Mục lục |
---|
Lê Minh Quốc - MỘT NGÀY Ở MỸ |
Thay lời tựa - Nhà văn NGUYỄN NHẬT ÁNH |
1 |
2 |
3 |
4 |
5 |
6 |
7 |
8 |
9 |
LỜI BẠT ĐI MỘT NGÀY ĐÀNG Nhà văn DẠ NGÂN |
Tất cả các trang |
4.
Một em bé hỏi cỏ là gì? Và đi kiếm cho tôi đầy hai nắm
Tôi biết trả lời sao? Cũng như em, tôi nào biết là gì?
(Walt Whitman)
Trước ngày tôi lên đường, anh bạn Kiến trúc sư Nguyễn Ngọc Dũng kể cho tôi nghe về ngôi nhà số một của nước Mỹ được xây dựng trên đồi Capitol, là tòa Quốc hội Mỹ. Anh có một “phát hiện” thông minh: “Ở đại sảnh là chân dung Washington, hai bên là tượng Nữ thần Tự do và tượng Nữ thần Chiến thắng, trần mái vòm được trang trí những tranh ảnh thời Phục hưng của Ý, nơi đây cứ bốn năm một lần tân tổng thống Mỹ sẽ đến làm lễ nhậm chức. Chúng tôi nói đùa tổng thống Mỹ tuyên thệ giữa hai bức tượng nữ thần khiến dân Mỹ hầu hết đều sợ vợ. Người phụ nữ được tự do và chiến thắng mọi lúc, mọi nơi trên đất Mỹ nên các đấng nam nhi Mỹ sẽ đau khổ, lạc lõng thê thảm nếu chẳng may bị vợ... bỏ”. Mà quả thật, tôi không thể hình dung một người đàn ông không vợ con, sống độc thân sẽ như thế nào? Suốt một ngày làm việc miệt mài, quay về nhà đơn thân độc mã vùi trong giấc ngủ từ đêm này qua sáng nọ. Ngày như mọi mọi ngày. Bừng con mắt dậy, tất tả đi làm rồi quay về lại chìm trong giấc ngủ. Còn gì là lạc thú ở đời? Nếu như thế, không riêng gì ở Mỹ, mọi đàn ông trên thế giới này đều bất hạnh như nhau. Đã độc thân, sẽ không cảm hết ý nghĩa của câu “tình chồng nghĩa vợ”, không được sống trong sự chia xẻ, ấm áp của một vài tình huống có thể nhỏ bé như hạt cát nhưng lại to tát như hạt gạo. Chẳng hạn... Người bạn xa mười năm, một chiều đông buốt giá thình lình gõ cửa đến thăm ta. Mở cửa chào nhau xong, ta mừng quá, chẳng kịp hỏi cố nhân đi thuyền hay đi bộ; đi tàu lửa hay đi máy bay, chẳng kịp mời ngồi ghế hay ngồi giường... ta ôm ghì lấy bạn. Hàn huyên qua loa, ta liền chạy mau vào nhà trong hỏi vợ: “Mình có được như bà vợ Tô Đông Pha sẵn có rượu để dành không?”. Hỏi là hỏi, chứ mấy hôm nay trong nhà không còn hạt gạo, lấy gì rượu nồng dê béo đãi bạn? Hỏi là hỏi, mặt buồn xo chống cằm ngồi bệt xuống đất. Nào ngờ vợ tươi cười, rút cây trâm vàng kẹp tóc đưa cho ta. “Tính ra có thể đãi khách được ba ngày... Chàng thấy thế nào?”. Thế nào nữa? Cụ Kim Thánh Thán bảo chỉ còn há mồm ra mà kêu lên rằng “Há chẳng sướng sao!”.
Tôi muốn nói thêm, lấy vợ há chẳng sướng sao?
Sướng lắm chứ! Ở Mỹ, vợ là nhất! Hầu như người ta ít thăm nhau. Một mái gia đình là một cõi riêng. Đi làm về là dành trọn vẹn cho vợ con. Nhất vợ nhì con. Và khi con trưởng thành, ra ở riêng thì cũng nhất vợ, nhì... trời! Có nhiều gia đình người Mỹ hoặc người Việt ở Mỹ, tôi đến thăm chỉ thấy trơ trọi hai vợ chồng già! Hỏi ra mới biết con cái không thích ở chung với cha mẹ. Nó muốn tạo một cuộc sống riêng theo sở thích của nó. Vấn đề này không lạ, bởi ở Mỹ đứa trẻ đã được giáo dục tính tự lập ngay từ lúc... còn trong bụng mẹ. Thật ra, ở Việt Nam cũng vậy thôi. Cha mẹ nào không muốn con cái tự lập? Nhưng theo tôi vẫn có sự khác nhau, căn bản là điểm xuất phát về văn hóa của mỗi dân tộc. Với người Mỹ, họ nói “Khi già vào viện dưỡng lão là xong”. Họ nói thật lòng, con cái nghe thật lòng và cả hai cũng đều thấy nhẹ nhàng như nhau. Nhưng với người Việt lại khác. Quan niệm “Trẻ cậy cha, già cậy con” vẫn phổ biến, khó có thể thay đổi. Và đứa con, ngay từ trong tiềm thức đã hằn một nếp nghĩ báo hiếu cha mẹ. Không thể khác. Trong quan hệ cộng đồng, thiên hạ khó đồng tình và chia sẻ với ai đó bỏ mặc cha mẹ trong viện dưỡng lão. Họ đưa ra chữ hiếu bình luận thì người đó khó “chống đỡ”.
Còn người Mỹ sẽ nói gì? Ta hay nghe ông Gary Althen, tác giả quyển American Ways (bản dịch Phạm Thị Thiên Tứ) cho biết: “Nhiều người Mỹ không biểu hiện mức độ tôn trọng cha mẹ của họ như những người ở các xã hội truyền thống hay các xã hội có xu hướng thiên về gia đình. Theo quan niệm của họ, việc sinh ra từ các bậc cha mẹ nào đó là một kiểu ngẫu nhiên lịch sử và sinh học. Các bậc cha mẹ hoàn thành trách nhiệm đối với con cái của họ khi chúng còn nhỏ, nhưng khi chúng đạt đến “độ tuổi độc lập”, quan hệ giữa cha mẹ - con cái bị lung lay, thậm chí đôi khi còn bị phá vỡ. Không có gì khác thường khi những người Mỹ khoảng trên 22 tuổi (và đôi khi còn trẻ hơn), hiện đang sống với cha mẹ lại trả cho cha mẹ họ tiền phòng và tiền cơm tháng. Các bậc cha mẹ lớn tuổi sống cùng với những người con trưởng thành cũng làm tương tự như thế. Việc trả tiền phòng và tiền cơm tháng là cách bày tỏ sự độc lập, sự tự lực và trách nhiệm đối với bản thân mình”.
Lạ quá nhỉ?
Tôi tin rằng, người Mỹ cũng sẽ kêu lên “Lạ quá nhỉ?” khi biết phụ nữ Việt dù đã lấy chồng, về ở nhà chồng, đã sinh con đẻ cái nhưng vẫn chưa hết nghĩa vụ với gia đình. Trong truyện ngắn Cô hàng xén của Thạch Lam, ta thấy hiện lên mồn một hình ảnh cô Tâm - người chị đã có chồng, nhưng vẫn đau đáu lo lắng cho cậu em trai. Sau một hồi xin xỏ tiền mua sách vở nhưng chị Tâm vẫn không cho, cậu em trai dùng dằng làm mình làm mẫy, nói dỗi mình sẽ bỏ học. Không đành lòng, “Tâm lần ruột tượng lấy ra gói bạc giấy cuộn tròn. Số tiền nàng vừa lấy định trang trải các công nợ và lo sưu thuế cho Bài. Nhưng thấy vẻ mặt vui mừng của em, nàng quên mất cả những nỗi lo sợ đang chờ nàng. Lúc Tâm ra về, trời đã tối. Nàng vội vã bước mau để về cho con bú. Sương mù xuống phủ cả cánh đồng, và gió lạnh nổi lên: Tâm thu vạt áo lại cho đỡ rét, lần theo bờ cỏ đi. Lòng nàng mệt nhọc và e ngại: lấy đâu mà bù vào chỗ tiền đưa cho em? Tâm nhớ lại những lời dặn của mẹ chồng và những câu giận dữ của Bài mỗi khi hỏi nàng không có tiền. Nàng nghĩ đến những ngày buôn bán được, ngày không, Tâm dấn bước. Cái vòng đen của rặng tre làng Bàng bỗng vụt hiện lên trước mặt, tối tăm và dầy đặc. Tâm buồn rầu nhìn thấu cả cuộc đời nàng, cuộc đời cô hàng xén từ tuổi trẻ đến tuổi già toàn khó nhọc và lo sợ, ngày nọ dệt ngày kia như tấm vải thô sơ. Nàng cúi đầu đi mau vào trong ngõ tối”.
Đọc ứa nước mắt. Tại sao Tâm lại làm như thế? Tình cảm huyết thống gia đình, “chị ngã em nâng”, “anh em như thể tay chân” đã ràng buộc ràng rịt từ trong máu thịt. Ướt đẫm bài thơ Lòng mẹ của Nguyễn Bính vẫn là những giọt nước mắt sụt sùi của cô gái ngày về nhà chồng. Nàng cứ ngần ngừ, bịn rịn mãi. Vì lẽ gì? Bị ép duyên? Vớ phải thằng chồng không gì? Ta hãy nghe bà mẹ mắng yêu:
Tôi già, tôi chết.... khiến cô thương
Nuôi dạy em cô, tôi đảm đương
Nhà cửa tôi coi, nợ tôi trả
Ai nhờ gái hóa việc quân vương
Thì ra cũng chỉ vì cô còn lo lắng việc nhà. Qua Mỹ, tôi nhận thấy nhiều gia đình người Việt vẫn sống như thuở còn ở Việt Nam. Gia đình Hoàng “người em sầu mộng của muôn đời” của tôi là một ví dụ. Khi sang đến Mỹ, nàng vẫn phòng không chiếc bóng. Do biết tiếng Anh nên lúc các em mới chân ướt chân ráo sang đoàn tụ thì tất tần tận mọi thứ nàng phải lo toan, từ việc xin cháu nhập học đến đưa em nhập viện... Thời gian qua mau. Rồi các em lần lượt lập gia đình, ra ở riêng. Cha mẹ già vẫn ở chung với nàng. Mà cha mẹ nào không muốn mỗi ngày gặp gỡ con cái, cùng có một bữa ăn chung - nhất là đang sống xa xứ? Thế là các em mỗi ngày quay về với cha mẹ, cơm nước mỗi ngày... Tình cảm gia đình thêm ấm áp. Điều này hợp lý trong ứng xử văn hóa, cấu trúc gia đình truyền thống của người Việt. Cha mẹ chỉ ở với đứa con cả hoặc đứa con chưa lập gia thất. Vì thế mỗi ngày nàng phải cáng đáng mọi sự chi tiêu. Mà thôi, chuyện nhỏ, chị em ai lại tính toán với nhau chứ? Có thể sau hoặc trước đó mỗi người em sẽ góp thêm chút đỉnh, trang trải cho chị mình. Nhưng ở đây chỉ là sự tự giác, chứ không phải nguyên tắc bắt buộc.
Điều khác biệt với người Mỹ là ở chỗ này.
Với người Mỹ, văn hóa tiêu dùng của họ nằm ở chữ “Share”: chia đều, sòng phẳng. Lúc ở Washington D.C, sau buổi làm việc chúng tôi đi ăn trưa với nhau tại một nhà hàng trong Nhà ga xe lửa. Theo thói quen chúng tôi xếp hàng mua thức ăn. Nhà thơ trẻ Bùi Thanh Tuấn cùng Christopher Schewb đứng chung một hàng, còn tôi do không thể ngốn thức ăn Mỹ nên xếp ở dãy bán thức ăn Tàu. Tôi mua về ba đùi gà béo nhẫy, màu mỡ vàng lấp loáng đến ngon mắt. Cả ba chúng tôi ngồi chung bàn. Mỗi người nhai ngấu nghiến một đùi gà. Tất nhiên, tôi cũng ăn những thứ mà họ đã mua. Bữa ăn ngon miệng. Chuyện trò rôm rã, vui vẻ. Nhưng khi chuẩn bị đứng lên rời bàn ăn thì tôi “sốc”, bởi anh bạn người Mỹ thật thà “share” với tôi. Sòng phẳng đến lạnh lùng. Tự nhiên đến bất ngờ. Sau một bữa ăn, dù ai mời đi nữa cũng chia đều số tiền phải trả. Thậm chí nếu mình gọi món ăn đắt hơn người ngồi cùng bàn, khi “shase” cũng tế nhị phải trả số tiền nhỉnh hơn. Nhưng với người Việt lại khác. Anh em bạn bè mời nhau là thường tình, huống gì anh em trong một nhà, bè bạn cùng đi ăn chung với? Thậm chí sẽ là một xúc phạm, nếu người được mời lại giành quyền... trả tiền!
Ta thử lý giải văn hóa “Share”. Sự bình đẳng chăng? Sự tự lập chăng? Anh và tôi cũng như nhau. Không việc gì tôi phải nhận một khoản tiền từ sức lao động của anh. Ngược lại, anh cũng thế. Rạch ròi. Sòng phẳng. Không ai “dựa dẫm” ai, “lợi dụng” ai...
Sau một tháng lang thang đây đó, bằng sự linh cảm tôi nghĩ rằng thu nhập của mỗi công dân ở Mỹ ổn định và sự chi tiêu cũng “đâu vào đấy”, họ không mơ trong tuần bỗng có một khoảng tiền nào đó “từ trên trời rời xuống”, có mơ cũng không được, vì thế ít có ai dám “vung tay quá trán”. Anh bạn Tình Nguyễn ở Orlando - cũng thừa nhận. Anh bảo:
-Anh à! Nếu muốn sống ngon lành ở Mỹ phải thuộc nằm lòng thêm chữ S nữa!
Nghe lạ tai. Anh giải thích: “Đó là “Save”: tiết kiệm. Tiết kiệm tiền bạc, chỉ chi tiêu vừa đủ, mọi khoảng thu chi đã rạch ròi đâu ra đó trong một tháng nên “bớt đồng nào hay đồng đó”; tiết kiệm thời gian, thời gian là tiền bạc, lấy hiệu quả của công việc làm mục đích chính, xong việc là đứng lên chứ không rề rà “buôn dưa lê”, tán gẫu sau đó; tiết kiệm ngay cả trong giao tế, mọi người đi thẳng vào công việc chứ không con cà con kê “kính thưa các loại” lòng vòng, rào trước đón sau... Trong các thứ cần tiết kiệm, tiền vẫn là ưu tiên một”.
Nghe vậy, tôi sực nhớ đến đứa em dù ở nước ngoài về, nhưng cu cậu chi tiêu xem ra dè xẻn lắm, vào nhà hàng khi cầm “menu” việc đầu tiên nhìn vào giá tiền. Ăn uống chừng mực, nhất là khoản rượu bia, không hề bốc đồng cao hứng “vung tay mua lấy trận cười như không”. Hỏi ra mới biết đời sống ở nước ngoài đã “rèn” nên tính cách ấy. Nhưng bù lại, cu cậu đối đãi nhân viên phục vụ bao giờ cũng lịch thiệp, nhỏ nhẹ, không quát tháo theo kiểu “khách hàng là thượng đế” và nhất là... không quên khoảng tiền tips. Sự chi tiêu chừng mực này khiến nhiều người Việt trong nước không hiểu, họ cứ nghĩ đã ở nước ngoài là phải giàu, “ngồi mát trên bát vàng”. Nhầm. Vì nhầm nên không ít người có thói quen xấu là mong con mình, em mình, cháu mình từ nước ngoài gửi tiền về “viện trợ”. Họ đâu biết, để có được đồng tiền ấy người Việt ở nước ngoài phải cật lực lao động và tiết kiệm, dành dụm mới có.
Với tư cách của một... dân nhậu chuyên nghiệp, tôi nghiệm ra rằng, ở Mỹ chưa hẳn đã sướng, nhất là cái khoảng uống bia (!?). Họ khó thể được như ta mỗi chiều, lại mỗi chiều “xong việc rồi, bia nhé!” - như câu slogan từng có một thời quảng cáo ầm ĩ trên báo. Thú thật mỗi chiều đến, tôi lại mong đừng ai gọi điện thoại hoặc nhắn cho cái tin ưu ái “Chiều nay lai rai nhé!”. Mười chiều như một. Một chiều như mười. Rồi đôi lúc tự hỏi, ủa tiền đâu mà chiều nào tôi cũng quắt cần câu? Trong khi đó, nếu ai hỏi giá một ký gạo ngon, một lít xăng, một tờ báo, tạp chí... bao nhiêu tiền tôi cũng ngắc ngứ, chỉ có thể nói phiên phiến chứ khó đưa ra một con số chính xác. Thậm chí tiền lương mỗi tháng nhận được bao nhiêu, tài khoản trong card ATM còn bao nhiêu... tôi cũng chào thua! Đang vui chuyện, Tình Nguyễn nói tiếp:
-Anh à! Sống ở Mỹ còn phải thuộc lòng thêm một chữ S nữa!
Rắc rối nhỉ! Chữ gì vậy? “Safe”: an toàn. Do ở Mỹ, ai ai cũng có thể mua súng đạn, tất nhiên có những quy định cụ thể, nhưng sống như thế thì cũng... ớn! Vậy cách tốt nhất là phải tự “cứu mình trước khi trời cứu” vậy! Hiểu được điều này ta mới biết vì sao ở Mỹ người ta luôn đề phòng mọi chuyện, ít giao tiếp cởi mở với người lạ... Trong một lần đi chơi ở Fort Lauderdale, Minh - chồng Hà - đưa tôi đến nơi xem công dân Mỹ tập bắn súng! Tưởng đâu xa, thì ra nó nằm ngay trong khu ăn uống, mua sắm! Do tường đã cách âm, từ phía ngoài nhìn qua một tấm gương lớn, tôi có thể quan sát mọi động tĩnh của họ nhưng không nghe âm thanh lớn.
Minh nói, theo luật tại Mỹ, người dân trên 21 tuổi có quyền mua súng phòng thân. Nhưng mỗi tiểu bang đều có những quy định khác nhau, mà không phải ai cũng được quyền mua súng. Chẳng hạn kẻ tâm thần, kẻ từng tù tội, kẻ vi phạm luật v.v... Có nhiều ràng buộc chặt chẽ. Nghe đâu có tiểu bang chỉ đưa súng cho người đến mua sau nửa tháng, không “tiền trao cháo múc” ngay. Vì sao? Tôi thử suy luận, biết đâu gã đàn ông đằng đằng sát khí ấy đến mua súng chỉ vì... vợ cắm sừng!
Thế nào là bị cắm sừng?
Một anh chàng Mỹ da trắng có vợ mới sinh. Anh ta viết thư về khoe với mẹ: “Vợ con đã sinh một đứa con trai, nhưng vì không có sữa nên vợ con đã phải nhờ một bà da đen cho bú, vì thế nên khi con gặp thì thấy đứa bé có tóc xoăn và da đen như người châu Phi....”. Bà mẹ ngay lập tức viết thư cho con trai: “Con trai yêu quí, mẹ rất mừng khi nhận được thư con. Ngày xưa khi mẹ sinh con, mẹ cũng không có sữa nên đã phải cho con bú sữa bò, vì thế nên bây giờ con vừa ngốc vừa có... sừng!”. Lại còn có chuyện, một người khách du lịch đến Mỹ, không biết nói tiếng Mỹ. Vào tiệm ăn, muốn ăn thịt bò, thịt bò beefsteak ở Mỹ nổi tiếng ngon không thua gì thịt bò Úc nên ông ta ra dấu. Hai bàn tay lên đầu rồi hai ngón tay giơ lên, tượng trưng cho hai chiếc sừng. Người phục vụ gật đầu, tỏ vẻ am hiểu và chạy vào bảo bà chủ tiệm ăn:
- Bà ơi, có người muốn tìm... ông chủ!
Bị vợ cắm sừng, đang điên tiết, có súng trong tay thì chuyện gì sẽ xẩy ra? Nếu luật pháp Mỹ quy định chưa vội bán súng, phải nửa tháng sau mới giao, xem ra cũng có lý đấy chứ? Mà được mua súng và được phép đeo súng đi ra đường hay không còn là chuyện khác v.v...
Không riêng gì tại Mỹ, Việt Nam ở thế kỷ XVII, triều đình vua Lê chúa Trịnh cũng cho phép nhân dân... tự trang bị vũ khí, súng ống! Trong Bản kỷ tục biên cho biết: “Năm 1739: chúa Trịnh Giang nghĩ giặc cướp nhiều nơi nổi dậy, bèn sai chấp chính đặt hương binh ở bốn trấn...”. Giữa lúc tình hình bất ổn như thế thì “Quan binh phiên tâu: số lính Thanh-Nghệ bỏ trốn, cộng 3.380 người. Các cơ đội của doanh, hiệu đều không đủ quân số tại ngũ. Bèn chia nhau đi bắt những lính trốn ấy”. Trịnh Giang đã tìm cách khắc phục bằng cách đặt phép “đoàn kết”. Theo phép này: mỗi xã cứ 10 dân đinh lấy 7 người cho tự sắm lấy binh khí, đặt điểm canh giữ. Tùy theo địa phận tiếp giáp nhau, hoặc 4, 5 xã hoặc 6 xã kết làm một “đoàn”. Chọn một đoàn trưởng đốc suất các xã, khi có việc thì tùy nghi đánh hoặc phòng ngự. Khi không đánh nổi thì cấp báo cho “đoàn” khác tiếp ứng. Bởi thế trong dân gian nơi nào cũng có binh khí. Đảng gian nhân cơ hội này, tụ họp cướp bóc ngày càng dữ!”. Chính sử còn ghi rành rành.
Tôi tự hỏi, tại sao hiện nay người Mỹ có luật cho bán súng, để hình thành một nếp “văn hóa mê súng”? Có phải do xuất phát từ đặc thù hình thành lịch sử của đất Mỹ không? Những di dân mạo hiểm đánh đu cả cuộc đời trong công cuộc đào vàng, có gì bảo vệ họ ngoài súng? Những cuộc chinh phạt ròng rã từ vùng đất này qua vùng đất khác, trong tâm thức “mạnh được yếu thua” thì có gì hiệu quả hơn súng? Phải xét như thế mới có thể tìm được câu trả lời chăng? Không cần trả lời vội. Có một điều cần ghi nhận là trong nhiều khách sạn ở Mỹ, ít ra những nơi tôi đã ở, khi kéo hộc tủ bàn ngay đầu giường nằm luôn bắt gặp hai cuốn sách. Đó là cuốn The teaching of Buddha, dày đến 700 trang và cuốn Holy bible, dày 1.266 trang. Người Mỹ đang có khuynh hướng đến gần với tôn giáo?
< Lùi | Tiếp theo > |
---|