THỂ LOẠI KHÁC Biên Khảo Lê Minh Quốc - MỘT NGÀY Ở MỸ - 3

Lê Minh Quốc - MỘT NGÀY Ở MỸ - 3

Mục lục
Lê Minh Quốc - MỘT NGÀY Ở MỸ
Thay lời tựa - Nhà văn NGUYỄN NHẬT ÁNH
1
2
3
4
5
6
7
8
9
LỜI BẠT ĐI MỘT NGÀY ĐÀNG Nhà văn DẠ NGÂN
Tất cả các trang

3.
Những suy nghĩ đó thật ra của mọi người, ở mọi thời mọi nước, nào phải của riêng tôi
Nếu chỉ của tôi mà không phải của anh thì quả là vô nghĩa hay gần như vô nghĩa
(Walt Whitman)

          Trong chuyên đề “Hệ thống chính quyền liên bang Hoa Kỳ”, ông John White - giáo sư môn Chính trị, Tôn giáo của trường Đại học Mỹ nhấn mạnh đến ba yếu tố chính đề hình thành tính cách con người và văn hóa Mỹ. Đó là hệ thống chính trị, hệ thống giáo dục và địa lý. Ông gọi là “giấc mơ Hoa Kỳ” đối với nhiều người trên thế giới. Tại sao? Vì đó là nơi mà người ta tin vào sự tự do; tin vào cơ may đổi đời; và tin vào nỗ lực của cá nhân. Nhưng ông cũng nhấn mạnh, không phải ai đến Mỹ, sống ở Mỹ cũng trở thành người Mỹ. Đó là điều mà không ít người nước ngoài ảo tưởng - sau khi mình đã được chứng nhận “công dân Mỹ”.


        Điều này không lạ. Không riêng gì tại Mỹ, nếu không được trang bị tri thức, không hòa nhập được với dòng chảy của nền văn hóa mới tại vùng đất mới, dù có sống ở đó muôn đời, dù có khoác lên bao hào nhoáng bên ngoài, ta mãi mãi cũng chỉ da vàng mũi tẹt. Tôi đã nhìn thấy tại các khu chợ của người Việt Nam ở Mỹ, vẫn là sự nhếch nhác, đàn đúm, bừa phứa của không ít  người Việt lưu vong thất nghiệp ở đây. Họ sống ở Mỹ, nhưng tôi có cảm giác như họ đang sống ở chợ Cầu Muối, chợ Cồn... cũng xả rác, cũng ngồi nghếch chân lên ghế, cũng khạc nhổ bừa bãi, cũng chen lấn, cũng ồn ào trong các quán ăn và không quên... văng tục chửi thề! Thì ra, sự cách biệt lớn nhất trong quan hệ cộng đồng căn bản vẫn là nền tảng văn hóa của mỗi người, dù anh đang sống ở gầm trời nào.


             Với người Mỹ, tính cách ấn tượng nhất trong mắt tôi vẫn là sự tự giác. Tự giác có ý thức trong khuôn khổ chấp hành luật pháp đã quy định. Một nét đặc trưng của người Mỹ dễ nhận ra nhất là thói quen xếp hàng. Dù chỉ có hai người cũng phải xếp hàng. Thứ tự trước sau, không chen lấn. Với họ, xếp hàng đã là một biểu hiện của văn hóa, của sự bình đẳng. Ai đến trước được phần trước. Đơn giản vậy thôi. Nhưng với những người tàn tật lại khác, bao giờ cũng ưu tiên hơn. Tại nhiều nơi vui chơi công cộng, thậm chí ngay Tòa thị chính tại San Francisco... tôi đã thấy ngoài cầu thang cho người bình thường còn có lối đi riêng của người tàn tật. Mặc kệ chúng ta đang xếp hàng dài dằng dặc, nhưng người ngồi trên xe lăn dù đến sau, vẫn được ưu tiên trước bằng một lối đi khác dành cho họ. 


           Người Mỹ tin nhau, nói đúng hơn là họ tin vào sự trung thực của người khác. Ngay sau khi đón tôi đưa về nhà ở Orlando, trên đường về anh Tâm dừng lại một cửa hàng lớn. Tại đây bán đầy đủ các dụng cụ liên quan đến công việc làm vườn. Mua thêm gì à? Không phải, anh trả lại một vài thứ đã mua nhưng sử dụng không ưng ý, không hiệu quả. Mua xong trả lại là chuyện thường tình, nhưng anh mua cách đây bao lâu? 90 ngày! Nghe cứ tưởng như đùa! Nào ngờ, sau khi nhận các hóa đơn từ tay anh, cô thu ngân vui vẻ trả lại tiền và cũng không quên tặng thêm một nụ cười. Thì ra, cách kinh doanh này chỉ có thể thực hiện ở một nơi mà người ta tin nhau. Đôi bên tin nhau gần như tuyệt đối. Nếu không, chỉ có phá sản; nếu không, phải là câu nhắc nhở thô kệch “Mua xong xin miễn trả lại”!


         Trong những ngày này, có lúc tôi lại nhớ đến thời còn ở... bộ đội quá thể. Tại sao? Sau khi thưởng thức thỏa thuê những màn biểu diễn đặc sắc của các voi, hải mã... ở Sea World, chúng tôi đi ăn trưa. Đó là một khu nhà rộng lớn, thoáng mát, dù đông đúc nhưng mọi người chỉ trò chuyện nhỏ, đủ nghe, không náo nhiệt ồn ào thường gặp trong các nhà hàng châu Á. Trong lúc ăn, tôi quan sát thấy, sau khi ăn tất cả thực khách đều tự giác dọn bàn sạch sẽ. Tất tần tật những gì thừa thãi được cho vào cái khay nhựa và bỏ vào thùng rác ngay trong phòng. Lúc họ đứng lên là người khác có thể ngồi vào ngay. Hình ảnh tốt đẹp này lặp đi lặp lại nhiều lần ở nhiều nhà hàng khác. Hoặc trong nhà hàng của Newseum -một bảo tàng lớn nhất thế giới hiện nay về thông tin và báo chí, dù chính thức khai trương ngày 11.4.2008, nhưng trước đó chúng tôi đã được tham quan. Khi dọn dẹp bàn ăn rồi đặt vào vị trí  quy định thì sẽ có một hệ thống dây chuyền tự động đưa ngay ra sau bếp. Vì thế khi thực khách đứng dậy, bước ra cửa là nhà hàng trở lại sạch sẽ như ban đầu. Tương tự, những ngày ở bộ đội, chúng tôi cũng phải tự giác thế thôi.


          Tự giác gì nữa? Tự giác phục vụ cho chính mình, dù mình phải trả tiền! Chẳng hạn, khi vào cây xăng, ta phải... tự đổ xăng, sau khi đã đưa card tín dụng vào đó! Chẳng hạn, khi đi qua những con đường cao tốc phải đóng lệ phí, tôi nhìn ra bên ngoài, phía tay trái của tài xế thấy có gắn một cái phễu lớn, không thấy nhân viên thu tiền. Ngồi trong xe, chỉ cần ném tiền xu vào đó là xong. Nhưng nếu không tự giác, lúc xe phóng qua sẽ có hệ thống tự động chụp bảng số xe và lập tức gửi ngay “giấy báo nợ” về tận nhà. Nếu chậm đóng, lãi suất sẽ tăng thêm! Cái sự ràng buộc về ý thức tự giác còn áp dụng cho nhiều lãnh vực khác. Với các khoản tiền phải đóng hàng tháng cũng vậy, ta có thể trả qua internet, khỏi phải đến tận nơi xếp hàng, tốn thời gian. Nhưng nếu chậm trả thì người ta tính thêm lãi suất, vì thế ai ai cũng phải tự giác.


          Tôi nhận thấy, người Mỹ luôn chủ động bày tỏ sự thân thiện. Trên môi của họ dường như đã đặt sẵn câu “cám ơn”, “xin lỗi”, “xin chào”. Dù quen thân hoặc xa lạ, dù đi ngược chiều nhau hoặc gặp trong thang máy - tôi luôn được nghe những mỹ từ ấy. Nhưng có người bảo, người Mỹ là thế, họ chỉ chào theo thói quen chứ không hẳn đã là sự thân thiện. Cứ cho là như thế, nhưng “lời chào cao hơn mâm cổ”. Tình cờ gặp gỡ, dù chỉ thoáng qua và trao nhau nụ cười, vậy đã là vui chứ đòi hỏi gì hơn nữa trong đời sống quá đỗi rộng lớn, xa lạ này? Tôi đã gặp những nụ cười như thế và có một lần khó quên. Rằng, khi từ Fort Lauderdale về Việt Nam, do sợ trễ chuyến bay nên mới ba giờ sáng Minh đã đưa tôi ra sân bay. Tôi trở thành người xếp hàng đầu tiên, phía sau tôi là một phụ nữ Mỹ, tôi để ý vì gương mặt nàng tròn trịa như vầng trăng, như gương mặt của nhà nghiên cứu văn học Lưu Khánh Thơ -  cô bạn tôi ở Hà Nội. Trong lúc làm thủ tục, tôi khốn đốn vì mang hành lý nhiều quá cỡ, mỗi người chỉ được gửi miễn phí hai va li, mỗi vali chỉ chừng 65 pound (khoảng  29 ký 25). Không riêng gì hãng United Airlines mà nhiều hãng khác cũng thế. Chỉ dưới 30 ký chứ không hơn, lấy lý do bảo vệ sức khỏe, nghiệp đoàn lao động Mỹ không cho công nhân của họ không bốc vác những hành lý có trọng lượng nặng hơn. Nếu thêm va li? Cứ việc đóng thêm 100 USD. Vì thế tôi phải tháo tung va li ra để sắp xếp cả hai bằng nhau theo trọng lượng quy định. Công việc cũng nhanh chóng. Người phụ nữ kế tiếp bước lên. Tôi vào phòng đợi. Ngồi một mình buồn hiu. Không có ai để nói chuyện. Mà muốn nói chuyện cũng không xong. Bất chợt, có một người bước đến trước mặt tôi. Chao ơi! Gương mặt tròn trịa lúc nẫy xếp hàng sau lưng mình đây. Không nói không rằng, nàng bước đến cạnh đôi và... mỉm cười. Chỉ có thế. Rồi bước lên máy bay. Rồi không gặp lại nữa. Một nụ cười của những người không quen biết nhau, tặng cho nhau nơi xa lạ, vậy đã là vui. Đã là vui như lần nọ ra Hà Nội, nhà biên kịch Đoàn Tuấn đưa tôi về làng Định Công, tương truyền địa danh này là do Hai Bà Trưng đặt - trong vệt nắng chiều sắp úa từ cổng làng một cô thôn nữ bước ra, dù không quen biết nhưng nàng lại chào bằng một nụ cười, tôi cảm thấy thân thiết nơi xa xôi này quá đỗi...


        Nhưng không chỉ có nụ cười. Nếu ta “đòi hỏi”, thật sự có nhu cầu cần giúp đỡ thì họ sẽ sẵn sàng. Nói như thế có quá đáng không?


       Thôi thì, hãy kể chuyện của chính tôi vậy.


         Do đến Mỹ với tâm thức “du lịch của người câm” nên tôi đã chuẩn bị trước những câu tiếng Anh, ghi trên giấy, để nhờ người ta hướng dẫn. Trên chuyến bay từ sân bay San Francisco về thành phố Orlando, phía Nam nước Mỹ - mỗi lần thấy tôi đưa mảnh giấy “Vui lòng cho tôi biết, chuyến bay kế tiếp đi cổng nào?” lập tức đều có người chỉ dẫn cặn kẽ. Thậm chí sau khi dẫn tôi đến tấm bảng “Arrivals”, không chỉ bày cách xem mà họ còn gửi gắm tôi cho người khác, nếu người đó cùng đi chuyến bay kế tiếp như tôi. Lần khác ở San Francisco, sau khi tôi đưa ra tờ giấy “Vui lòng cho biết nhà hàng Việt Nam ở đâu? Có gần đây không?”, “Gọi taxi số bao nhiêu?” một thiếu nữ Mỹ đã lấy điện thoại cầm tay và gọi taxi giúp. Có lẽ do cô ta thấy vẻ mặt lơ ngơ láo ngáo, nhưng rất đỗi hiền lành của tôi chăng? Như thế đã cảm động. Khi xe đến, cô ta còn dặn dò tài xế thêm điều gì đó. Sau mới biết, tài xế tự động đứng đợi tôi ăn sáng xong và đưa về lại khách sạn. Quán ăn của tôi sáng hôm ấy là Nhà hàng Tháp Rùa “chuyên trị” các món ăn Hà Nội. Ngon đáo để. Tất nhiên hoàn cảnh này, bất cứ nơi nào trên thế giới ai cũng có thể gặp. Nhưng với tôi là một ấn tượng tốt. Khó quên.


         Người Mỹ có thói quen rất đúng giờ. Cô Patricia D. Norland bảo: “Nếu ta đến muộn sau 5 phút thì phải gọi điện thoại thông báo trước, tất nhiên cuộc họp ấy cũng sẽ... rút ngắn lại 5 phút. Nếu được mời dự tiệc, ta phải đứng dậy ra về theo đúng giờ giấc trên thiệp mời đã ghi”. Quả nhiên như thế, trong những ngày làm việc ở Mỹ, khi chúng tôi đến nơi, bước vào phòng đã thấy họ có mặt tự bao giờ rồi. Họ không có thói quen dùng giờ “dây thun”. Tôi chưa được dự đám cưới của một người Mỹ nên không thể biết trong trường hợp này họ có đúng giờ hay không? Với đám cưới ở Việt Nam, tôi đã “mòn răng” trong những bữa tiệc thịnh soạn ấy. Và không ít lần, được mời dự tiệc vào lúc 12 giờ trưa, nhưng tôi phải lẻn ra ngoài ăn một tô hủ tiếu để đủ sức tiếp tục ngồi ngáp vặt chờ thêm một, hai tiếng đồng hồ nữa.


           Người Mỹ tiết kiệm. Rất tiết kiệm. Trước ngày qua Mỹ, đọc qua nhiều thông tin trên báo tôi đã đoan chắc như vậy. Trong cuốn sách Triệu phú ngay bên cạnh, được viết bởi một tay triệu phú do đã dành toàn bộ thời gian nghiên cứu... bí quyết làm giàu của triệu phú Mỹ! Đó là Thomas J.Stanley. Bí quyết gì vậy? Đơn giản thôi. Chỉ có mấy chữ mà ai ai cũng thực hiện được: “Tiết kiệm, tiết kiệm và tiết kiệm”. Với con cái, không tặng những phần thưởng đắt tiền và nhất là “không bao giờ cho chúng biết mình giàu”. Nguyên tắc sử dụng đồng tiền để trở thành triệu phú “chỉ vừa đủ xài”. Không hoang phí. Nếu được tặng một món quà đắt tiền, chẳng hạn, một chiếc xe trị giá 1 triệu USD nhân ngày sinh nhật, có nên nhận không? Không! Một triệu phú Mỹ lập luận: “Nếu nhận chiếc xe này, tôi phải mất quá nhiều khoản tiền khác”. Sao kỳ cục vậy? Này nhé, phải đổi nhà mới cho phù hợp, tương xứng với giá trị “tầm cỡ” của chiếc xe. Nếu không thế cũng phải thay đổi trang trí nội thất trong nhà rồi kéo theo hàng trăm thứ “hầm bà lằng” khác rất tốn kém!


         Trong chuyến này, một đồng nghiệp của tôi là nhà báo Nhật Lệ, chị cũng có nhận xét: “Người Mỹ vốn nổi tiếng là thực tế. Vì thực tế, nên người Mỹ cũng rất tiết kiệm. Ở các thành phố trên, dòng xe hơi lẫn xe taxi đều cổ lỗ, chỉ thỉnh thoảng mới nhìn thấy mấy chiếc xe sang trọng. Đến các tòa báo lớn ở Kansas, San Francisco, không ít người ngạc nhiên vì đất nước nổi tiếng với những chiếc máy tính giá rẻ, lại trang bị chỉ toàn máy cũ, thậm chí không được màn hình phẳng. Ngược lại, người Mỹ rất khéo xoay ra tiền, nhất là từ túi khách du lịch”.


          Thật vậy, trong những lần dự tiệc ở Mỹ, tôi nhận thấy họ tiết kiệm quá mức. Là một cuộc chiêu đãi của một tổ chức văn hóa, với sự có mặt của nhiều doanh nhân “máu mặt”, nhiều đại gia có khối lượng tài sản kếch sù nhưng chúng tôi cũng chỉ được đãi bánh ngọt, bánh Pizza, trái cây, rượu nhẹ... Chỉ vừa đủ ăn chứ không quá nhiều, thừa thải. Không như câu thơ trước đây tôi đã viết về những cuộc nhậu từng được chiêu đãi ở quê nhà “Bia rót đầy sông, rượu tràn ngập suối”. Rồi trong lần làm “khách mời” của một gia đình người Mỹ, họ mời đến ăn tối. Là người háu ăn, tôi những tưởng sẽ gặp “tràng giang đại hải” những “cao lương mỹ vị”, món ngon vật lạ. Nhầm. Chỉ là những món ăn thông thường, chủ yếu là khoai tây xây nhuyễn, rau củ quả.... Và tất nhiên không thiếu bánh ngọt. Người Mỹ thích ăn bánh ngọt, rất ngọt. Ngay cả buổi sáng, họ cũng có thể ăn bánh ngọt, uống cà phê đi làm. Bước vào một cửa hàng ăn vào buổi sáng, thật khó khăn để tìm thức ăn mặn. Nhưng thức ăn gì đã làm người Mỹ mập “quá khổ” mà tôi đã gặp nhan nhản trên đường phố? Đàn ông mập theo hình trái táo, đàn bà béo theo hình trái lê. Thậm chí họ còn phải ngồi trên xe lăn để vận chuyển cái thân thể nặng nề. Do các loại thức ăn nhanh hamburger, gà rán Kentucky, McDonald’s... chăng? do thức uống Coca-cola, Pepsi... chăng? do bánh ngọt chăng? Không rõ. Nhưng có một điều chắc chắn khiến tôi phải tiếc hùi hụi (!?) khi thấy quá nhiều gương mặt phụ nữ Mỹ xinh đẹp, đẹp não nùng “chim sa, cá lặn, nguyệt thẹn, hoa nhường” nhưng lại béo phì!


           Một trong những tính cách Mỹ là văn hóa “tips” - tức tiền puộc boa, tiền service, nói nôm na la tiền “trà nước”, tiền “diêm thuốc”. Nó phổ biến đến nỗi ai ai cũng thực hiện, từ một người Mỹ “chính hiệu con nai vàng” đến nhà thơ mới chân ướt chân ráo sang Mỹ như tôi. Không ai quên tiền tips. Ai ai cũng nhớ và thực hiện một cách nghiêm túc như đã tân hôn thì phải động phòng vậy. Thế thôi. Mức tiền tips trung bình dành cho người hầu bàn là 15% trên tổng số chi phí bữa ăn. Nếu bạn... giả vờ quên thì sao? Thì không sao cả. Quản lý nhà hàng sẽ đến hỏi bạn khéo léo: “Thưa, việc tiếp đãi có điều gì khiến bạn không hài lòng?”. Và họ cũng ân cần... tính hộ cho bạn tiền tips theo qui tắc chung! Ngay cả việc đi taxi cũng vậy, tài xế cũng được hưởng 15%; khi vào khách sạn, nếu nhân viên trực tại sảnh đưa hành lý bạn lên phòng, tất nhiên bạn phải ngầm hiểu mỗi kiện hành lý ít nhất phải đưa tiền tips 1 USD. Do đó không phải ngẫu nhiên, trên báo chí của người Việt ở Mỹ, tôi đọc thấy các tiệm nail khi tuyển nhân viên phục vụ bao giờ cũng ghi thêm một dòng chữ thật hấp dẫn, đại khái “Tiệm này luôn có khách hàng là người Mỹ da trắng”. Điều đó cho thấy sự hứa hẹn về số tiền tips không nhỏ.


        Trở lại với buổi ăn tối ở gia đình người Mỹ. Họ tiếp đãi “đơn sơ” như thế không phải thiếu chân tình. Tôi không thể hiểu nổi, tại sao họ lại chân tình đến mức, bảo: “Nếu mệt thì bạn có thể vào trong phòng nằm nghỉ”. Trời đất! Tôi cứ tưởng là đùa. Chẳng lẽ lần đầu tiên đến nhà người ta mà lăn ra ngủ thì còn “thể thống” gì nữa? Chủ nhà biết tôi đang mệt mỏi bởi trái múi giờ, đang ngáp dài mà thú thật lúc đó để dằn lại cơn buồn ngủ tôi phải cắn môi suýt bật máu để giữ sự tỉnh táo nhưng cũng không thể... Thế là họ nằng nặc đưa tôi vào trong phòng dành cho khách để đánh một giấc ngon lành. Ngon lành vì buồn ngủ, đành rồi. Nhưng còn là lần đầu tiên tôi ngủ dưới... lòng đất ở Mỹ. Căn nhà này, đứng từ phía bên ngoài, ta thấy như mọi căn nhà khác ở vùng nông thôn Kansas. Không ngờ, chủ nhà lại đào âm xuống đất, nhằm tránh gió mùa rét. Tầng hầm này thiết kế hiện đại, đầy đủ tiện nghi. Cũng có máy lạnh, máy sưởi ấm. Nằm trên chăn êm nệm ấm mà lại nhớ thời đi bộ đội. Thuở ấy chúng tôi thường làm hầm trú ẩn, phía trên đặt những thân cây to và phủ đất, đứng trong hầm vẫn có thể quan sát bên ngoài. Tuy nhiên, có những thời điểm ngay trong hầm, chúng tôi còn đào sâu xuống đất gọi là “nhà thùng”, nhằm tránh sát thương của hỏa lực. Tất nhiên cũng có giường, nhưng chỉ là những thân cây sắp xếp tương đối bằng phẳng, rồi trải võng bạt nằm ngủ. Nhưng mùa mưa thì không thể, nước tràn vào hầm nhão nhoẹt nhầy nhụa nên phải nằm võng. Bỗng mấy câu thơ của thời hoa mộng tuổi trẻ đã quay về ám ảnh trong trí nhớ:


Ngủ giường lúc ở nhà thùng
Ngủ đất hò hẹn với cùng đất đai
Phục kích thì ngủ trên cây
Truy kích ngủ võng gối tay ân cần...


        Đâu đó trong căn phòng nệm ấm thoang thoảng lại mùi bánh nướng. Thơm đến ngọt cả môi. Và dường như ngoài kia gió vẫn thổi, thổi mãi...



Add comment


Việt Tuấn Trinh | www.viettuantrinh.com