THỂ LOẠI KHÁC Biên Khảo Lê Minh Quốc - MỘT NGÀY Ở MỸ - LỜI BẠT ĐI MỘT NGÀY ĐÀNG Nhà văn DẠ NGÂN

Lê Minh Quốc - MỘT NGÀY Ở MỸ - LỜI BẠT ĐI MỘT NGÀY ĐÀNG Nhà văn DẠ NGÂN

Mục lục
Lê Minh Quốc - MỘT NGÀY Ở MỸ
Thay lời tựa - Nhà văn NGUYỄN NHẬT ÁNH
1
2
3
4
5
6
7
8
9
LỜI BẠT ĐI MỘT NGÀY ĐÀNG Nhà văn DẠ NGÂN
Tất cả các trang

 

LỜI BẠT

ĐI MỘT NGÀY ĐÀNG

Nhà văn DẠ NGÂN

       Chúng tôi, nhà báo cánh Hà Nội và nhà báo cánh Sài Gòn đi từ hai hướng rồi mới hợp nhất thành một đoàn hẳn hoi ở Washington D.C. Đi Mỹ ư, tha hồ háo hức nhưng có đi thì mới thấy nó giống như chuyện kết hôn. Lặn vặn, nhiêu khê, mỏi mệt nhưng đầy ắp những ấn tượng ngất ngây và nếu bảo đi lần nữa thì e mình đã ngán ngại nỗi trần ai đường dài. Riêng tôi, nghe cánh Sài Gòn có Đỗ Trung Quân, Lê Minh Quốc và Thuý Nga thì đã thấy hào hứng thêm lên. Làng văn và làng báo, đọc nhau coi như đã biết, nếu từng là bạn nữa thì chuyến đi nhất định sẽ thú vị hơn nhiều.


         Vai ra vai, tóc ra tóc, nhìn từ phía sau thấy rõ tấm lưng to bản đã hơi gù gù những tuổi tác và gánh nặng. Ai vậy? Nhất định đây là một người Việt Nam made in nội quốc. Vì sao có thể phân biệt dễ dàng như vậy khi chưa thấy mặt mũi và nghe tiếng nói? Vì sao ư? Rất khó định nghĩa một cách ngắn gọn nhưng tổng thể ở chúng ta đều có dáng điệu lầm than của một quốc gia nhiều loạn lạc nếu đứng giữa trời đất của những nơi quá cách biệt với mình về mọi thứ. Gì nữa, người đó mặc một chiếc áo khoác bludông mỏng dành để đi xe máy, áng chừng đây là một người Sài Gòn đang bối rối với cái lạnh 11 độ giữa thủ đô nước người. Quốc hả, Lê Minh Quốc đúng không, đằng sau quay xem nào! Đúng là Quốc rồi, nước da màu đồng, nụ cười tin cậy và hiền từ như một chú gấu rừng hoang dại. Cái gì lù lù đây? - tôi chỉ vào hai chiếc thùng giấy to đùng bên chân Quốc ở cửa khách sạn. Thì ra đây là những suất hàng thủ công của Việt Nam được cánh Sài Gòn chuẩn bị để souvenir cho những người mà đoàn sẽ gặp gỡ. Thì ra, không ai có thể cáng đáng việc khuân vác ấy bằng chàng thi sĩ gấu rừng vừa sốt sắng tốt bụng vừa có vẻ tráng niên thực thụ so với nhà thơ có phần hư vô thể xác Đỗ Trung Quân.


            Tôi biết Lê Minh Quốc lần đầu tiên vào năm 1989, cũng là lần duy nhất hai đứa ngồi cà phê thong thả với nhau để sau đó không có dịp nào như vậy nữa. Một buổi chiều Sài Gòn sau lễ phát giải Cuộc thi truyện ngắn của báo Tuổi Trẻ, lúc đó chúng tôi đều còn nguyên vẻ thanh tân với văn chương và thời cuộc, chúng tôi đã nhìn thấy nẻo đường riêng tây của mình và sảng khoái hẹn nhau sẽ viết nhiều hơn. Quả nhiên không lâu sau Lê Minh Quốc đã được tiếng là nhà thơ trẻ mạnh bạo và là nhà báo viết nhanh viết nhiều không thua kém những người làm báo lão luyện của đất Sài Gòn. Thấm thoát đã gần 20 năm, không có dịp gặp nhau thêm lần nào nhưng nghe kỹ, biết kỹ và đọc đều của nhau. Không ngờ lần cà phê thứ hai này lại ở trên đất Mỹ, đúng là “thiên lý tương năng” không biết sao mà tiên liệu trước.     

       
       Gần hai mươi năm Hà Nội - Sài Gòn mà chúng tôi không gặp nhau lần nào nghe có vẻ phi lý gần bằng với việc gặp nhau lần thứ hai ngay trước cửa một khách sạn ở thủ đô Hoa Kỳ. Quốc hỏi chộp: “Chị “chiến đấu” với tiếng Anh được chút gì không, tôi thì nửa chữ cũng không xong!”. Tôi trố mắt và chỉ muốn kêu lên: Bạn ơi, đó không phải bất ngờ mà là kinh ngạc! Nhưng thôi, vẻ tự thú chân thành này rất giống những người “thà chết chứ không để ngoại ngữ nó quấy rầy” như Lê Lựu, Nguyễn Khắc Trường, Bảo Ninh, Lê Minh Khuê... và nghe đâu, cả Trần Đăng Khoa nữa! Thật ra, trong tập bút ký Du lịch của người câm (NXB Trẻ - 2005), Quốc “tự thú”: “Biết thêm một ngoại ngữ là sống thêm một cuộc đời nữa. Nhưng than ôi! Tôi chỉ là người “câm” vì không rành một ngoại ngữ nào! Khổ thế! Mà câm cũng phải thôi. Tôi thuộc thế hệ phải gánh chịu sự vận hành của một nền giáo dục kỳ lạ trong thập kỷ trước. Ngày còn trẻ ở bậc trung học, dù tôi đã được học tiếng Pháp, nhưng vào đại học không được học tiếp thứ tiếng này nữa mà bắt buộc phải học tiếng Nga. Cuối cùng ngày ra trường, tiếng Pháp chỉ còn nhớ lõm bõm mà tiếng Nga thì cứ trượt ra ngoài trí nhớ! Nó trượt nhanh đến nỗi cứ như người tình phụ một khi đã bỏ ta đi thì nghiến răng “một đi không trở lại”! Sau gặp cô giảng viên dạy tiếng Nga cho tôi ngày trước, được biết cô đã chuyển sang dạy... tiếng Anh”. Dẫu sao tôi cũng phải thắc mắc, giữa đất Sài Gòn năng động vậy mà Quốc vẫn cố thủ “gấu rừng” thì đáng mừng hay đáng trách đây?


        Trong bản khai của mười người chúng tôi giống hệt nhau ở chỗ “no previous U.S travel” (chưa từng tới Mỹ) dù có người đã đi gần giáp châu Âu. Tuổi tác so le và dĩ nhiên, dấu ấn lỡ nhịp của thế hệ trung niên với ngoại ngữ cũng rất rõ. Đỗ Trung Quân già lão nhất, không rõ trình độ tiếng Anh cỡ nào mà vẫn tự tin và tự xoay xở rất cừ. Thuý Nga không mù mờ nhưng quen kiểu “tổ chức bài” chứ ít phải “xung trận”. Tôi chỉ có thể xếp trên Lê Minh Quốc mỗi khi tự mình đi đứng và lo thân. Quốc bắt đầu trầm tư ngay từ ngày thứ hai ở Washington D.C và hứa nhỏ với mọi người rằng kỳ này về sẽ dốc sức học tiếng Anh may ra còn kịp. Bản khai của bạn cho tôi một suy nghĩ, Quốc tốt nghiệp cử nhân Ngữ văn năm 1987, cũng có nghĩa là thời học sinh và sinh viên của Quốc ở vào thời điểm “ghét Mỹ thì không đâu thèm dạy tiếng Anh!”. Tôi cũng không tài giỏi gì hơn, vào thập kỷ 80 của thế kỷ XX, tôi đã từng ghi danh học tiếng Nga ban đêm và khi có dịp để học tiếng Anh thì tôi bị mất căn bản trầm trọng vì phải học chung với những học sinh phổ thông, thế hệ không còn ai chưa được vỡ lòng tiếng Anh như mình cả! Quốc không sĩ diện, Quốc vui vẻ đánh vật với từng từ tiếng Anh khi cần ghi chép vào nhật ký đi đường và cứ thế, không lúc nào Quốc thôi nhặt nhạnh. Hình ảnh gã nhà thơ lầm lừ ấy càng khiến ấn tượng về một con gấu trong tôi đậm hơn và chừng như mỗi mét đường, gấu ta càng thêm ngộ nghĩnh vì được ngao du giữa cánh rừng mà chỗ nào cũng là mật ong và cá hồi vậy.


       Kansas City là nơi đoàn chúng tôi được chia thành ba nhóm để đi party với ba gia đình người Mỹ trong diện những người thiện nguyện với Chương trình Khách tham quan quốc tế tự nguyện. May mắn Quốc và tôi được ngồi chung một nhóm. Đã sang ngày làm việc thứ 5, ai nhanh nhẹn ai rề rà, ai cầu tiến ai khủng khỉnh, ai chan hoà ai “đổ bê tông” đều đã bộc lộ ra. Quốc hay được các bạn cánh Sài Gòn giục “xông ra” ở những nơi cần trao đổi, tìm hiểu hoặc tranh luận. Tôi có kinh nghiệm rằng “đừng nhìn Quốc nói mà hãy nghe nội dung Quốc trình bày”. Bởi vì “gấu rừng” rất hay mở đầu bằng “Tôi hỏi nè nghe”, một đề nghị mà như một lời doạ khiến không ai nhịn được cười. Nhưng những vấn đề Quốc đặt ra trong quá trình trao đổi để tăng cường học hỏi và hiểu biết thì ai dù khó tính cũng phải thừa nhận sức nặng của một trái tim mẫn cảm và một cái đầu ưa suy nghĩ. Đến giữa chặng đi thì Quốc đã nghiễm nhiên thành một người gồng gánh theo nghĩa đen lẫn nghĩa tốt đẹp nhất của từ này trong quan hệ ta với ta và ta với bạn.    


               Đỗ Trung Quân và Quốc và tôi hay thích ngồi với nhau vào bữa sáng vì “cái phận già ăn khó ngủ khó”, hơn thế, cũng chỉ khi đó mới có dịp san sẻ những cảm nhận về nước Mỹ và người Mỹ đang nóng sốt trong đầu mình. Chương trình thật sự dựng được bề sâu bởi tiết mục party ở những gia đình Mỹ. Chúng tôi đã chuẩn bị thật chu đáo, thật trang trọng cho buổi party chắc chắn là không thể lặp lại cho dù mỗi chúng tôi có thể đi Mỹ n lần nữa. May mắn nhiều hơn khi nhóm của Quốc và tôi được tháp tùng với người trẻ nhất trong ba người phiên dịch cho đoàn. Trong khi tôi cầm chắc sự thú vị của nhóm mình thì ngay sau khi kết thúc bữa ăn với bà Karen Hernandez, thi sĩ gấu rừng của chúng ta bỗng lăn ra ngủ. Chao ơi, tôi cũng đang thấm thía nỗi mệt nhọc của việc bay xuyên đại dương rồi lên xe xuống xe với liên hồi kỳ trận những tham quan và tiếp xúc, nhưng chẳng lẽ những người còn lại trong nhóm cũng ngủ vùi như “gấu”? Trong khi chúng tôi nhảy từ chuyện người da đen và nhạc Jazz, rồi chuyện người da đỏ và vết thương nước Mỹ, rồi lại chuyện những bức tường cho trẻ em được phép vẽ bậy ở Kansas City đến chuyện “khoan cắt bê tông” ở Hà Nội để cầm cự với thời gian trong khi chờ ông Gene Hernandez làm việc muộn trở về thì Quốc đã có một giấc ngủ vụng trộm nhưng chắc chắn là thành thật nhất trong đời. Nhờ vậy mà khi ông chủ nhà xuất hiện thì “gấu rừng” đã hết sức tươi tỉnh để tiếp tục đưa lại cho chúng tôi sinh khí giao lưu hồ hởi quen thuộc.


       Chặng cuối ở San Francisco, đoàn chúng tôi có hẳn 5 ngày để khám phá vùng đất nhiều người da màu vào loại nhất nhì nước Mỹ. Đỗ Trung Quân và Quốc cùng vài bạn nữa thiết kế cho tôi được diễm phúc đi gặp những kiều bào của mình đang phải tha hương xứ người. Đến khi ấy, “gấu rừng” mới thực sự là “tay anh chị” trong quan hệ mà vị trí xông xáo ở Sài Gòn đã tạo cho. Tôi nhìn thấy ở Quốc một tấm lòng trải ra với những người Việt chung với chúng ta máu đỏ da vàng, thấy ở Quốc một chiếc cầu chân thành để bạn bè có thể qua lại một cách hữu ích và tôi cũng luôn thấy ở Quốc thứ tình người vừa bản năng vừa dào dạt khiến người ta muốn nối dài quan hệ cho dù hai bên có thể cách nhau bằng cả Thái Bình dương.


             Quốc hứa với chúng tôi là sẽ viết sách về chuyến đi ngắn ngủi này. Tôi thành thật hoan nghênh và tin cậy, bởi cũng chỉ có thêm 1 ngày với một bạn văn gần 20 năm mới gặp lại, tôi đã chứng kiến Quốc suy tư và thành thật như thế nào trong hành xử cũng như trong công việc và trong văn chương...      

              
D.N

Chia sẻ liên kết này...



Add comment


Việt Tuấn Trinh | www.viettuantrinh.com