Hiện là phóng viên báo Phụ nữ TP. HCM, sống bằng nghề viết báo, trước đó học ở khoa Ngữ văn Đại học Tổng hợp TPHCM và trước nữa thì đã từng chiến đấu ở chiến trường Campuchia. “Lý lịch đời” của Lê Minh Quốc là vậy, còn chuyện viết lách, bảng liệt kê tác phẩm của anh đủ dày dặn để lên chức “nhà”. PV Thể thao và Văn hóa đã gặp và phỏng vấn Lê Minh Quốc.
Trong thơ, tiểu thuyết, tiểu phẩm hài, báo… anh có thể tự khoe tác phẩm ở loại hình nào anh ưng ý nhất, vì sao và tác phẩm đó anh thai nghén như thế nào?
- Tôi viết ở nhiều thể loại là do nhu cầu của đời sống. Nếu giàu có thì tôi sẽ không viết gì cả - ngoại trừ viết thơ. Tại sao? Đó là một nhu cầu của nội tâm. Viết không vì thúc bách của đời sống. Viết để mà được viết. Vậy thôi. Vì viết từ nhu cầu của nội tâm nên với tôi làm thơ không có chuyện… thai nghén.
Mảng sách danh nhân mà anh tham gia trong “Tủ sách Danh nhân” do FAHASA và NXB Văn học phối hợp thực hiện, được đánh giá khá thành công, anh có thể cho biết quá trình làm việc, thu thập tư liệu và hình thành tác phẩm như thế nào?
- Đến nay, tôi đã xuất bản Nguyễn Thái Học, Tướng quân Hoàng Hoa Thám, Nguyễn An Ninh - dấu ấn để lại http://www.leminhquoc.vn/lmq/van-xuoi/truyen-lich-su.html. Nghĩ lại, tôi vẫn còn rùng mình và ớn lạnh. Viết mảng sách danh nhân cực lắm, nhọc lắm, tốn kém thời gian lắm. Để viết về một danh nhân, trước hết tự thâm tâm tôi phải yêu họ. Công việc tuần tự như sau:
Một, tôi đọc toàn bộ tư liệu có được để phác họa chi tiết tiểu sử của nhân vật. Chi tiết càng nhiều thì sau này diện mạo nhân vật càng phong phú hơn.
Hai, tôi quan niệm không thể tách rời nhân vật ra khỏi thời đại mà họ đang sống. Vì vậy, tôi phải đọc thêm nhiều sách để tìm hiểu thời đó nhân vật ăn mặc như thế nào? Ngôn ngữ ra sao? v.v…
Ba, khi có tương đối đầy đủ tư liệu thì tôi bắt tay vào viết.
Thông thường tôi viết từng phần trong cuộc đời họ. Chia từng phần là do tôi căn cứ vào tiểu sử nhân vật. Tôi quan niệm: không cho phép nhà văn khi viết sách danh nhân được bịa thêm chi tiết. Nếu có bịa thêm - dù một chi tiết nhỏ - thì cũng phải căn cứ từ chứng thực của lịch sử.
Bốn, sau khi viết xong thì tôi đưa cho những nhà nghiên cứu, những nhà sử học am tường về nhân vật đó đọc trước, góp ý. Và bản thân tôi cũng đọc lại một lần nữa, sửa trực tiếp vào bản thảo.
Năm, cuối cùng, tôi ngồi đánh máy lại toàn bộ từng trang bản thảo. Đây là bản hoàn chỉnh mà tôi yên tâm gửi đến Nhà xuất bản.
Làm việc chu đáo như thế này sẽ giúp cho độc giả khi đọc một nhân vật, qua đó họ có thể hình dung ra cả một giai đoạn lịch sử - thời mà nhân vật đó đã sống và hành động. Đó cũng là điều tôi hài lòng khi đọc lại những tiểu thuyết lịch sử của mình. Và cũng xin được nói rõ: Viết tiểu thuyết lịch sử chính là lúc ta ngồi học lại lịch sử. Thú vị lắm và các sự kiện lịch sử thấm vào ta thấm thía hơn.
Có lúc nào anh có ý định “định cư” ở một loại hình viết nào không vì thường thì “lắm mối tối nằm không”?
- Tôi chưa hề có ý nghĩ sẽ định cư ở một lĩnh vực nào cả, vì xác định mình chỉ là một người viết mướn, kiếm sống lương thiện bằng ngòi bút. Khi thiên hạ yêu cầu loại hình nào, nếu đủ khả năng thì tôi đáp ứng lời yêu cầu đó. Và như đã trả lời ở trên. Nếu giàu có thì tôi sẽ không viết gì nữa cả mà chỉ yên tâm làm thơ. Nghe qua có vẻ phách lối quá. Biết làm sao được khi mà mình biết rằng, với nghề cầm bút thì chẳng bao giờ… giàu có cả!
Có hai luồng ý kiến: 1.Văn chương là cái đẹp vĩnh cửa, người đời hiện tại có thấy thiết thực hay không không quan trọng. 2.Văn chương phải phục vụ cấp bách những yêu cầu của đời sống. Ý kiến của anh thế nào?
- Tôi nghĩ rằng, trong văn chương không dung nạp hai từ “vĩnh cửu”. Tác phẩm ném ra giữa trần gian gió bụi này, không vọng lại tiếng vang mà tự nhủ rằng văn chương mình có sứ mệnh vĩnh cửu cho thế hệ sau, theo tôi, đó chỉ là sự ngụy biện.
Nếu tác phẩm trứ danh Truyện Kiều của đại thi hào Nguyễn Du, sau nhiều năm nằm trong ngăn kéo, bây giờ mới công bố thì tôi tin rằng, công chúng không đón nhận nồng nhiệt như thời điểm thập niên 20 của thế kỷ XIX, và có thể công chúng của thế kỷ này lại thờ ơ nữa là khác. Nói rốt ráo như thế vì tôi quan niệm dù khoác cho văn chương chiếc áo nào hoặc vĩnh cửu hoặc phục vụ yêu cầu bức xúc của thời cuộc thì bản thân của nó phải ra đời đúng thời điểm nhà văn sáng tác. Và điều quan trọng là tự bản thân tác phẩm văn chương đó phải tạo được dấu ấn cho người đọc của thời đại đó. Xin nhấn mạnh, sự tạo dấu ấn này là do chính tác phẩm chứ không do sự áp đặt của một thế lực nào. Sự áp đặt của thế lực nào đó chỉ tạo nên những dấu ấn giả và nhất thời.
Tác phẩm đầu tay của anh ra đời như thế nào và đến bây giờ còn lưu giữ điều gì trong anh?
-Tập thơ http://www.leminhquoc.vn/lmq/tho/tap-tho/670-trong-coi-chiem-bao.html Trong cõi chiêm bao (NXB Văn Nghệ, 1989) ra đời, đối với tôi là mối tình đầu hồn nhiên và trong sáng. Tôi vẫn còn nhớ đến nó như nhớ một kỷ niệm của thời tuổi trẻ. Sự hồn nhiên trong sáng và vụng về trong sáng ấy đáng yêu biết chừng nào.
Một vài nhà văn, nhà thơ trong và ngoài nước mà anh có thể đọc đi đọc lại nhiều lần?
- Nhà văn trong nước tôi thích là Vũ Trọng Phụng, Nam Cao - họ là người mà bao giờ đọc tác phẩm của họ, tôi vẫn giữ nguyên cảm giác thích thú như mới đọc lần đầu tiên trong đời. Sướng lắm. Thơ trong nước tôi thích thơ Xuân Hương và những thơ trào phúng khuyết danh. Càng đọc càng thấy họ là những người đúc chữ lão luyện. Nhà văn nước ngoài tôi thích đọc Bồ Tùng Linh. Bộ Liêu trai chí dị của ông, tôi đọc nhiều lần, đọc qua nhiều bản dịch khác nhau mà tôi sưu tầm được. Thơ nước ngoài tôi thích đọc Walt Whitman. Lá cỏ của ông là thơ, là thuốc nổ, là tự do, dân chủ… là tất cả. Thử hỏi, tôi không thích thơ W.Whitman sao được khi đọc một câu thơ lấp lánh: “Bạn muốn gặp lại tôi, hãy tìm nó dưới đế giày của bạn”.
Hiện anh đang viết gì thế và cuộc sống gia đình của anh ra sao?
-Hiện nay tôi đang viết báo. Công việc thường xuyên, chuyên cần, chăm chỉ mỗi ngày. Tôi đang tìm kiếm một nhân vật mà mình thật sự yêu thích để viết truyện danh nhân, đến nay chưa tìm ra nên còn ngắc ngứ hoài. Cuộc sống gia đình của tôi cũng như mọi người dân lương thiện khác, có hộ khẩu có nghề nghiệp ổn định. Tôi hài lòng với cuộc sống gia đình và biết ơn đời sống này.
Mai Nam (thực hiện)
(nguồn: báo Thể thao Văn hóa ngày 15.4.1997)
< Lùi | Tiếp theo > |
---|