Mục lục |
---|
Lê Minh Quốc - MỘT NGÀY Ở MỸ |
Thay lời tựa - Nhà văn NGUYỄN NHẬT ÁNH |
1 |
2 |
3 |
4 |
5 |
6 |
7 |
8 |
9 |
LỜI BẠT ĐI MỘT NGÀY ĐÀNG Nhà văn DẠ NGÂN |
Tất cả các trang |
KHI NGƯỜI VIỆT ĐI XA
(Thay lời tựa)
Nhà văn NGUYỄN NHẬT ÁNH
1.
Lê Minh Quốc đi Mỹ một tháng, về nhà chìa cho tôi bản thảo Một ngày ở Mỹ, nói “Ông viết giùm tui lời giới thiệu”. Tôi nheo mắt “Ông qua bển ở một tháng lận mà, sao bảo một ngày?”. Quốc cười méo xẹo “Một tháng ở Mỹ cũng là cưỡi ngựa xem hoa thôi. Đất nước người ta rộng mênh mông, tôi biết bao lăm mà dám huênh hoang. Tôi chỉ viết theo cái ý “đi một ngày đàng học một sàng khôn” thôi”.
Tôi ngạc nhiên về Lê Minh Quốc quá. Lần trước anh đi Hà Lan 7 ngày, về viết cuốn Du lịch của người câm. Nay đi Mỹ một tháng, về viết cuốn này. Mà toàn là đi lần đầu tiên, cái gì cũng không biết, cái gì cũng gặng hỏi. Chắc cái thú quan sát, ghi chép của một nhà báo ở trong anh phải mạnh mẽ lắm. Có cái say mê đó, đi một tháng có khi sự thu thập bằng người đi một năm. Ờ, suy cho cùng đối với người viết du ký vấn đề không phải là anh đi bao lâu mà là anh đã nhìn thấy gì và ghi nhận được gì trong thời gian đó. Thời lượng của chuyến đi tất nhiên là quan trọng nhưng chất lượng của chuyến đi xem ra còn quan trọng hơn.
Xưa nay, các nhà văn xứ ta mỗi lần có dịp đi đến chốn lạ đều có thói quen ghi chép. Qua Pháp, Phạm Quỳnh viết Pháp du hành trình nhật ký, Nhất Linh viết Đi Tây. Qua Tàu, Lê Văn Trương viết Ba tháng ở Trung Hoa, Nguyễn Tuân viết Một chuyến đi. Qua Cao Mên, Nguyễn Hiến Lê viết Đế Thiên Đế Thích... Đi xa cũng viết. Đi gần cũng viết: Phạm Quỳnh có Mười ngày ở Huế, Nguyễn Hiến Lê có Bảy ngày trong Đồng Tháp Mười...
Bây giờ Lê Minh Quốc có Một ngày ở Mỹ. “Mười ngày”, “bảy ngày” hay “một ngày” cũng chỉ là một cách nói. Nó cho thấy ham muốn nghe và nhìn, nhớ và ghi là thói quen, thậm chí là bản năng của người cầm bút.
2.
Lê Minh Quốc viết Một ngày ở Mỹ có điều bất lợi. Cuốn sách ra đời trong thời điểm nước Mỹ đã không còn là một quốc gia xa lạ, so với chục năm trước đây sự qua lại giữa Mỹ và Việt Nam đã nhộn nhịp hơn nhiều. Bây giờ người Việt qua Mỹ và người Việt ở Mỹ về Việt Nam là chuyện bình thường: ngoài những điều mắt thấy tai nghe, trong những cuộc trà dư tửu hậu người ta đã thuật cho nhau biết bao nhiêu là chuyện về nước Mỹ. Chưa kể, trong bối cảnh bùng nổ thông tin với sự trợ giúp tuyệt vời của internet như hiện nay, trái đất hầu như không còn xó xỉnh nào không được phơi ra ánh sáng, nói gì một nước to đùng như nước Mỹ. Nước Mỹ ngày nay rõ ràng gần gũi hơn nhiều so với Singapore thời Tự Đức: “Tân-Gia từ vượt con tàu/ Mới hay vũ trụ một bầu bao la” (Cao Bá Quát). Mới hôm qua đây thôi, lúc đang ngồi đọc bản thảo này của Quốc, tôi thoáng thấy kênh truyền hình HTV3 hăm hở giới thiệu chương trình Tìm hiểu văn hóa Mỹ, được quảng cáo là sẽ phát vào lúc 21 giờ chủ nhật hằng tuần, liền giật mình nghĩ: “Thôi rồi, Quốc ơi!”.
Nhưng đọc kỹ Một ngày ở Mỹ, lại thấy Lê Minh Quốc có cái lợi của người đến sau. Với những người đã có hiểu biết ít nhiều về nước Mỹ, người ta đang tò mò chờ đợi xem cái anh “Lý Toét” Lê Minh Quốc cảm nhận về nước Mỹ như thế nào, có gì giống họ và khác họ không.
Giống, thì giống nhiều! Vì những điểm nổi bật của xã hội Mỹ nó sờ sờ ra trước mắt, ai cũng thấy, chẳng hạn về tinh thần thượng tôn pháp luật và ý thức tự giác cao của người Mỹ trong sinh hoạt cộng đồng, về những quan tâm đặc biệt mà pháp luật và xã hội dành cho người tàn tật và trẻ em, về ý thức bảo vệ thiên nhiên và động vật hoang dã, về trật tự xã hội và an toàn giao thông, v. v...
Nhưng cuốn sách của Lê Minh Quốc có những cái khác, cái riêng rất thú vị, nhất là những thông tin so sánh. Lâu nay, Lê Minh Quốc biên soạn nhiều đề tài, nhiều lãnh vực: từ báo chí, giáo dục, doanh thương đến chữ viết, địa chí, lịch sử. Với tư cách nhà tư liệu học, trong cuốn sách này anh hào hứng nhắc đến người Việt Nam đầu tiên đến Mỹ và người Mỹ đầu tiên đặt chân đến Việt Nam, anh nhắc đến Bùi Viện, đến John Briggs, John White, Edmund Robert; thấy dân Mỹ được phép mua súng phòng thân, anh lại nhắc chúng ta nhớ đến thế kỷ 18, do giặc cướp nhiều nơi nổi dậy chúa Trịnh Giang đã từng cho phép dân đinh tự sắm lấy vũ khí chống giặc (mặc dù sau khi phép tắc này ban ra, giặc giã còn loạn hơn vì người mua vũ khí nhiều nhất là... giặc cướp!) - những chi tiết có lẽ không phải ai cũng biết. Bên cạnh đó, với cảm xúc của một nhà thơ, đang ở Mỹ anh lại cảm khái nhớ đến Hồ Dzếnh, Thạch Lam, Hàn Mặc Tử, Nguyễn Bính, Bùi Giáng và những liên tưởng bất ngờ này khiến cho cuốn sách của anh thêm phần tự nhiên, khoái hoạt.
3.
Không chỉ nhắc đến Bùi Giáng, Lê Minh Quốc còn hăng hái noi gương nhà thơ đồng hương của mình bằng cách chen thơ vô bất cứ chỗ nào chen được. Đặt chân xuống sân bay cũng làm thơ. Không nói được tiếng Mỹ, thèm tiếng Việt, ước chi cả nước Mỹ... đều nói tiếng Việt để mình đỡ khổ cũng làm thơ. Gặp cô gái đẹp đang cười với ai đó, tưởng cười với mình, cũng làm thơ. Và bài thơ Quốc viết khi đến thăm Bảo tàng nhạc Jazz, thứ âm nhạc bất hủ của người da đen, theo tôi là một trong những bài thơ hay nhất của Quốc từ trước đến nay: “Chảy xuống từ trời đen một dòng đen/ âm nhạc đen thế giới màu đen/ nhẹ nhàng nốt nhạc đen/ như dòng lệ em/ lăn qua tình yêu đen/ thời gian khoảnh khắc đen/ từng giọt đen/ từng giọt/ từng giọt/ tôi đưa tay che lấy ngực/ một dòng đen đang nhói trong tim/ tiếng kèn man dại/ đen đen đen/ những thân phận da đen/ tiếng nấc lên men/ cỏ dại hoa hèn/ ngàn năm từ đá/ bật lên những chồi đen/ hy vọng...”. Tôi rất thích bài thơ này, như tôi từng thích bài thơ Đen của Thanh Tâm Tuyền trước đây, có lẽ đó là tâm trạng của người hồi bé đã mê truyện Túp lều của bác Tom của Harriet Beecher Stowe và lớn lên lại yêu thích nhà thơ Mỹ lừng danh Langston Hughes, một thi sĩ da đen “đen như đêm tối/ đen như chiều sâu thăm thẳm của châu Phi”. Đọc bài thơ của Quốc, tôi thích đến nỗi đùa với anh “Đọc du ký của ông, tôi mới biết ông... mạnh về thơ”!
4.
Một điều tôi nôn nao khi đọc tập bút ký này là chờ xem Lê Minh Quốc có nhắc gì đến người Việt ở Mỹ hay không. Tôi chờ đợi điều đó, bởi vì khi gặp người Việt trên đất Mỹ, bao giờ tôi cũng cảm thấy mừng rỡ và xúc động lạ lùng, cái cảm giác như khi tôi rời quê vào Sài Gòn học đại học bất chợt gặp một người nói tiếng Quảng Nam - cái mừng rỡ “tha hương ngộ cố tri”. Người Việt trên đất Mỹ có thể không quen biết, có thể không phải “cố tri”, nhưng đó là “người Việt mình” - những đồng bào lưu lạc tha hương nơi đất khách quê người. Cái tình cảm thiêng liêng của người cùng một giống nòi nó thắm thiết lắm, nó vượt lên trên mọi bất đồng, nó biến mọi thứ khác thành tiểu tiết.
Nhớ hồi lần đầu tôi đến Mỹ, 8 giờ sáng ra ngồi ngoài hiên nhìn mưa bay lất phất, tự nhiên thấy nhớ nhà kinh khủng. Cũng lạ, ba mẹ tôi, tất cả anh em ruột thịt của tôi đều ở bên cạnh, thế mà tôi lại nhớ nhà. Hóa ra nhà trong tâm khảm người Việt không chỉ là gia đình ruột thịt mà còn là không gian là cảnh vật gắn bó với ta từ thuở ấu thơ, thậm chí từ nhiều đời, là tiếng mưa rơi trên mái tranh trên tàu lá chuối, là tiếng cuốc trưa hè, là những hình ảnh thấm vào ký ức và tình cảm ta một cách hữu hình lẫn vô hình... Ở Việt Nam, nhiều người nói “đi thăm nhà”, tức là đi qua Mỹ thăm gia đình. Nhưng đến Mỹ họ lại thấy “nhớ nhà”, tức là nhớ Việt Nam. Giống hệt như tôi. Lạ ghê!
May là Lê Minh Quốc đã nhìn ra điều này. Anh nhắc đến những “mảnh vườn Việt Nam” với cây bí, cây bầu, cây nhãn, cây xoài, cây cà chua, cây chuối, cây ớt, giáp cá, tía tô, húng quế... Đó là quê hương thu nhỏ đối với người Việt xa xứ. Quốc viết “Mảnh vườn của người Việt trên nước Mỹ là nơi người ta gửi gắm nỗi niềm bàng bạc nhớ quê”. Đúng quá! Mà ngay cả Quốc cũng thế: “mới xa nhà dăm ngày đã thấy não lòng huống gì những người già sống lâu dài ở Mỹ”.
Có lẽ người Việt xa quê nào cũng thế, không cứ là người già. Tôi nhớ bài tập đọc Chỗ quê hương đẹp hơn cả trong sách Quốc văn giáo khoa thư kể chuyện một người đi du lịch đã nhiều nơi, hôm về nhà hàng xóm láng giềng đến chơi rất đông. Có người hỏi “Ông đi du sơn du thủy, tất đã trông thấy nhiều cảnh đẹp, vậy ông cho ở đâu là thú hơn cả”. Người đó trả lời “Cảnh đẹp mắt tôi trông thấy đã nhiều, nhưng không đâu làm cho tôi cảm động, vui thú bằng lúc trở về chốn quê hương, trông thấy cái hàng rào, cái tường đất cũ kỹ của nhà cha mẹ tôi. Từ cái bụi tre ở xó vườn, cho đến con đường khúc khuỷu trong làng, cái gì cũng gợi ra cho tôi những mối cảm tình chứa chan, kể không sao xiết được”. Cái hàng rào đó, cái tường đất đó, cái bụi tre quanh con đường làng khúc khuỷu đó, thiết tưởng người Việt nào đi xa cũng mang theo trong lòng.
Lại nhắc chuyện tôi ngồi nhìn mưa bay bên Mỹ. Thấy mưa sao giống mưa bên nhà, lòng tự nhiên bồi hồi quá thể. Bỗng nghe tiếng chó sủa vẳng ra từ dãy nhà trước mặt, tiếng sủa giống y con Vàng, con Vện ở quê. Tôi mừng quýnh, chạy vô đập thằng em dậy, rối rít khoe: Này, tao vừa nghe tiếng chó sủa. Không phải chó bécgiê. Nó sủa y như mấy con chó nhà ngoại mình dưới quê. Thằng em chạy ra dòm, nói: Gia đình đó người Lào! Hóa ra không phải chó Việt, mà là chó Lào. Tôi thất vọng quá, nhưng rồi tự an ủi: Nước Lào ở kế mình, tuy tiếng Lào khác tiếng Việt, nhưng chó Lào sủa cũng không khác chó Việt là mấy, nó sủa cũng giống chó quê mình, không ra “ngoại ngữ” lắm! Nghĩ vậy, tự nhiên đỡ buồn!
Cho nên, thật dễ hiểu mà cũng thật cảm động khi Lê Minh Quốc bùi ngùi kết luận “Trong khi làm vườn với tâm thế hướng về quê hương, tìm lại những hình ảnh cũ thì cũng chính lúc ấy người Việt xa quê bắt đầu chớm lên tình yêu gắn bó với vùng đất đai của xứ sở mới”, chính vì xứ sở mới đã mang hình bóng của quê hương qua những trái bí trái bầu...
Đó cũng là những hình ảnh và những cảm nhận Lê Minh Quốc dành để khép lại tập bút ký Một ngày ở Mỹ. Như để nói rằng, trong Một ngày ở Mỹ giới thiệu về nước Mỹ không phải là phần quan trọng nhất mà điều lớn hơn là khám phá tâm tình người Việt. Và cái tâm tình đó chỉ được chiếu rọi rõ nét hơn khi người Việt đi xa, cụ thể là... đi Mỹ.
N.N.A
< Lùi | Tiếp theo > |
---|