sóng
Vỗ từ trời cao
Anh thấy bể dâu
Chỉ còn trong sách
Vó ngựa binh đao
Từng ngày hóa thạch
Chào Washington
Anh đang thầm nhắc
Đào hoa khoe sắc
Mở rộng vòng tay
Trong anh nắng ấm
Lên men ngày ngày...


   Khép lại cuốn sổ tay. Phóng một tầm mắt, tôi nhìn thấy tượng đài kỷ niệm Washington, cách điện Capitol về phía đông chừng 1.500 m. Tượng đài này cao 169,29 m, được xây bằng đá cẩm thạch, granite, sa thạch và mọi người thường gọi bằng cái tên nôm na, dễ nhớ “Tháp bút chì”. Từ trong tháp này, chỉ cần leo lên 898 bậc thang hoặc bằng thang máy, ta có thể ngắm nhìn được toàn cảnh thủ đô từ các vòm cửa sổ. Từ phía bắc, ta thấy Nhà Trắng, tư thất, văn phòng của tổng thống Mỹ. Từ của sổ phía Nam, ta thấy đài tưởng niệm tổng thống Jefferson bên bờ sông Tidal. Từ phía tây, ta nhìn thấy đài tưởng niệm tổng thống Abraham Lincoln. Chị Quý - người phiên dịch của chúng tôi cho biết, chính phủ Mỹ quy định các nhà ở thủ đô không được xây cao hơn tượng đài Washington.

         Tôi rủ Nga đi đến đài tưởng niệm Abraham Lincoln. Bước lên những bậc thang cấp, trước mắt chúng tôi hiện ra pho tượng của vị tổng thống có hàm râu quai nón rất đẹp, ngồi uy nghi trong một ghế bành lớn, hai tay đặt trên thành ghế, đôi mắt trìu mến, u buồn nhìn xuống. Tượng này cao 5 m 80 làm bằng 8 khối đá, được đặt trên một cái bệ cũng bằng đá cẩm thạch trắng. Từ mẫu thạch cao của nhà điêu khắc Daniel Chester French, những người thợ ở New York phải thực hiện ròng rã trong vòng 4 năm trời mới hoàn thành. Tôi yêu quý Abraham Lincoln, bởi ông là hiện thân của tinh thần chống sự phân biệt chủng tộc, không ai khác, chính ông là người tuyên bố bãi bỏ chế độ nô lệ ở Hoa Kỳ. Nhìn tượng Abraham Lincoln, tôi thấy đôi mắt ông đượm một nỗi buồn thăm thẳm. Dường như ông đang suy nghĩ một điều gì đó. Vẻ buồn rất đỗi trầm mặc ấy khiến tôi nhớ đến câu thơ “u uẩn chiều lưu lạc” của Quang Dũng. Đôi mắt ấy đã từng khóc. Năm 1865, lần đầu tiên gặp gỡ những thân phận da đen nô lệ ở miền Nam được giải phóng, ông nói với họ: “Các bạn hãy quỳ xuống cám ơn Thượng đế vì đã được hưởng tự do. Tôi chỉ là kẻ thi hành ý muốn của Thượng đế”. Lúc mọi người chắp tay, ngửa mặt lên trời thì ông đã khóc vì cảm động. Giọt nước mắt ấy thành thật biết bao nhiêu... Tại đây, ngày 28.8.1963 một nhân vật da đen rất nổi tiếng là Tiến sĩ thần học Mục sư Luther King, nhận giải thưởng Hòa bình Nobel năm 35 tuổi, đã đọc bài diễn văn rúng động lòng người “Tôi đã nằm mơ”. Mơ về sự hòa hợp chủng tộc da đen và da trắng, mơ về một ngày Thượng đế phán xử con người trên công đức của họ chứ không từ màu da... 29 vạn người đã có mặt để lắng nghe và chia sẻ thông điệp này. Giấc mơ cao đẹp này vĩnh viễn là niềm tin của nhân loại. Cả Abraham Lincoln và Luther King cũng đều bị ám sát bởi viên đạn của sự man rợ. Nếu không tin vào sự bình đẳng của các màu da trên thế giới, và điên rồ triệt tiêu sự bình đẳng ấy tôi nghĩ đó là sự man rợ.


       Sau khi tham quan, tôi và Nga đi thang máy xuống tầng dưới cùng. Không ngờ lại thấy có cửa hàng lưu niệm. Quan sát một lát, tôi nhận ra người Mỹ rất tôn sùng những cá nhân đã để lại dấu ấn trên đất nước họ. Họ rất có ý thức kết hợp tuyên truyền chính trị trong việc phổ biến văn hóa. Tôi đã ngạc nhiên khi nhìn thấy họ bày bán văn hóa phẩm là... các tài liệu chính trị! Đó là thủ bút bản Tuyên ngôn Độc lập của Mỹ ngày 4.7.1776 với đầy đủ các chữ ký của người có trách nhiệm; là bản viết tay của tổng thống Abraham Lincoln; là hình ảnh 43 tổng thống Mỹ, từ George Washington  đến George W. Bush v.v... Tất cả được in trên một loại giấy cũ, úa vàng, khổ chừng 30 x 40 cm để người mua có thể lồng vào kính treo trong nhà. Đặc biệt, để tăng thêm phần hấp dẫn, các quà lưu niệm này có kèm cả cây bút lông ngỗng nhằm gợi nhớ đến kiểu viết của người xưa! Tôi trầm ngâm nghĩ đến bản đánh máy Tuyên ngôn Độc lập của Chủ tịch Hồ Chí Minh, bản viết tay Kêu gọi Toàn quốc Kháng chiến, Di chúc... của Người tại sao ta không phổ biến bằng cách này? Hoặc cũng có thể bằng cách khác, chẳng hạn, vài năm trước đây khi đến Thái Lan, tôi thấy họ cũng nghĩ ra lắm “độc chiêu”. Trong các siêu thị, trên đường phố Bangkok bày bán rất nhiều tranh dân gian, phong cảnh, tôn giáo, nguyên thủ quốc gia Thái Lan được in bằng phương pháp thủ công, đường nét thật sắc sảo, sắc nét trên vải lụa. Vâng, họ in trên lụa, nhưng giá rất rẻ, chỉ khoảng vài chục “bat”. Sao ta không phổ biến các giá trị văn hóa truyền thống, dấu ấn danh nhân của ta trên vải lụa hoặc bằng nhiều thể loại, nhiều hình thức đa dạng khác nhau, đủ kích cỡ để bán cho du khách năm châu? Với chất liệu quý, lập tức nó hoàn toàn khác với tranh giấy dó chỉ lưu giữ trong bộ sưu tập, thì nay có thể treo trên tường cho mọi người cùng chiêm ngưỡng v.v...


     Phải chăng trong cách làm văn hóa, người Mỹ luôn chú trọng đến yếu tố phát huy dấu ấn của người nổi tiếng? Tại khu vui chơi Disneyland ở thành phố Orlando, tôi đã thấy tấm hình trắng đen chụp hình tổng thống Lincoln cùng cậu con trai, chỉ nhỏ bằng cỡ bao thuốc lá nhưng giá bán lên đến... 120.000 USD. Đơn giản chỉ vì trên bức ảnh gốc đó có chữ ký của ông. Tương tự, cây gậy của Thủ tướng Anh Winston Churchill cũng được bán với giá 12.500 USD... Ai sẽ mua những món hàng này? Chưa rõ. Nhưng chai rượu Talbot có chữ ký của nữ tài tử gợi cảm nhất thế kỷ XX Marilyn Monroe bán với giá 69.95 USD, tôi đoan chắc một nhà thơ nổi tiếng của Việt Nam, nếu đến đây thì sẽ lọt vào tay ông:


Trời xanh úp mặt nghe tin
Thôi rồi! Em Má Rí Lyn đi rồi
Từ nay ta bỏ ngai trời
Thu thời gian đập tơi bời càn khôn
Giữa hư vô nếu em còn
Nhớ ta xin gửi cái hồn cho ta
Úp môi ôm mặt khóc òa
Cồn lê lên miệng là ba bốn lần 


      Đó là trung niên thi sĩ Bùi Giáng. Ông viết bài thơ này sau khi nghe tin Marilyn Monroe về chín suối, năm 1962. Giá trị của văn hóa đích thực không có biên giới. Từ gầm trời nào đi nữa, nó vẫn có một ma lực hấp dẫn lạ thường. Say đắm nhan sắc như Bùi Giáng cũng là lẽ thường tình vậy. Hoặc ở Bảo tàng nhạc Jazz tại thành phố Kansas còn lưu giữ được cây kèn saxophone “made in London” của tài danh Charlie Parker. Cây kèn này năm 1997 bán đấu giá lên đến 140.000 USD, nay giá còn cao hơn rất nhiều lần. Cao như thế, vì nó được “bảo kê” bởi tài năng của Charlie Parker, chứ không phải của “người trần mắt thịt”!


       Không phải ai cũng biết rằng, người Mỹ còn cho in cả giấy bạc trị giá... 1 triệu USD để du khách mua làm lưu niệm. Tờ giấy bạc này có kích cỡ bằng tờ USD thật, in sắc nét, mặt này in hình Nữ thần Tự do, còn mặt kia in hình gì? Đó là hình bức tượng 4 vị tổng thống Mỹ được khắc trên ngọn núi đá Rushmore cao 1.829 mét tại vùng Black Hills thuộc tiểu bang South Dakota. Để hoàn thành kiệt tác này người ta đã mất ròng 17 năm trời lao động miệt mài. Theo thứ tự, trước nhất là George Washington - người được coi như cha đẻ của nước Hoa Kỳ, tổng thống đầu tiên của nước Mỹ; Thomas Jefferson- người khởi thảo Tuyên ngôn Độc Lập nổi tiếng. Riêng câu “Tất cả mọi người đều sinh ra có quyền bình đẳng, tạo hóa cho họ những quyền không ai có thể xâm phạm được; trong những quyền ấy, có quyền được sống, quyền tự do và quyền mưu cầu hạnh phúc”, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã trích dẫn lại trong Tuyên ngôn Độc lập của nước ta và ghi nhận “lời bất hủ”; kế đến Theodore Roosevelt - người đã có nhiều đóng góp đối với sự phát triển của nước Mỹ trong thế kỷ XX; và cuối cùng là Abraham Lincoln - một con người vĩ đại trong sự nghiệp giải phóng người nô lệ.


     Ngoài ra, trên những tiểu bang đã đi qua, trên các đường phố lớn tôi đều thấy tượng các danh nhân của nước Mỹ, phía dưới chân tượng còn có thêm vài dòng tiểu sử nữa. Tại quảng trường Tự Do rộng lớn tại Washington D.C, tôi lại ngạc nhiên khi thấy ngay dưới chân mình, người Mỹ lại phổ biến bản đồ thành phố này. Nó được thể hiện cách điệu một cách hài hòa. Trên nền gạch hoa cương ấy, tôi còn thấy có khắc cả những câu nói của các nhân vật nổi tiếng như Abraham Lincon, Martin Luther King...; kể cả nhà văn như Charles Dickens v.v... nhằm giúp cho du khách có thể hiểu được một cách khái quát về sự hình thành của thành phố này.


           Trên cổng bước vào khu phố cổ Sacramento, tôi đã thấy một bức tường dài vẽ chân dung và ghi tiểu sử của nhiều nhân vật lừng danh như Charles Crocker, Mark Hopkins... Tôi dừng lại khá lâu trước chân dung ông Leland Stanford - một trùm tư bản đường sắt. Phải dừng lại trong giây lát, vì từ năm 1891 ông đã mở Đại học Stanford tại Palo Alto (bang California). Những ai bỏ tiền xây trường là làm việc đức cho đời sau và xứng đáng được đời sau ngưỡng mộ. Ngôi trường của ông Leland Stanford được xếp thứ hai, chỉ sau Đại học Harvard với ý nghĩa: “Đại học có mục đích tạo điều kiện để sinh viên thành đạt và hữu ích cho đời, đại học phải chăm lo sức khoẻ của cộng đồng nhân danh văn minh và nhân loại, đại học phải chỉ rõ ân huệ của tự do điều tiết bởi luật pháp, đại học phải dạy dỗ lòng yêu mến và niềm kính trọng những nguyên tắc cơ bản của việc trị nước xuất phát từ những quyền bất biến, quyền được sống, quyền được hưởng hạnh phúc của con người”. Một tư bản giàu nứt đố đổ vách mà nói được một câu như thế thì đáng khâm phục quá đi chứ! Rồi ngay trong phòng đợi của sân bay San Francisco tôi lại thấy hình ảnh các nhân vật nổi tiếng khác được trưng bày trang trọng... Có thêm một điều lạ, hầu hết ở các công sở, những nơi công cộng đều có treo cờ Mỹ, bất kể các ngày trong tuần, chứ không chỉ trong các dịp lễ... Từ Mỹ, nhìn về quê nhà tôi sực nhớ lâu nay Hội Sử học Việt Nam cũng đã phát động có hiệu quả phong trào “Một giọt đồng đúc tượng danh nhân” - góp phần không nhỏ đưa các thế hệ ý thức “về nguồn”.


     Ngoài việc dựa vào những tên tuổi lừng danh để quảng bá, “làm sang” cho đất nước mình, người Mỹ còn có ý thức tạo dựng những biểu tượng văn hóa mới ngay trong chính thời đại họ đang sống.


          Có thật vậy không?


         Nếu so với Việt Nam “vốn xưng nền văn hiến đã lâu” (Nguyễn Trãi), chúng ta có nhiều khả năng, nhiều thuận lợi hơn người Mỹ trong tạo dựng một biểu tượng văn hóa. Biểu tượng văn hóa vật thể và phi vật thể của ta phổ biến trên toàn cầu là gì? Là Hạ Long, Văn Miếu, Chùa Một Cột, Thánh Gióng, áo dài, nón lá, nước mắm, phở... Là gì nữa? Với người nước ngoài, họ sẽ chọn lấy gì? hoặc khi ta đưa ra hình ảnh gì, thế giới biết ngay đó là biểu tượng văn hóa của Việt Nam?


     Với người Mỹ dù “sinh sau đẻ muộn” nhưng họ cũng đã thành công trong việc tạo dựng cho Hiệp chủng quốc Hoa Kỳ một biểu tượng văn hóa mới. Tôi muốn nói đến tập đoàn Walt Disney của ngành công nghiệp giải trí của Mỹ. Họ đã tạo dựng các khu vui chơi bậc nhất thế giới là Disneyland, Disney World. Qua đó, hình ảnh chú chuột thông minh, láu lĩnh Mickey đã có thể sánh cùng Tượng Nữ thần Tự do. Chú chuột Mickey này do chính thế hệ của họ tạo dựng, chứ không thừa hưởng từ di sản văn hóa đã có trước, nó chỉ mới xuất hiện lần đầu tiên từ năm 1928 trong bộ phim “Stemboat Willie” đấy thôi.


              Tại Orlando, tôi đã nhìn thấy “lá cờ” in hình chú chuột Mickey tung bay ngạo nghễ trong công viên lừng danh Walt Disney World. Phải gọi công viên này là một “thành phố” mới đúng - một địa điểm, một “kỳ quan” mà bất cứ một đứa trẻ nào trên thế giới cũng một lần ước mơ được đặt chân đến chiêm ngưỡng. “Thành phố” này có diện tích chừng 110 km vuông, toàn bộ các con đường trong đó đều được đặt tên riêng. Ngoài hệ thống đường xá trải nhựa dành cho xe ô tô thì trên không chằng chịt hệ thống motorail khiến tôi có cảm giác đã từ nhà ga này đến nhà ga khác. Muốn vào đó, người ta có thể mua vé từ một ngày đến 10 ngày. Cụ thể vé dành cho người mười tuổi trở lên, giá từ 71 USD (1 ngày) đến 225 USD (10 ngày); dưới tuổi đó giá từ 60 USD (1 ngày) đến 187 USD (10 ngày). Trên chiếc vé có ghi một câu slogan “Tại đây luôn có những điều mới lạ mỗi ngày”.


          Khi vào cổng, ta đặt tấm vé vào một ô nhỏ trên cái bàn đặt ngay trước mặt và áp ngón tay vào, lập tức của mở ra. Chiếc vé như thế đã “vô hiệu hóa”, lần sau không thể sử dụng lại và thêm một lợi ích khác, không tốn nhân công phải thu dọn vé. Cả hàng ngàn lượt người trong mỗi ngày cũng là một lượng rác không nhỏ. Hầu hết các khu vui chơi ở Mỹ hiện nay đều thực hiện cách làm này. Đã vào cổng, người ta vui chơi theo nhiều sở thích và di chuyển theo nhiều phương tiện khác nhau. Muốn tàu thuyền, có; muốn motorail, có... Chắc chắn trong một ngày không ai có thể tham quan hết các khu vực, tham dự hết các trò chơi, các show diễn nghệ thuật... Ai muốn vào đâu thì vào, không phải đã có vé vào cổng, nhưng muốn chơi trò chơi gì thì xin cứ việc... xìa thêm tiền! Đó là sự bất nhẫn, bởi phụ huynh nghèo sẽ giải thích với con em mình như thế nào nếu nó không được chơi trò này, trò kia như mọi đứa trẻ khác?


           Không riêng gì đây mà các khu vui chơi công cộng khác, một điều đã làm tôi “kinh ngạc” không thể lý giải nổi khi không hề thấy có... một cọng rác, dẫu là một mẩu thuốc lá! Lẫn trong du khách là những người phục vụ mặc quần áo trắng, đội mũ trắng nhẫn nại gắp từng cọng rác. Nhìn hình ảnh tận tụy này, không một ai có thể nhẫn tâm vứt rác một cách bừa bãi. Chính vì nó sạch sẽ nên một người cẩu thả như tôi cũng phải tìm đúng nơi để vứt rác. Trong những ngày lang thang trên nhiều đường phố Mỹ, tôi luôn tự hỏi, người ta đã quét rác vào lúc nào mà mọi con đường bao giờ cũng sạch sẽ? Có lẽ cách trả lời đúng nhất là họ không xả rác bừa bãi nên mới có được cảnh quang như thế chăng?



Add comment


Việt Tuấn Trinh | www.viettuantrinh.com