THỂ LOẠI KHÁC Biên Khảo Lê Minh Quốc - MỘT NGÀY Ở MỸ - 1

Lê Minh Quốc - MỘT NGÀY Ở MỸ - 1

Mục lục
Lê Minh Quốc - MỘT NGÀY Ở MỸ
Thay lời tựa - Nhà văn NGUYỄN NHẬT ÁNH
1
2
3
4
5
6
7
8
9
LỜI BẠT ĐI MỘT NGÀY ĐÀNG Nhà văn DẠ NGÂN
Tất cả các trang
 

 

 

 

1.


Tôi nhởn nhơ chơi, mời linh hồn tôi đến
Tôi cúi xuống nhởn nhơ quan sát một ngọn cỏ mùa hè
(Walt Whitman 1819- 1892)



   Sau một giấc ngủ dài, nửa tỉnh nửa mê, chập chờn và bồng bềnh trên chín tầng mây trắng và xám, tôi giật mình thức dậy. Chiếc máy bay mang ký kiệu UA 862Q thấp xuống dần. Qua ô cửa kính, tôi bắt đầu nhìn thấy những con đường chằng chịt dưới đất. Những con đường hiện dần ra trong mắt. Sân bay Los Angeles. Một vạt nắng vàng ùa vào hai con mắt. Đây là lần đầu tiên tôi đặt chân đến nước Mỹ. Đi du lịch là mở lòng ra hòa nhập với thiên nhiên. Mở mắt ra để phóng một tầm nhìn và đem về một nhúm cỏ. Đến Mỹ, không như đến các nước khác, mỗi người Việt Nam tùy theo hoàn cảnh của mình mà có những suy tư khác nhau. Cũng có thể trái ngược nhau.


     Với tôi, bỗng dưng trong mắt hiện lên hình ảnh cậu bé lên năm, lên sáu gương mặt bầu bĩnh, đẹp trai nhưng con mắt hơi đa tình, rất đáng yêu. Cậu bé đó là tôi.


     Thuở nhỏ, tôi học ở trường Nam Tiểu Học (Đà Nẵng) được thầy cô và các nhân viên giáo dục người Mỹ “đối xử” một cách “lạ lùng” - nay nhắc lại có thể nhiều người… không tin. Làm sao có thể tin được, khi mà các cậu học trò tiểu học hồi ấy trong giờ ra chơi bị “bắt buộc” phải ăn bánh mì và uống sữa tươi! Bánh mì Mỹ và sữa Mỹ hẳn hòi đấy nhé! Mỗi bàn học có năm thằng nhóc hỉ mũi chưa sạch, được thầy giám thị phát một ổ bánh mì dài chừng nửa thước để tự chia nhau. Còn sữa tươi thì đựng trong cái bình lớn đặt ngay ngoài cửa lớp, học trò phải tự lấy uống! Ăn bánh mì và uống sữa riết cũng chán! Ngày ấy, chúng tôi thường nhai ruột bánh mì rồi lợi dụng lúc giáo viên lơ đễnh là ném chí chéo lên tường. Nó bám chặt phải biết! Còn sách giáo khoa là loại sách in trên giấy trắng tinh. Một thú vui của tôi thuở ấy là lật quyển sách ra và đưa sát vào mũi ngửi, hít hà, hít lấy hít để mà cảm nhận cái  mùi thơm thơm của mực và giấy mới. Sách này, bất cứ quyển nào ở bìa 4 cũng đều có ghi “Nhân dân Hoa Kỳ với sự hợp tác của Bộ Văn hóa giáo dục Việt Nam Cộng hòa thân tặng các Trường Sở tại Việt Nam. Sách này tặng, không bán”.


          Lại nhớ một kỷ niệm êm đềm của thời tiểu học. Bấy giờ người Mỹ vừa phóng phi thuyền Apollo 11 lên mặt trăng. Cuộc đổ bộ lịch sử của phi hành gia Neil Armstrong và Edwin Aldrin xuống mặt trăng diễn ra vào ngày 21.7.1969 đúng vào lúc 2 giờ 56 phút 20 giây GMT, tức 10 giờ 56 phút 20 giây tại Sài Gòn. Họ đã cắm cờ Hoa Kỳ. Chỉ sau 1 giây 3, hình ảnh từ trên mặt trăng đã vượt qua 380.000 cây số trên làn sóng vô tuyến điện để tới hàng triệu, hàng triệu máy truyền hình trong các gia đình dưới địa cầu. Thầy giáo của tôi hào hứng báo tin này và giao hẹn, hễ đứa nào học giỏi sẽ được nhà trường tặng cho phần quà nhỏ. Đó là chiếc huy hiệu tròn bằng đồng xu, bề mặt màu xanh hơi bầu, in hình phi hành gia trên nguyệt cầu. Lời hứa hẹn này đã làm chúng tôi náo nức lắm... Rồi bây giờ đến Mỹ, trong những ngày ở tiểu bang Florida, anh Tâm- chồng của ca sĩ Tâm Khanh muốn đưa tôi đến tham quan Cape Kennedy - nơi đã phóng Apollo 11 lên mặt trăng, từ nhà anh đến đó chỉ hơn một tiếng đồng hồ, đi bằng xe hơi, nhưng tôi từ chối. Tôi muốn giữ lại nguyên vẹn cảm xúc hồn nhiên, trong sáng của thuở học trò. Nay đến đó, nếu nhìn thấy sự vật không như thuở nhỏ mình đã tưởng tượng thì đến làm gì?


           Tôi chợt nhớ thời Mỹ mới đổ quân vào cảng Đà Nẵng, lúc ấy gần nhà tôi đã có người thầu giặt quần áo cho lính Mỹ. Nhiều lần họ mừng rú lên, khoe nhặt được nhiều tờ USD còn bỏ sót. Trên con đường đi học, tôi bắt đầu thấy mọc lên những “sờ nách ba” dọc theo bờ sông Bạch Đằng, ánh điện tù mù và đêm đêm gào thét những tiếng nhạc xập xình. Hình ảnh lính Mỹ từ trong đó bước ra ngả nghiêng với cơn say, giày bót-đờ-sô nghiến trên mặt đường đã trở nên quen thuộc. Nhiều hàng hóa Mỹ đổ vào Đà Nẵng. Khối người “phất” lên nhanh chóng nhờ buôn hàng PX. Khối người vào tù. Tại sao? Mùa xuân năm 1968 do bị chỉ điểm nhiều cơ sở nằm vùng bị đánh phá khốc liệt. Tôi đã thấy những “Việt cộng nằm vùng” bị xiềng tay dẫn đi trên đường, có người tìm cách trốn chạy, bị chúng bắn vỡ sọ rồi đạp xác xuống cống ven đường. Xa xa có những tiếng pháo mừng Xuân mới vọng về... Bọn lính rằn ri, lăm lăm súng ống trên tay đằng  đằng sát khí xộc vào nhà tôi. Chúng bẻ quặt tay ba tôi ra sau lưng. Chiếc còng số tám lạnh lùng siết chặt. Tống lên xe bít bùng. Tôi sợ hãi khóc không thành tiếng. Thời gian này, ba tôi bị giam ở nhà lao Đà Nẵng. Ấn tượng dữ dội đã tạo một vết sẹo không phai trong ký ức: Do bị bệnh nặng, chúng đã chuyển ông ra bệnh viện Đa khoa, ông mặc áo tù, nằm trên giường, gương mặt tím bầm. Hai chân của ông bị treo ngược lên cao bằng những sợi dây xích. Mỗi lần ông cựa quậy thì tiếng sắt va chạm vào nhau tạo nên một âm thanh khô khốc đến rợn người. Âm thanh ấy đập vào tai tôi và vang vọng suốt một đời. Sau đó, là chúng đày ông ra Côn Đảo. Chúng bí mật đưa ra đảo nên gia đình tôi không hề biết. Mẹ tôi cùng bà ngoại đã đi khắp chùa chiền để nguyện cầu. Nghe chỗ nào có thầy bói hay là lại tìm đến để dò hỏi tông tích của ba. Nhưng tất cả đều đoán trật lất. Từ đó, mẹ tôi không còn tin gì vào thần thánh. Cuối cùng, bọn đầu trâu mặt ngựa mới bắn tin đã đưa ba ra Côn Đảo và đòi hối lộ. Lúc bấy giờ, gia đình tôi đã khá giả, cả họ hàng bên ngoại đều bán vàng ở chợ Cồn với những hiệu lừng lẫy một thời: Vĩnh Châu, Vĩnh Thái, Vĩnh Phát, Vĩnh Thuận... Mẹ tôi mới sai thợ làm sáu chiếc lắc, mỗi chiếc năm lượng vàng ròng. Với yêu cầu đó, không thợ nào làm nổi. Sau cùng, cậu tôi phải đứng ra làm, ròng rã cả nửa tháng trời mới xong. Những tưởng hối lộ xong thì ba sẽ được tự do, nào ngờ mãi đến năm 1972 ông mới được trở về đất liền. Lúc ấy, ba bị phù thũng nên mỗi lần cười thì gương mặt méo xệch. Ông trở nên trầm ngâm hơn, ít nói. Một lần ba tôi dẫn tôi đi ăn mì Quảng. Những hột đậu phông rơi vãi trên bàn, ông cẩn thận nhặt lẩy bỏ vào tô của tôi. Vì đậu ngon hay ông tiết kiệm? Ăn xong, hai cha con đứng dậy trở về nhà. Đến đầu đường Nguyễn Trãi, tôi chợt thấy một người đeo kính đen, mặc áo montaghi ngồi trên xe hon - đa kín đáo nhìn theo. Ít lâu sau, ba tôi lại bị bắt. Ông ăn cơm tù nhiều hơn cơm nhà. Đơn giản chỉ vì ba tôi cùng đồng chí “Việt cộng nằm vùng” của ông không chấp nhận sự có mặt của quân đội Mỹ.


     Đó cũng là lúc mọi người kháo nhau về “huyền thoại” băng cướp “Người dơi”. Băng cướp này gồm những tên lái xe Suzuki thuộc loại “thần sầu quỷ khốc”, bịt mặt hóa trang như trong phim người dơi đang chiếu trên ti-vi thuở ấy. Chúng thường phục kích xe Mỹ chở hàng từ cảng Đà Nẵng vào thành phố để bám theo. Khi xe lên đến “xa lộ ruồi” (tức đoạn ngay Công viên 29.3 hiện nay), thuở ấy còn thưa thớt dân cư, ít người sinh sống, chúng thực hiện “phi vụ” động trời là bám vào đuôi xe Mỹ. Dù xe Mỹ đang chạy với tốc độ kinh hồn, nhưng tên ngồi sau đã liều lĩnh bám vào thành xe, leo lên thùng xe để lấy hàng thả xuống cho đồng bọn đang rú ga chạy đàng sau. Chuyện này xẩy ra như cơm bữa. Lính Mỹ điên tiết tìm cách trả đũa. Nhưng nghe đâu, khi chúng nã đạn thì những tên trong băng Người dơi đã luồn xe mình… sát ngay dưới gầm xe đang chở hàng của bọn chúng để trốn thoát (!?). Cứ như chuyện cổ tích, buồn cười thật!
-Cười gì vậy? Mua cà phê uống nhé!
          Đứng nhìn sân bay Los Angeles trong nắng nhạt, anh bạn nhà thơ Đỗ Trung Quân vỗ vai tôi bảo thế. Bỗng nhiên thèm một ngụm cà phê đắng. Thèm khủng khiếp. Từ tay một phụ nữ Mỹ, mắt nàng xanh nhạt, sau khi trả 1 USD tôi nhận lấy ly cà phê đựng trong giấy xốp. Hấp tấp đưa lên miệng. Ủa! Đắng ngét! Sau tôi mới biết, người ta chỉ bán cà phê, không bỏ thêm gì cả. Muốn gì “thượng đế”  hãy tự phục vụ lấy! Đường, sữa, muỗng... đặt sẵn ngay đấy! Nhiều vô kể. Ngọt nhạt thế nào thì tùy, muốn lấy bao nhiêu thì lấy, không ai than phiền lấy nửa lời. Dù sao ly cà phê này cũng rẻ hơn tại phòng đợi quốc tế của sân bay Tân Sơn Nhất những 3 USD. Bỗng nhớ nhà biên kịch Đoàn Tuấn, có lần bảo: “Đi du lịch mà cứ nói đến tiền nong sẽ làm mất đi cái sự phóng khoáng của nhà thơ”. Nhưng tôi còn là nhà báo. Mà nhà báo thì sao nhỉ? Chẳng lẽ, anh đi, anh thấy, nhưng không ghi chép hoặc không đưa ra những ý kiến của riêng mình? Tôi lại nhớ đến nhà văn bậc thầy Nguyễn Tuân, khi viết về cây cầu Hiền Lương chia đôi đất nước suốt một thời gian dài, ông đã cù mì củ mỉ đếm có tất cả bao nhiêu tấm ván lót trên chiếc cầu anh hùng ấy! Chi tiết nhỏ này cũng góp phần hữu ích cho các nhà sử học đấy chứ? Lại nghĩ, một bài báo thú vị là trong đó anh chàng nhà báo đã đưa ra những chi tiết mới lạ, mà ngay cả người “trong nghề” cũng ngạc nhiên..

.
           Không cần đưa tay đẩy, chỉ mới vừa bước đến, cánh cửa kính trong suốt đã mở, chúng tôi thong thả bước ra ngoài tìm một chút khí trời để thưởng thức cà phê. Ra khỏi căn phòng máy lạnh của sân bay phì phèo nhả khói và nhìn vạt nắng vàng lẳng lơ trong gió mới thú vị làm sao. Lại nhớ đến mấy câu thơ tài hoa của Hồ Dzếnh. Cái tựa “Màu mây trong khói” gợi cảm và âm vang hơn  “Chiều” mà Dương Thiệu Tước đã đổi khi phổ nhạc. “Nhớ nhà châm điếu thuốc. Khói huyền bay lên cây”. Tác giả viết bài thơ tại một cánh rừng biên giới Việt - Trung. Nắng chiều yếu đuối. Nắng đang hấp hối. Vì thế khói thuốc trở nên huyền hoặc và chia sẻ hơn chăng? Ở đây thì không. Cây ngoài kia cao vút. Nắng nhạt. Không có chút gió rét nào. Vì thế, cái cảm giác “Tiếng buồn vang trong mây” không có. Tôi chỉ cảm nhận nhận được “Ngỡ hồn mình là mây” khi đến Washington DC. Những ngày ấy, trời rét lạnh. Muốn nhả khói phải bước ra khỏi khách sạn mà gió buốt tận xương. Còn hứng thú cái nỗi gì? Người Mỹ hạn chế thuốc lá một cách triệt để. Không nửa vời. Trong nhiều khách sạn, chẳng hạn ở khách sạn Helix người ta thông báo nếu phát hiện ai hút thuốc lá trong phòng sẽ bị phạt 250 USD. Có thể, số tiền này với nhiều người chỉ là “chuyện nhỏ”, nhưng tại sao không ai dám vi phạm? Theo tôi đó là “áp lực” về tâm lý. Trong khi không ai dám nhả khói nơi công cộng, thế mà mình làm khác đi thì lập tức mọi người nhìn mình như “người ngoài hành tinh”! Ngay cả trong các khu vui chơi dành cho trẻ em, cũng cấm thuốc lá bừa bãi, có nơi có chốn riêng biệt, không muốn “thế hệ tương lai” phải nhìn thấy một hình ảnh xấu của người lớn? Còn trong nhà hàng? Đừng hòng. Một người bạn tôi ở Sacramento, lúc còn ở Việt Nam cũng là “tay chơi” có hạng. Nhưng... Sáng hôm ấy, anh mời tôi ly cà phê, đưa thêm điếu thuốc lá và bảo ra... sau nhà mà nhả khói. Sao không là ở trước nhà ngắm cảnh cho sướng con mắt? Anh bảo: “Những gia đình chung quanh nhìn mình sẽ không mấy thiện cảm”. Thật khó tìm thấy hình ảnh những người phì phèo thuốc lá ngoài phố xá. Thế đó, sự tự giác đôi khi còn bị ràng buộc bởi quan hệ cộng đồng. Một cái nhìn của người chung quanh - dù không nói ra, nhưng có tác dụng hơn một lời nói... Từ sân bay Los Angeles, tôi mở sổ tay hí hoáy ghi lại mấy dòng cảm xúc chợt đến:


Người ta thì cũng người ta
Nhưng âm sắc lại vừa xa vừa gần
Tôi nhìn xuống dưới gót chân
Vẫn bùn quê mẹ ân cần bám theo


     Sân bay này có ba tầng, diện tích của nó chừng... 14 cây số vuông! Chúng tôi vất vả lên xuống thang máy, tìm nơi check in chuyến bay kế tiếp. Trong phòng đợi, người vẫn người. Vẫn nườm nợp lướt qua. Máy lạnh vẫn lạnh. Những chuyến bay lên xuống. Tịnh không có tiếng động ồn ào, náo nhiệt. Nếu lắng tai, ta chỉ có thể nghe được âm thanh của những gót giầy vừa đi qua. Nếu thính mũi, ta còn biết được cô nàng xinh đẹp kia đã dùng nước hoa loại gì. Ngẫm ra rằng, cuộc đời này quá đỗi rộng lớn mà cũng qua đỗi xa lạ. Nắng ngoài kia vàng rực. Đẹp đến mê hồn. Vậy mà đã bao ngày, mình đơn độc thui thủi trong góc phòng “đóng cửa phòng văn hì hục viết”. Những tưởng từ màn hình trên máy vi tính sẽ mở ra những thế giới mới, nhưng không phải. Thực tế của đời sống, dù đơn giản, dù chỉ là một vạt nắng mơn trớn, chẳng gì to tát nhưng lại hấp dẫn hơn nhiều. “Nắng mơn trớn” không phải do tôi tìm ra. Năm xưa lên Đà Lạt, một người làm vườn đã “cho” tôi cái từ ấy và tôi giữ lại. Nhà văn Tô Hoài cho biết cũng có lần ông được người nông dân Bắc bộ cho hai từ đắc giá “mạ ngồi” - nhằm để chỉ mạ vừa nẩy mầm. Thực tế của đời sống là chất liệu cần thiết của người sáng tác. Tưởng tượng là cần, nhưng đôi khi hiện thực của đời sống lại vượt qua cái trí tưởng tượng của nhà văn. Văn chương chỉ là trò chơi của con trẻ. Câu nói của Cao Bá Quát đã từng ám ảnh trong ngày đi Hà Lan, nay lại quay trở lại. Tôi nghĩ, văn chương sống được là nhờ sự ảo tưởng từ phía người sáng tác. Đời sống có quá nhiều điều máu thịt khiến độc giả phải nhớ. Nhớ thêm một vần thơ liệu có ích lợi gì?


        Thuở còn bé, tôi nghĩ rằng “văn mình vợ người”. Nhưng bây giờ, trước mắt tôi là một không gian quá đỗi rộng lớn khiến mình choáng ngợp, tôi lại nghĩ rằng câu nói ấy chỉ dành cho những ai chưa từng trải. Chưa từng trải, chưa đau đớn bởi cái sự vùi dập của cái cõi nhân sinh này mới ngờ nghệch nghĩ thế. Đến lúc nào đó, có thể lúc sắp xuôi tay nhắm mắt ta mới ý thức ngược lại. Sự thủy chung của vợ mình mới là điều quý giá nhất ở cõi đời này. Vợ mình là nhất. Còn văn người mới là ghê là gớm, chứ văn mình nên cái trò trống gì! Ngay cả thi hào Nguyễn Du đã dựng nên một tượng đài vàng ròng, một kiệt tác Truyện Kiều cũng bùi ngùi ngùi, tặc lưỡi “Mua vui cũng được...”. Đó không phải khiêm tốn. Mà chính là ý thức tót vời của một con người “có con mắt trông thấu sáu cõi, tấm lòng nghĩ suốt cả nghìn đời”. Lũ chúng ta, chỉ mới nhăng nhố vài ba câu thơ đã huênh hoang xưng tên vỗ ngực. Ảo tưởng.


     Mà thôi, nhắm mắt lại ngủ đi.


           Qua chuyến bay kế tiếp, từ chuyến UA 210 Q, chúng tôi có mặt tại Washington D.C vào lúc nửa đêm. Qua đây tôi mới biết D.C là viết tắt của “District of Columbia” (quận Columbia) - một  quận hành chính Liên bang ở phía đông, gần Đại Tây Dương. Ngoài ra, còn có bang Washington ở tít phía Tây Bắc (bờ Thái Bình Dương). Tôi bắt đầu để ý đến những tấm bảng điện tử treo trong sân bay, ở đó ghi rõ lịch bay, thời gian, nơi đi nơi đến và cả nơi mình lấy hành lý. Nhờ thế, “mù” tiếng Anh nhưng tôi cũng không đến nỗi Lý Toét. Tại sân bay này, một Xã Xệ như tôi đã lấy làm ngạc nhiên khi biết muốn lấy xe đẩy hành lý phải cho vào hệ thống tự động vài USD, cụ thể 3 USD. Nhưng sau đó, muốn lại khoảng tiền này ta phải trả xe vào đúng vị trí cũ. Việc làm này giúp cho sân bay trở lại ngăn nắp như trước lúc đón khách. Như thế, họ không phải mất thêm khoảng tiền thuê mướn công nhân làm việc thu xếp này.


         Một lần khác tôi lại Lý Toét, lại Xã Xệ khi đang thiu thiu ngủ trên xe hơi lao vút với tốc độ cao, bỗng giật mình như vấp phải ổ gà! Điếng người! Bừng con mắt dậy, tôi ngơ ngác tự hỏi:


          -Ủa! Đường cao tốc của một đất nước hiện đại như Mỹ mà cũng cà chớn vậy sao?


       Hoàng đang lái xe cười khì:


       -Không phải đâu anh à! Họ cố tình làm những cái gờ, xe lướt qua sẽ bị lắc nhằm đánh thức người lái xe, nếu họ ngủ quên!


        Mà cũng dễ ngủ quên thật đấy chứ. Phong cảnh hai bên đường na ná như nhau. Cũng vạt rừng mênh mông, hoa vạt mọc li ti đến ngút ngàn; cũng những tòa nhà cao ngất... Không thấy người đi bộ. Chỉ xe lướt qua nhanh. Những tòa nhà gạch xám lạnh lùng, vô hồn. Hình ảnh này khiến tôi thấy cô đơn, lạc lõng. Không gì  hắt hiu, cô quạnh hơn khi nhìn những cao ốc sáng đèn, cửa kính trong suốt lại không thấy người. Không một ai trong nhà. Không một ai trên phố. Chỉ có hàng cây bơ vơ trong gió. Tiếng gió u u đủ gợi nhớ về quê nhà xa lắc. Chợt nhớ năm xưa khi đến Canberra - thủ đô của nước Úc, tôi đã sống trong cảm giác:


Gió chiều lành lạnh quạnh hiu
Ngược xuôi xe chạy dập dìu lướt nhanh
Lặng yên cây đứng để xanh
Tôi đi lặng lẽ loanh quanh đỡ buồn
Gió chiều xám xịt môi run
Tôi dỗ tôi rót nỗi buồn về đâu?


        Không để tôi lan man, Hoàng vén tóc, rồi đưa tay chỉ tôi nhìn bên ngoài:


       -Anh à! Đó là bức tường cách âm, nhằm tránh tiếng ồn cho những ngôi nhà gần đây!


         Bức tường này cao chừng năm mét và chạy dọc theo đường cao tốc, phía bên tay phải của người lái xe. Tỉnh ngủ, đưa mắt nhìn ra phía trước, tôi nhận ra những vệt trắng nằm thẳng trên mặt đường nhằm ngăn cách giữa các làn xe. Tưởng sơn trắng, nhưng không phải, đó là những kính dạ quang. Kính này đủ sức chịu lực, bánh xe chèn lên cũng không sao. Khi có đèn xe, nó phản chiếu ánh sáng rõ mồn một... Rồi tiếp tục quan sát, cứ cách khoảng một ngàn mét tôi lại thấy những trụ cây có gắn một cái điện thoại. Thời buổi này có cần phải như thế không? Mỗi người đều có một, hai điện thoại di động, nếu cần sẽ bấm phôn ngay thôi. Nhưng người Mỹ vẫn làm vì phòng có những nơi không phủ sóng, nếu đang đi trên đường gặp sự cố làm sao có thể liên lạc? Mà trên đường cao tốc thỉnh thoảng tôi lại thấy xe tuần tra của cảnh sát giao thông dưới đất và máy bay kiểm tra từ trên không.


     Nhìn chung hệ thống đường sá của nước Mỹ không chê vào đâu được. Nhiều làn xe. Mạnh ai nấy chạy. Sau này tôi biết thêm, đường cao tốc ở nước Mỹ từ Đông sang Tây số chẵn; đường nối Bắc - Nam số lẻ. Trên suốt một chặng đường dài thường có những siêu thị nhỏ, ta dừng chân nghỉ ngơi, ăn uống...  Nếu thích rửa xe thì cứ việc, không tốn một xu, chỉ cần đậu xe dưới một vòi nước tự động. Từ trên cao, nước sẽ phun xối xả, lúc xe chuyển bánh thì nó tự động ngưng...


         Có một điều lạ lẫm trong tâm thế của tôi, khi đến những nơi xa lạ, lúc ấy lại thèm nghe tiếng Việt khủng khiếp. Xa lạ ngay cả những thứ ta gặp hàng ngày, chẳng hạn với đơn vị đo khoảng cách người Mỹ dùng mile (tương đương 1.60 kilômet), yard (tương đương 0.91 mét), feet (tương đương 0,3048)...; đơn vị đo trọng lượng cũng thế, người Mỹ dùng pound (tương đương 0.40 kilogam), ounce (tương đương 28.35 gam) v.v...; khi đổ xăng lại dùng đơn vị gallon, trong khi ta lại quen với lít; khi nói về thời tiết họ dùng nhiệt độ Fahrenheit (độ F), chứ không dùng nhiệt độ Celsius  (độ C)... Đã rắc rối như thế lại không ăn được thức ăn Mỹ, không nói được tiếng Mỹ, không được nghe tiếng Việt thì làm sao đây hở trời? Anh bạn Quang kể, con gái anh lớn lên tại Mỹ có lần nhìn thấy áo khoác của anh bị rách, nó kêu lên: “Ba ơi! Cái áo của ba bị bể rồi”, thấy trái rụng ngoài vườn, nó bảo: “Ba ơi! Con thấy trái ổi vừa bị té xuống đất”. Nghe mà thương, mà yêu tiếng Việt vẫn còn giữ được ở người xa xứ... Tôi ghi trong sổ tay:


thèm nghe tiếng Việt ngọn tre cỏ dại
giọng nói quê mùa
trái ớt cay tê lưỡi
nước mắm thơm điếc mũi
rau muống xanh
tiếng Việt ngàn năm Hồng Hà, Cửu Long...
hát ru cánh cò chở gió qua sông
đi trên đất Mỹ
chẳng thấy mặt người
xe chạy vút
thời gian lao vụt
ngước mắt nhìn mây trời
vẫn xanh như quê mẹ
tôi yêu tiếng Việt như đứa trẻ
ngàn đời còn tập nói
tiếng Việt âm vang là núi là sông là rừng là suối
ngọt cả môi
kìa hãy nhìn cỏ mướt trên đồi
vạt hoa tím đến nao lòng
kìa hãy nhìn cao ốc
thứ tự ngay hàng thẳng lối
ngày sắp đi và đêm sắp tối
nắng vẫn vàng
tôi thèm nghe tiếng Việt Nam
môi em thơm chẳng vì son
vì tiếng Việt


     Tưởng tượng trên đất khách quê người, có dịp được nghe ríu rít bên tai âm vang những sắc huyền hỏi ngã nặng thì trong lòng bồi hồi xúc động, sung sướng biết bao nhiêu...



Add comment


Việt Tuấn Trinh | www.viettuantrinh.com