THỂ LOẠI KHÁC Biên Khảo Lê Minh Quốc - MỘT NGÀY Ở MỸ - 9

Lê Minh Quốc - MỘT NGÀY Ở MỸ - 9

Mục lục
Lê Minh Quốc - MỘT NGÀY Ở MỸ
Thay lời tựa - Nhà văn NGUYỄN NHẬT ÁNH
1
2
3
4
5
6
7
8
9
LỜI BẠT ĐI MỘT NGÀY ĐÀNG Nhà văn DẠ NGÂN
Tất cả các trang


9.
Tôi không gọi người này là lớn lao, người kia là bé nhỏ
Ai lấp đầy thời gian và vị trí của mình đều ngang hàng với bất cứ ai
(Walt Whitman)

     Sống ở Mỹ có vui không? Câu hỏi ngớ ngẩn. Nếu bộp chộp trả lời thì cũng ngớ ngẩn nốt. Mà tranh cãi nhau làm gì chứ? Vào một buổi chiều nắng vàng như tơ, nắng hiền lành như lụa, vợ chồng Hà đưa tôi đi dọc theo bờ biển ở miền Nam nước Mỹ - Fort Lauderdale. Nước xanh biếc. Sóng vỗ vào bờ. Sóng dạt ra khơi. Sóng tạo nên một âm thanh kỳ diệu của ngàn năm. Chợt nhớ, có lần nhà văn Đoàn Thạch Biền bảo tôi, sóng biển nhắc nhở ta luôn sống tốt với mọi người. Nghe lạ. Anh tâm sự, một lần nọ đi biển, anh đã bị sóng cuốn và cái chết đến trong nháy mắt. Cái chết đến quá đỗi nhanh chóng, không chuẩn bị, không định hướng khiến anh chưa kịp suy nghĩ một điều gì cả. Thoát chết, anh nhận ra cái chết có thể đến quá nhanh, quá bất ngờ... Vậy khi sống hãy sống tốt với mọi người để, chẳng may có như thế thì chẳng gì tiếc nuối. Ngẫm thấy anh nói đúng. Nay, trên vạt cát trắng dài thênh thang không thể tìm thấy một cọng rác, tôi đã thả những bước chân lãng du. Ngước mắt nhìn ra biển thấy sóng. Quay  mặt lại phía sau, trước mắt tôi là một dãy khách sạn, nối nhau dài tít tắp tưởng chừng như vô tận... Khách sạn nhiều đến nỗi tôi phải tự hỏi, lấy đâu ra người để lấp hết những phòng ốc tại đây? Từ khách sạn, chỉ cần bước qua một con đường tráng nhựa là đến biển. Biển đang trước mặt tôi. Và tôi nhớ ngàn năm trước, vào một chiều đẹp trời cũng có thể như chiều này, thầy Trang Tử cùng thầy Huệ Tử gặp nhau. Họ không đứng trước biển mà đứng trên cầu hào thành nhìn xuống đàn cá đang bơi lội tung tăng. Thầy Trang Tử nói:


     -Cá xanh bơi lội thung dung. Cá vui đó.


           Thầy Huệ Tử bắt bẽ:


      -Ông không phải cá, sao biết cá vui?


Thầy Trang Tử không vừa:


      -Ông không phải tôi, sao biết tôi không biết?


Thầy Huệ Tử cũng không thua:


           -Tôi không phải ông, nên không thể biết được ông, còn ông không phải cá, ông cũng không thể biết cái vui của cá.


Trang Tử cười khì:


       -Xin xét lại câu đầu. Ông hỏi tôi “làm sao biết được cá vui?”. Đã biết là tôi biết nên ông mới có hỏi “làm sao mà biết”... Thì đây, làm thế này: tôi đứng trên hào thành mà biết được.


       Chiều này, tôi không đứng trên cầu hào thành như hai bậc hiền nhân quân tử, tôi đứng trên bờ biển Fort Lauderdale. Bước qua bên kia đường, đến nơi neo đậu đầy thuyền du lịch tôi nhìn người Mỹ làm cá. Tại đây có những thuyền đi câu cá và đem về bán cho du khách. Họ chất đầy cá trong các thùng lạnh, ai muốn mua cá gì cứ việc chọn. Thấy người Mỹ làm cá mà “choáng”. Họ bỏ đầu, đuôi, ruột, da, xương... không thương tiếc. Chỉ chọn phần thịt ngon nhất. Những thứ còn lại họ ném xuống biển. Lúc ấy, từ dưới nước quẫy lên tung tóe những cá là cá. Trời ạ! Cá to như bắp chuối! Chúng tranh ăn với nhau, tranh luôn với lũ chim từ trên trời sà xuống! Lúc ấy lũ cá háu ăn kia có vui không? Không phải cá sao biết cá vui?
Trở lại câu hỏi “Sống ở Mỹ có vui không?”. Thưa, tôi không phải người Mỹ cũng không phải Việt kiều Mỹ. Tôi chỉ có cái nhìn, cách nhìn. Liệu có xác thực và có thể “cân đong đo đếm” được không? Được lắm chứ, đó là cái nhìn của một người đang sống bằng tâm thế:


Chân đi ắt hẳn không chạm đất
Lạc giữa trần gian bước hững hờ
(Hồ Dzếnh)


         Qua những ngày du lịch, tôi nhận thấy ở Mỹ người ta rất có ý thức bảo vệ thú vật! Ngay trên nhiều đại lộ lớn của nước Mỹ, tại các khu trung tâm, ngay trước khách sạn, giữa tiếng xe lao vun vút, âm thanh náo nhiệt, lại thấy từ trong bụi cây lùm cỏ ven đường là những chú sóc bé tẹo, dễ thương thản nhiên nhìn tôi bằng con mắt tròn xoe vô tội. Gợi lên một sự bình yên. Rồi trong những lần dạo phố, tấp nập người qua lại, tôi lại thấy cả đàn bồ câu bé bỏng sà xuống ngay dưới chân. Gợi lên một sự thân thiện.


     Đã từng nghe nhiều người kháo nhau, ở Mỹ thú vật nuôi trong nhà được chăm sóc chu đáo, nhưng bên này tôi đã đi từ ngạc nhiên của Lý Toét đến ngớ ngẩn của Xã Xệ. Trong quyển The Real yellow page của thành phố San Francisco, tôi thấy có cả hàng chục trang, từ trang 1073 đến 1080 liên quan đến... chó, mèo, két, thỏ, chuột bạch! Có cả hàng trăm địa chỉ, trang web phục vụ việc chăm sóc “thú cưng”, từ nơi bán thức ăn thức ăn “ngon bổ rẻ” đến bệnh viện thú y... Tất nhiên còn có cả hình ảnh nữa! Thậm chí trên trụ đèn đường thỉnh thoảng tôi thấy có dán những tờ giấy tương tự như “tìm trẻ lạc”. Chẳng hạn, in hình một chú két vừa sổ lồng, miêu tả chi tiết về nó và hứa hẹn nếu ai tìm được, trả lại cho khổ chủ thì được thưởng 1.500 USD! Nghe đâu tại New York, người ta đã tổ chức một show diễn đặc biệt “Tuần lễ thời trang thú nuôi”! Khi lững thững bước vào các siêu thị để giết thời gian, tôi đã thấy người ta trang bị “tận răng” cho súc vật. Không thiếu một thứ gì! Tôi ngớ người khi nhìn thấy các sản phẩm như thuốc làm mượt lông chó: hộp 300 gr: $ 24.95, hộp 120 gr: $ 69.95; thiết bị để chó mèo không béng mãng đến nơi nào đó: $ 29.95; nhà dành cho mèo ngủ ngon giấc: $ 99.95; thuốc khử mùi trên lông chó: $ 7.95; dụng cụ cắt lông chó: $ 34.95; cầu thang cho chó từ trên xe hơi bước xuống đất: $ 119.00; thiết bị đeo vào cổ chó để theo dõi nó: $ 99.95; thảm đặt trong nhà để chó “restroom”; vòi nước giải khát tự động cho chó mèo: $ 69.95 v.v... Khiếp chưa? Chưa khiếp đâu! Khi tôi đến Orlando, thì người Mỹ nơi này đang rộ lên cái sở thích nuôi heo mọi, cho nó được phép tung tăng trong nhà, từ nhà bếp lên phòng ngủ!


       Khi giết một con thú, ta có thể chụp hình rồi trưng bày cho công chúng xem? Khi làm việc với Trung tâm giao lưu nghệ thuật của vùng San Francisco, tôi được nghe kể câu chuyện: Các nghệ sĩ nhiếp ảnh Mỹ đã “đi thực tế sáng tác”, họ về đến một vùng nông thôn tìm hiểu, quan sát quá trình sản xuất thực phẩm, từ việc giết gia súc đến chế biến v.v... Tất nhiên, họ ghi nhận lại bằng hình ảnh ở góc độ nghệ thuật. Những hình ảnh này được trưng bày trong một cuộc triển lãm. Vài ngày sau, các thành viên của Hội bảo vệ súc vật cũng đến xem, họ đã chỉ trích nặng nề, phản ứng kịch liệt vì sao phơi bày hình ảnh độc ác này trước mắt công chúng? Do áp lực này, ban tổ chức phải hủy cuộc triển lãm, buộc đóng cửa trước thời hạn, không kèn không trống!


      Thế nhưng hầu như trong nhà người Việt ở Mỹ, tôi không thấy họ nuôi chó, mèo gì sất! Có lẽ do nhu cầu mưu sinh hằng ngày đã “bở hơi tai” nên không ai rỗi thời gian chăng? Cô em tôi, Minh, cho biết: “Ở Mỹ, một gia đình bình thường phải chi phí những khoản tiền chính sau đây trong một tháng:

 

        1) Tiền nhà: Nếu còn nợ nhà băng trung bình phải trả từ 1.000 USD đến 2000 USD, trong đó tính cả tiền mua bảo hiểm cho căn nhà của mình. Còn nếu ở nhà thuê thì cũng trả khoảng đó.


          2) Tiền điện, nước: Những vùng lạnh như tiểu bang em đang ở thì phải tính luôn tiền trả cho máy sưởi nữa, còn vùng nóng như Texas thì trả thêm tiền điện cho máy lạnh... Nói chung tiền điện, nước, điện thoại, gas v.v... khoảng từ 400 USD đến 600 USD mỗi tháng.


          3) Tiền chợ (thực phẩm): trung bình một tháng từ 400 USD đến 600 USD cho một gia đình khoảng 2 - 3 người.


          4) Tiền bảo hiểm xe: Trung bình mỗi tháng 100 USD cho một chiếc xe hơi.


        5) Tiền bảo hiểm sức khỏe: Nếu mình đi làm thì bảo hiểm không phải mua ngoài, mỗi tháng mình phải trả khoảng 40 USD đến 50 USD. Nếu không đi làm thì phải mua bảo hiểm tư nhân trung bình một người phải trả 300 USD một tháng tùy theo tuổi tác.


          Đó là những cái chi tiêu chính trong cuộc sống, ngoài ra với người Mỹ trong một tuần họ phải đi ăn nhà hàng ít nhất 2 lần, trung bình bữa ăn ngoài tùy theo nhà hàng cao cấp hay bình thường, một bữa ăn 2 người khoảng 50 USD hoặc cao hơn. Một năm họ phải đi vacation (hay đi chơi xa) ít nhất 2 lần trong một năm - trung bình một chuyến đi cho 2 tuần chi phí cho 2 người gồm tiền máy bay, tiền hotel, tiền giải trí khoảng 1.000 USD đến 2.000 USD v.v...


         Ngoài ra, lúc này tiền xăng tăng giá nên trung bình mỗi tháng phải trả 100 USD đến 200 USD tiền đổ xăng cho một chiếc xe hơi. Riêng phần em đi làm xa nên một tháng em phải trả tiền đổ xăng khoảng 450 USD.


       Tất cả những chi tiết trên dành cho một gia đình công chức bình thường của nước Mỹ, chưa kể những chi phí nếu có con nhỏ như tiền sửa, tiền tã, v.v... còn rất nhiều”.

         Thú thật, nghe xong tôi thấy... “choáng”.


          Có quá nhiều khoảng tiền phải chi trong một tháng. Tôi ngờ rằng, một công chức bình thường ở Mỹ, họ chỉ đủ sống, không dư dả nhiều. Nhưng bù lại, thu nhập của họ ổn định. Sống ở Mỹ, ai cũng có thể “bằng chị bằng em”. Bởi “cơ chế” kinh doanh của Mỹ cho phép công dân của họ được... nợ ngân hàng! Bạn được vay tiền mua trước tất tần tật mọi thứ, từ cây kim đến sợi chỉ đến chiếc máy bay, từ chiếc xe hơi “hoành tráng” đến căn nhà to “vật vã”. Tất nhiên số tiền bạn được vay cỡ bao nhiêu còn tùy thuộc vào lý lịch bản thân, vào thu nhập hàng tháng... Ngân hàng cho vay căn cứ vào đó.


        “Liệu cơm gắp mắm” là thế, với một lao động bình thường, có công ăn việc làm ổn định ở Mỹ thì họ có quyền hưởng thụ mọi tiện nghi vật chất như bất cứ ai khác. Đó là sự bình đẳng trong một xã hội nếu ai cũng đổ sức lao động kiếm sống. Cứ việc xài, cứ việc mua sắm, nhưng đã nợ thì phải trả. Luật pháp của Mỹ không biết đùa. Điều này, nhìn rộng ra đã hỗ trợ nhiều cho giới kinh doanh Mỹ khi họ thực hiện chính sách “bán trả góp”, thúc đẩy sức tiêu thụ hàng hóa. Điều này nhìn rộng ra, nó cũng buộc người ta phải lao động nhiều hơn, bền bỉ hơn và nhất thiết là cầu trời... đừng đổ bệnh! Đổ bệnh ở Mỹ là rách việc. Ngay cả người Mỹ cũng sợ điều này, họ có khuynh hướng chữa bệnh bằng cách kết hợp với du lịch ở các nước khác. Rẻ tiền hơn gấp nhiều lần so với viện phí tại Mỹ. Anh Tâm cho biết, nếu người nhà cấp cứu cứ việc gọi 911, chỉ trong nháy mắt sẽ có xe y tế đến. Họ rất chu đáo. Đừng lo. Nhưng sau đó, ta phải trả viện phí cao ngất trời. Nếu ta đã đóng bảo hiểm, không sao, còn không cũng... “xanh máu mặt”. Vì thế, ở Mỹ ai ai cũng mua bảo hiểm. Với bảo hiểm, ta sẽ mua cao hơn, thậm chí không được mua như mọi người khác nếu ta vi phạm luật pháp! Chà! Nói thế nào nhỉ? Nói như một câu trong Truyện Kiều “Nói điều ràng buộc là tay cũng già”. Đúng phóc!


     Sống ở Mỹ vui không?


       Vui lắm chứ! Ai đời, người dân phải tự giác... đóng thuế! Khi vào khách sạn Nikko San Francisco, tôi ở phòng giá 142 USD, nhưng buộc phải trả thêm  thuế 19.97 USD. Ở khách sạn The Quarterage, giá phòng 94 USD, nhưng phải trả thêm 16.52 USD tiền thuế. Người ta tính thẳng vào hóa đơn. Ngay cả khi... mua lẻ cũng thế. Tất tần tật đều phải đóng thuế. Tất nhiên xã hội nào cũng vậy, nhưng ở Mỹ người ta ý thức đóng thuế một cách tự giác. Họ nghĩ rằng, khi về già, mất sức lao động thì được hưởng tiền trợ cấp, tiền lương hưu của nhà nước. Vậy tiền đóng thuế là tiền “để dành” của mình, chứ mất đi đâu mà sợ? Muốn tạo được suy nghĩ lành mạnh này phải là một xã hội ổn định và phát triển.


           Nghĩ cũng lạ. Có bao giờ bạn được một tài phiệt ở Mỹ tặng cho căn nhà trị giá vài triệu USD nằm trong vịnh Fort Lauderdale, dù đang thất nghiệp, đang cù bơ cù bất nơi ăn chốn ở nhưng bạn lại... không dám nhận? Đơn giản chỉ vì bạn sẽ không đủ tiền để... đóng thuế đất hàng năm, thậm chí không đủ tiền để tu bổ, sửa chữa cảnh quang để “sánh” với các nhà chung quanh. Mà nhà cửa ở Mỹ là thế. Người hàng xóm có thể gọi điện thoại báo cho cảnh sát, nếu thấy... thảm cỏ trước nhà bạn đìu hiu héo hắt, thiếu chăm sóc! Hầu như giữa các ngôi nhà đều không có hàng rào ngăn cách, họ tự quy ước nhau để có được khoảng sân chung, cùng hưởng vạt cỏ xanh liên hoàn đẹp mắt. Tôi đã đến những ngôi nhà, khi mở cửa hông bước ra vườn nhà lại nối liền với công viên. Cỏ vườn nhà và cỏ công viên giống hệt như nhau, không phân biệt được khoảng cách... Có điều tôi lấy làm lạ, hầu như ở đây người ta rất chểnh mảng trong việc khóa cửa. Nhà đậu xe hơi có biết bao thứ đắt tiền, nhưng họ cứ để cửa trống hoác. Giày dép, xe đạp... cứ việc để trước cửa không sợ hàng xóm cầm nhầm! Vào trong các công viên cũng thế, các ông cha bà mẹ nếu bế con vào xem các show diễn cứ việc bỏ chiếc xe đẩy bên ngoài. Trên xe lỉnh khỉnh bao nhiêu thứ, nhưng họ cũng mặc. Tôi đã thấy vài chục chiếc xe đẩy đặt đểnh đoảng như thế. Hỏi ra mới biết, ở Mỹ không có những nơi mua đồ cũ nên những tay đạo chích nếu có chôm được cũng không biết tiêu thụ ở đâu!


        Sống ở Mỹ vui không?


         Nhiều người ảo tưởng rằng nước Mỹ là thiên đường, đặt hy vọng quá nhiều vào “giấc mơ Hoa Kỳ” nên có thể thất vọng khi va chạm thực tế. Đã có quá nhiều trường hợp của sự ngộ nhận này. Khi đến Mỹ, tôi đến thăm căn nhà tuyệt đẹp của bạn X trên ngọn đồi ở Oakland. Bước vào nhà anh, sự bừa bãi đã tố cáo lâu nay không có bàn tay quán xuyến của người phụ nữ. Anh buồn rầu cho biết vừa... ly dị vợ! Sau khi có công việc ổn định, theo lời giới thiệu của bạn bè anh về Việt Nam cưới vợ. Cô vợ người Hà Nội làm nghề biểu diễn thời trang. Nàng cứ ngỡ chồng Việt kiều, lại đang sống ở Mỹ thì sang đó được sống ở cõi thiên đường, cái gì cũng có, tiền bạc tiêu xài thỏa mái, ít ra cũng hơn ở trong nước! Nhưng không. Chàng chỉ là giáo viên, có nhà riêng nhưng chưa trả hết nợ ngân hàng, có xe hơi riêng nhưng là loại đời cũ... Chàng chi tiêu dè sẻn, tính toán thu nhập từng tháng, phải một mình “cày sâu cuốc bẩm” nuôi vợ con ở Mỹ là điều không thỏa mái chút nào. Đã thế, lúc chàng đi làm thì nàng phòng the vò võ một mình, đèn nhà ai nấy sáng, không thể sang hàng xóm “buôn dưa lê” và nhất là không thể shopping tùy thích... Thế là nàng ôm con tếch về Việt Nam “sống sướng hơn”! Anh thở dài:


     -Vợ tôi không hiểu rằng muốn sống sung túc ở Mỹ thì phải tiết kiệm, có làm mới có ăn, tay làm hàm nhai, tất bật từng ngày với công việc, muốn mua sắm gì cũng được nhưng sau đó phải đi cày trả nợ...


         Anh A là nhà thơ, đang công ăn việc làm ổn định thì được vợ bảo lãnh sang Mỹ. Thôi thì mình đi cũng vì vợ, vì con và nhất là danh tiếng sẽ lừng lẫy hơn., sẽ được người Mỹ biết đến... Nhưng chỉ nửa năm sau anh vỡ mộng! Nàng không thể còng lưng nuôi thêm một ông chồng vô công rỗi nghề, tiếng Anh không biết nói, xe không biết lái, đường sá thì mù tịt; còn chàng không thể tiếp cận được với đời sống ở Mỹ, vợ gì mà suốt ngày đi không gặp mặt, mở mắt ra nàng đã phóng xe đến sở làm, chiều tối mịt mới về, bếp nhà lạnh tanh... Đôi uyên ương chia tay nhau. Hiện nay, chàng đang sống bằng trợ cấp xã hội. Trong mắt mọi người, họ đánh giá chẳng ra gì những ai ở độ tuổi còn lao động lại sống bằng tiền trợ cấp!


        Anh B cũng nhà thơ, chủ nhà in, lúc ở Việt Nam dù “lên ngựa xuống xe” nhưng cũng muốn đổi đời, vì tin rằng “thiên đường” đất Mỹ mở ra nhiều cơ hội để làm giàu, giàu hơn nữa. Đôi vợ chồng giả vờ ly dị nhau. Cả hai làm hôn thú giả với người khác để được bảo lãnh sang Mỹ. Số tiền phải trả cho mỗi vụ kết hôn giả tròm trèm chừng 30.000 USD hoặc nhỉnh hơn. Sang đến nơi, vợ anh lại “thật” với người giả. Đơn giản chỉ vì người “giả” mới là người “thật” của đời sống Mỹ. Còn anh dù “thật” nhưng trở nên “giả” vì không thể thích ứng với lối sống, ứng xử văn hóa của đất nước Mỹ. Cuối cùng, từ  mâu thuẫn thật giả lẫn lộn ấy anh đành bùi ngùi chấp nhận một sự thật cay đắng: Gà trống nuôi con, phải làm lại từ hai bàn tay trắng...
Đã nói đi thì phải nói lại. Những trường hợp này không chỉ xẩy ra tại Mỹ, ta có thể bắt gặp nhiều hoàn cảnh tương tự của người Việt xa xứ trên nhiều nước khác. Nhưng tôi tin rằng, ở Mỹ tần số xuất hiện vẫn cao hơn. Chỉ vì trong suy nghĩ lâu nay của không ít người Việt “Mỹ là nhất”, ngay cả Việt kiều Mỹ vẫn “ngon” hơn Việt kiều các nước khác. Điều đó đã khiến nhiều người trong nước nếu không được chuẩn bị trước, khi đặt chân đến Mỹ với tâm nguyện sống lâu dài sẽ bẽ bàng, vỡ mộng. Esther Wanning - một nhà nghiên cứu người Mỹ -  gọi là “Sốc văn hóa Mỹ”.  


     Sống ở Mỹ vui không?


       Với người Mỹ, họ dùng từ “manicurist” (thợ cắt sửa móng tay), còn người Việt chỉ gọn lỏn “thợ nail”. Trên tạp chí Trẻ chủ yếu phát hành tại Orlando, bất kỳ số nào tôi cũng đọc thấy hàng trăm mẩu quảng cáo về nghề này. Theo đó, lương thợ khoảng từ 700 USD đến 1.000 USD trong một tuần. Giá cả thu nhập mỗi tiệm có thể khác nhau, nhưng bất kỳ mẩu quảng cáo nào cũng có thòng thêm một câu để hấp dẫn thợ đến xin việc. Đó là các ông bà chủ nhấn mạnh tiệm nail của mình: “khách đa phần khách là người Mỹ da trắng”, hoặc “trong khu da trắng” hẹn có nhiều tiền tips... Theo nguồn tin của nhiều người sống lâu năm tại Mỹ, cộng đồng người Việt gần như chiếm độc quyền nghề nail, đã có hơn 47% người làm nghề này trên nước Mỹ; riêng tiểu bang California lên đến 80%. Họ cũng cho biết, phụ nữ Việt không chỉ phát huy đức tính chịu thương chịu khó, “năng nhặt chặt bị” mà còn khéo tay nên đủ sức cạnh tranh, thậm chí còn trội hơn các đồng nghiệp của nhiều cộng đồng khác.


      Bên cạnh đó cũng có một bộ phận không ít nam giới làm nghề cắt cỏ thuê hoặc lái taxi... nhưng chủ yếu chỉ phục vụ bà con người Việt, nói cách khác là “làm chui”. Nhờ thế, họ có thể hưởng trọn số tiền thu nhập, không phải đóng thuế. Họ phải cần đến báo chí tiếng Việt quảng cáo. Nghĩ cũng lạ, có người Việt sống ở Mỹ vài chục năm, kiếm cơm bằng nghề lái taxi nhưng lại không hề biết tại sân bay Mỹ nếu đi các chuyến bay nội địa của hãng A, B, C... nào đó thì check in tại đâu? Chuyện cứ như đùa. Từ Sacramento tôi ra phi trường San Francisco bằng taxi của một người Việt, đến nơi, anh ta ú a ú ớ không biết phải đưa tôi làm thủ tục nơi nào để đi Orlando. Tôi thuộc dạng “du lịch của người câm”, còn anh cũng gà mờ tiếng Anh, không thể đọc được những bảng hướng dẫn, chỉ có thể hỏi chuyện bằng tiếng bồi nên lần chần mãi trong một góc sân bay. Mãi đến lúc tìm đến nơi thì máy bay của hãng Untied đã... bay lên chín tầng mây xanh! Tôi đành tặc lưỡi tự an ủi: Sân bay Mỹ rộng lớn quá, nhiều nhà quá, nhiều tầng quá, nếu không đi thường xuyên thì thiên hạ cũng chào thua như mình vậy (!?).


          Tôi còn thấy lạ một điều là hầu như có rất nhiều người Việt dù sống lâu năm ở Mỹ, nhưng họ lại chưa một lần đặt chân đến các khu du lịch, các địa điểm “ăn chơi nhảy múa” tại nơi họ đang sống, chứ đừng nói ở các tiểu bang khác. Khi nghe tôi nhắc về bảo tàng này, thư viện nọ, công viên kia họ ngẩn tò te và thú thật có nghe nói chứ chưa đến lần nào. Tại sao? Công ăn việc làm hàng ngày đã chiếm hết thời gian chăng? Đúng rồi. Nhưng theo tôi vẫn là do tâm lý, thói quen, phẩm chất của người Việt sống xa xứ. Dù có nhu cầu du lịch, mua sắm nhưng họ lại tằn tiện, thu vén... Sự dành dụm ấy không phải dành cho mình mà vì người thân của mình. Đây cũng là điểm khác biệt trong văn hóa Mỹ. Với người Mỹ, mỗi người phải tự thân vận động, tự khẳng định tài năng và sức bật của mình trong xã hội, không ai muốn dựa giẫm, nhờ cậy ai. Họ có thể lao động cật lực để rồi có khoảng thời gian xách va li đi ngao du đây đó. Tiêu xài xứng đáng với đồng tiền đổ mồ hôi sôi nước mắt làm ra. Con cái ư? Tự nó phải lo lấy thân nó. Cha mẹ già ư? Có nhà dưỡng lão chăm sóc. Với người Việt xa xứ thì không, họ luôn nghĩ về người thân của mình. Họ sống trong tâm lý “tối lửa tắt đèn có nhau”, mẹ phải lo cho con, chị phải lo cho em... Cái nỗi lo thường trực và tự giác ấy đã không cho phép họ thực hiện sở thích của riêng mình. Nếu có du lịch, thường về lại quê nhà, về nơi chôn rau cắt rốn, về lại với sự hoài niệm của quá khứ... Hơn nữa cái tâm lý “áo gấm về làng” cũng khiến nhiều người khó xử, phân vân, chần chừ khi quyết định về thăm quê nhà. Chả nhẽ bao nhiêu năm xa quê, lại sống ở Mỹ, Mỹ giàu đến thế mà chả có quà cáp gì cho ai? Tôi hiểu như thế, suy luận như thế nên càng thấy thương, thấy yêu, thấy mến những người Việt sống xa xứ, sống tại Mỹ.


       Sống ở Mỹ vui không?


           Nói ra điều này, không khéo có người cho rằng “chảnh”, thú thật, những ngày ở Mỹ trong đầu tôi luôn nghĩ đến một câu hỏi: “Anh sống thế nào mà mọi người thương anh đến thế?”. Tôi đã hỏi tôi một cách nghiêm túc. Mình qua đây chỉ đôi ba bộ quần áo tuềnh toàng, tiếng A tiếng U không rành, bạn bè chỉ sơ giao nhưng đi đến đâu cũng nhận được sự tiếp đón niềm nở. Còn gì cảm động hơn khi giữa tôi và Tâm Khanh chỉ mới biết nhau qua thơ, qua nhạc nhưng vợ chồng nàng đã tiếp đón tôi như cố nhân? Còn gì cảm động hơn khi anh bạn Tình Nguyễn từ Orlando phóng xe xuống Fort Lauderdale, chừng 400 km cũng chỉ để uống với nhau một ly rượu như lời tiễn thượng lộ bình an dành cho ngày tôi về cố hương? Đó là ngày cuối cùng ở nhà vợ chồng Hà, tôi khép lại sổ tay ghi chép:


đêm cuối ở Florida
ngoài trời mưa lơ phơ lất phất
run run từng giọt
bia ngon cũng nhạt
cố hương ngày về
đêm nay ngủ
nhớ em
đêm nay ngủ
xa em
tóc hương sen
chuyện tình xa lắc đường cao ốc
building cao ngất
che khuất mặt
ngày về
mai ra sân bay nhớ mặc thêm áo khoác


   Tôi lại hỏi, “Anh sống thế nào mà mọi người thương anh đến thế?”. Cuối cùng tôi nghiệm ra rằng, người Việt sống xa Tổ quốc luôn dành nhiều tình cảm tốt đẹp cho đồng hương mới chân ướt chân ráo sang đây. Sự suy đoán về tình cảm tốt đẹp này có được là do tôi cảm nhận từ... mảnh sân vườn của người Việt ở Mỹ! Họ luôn cố gắng tạo ra một cảnh quan mang dáng dấp quê nhà bằng tình cảm thân thiết nhất, thế thì họ chia ngọt xẻ bùi với chính người Việt dù sơ giao, dù cố tri vừa từ quê nhà sang đây cũng phải lẽ.


        Chỉ vì yêu nước Việt, lưu luyến nước Việt không nguôi trong tâm tưởng nên mảnh sân vườn của người Việt mới có nét đặc thù khác hẳn của người Mỹ. Chính cái sân vườn ấy đã góp phần tạo nên hồn Việt trên nước Mỹ. Sống ở Mỹ là hít thở trong... máy lạnh. Vào nhà, máy lạnh chạy rù rì 24/ 24; bước ra khỏi nhà, lên xe hơi lại máy lạnh; xuống xe hơi, vào nhà hàng, vào công sở... cũng máy lạnh! Thế có chán không chứ! Chán đến tận cổ!


       Vậy muốn tận hưởng khí trời trong lành chỉ còn cách bước ra mảnh vườn sau nhà. Mảnh vườn ấy không phải vài ba cây cối đặc trưng của xứ người, con mắt ta nhìn lạ lẩm, xa lạ. Mà phải là hình ảnh của quê hương thu nhỏ. Quê hương thấp thoáng từ cây trái, từ các loại rau mà ta đã được mẹ cho ăn từ ngày thơ ấu, phải mọc lên ở đó. Là hình ảnh cây bí, cây bầu, cây nhãn, cây xoài, cây hoa ngọc lan, cây cà chua, cây ớt...; rồi những luống rau thơm hợp khẩu vị như dấp cá, tía tô, húng, quế...; rồi rau muống, rau cải... đang trong vườn nhà đấy thôi. Hầu như gia đình người Việt nào ở Mỹ cũng đều dành cho mình một khoảng sân vườn để “gieo trồng” một hình bóng quê nhà.


          Trong những ngày ở miền nam Florida mỗi chiều tôi thường thẩn thơ ra vườn nhà Hoàng ngồi ngắm mây bay. Mây bay xa tít tắp, cũng như tôi đang lạc đến một cõi xa xăm, may mà có “người dưng” đưa bàn tay ra đón, may mà có vườn cây thân mật vỗ về. Ngồi dưới một bóng cây râm mát, nhìn qua nhà bên kia, chỉ cách một hàng rào gỗ là những trái bơ lủng lẳng, đu đưa; ngó xuống cuối vườn là giàn khổ qua trồng chung với bầu, với bí đã bắt đầu có trái... Chợt thấy ấm lòng. Thảm cỏ xanh mát mắt. Nằm dài trên cỏ với một tâm hồn vô tư lự nhìn trời, nhìn mây, nhìn nắng, nhìn gió tôi nguôi ngoai nỗi nhớ nhà. Trong sâu thẳm còn lòng tôi, bất chợt vọng lại ca từ của nhạc sĩ Trịnh Công Sơn “Một sớm lên đường, mẹ ra sau vườn hỏi thăm trái bí trên giàn còn xanh... Này thôi bí nhé lên đường cùng me. Bí nằm bí ngủ đường xa, trên vai mẹ già bao nhiêu vốn liếng, nhớ tới một đời đã xới vun..” đã khiến tôi nhớ về góc vườn nhà tôi, cũng cây cau, cũng dàn hoa leo... Nơi ấy mẹ tôi mỗi chiều một mình lủi thủi ra vào. Quê nhà hiện về trong trí nhớ đến nhói lòng... Góc sân vườn cây nhà của vợ chồng Hà cũng vậy, những rau thơm, rau húng, rau dăm, ớt... trở nên thân thiết đến lạ thường. Thế thì, cây trái quê nhà của người Việt mọc trên đất Mỹ chính cũng xuất phát từ một tâm lý chung. Tâm lý dù sống xa quê, nhưng hình ảnh quê hương vẫn còn hiện hiện trong mắt mình mỗi ngày... Có như thế, con người ta mới sống nổi, mới có thể chịu đựng và vượt qua được những rào cản hữu hình và vô hình trên đất khách.


         Mảnh vườn của người Việt trên nước Mỹ còn là nơi người ta gửi gắm nhiều nỗi niềm bàng bạc nhớ quê.
Tôi chỉ mới sắp già, mới xa nhà dăm ngày đã cảm thấy não lòng như thế, huống gì những người già lụ khụ sống lâu dài ở Mỹ. Không có cây trái mang gương mặt quê hương thì mỗi lúc quạnh hiu họ lấy gì chia sẻ? Đợi con cái đi làm về ư? Thì nó sắp về. Khói bếp ư? Nhà chỉ nấu bằng gas. Cả một hệ thống làm bếp hiện đại. Làm gì có thấy được Trong làn nắng ửng khói mơ tan như thơ của Hàn Mặc Tử; làm gì có được:


Một bếp lửa chờn vờn sương sớm
Một bếp lửa ấp iu nồng đượm

   như trong thơ Bằng Việt. Truyền hình ư? Cũng là những tiếng nói lạ, phong cảnh lạ. Muốn nghe xuống xề sáu câu vọng cổ để nhớ về mênh mông sông nước, lục bình hoa tím lờ lững ven sông tìm đâu ra?
Chỉ còn có mảnh vườn sau nhà.


        Những ngày rảnh rỗi, đi shopping mãi cũng chán, dán mắt vào truyền hình mãi cũng nản vợ bèn rủ chồng xắn tay áo làm vườn bên hông nhà nào cuốc xới, lên luống, lên vồng... Nơi này trồng vài cây ớt; nơi kia vài gốc bí, mồng tơi, rau muống; chỗ nọ vài cây cà... Sáng sáng chồng đi làm sớm không quên dặn vợ nhớ ra vườn tưới nước; chiều chiều vợ dặn dò chồng đưa con về nhà đừng quên bón thêm phân, tưới thêm nước... Họ có thêm niềm vui từ hạt đã gieo. Từ mầm xanh mới nhú. Thỉnh thoảng vợ rủ chồng ra sau vườn ngắm nghía, bình phẩm... “Mình thấy chưa? Em đã nói là rau muống cũng trồng được trên đất Mỹ mà”. Chồng không dám cãi, cãi vợ là dại, đành lảng qua chuyện khác: “Kìa em, cây cam cũng sắp ra hoa đấy”. Rồi đến ngày nọ cuối tuần, đang cơm nước bỗng chồng vênh mặt bảo vợ: “Mình ơi ra sau vườn hái trái ớt xanh! Ớt Mỹ ăn không sướng cái lưỡi”. Vợ nguýt: “Anh ăn ớt cứ như két”. Nguýt là thế, lườm là thế nhưng vợ cũng ngoan ngoãn vâng lời. Chồng cầm hai tay vuốt ve, ngắm nghía trái ớt xanh nõn do bàn tay mình trồng, sung sướng cắn luôn cả nửa trái, xuýt xoa: “Ớt cay thật! Mình ghen lắm nên ớt cay là phải”. Nói xong cười hơn hớn, vợ cũng cười theo đồng tình. Chỉ có bé nhóc mới lựng chựng biết đi không hiểu mô tê ất giáp gì cũng cười.


        Cuộc đời cũng lạ, trong khi làm vườn với một tâm thế hướng về quê nhà, tìm lại những hình ảnh cũ thì cũng chính lúc ấy người Việt xa quê bắt đầu chớm lên tình yêu gắn bó với vùng đất đai của xứ sở mới... Ba của Hoàng khi về Việt Nam, lúc nào gọi điện thoại sang Mỹ cũng hỏi đến vườn cây sau nhà... Hoàng cũng vậy, nôn nóng không biết mùa này tuyết đã phủ ngập mảnh vườn sau nhà, luống rau xanh có chịu đựng nổi không, hoa đang xanh nụ có đậu trái không?


         Có một điều thú vị, dù nước Mỹ cấm đem các giống cây lạ vào nước họ, bởi họ sợ loại thảo mộc mới làm biến đổi hệ sinh thái thiên nhiên. Thế nhưng, cây trái của Việt Nam dần dần xuất hiện trên đất Mỹ. Trong những lần đi chợ Việt Nam, tôi đã thấy hầu như không thiếu bất kỳ loại rau nào.


           Sống ở Mỹ có vui không?


         Không phải trả lời câu hỏi đó nữa. Từ chuyến bay UA 1597 tại sân bay Fort Lauderdale, quá cảnh tại Chicago, dừng lại ở Hong Kong, tôi đã về lại quê nhà yêu dấu vào lúc nửa khuya. Đã mọc lên những ngôi sao thấp thoáng phía chân trời. Quay về nhà, nhìn vào gương soi tôi lại gặp tôi hồn nhiên, đa tình và muôn đời thơ dại:


Mặt tôi quê mùa như nước mắm
Một giọt thơm lâu giữ nếp nhà
Vạn dặm đường xa không đổi mặt
Mặt nào cũng giống mặt người ta



LÊ MINH QUỐC
(Washington D.C - TP. Hồ Chí Minh,  14.7.2008)



Add comment


Việt Tuấn Trinh | www.viettuantrinh.com