VĂN XUÔI Truyện dài Lê Minh Quốc - THỜI CỦA MỖI NGƯỜI

Lê Minh Quốc - THỜI CỦA MỖI NGƯỜI

Mục lục
Lê Minh Quốc - THỜI CỦA MỖI NGƯỜI
CHƯƠNG HAI
CHƯƠNG BA
CHUONG BỐN
CHƯƠNG NĂM
CHƯƠNG SÁU
CHƯƠNG BẢY
CHƯƠNG TÁM
CHƯƠNG CHÍN
Tất cả các trang

thoicuamoi-nguoi

Bản in của NXB Đồng Nai - 1996


THOI-CUA-MOI-NGUOI-r

Bản in NXB Trẻ - 1991

CHƯƠNG MỘT

Ngày tháng chưa xa,
Các chiến hữu thương nhớ,
Vậy là tao đã trở thành thường dân. Người lính đã cởi chiếc quân phục màu xanh của rừng. Để xa cánh rừng mà mình gắn bó suốt một thời trai trẻ. Để trở về với hai bàn tay không và làm lại từ đầu. Làm lại tất cả. Kể cả việc học chữ. Nhưng bắt đầu từ đâu thì thú thật, đến bây giờ, tao vẫn chưa biết phải làm gì cả. Bước vào quân ngũ thì hồi đó tao mới tốt nghiệp phổ thông. Chẳng có một nghề ngỗng nào cả. Những xí nghiệp, cơ quan đều né bộ đội phục viên như ghẻ né ruồi. Bởi đây là những thằng làm việc bằng tác phong người lính. Nói thẳng ruột ngựa. Nói sự thật. Cho nên thiên hạ không thích là cũng đúng. Bằng những giấy chứng nhận, những huân chương, huy hiệu, kể cả giấy thương binh – vậy mà không xin được việc làm thì kể cũng lạ phải không các chiến hữu. Trong khi đó, có những thằng ma cà bông cứ nằng nặc mua lại những thứ giấy tờ này với giá rất đẹp. Nhưng tao từ chối. Có ai lại đi bán kỷ niệm bằng máu của mình bao giờ ?
Từ ngày về đây, tao vẫn được gặp lại những người bạn cùng đơn vị. Tình cảnh mỗi đứa như thế nào thì tao sẽ kể sau. Bọn mày còn nhớ ông Đính không ? Ông Đính có râu xồmg hay khạc nước bọt xuống đất mà hồi đó làm chủ tịch phường đó. Nhớ chưa ? Buổi chiều ảm đạm như trời sắp mưa, bọn mình đã tụ tập trong hội trường phường để nghe ông Đính quán triệt về nghĩa vụ người thanh niên. Ông ta nói :
- Một năm bắt đầu từ mùa xuân. Một đời bắt đầu từ tuổi trẻ. Tuổi trẻ là mùa xuân của nhân loại. Bác Hồ đã dạy thế hệ thanh niên chúng ta như vậy. Chúng ta quyết tâm thực hiện lời Bác. Ngày xưa, lớp cha anh chúng tôi đã lên đường vào Nam, vượt Trường Sơn đi chống Mỹ, cứu nước, với tâm trạng phơi phới mùa xuân như lời thơ của thi sĩ Tố Hữu “Xẻ dọc Trường Sơn đi cứu nước. Mà lòng phơi phới dậy tương lai.” Tuổi trẻ là tuổi của ước mơ. Không tính toán thiệt hơn. Không lùi về phía sau để hưởng thụ cái bả vinh hoa. Tuổi trẻ phải xông lên tuyến trước. Phải nhắm thẳng vào quân thù mà bắn. Phải lập được những chiến công hiển hách cho địa phương chúng ta. Phải đi đầu trong sự nghiệp bảo vệ và xây dựng Tổ quốc. Các bạn có đồng ý như vậy không ? Thưa các bạn, ngay từ giờ phút này, tôi xin phép được gọi các bạn là đồng chí - Một danh từ thiêng liêng nhất. Các đồng chí có quyết tâm lên đường bảo vệ và xây dựng Tổ quốc không ?
Chao ôi ! Những lời lẽ ấy hùng hồn biết bao nhiêu. Tuyệt vời biết bao nhiêu. Tao còn nhớ là hôm đó cả rừng người đồng thanh hô to “Quyết tâm ! Quyết tâm ! Quyết tâm !”. Tiếng hô khẩu hiệu bật ra từ lồng ngực tinh khôi. Hăm hở biết bao nhiêu. Nhiệt huyết biết bao nhiêu. Ngay lúc ấy nếu được trang bị vũ khí, được đưa ra tuyết đầu thì bọn mình đã hàng loạt xung phong… Tao còn nhớ là buổi chiều hôm đó thằng trưởng ban văn xã phường còn cầm micro đọc thơ - những vần thơ như thắp thêm lửa đỏ trong lòng:
Tổ quốc ơi hãy trao tôi cây súng
Thân tôi đã dài, vai tôi đã rộng
Tôi bắn kẻ thù “đoàng ! đoàng ! đoàng !”
Dưới ngọn cờ Tổ Quốc vinh quang…
Bây giờ nhớ lại tao bỗng thấy nực cười. Sao mà ngây ngô. Sao mà ấu trĩ đến thế. Đó là buổi chiều cuối cùng để ngày mai vào quân trường. Ông Đính nói hay như một nhà hùng biện. Ấy thế mà… Bọn mày có biết gì không ? Đừng có vội la làng lên, cứ bình tĩnh nghe tao kể tiếp.
Có lẽ, nhờ tài ăn nói như vậy hoặc nhờ mả tổ của ông Đính chôn phải hàm rồng nên suốt mấy năm bọn mình đi bộ đội thì ông ta vẫn còn ngồi ở ghế chủ tịch phường. Nhân viên đánh máy của phường là chị Hà. Chị ta được nhận vào làm văn thư từ khi li dị chồng. Gái một con trông mòn con mắt. Ông Đính vốn là người ham của lạ, nên không bỏ qua món quà béo bở dưới tay mình. Không biết bộ râu xồm với cái tật hay khạc nhổ dưới đất, ông Đính đã nói, đã tán tỉnh, dụ dỗ như thế nào mà chị ta lại xiêu lòng. Chuyện mây mưa xảy ra như cơm bữa trong cầu tiêu của Ủy ban phường. Mọi người biết chuyện đó và bàn tán to nhỏ. Thấy không có lợi cho quyền bính của mình nên ông ta đã cho chị Hà nghỉ việc. Quyết định nghỉ việc của chị Hà được nêu rõ lý do “Không hoàn thành nhiệm vụ của cơ quan”. Mọi người đều biết quyết định ấy. Và từ đó không thấy bóng dáng chị Hà đâu nữa ! Có tin đồn là chị ta xấu hổ vì chuyện ăn nằm với ông chủ tịch phường nên đã trốn đi lập nghiệp nơi khác. Có thể là vượt biên cũng nên. Sự đời có ai ngờ trước chuyện gì sẽ xảy ra. Cho đến một hôm, chỉ còn vài ngày nữa là bầu cử Hội đồng nhân dân các cấp. Bác bảo vệ cơ quan tích cực quét dọn, trang hoàng lại Ủy ban. Bác ta lên sân thượng chăm sóc tưới tiêu những chậu cây kiểng. Ngay chỗ cây bông giấy được trồng trong thùng phi có ụ mối đụn lên, bác ta liền lấy xẻng đập vỡ thì hỡi ôi ! Bất chợt, bác bảo vệ rú lên và bỏ chạy như bị ma rượt. Thì ra đó là xương cốt của một người đã chết. Các cơ quan chức năng đã điều tra và kết luận như sau : Ông Đính sau khi ăn nằm với chị Hà, biết chị ta có bầu với mình. Một việc hủ hóa về đạo đức sắp sửa phơi ra trước mặt mọi người. Sắp đến ngày bầu cử Hội đồng nhân dân với tai tiếng rành rành như vậy thì làm sao mà ông ta có thể giữ được ghế ? Ông Đính đã nhẫn tâm ác độc giết chết chị Hà. Cái chết của chị là bằng chứng về sự trong sáng trong lý lịch chính trị của một chủ tịch phường đương nhiệm, nếu sự việc không đổ bể, sự việc bị ém nhẹm. Nhưng trời cao có mắt. Hiện nay ông Đính đã nằm trong nhà đá để ăn năn tội lỗi của mình.
Bây giờ nghĩ lại những lời hô hào của ông ta, tao cảm thấy lợm giọng như muốn buồn nôn. Còn thằng trưởng ban văn xã thì đã về hưu. Nói cách khác là hắn về nhà đuổi gà, đuổi vịt cho vợ bằng những vần thơ dám dớ của hắn. Vì lý do gì thì bọn mày có biết không ? Năm 1979 – khi chiến tranh Tây Nam bùng lên dữ dội và bọn mình đang nằm ở biên giới thì tại địa phương người ta kêu gọi những thanh niên đi thi hành nghĩa vụ quân sự. Mặc dù làm thơ thì rất mùi mẫn như cải lương, lúc nào cũng kêu gào lên về lòng yêu nước nhưng khi có giấy gọi thi hành nghĩa vụ thì hắn là người đầu tiên chống lệnh. Hắn bỏ trốn lên rừng theo bọn đào vàng. Lên rừng ở vài năm hắn mò về địa phương với cơn bệnh sốt rét. Da dẻ bủng beo như con khỉ đột. Nhờ vậy, nhờ không đủ sức khỏe nên hắn cứ phây phây ở nhà khỏi phải nhập ngũ. Sau khi ông Đính đi tù thì hắn là người kể tội ông ta nhiều nhất. Trong những tội lỗi của ông cựu chủ tịch phường thì tao nhớ nhất chuyện này. Chắc bọn mày cũng không ngờ vậy đâu.
Bọn mày còn nhớ thằng Thuận – con trai của ông Đính không ? Buổi chiều họp tại Ủy ban phường để chờ nghe những lời giáo huấn của ông Đính thì chính hắn là người viết tâm thư bằng máu để xin nhập ngũ. Hội đồng quân sự không đồng ý vì thằng Thuận đã có giấy gọi vào Đại học Bách Khoa. Hành động của hắn đã được nêu lên như một tấm gương về lòng yêu nước. Dù không vào bộ đội, nhưng đêm nào ở cái loa phát tin của phường cũng oang oang về “người tốt việc tốt” đại để là “Trong chương trình thanh niên đêm nay, chúng tôi xin phát thanh tấm gương xung phong vào bộ đội của anh Ngô Thuận. Dòng máu nóng của một gia đình có truyền thống cách mạng đã hun đúc trong tâm trí của anh từ lúc còn ngồi ghế nhà trường. Anh ngày đêm lắng nghe tiếng gọi của đất nước lúc lâm nguy, anh ăn không ngon và anh ngủ không yên khi biên giới Tây Nam có giặc giày xéo lên mảnh đất thân thương yêu dấu. Anh đã cắn máu ở tay để viết tâm thư. Ôi ! Dòng máu của thời Đinh, Lý, Trần, Lê đã…”. Toàn là một giọng bốc phét, bốc thối của thằng trưởng ban văn xã. Bây giờ trở thành “phó thường dân”, thì hắn mới oang oang cái mồm:
- Ối dào ! Hồi đó tui là thiên lôi. Ai sai đâu thì đánh đó. Bài văn vẻ đó là do ông Đính ổng viết, ổng biểu tui thì tui đọc. Hì, hì…
Và hắn còn tiết lộ về cái giấy gọi vào Đại học của thằng Thuận là giấy giả. Tất cả chỉ là một màn kịch cọt của ông Đính. Màn kịch được kết thúc tuyệt đẹp. Thằng Thuận không trở thành bộ đội mà trở thành Việt kiều. Sau đó, sợ nội vụ đổ bể nên ông Đính lo lót cho nó vượt biên. Khi nghe tin cha nó bị tù vì tội giết người thì thằng Thuận có về thăm quê. Mấy đứa con nít ở phường mình mới hát chọc ghẹo rằng :
Hôm xưa anh vốn Việt gian
Vượt biên trót lọt hóa sang… Việt kiều !
Sau giải phóng đến nay, với câu ca dao này nói lên rất nhiều điều, quần chúng vốn thông minh và nhạy cảm với mọi thời tiết chính trị. Thằng Thuận vẫn giống như xưa. Vẫn giọng nói hơi ngọng như thuở nào. Có điều hắn mập hơn trước và không ăn được nước mắm. Còn tao, tao ốm hơn trước và không có được nước mắm để mà ăn. Ôi ! Sự đời sao trớ trêu quá vậy ?
Tao tạm dừng bút ở đây. Hẹn thư sau tao sẽ viết dài hơn, tâm sự nhiều hơn. Chúc bọn mày luôn hoàn thành nhiệm vụ và bình yên vô sự.
Thân tình,
Chiến hữu Dũng B.40.
*
Cánh rừng im ắng đến lạ thường. Đêm nay không có trăng. Vầng trăng còn mải mê đi viễn du với những mối tình của thiên nhiên vĩnh cửu. Bóng tối chập chùng. Tiếng côn trùng kêu rỉ rả. Thằng Hổ cầm AK đi dọc theo chiến hào với đôi mắt căng ra phía trước để quan sát. Tổ quốc là chiến hào biên giới. Chỉ cần bước ra khỏi dãy thông hào, một bước chân thôi, là đã chạm vào đất bạn. Người ta phân chia biên giới của mỗi nước để làm gì ? Đến một ngày nào đó, trái đất này sẽ không còn biên giới, không còn cách ngăn bởi lòng thù hận, tất cả sẽ được nối liền nhau bằng lòng hữu nghị và yêu thương. Thằng Hổ tần ngần đứng lại vị trí AI và tì súng trên bờ chiến hào. Một cơn gió thổi nhẹ qua với mùi hương rừng thơm dìu dịu đã làm hắn tỉnh ngủ. Cuộc đời người lính gắn liền với những phiên gác đêm. Sao đêm nay dài quá vậy ? Thằng Hổ là thương binh đầu tiên của đơn vị. Một thương binh xin ở lại chiến đấu cùng đồng đội.
Tháng 10.1978 trung đoàn Quyết Thắng được lệnh hành quân khẩn cấp ? Đi đâu ? Về đâu ? Cánh lính tân binh chưa được phổ biến điều đó. Trong lòng họ chỉ có lòng nhiệt tình và sự hăm hở được lao về phía trước. Trước khi rời khỏi địa bàn nằm dọc theo đường 14B, một số chiến sĩ được lệnh gặp riêng Chính ủy trung đoàn, trong số đó có thằng Hổ. Sau khi nghe những lời dặn dò của Chính ủy thì hắn bật lên tiếng khóc. Tiếng khóc hồn nhiên như một đứa trẻ. Chính ủy nói :
- Do nhiệm vụ của đơn vị phải hoàn thành. Hoàn thành bất cứ giá nào, dù phải hy sinh nhiều xương máu nhất. Các đồng chí là những thương binh, những khó khăn riêng trong quan hệ xã hội và gia đình nên được cấp trên cho lui về tuyến sau. Để làm gì thì các đồng chí sẽ được phổ biến sau…
Chỉ được nghe ngắn gọn như vậy, nên những chiến sĩ này cũng không hiểu rõ tại sao, nguyên cớ gì cả. Riêng thằng Hổ thì buồn thật sự. Năm 1977 hắn xung phong đi bộ đội. Lý do của thằng Hổ cũng thật buồn cười. Năm học lớp 12 hắn mê một cô bạn cùng lớp. Mê như điếu đổ. Như bất cứ chàng trai nào mới lớn, Hổ cũng làm thơ để tặng người thương của mình. Rủi ro như một tai nạn không được báo trước, những lá thư và vần thơ sầu muộn đó đã được Thủy Tiên - tên cô gái - xé thành những mảnh vụn rồi bỏ vào trong một bì thư. Bì thư đó lại được trao về cho thằng Hổ. Cú sốc lớn lao nhất vào năm mười tám tuổi làm hắn buồn muốn khóc. Nhưng con trai mà khóc vì thất bại trong tình yêu là nhục. Thằng Hổ chỉ muốn bỏ trường, bỏ lớp để đi thật xa. Đi xa để khỏi nhìn thấy gương mặt Thủy Tiên đáng ghét, kênh kiệu kia. Và dịp may đã đến với Hổ. Mùa hè năm ấy có lệnh kêu gọi thanh niên đi nghĩa vụ quân sự. Bỏ ngoài tai sự khuyên can của bạn bè và thầy cô giáo, bỏ kỳ thi sắp tới - thằng Hổ đã làm đơn tình nguyện vào bộ đội. Cậu học trò cấp ba trong một buổi sáng thức dậy, đứng giữa đồi núi quanh năm chập chùng sương khói bỗng thấy mình trở thành người lính. Hình ảnh Thủy Tiên chỉ còn là một ảo ảnh xa vời vợi trong nỗi đau khôn nguôi. nhưng bù lại, thằng Hổ có cả một vòm trời mới với những người lính rất đáng yêu. Lẽ nào bây giờ lại phải xa nơi này ? Hắn rụt rè đến gần Chính ủy :
- Báo cáo thủ trưởng, tôi, binh nhất đại đội 7 xin được đề đạt nguyện vọng. Trong truy quét Funrô vừa rồi tôi có bị vướng mìn, nhưng chỉ bị thương nhẹ nên đơn vị vẫn bố trí công tác. Tự xét mình còn đủ sức khỏe nên tôi xin ở lại cùng đơn vị.
Chính ủy trung đoàn cầm tay thằng Hổ. Ông nhìn hắn chăm chú và nói giọng hơi khàn :
- Trường hợp thương tật của đồng chí và một số chiến sĩ khác thì cấp trên có biết, nhưng do điều kiện của đơn vị nên chưa tổ chức cho các đồng chí đi giám định được. Đồng chí tha thiết ở lại cùng đồng đội thì chúng tôi sẽ bàn bạc lại sau. Bây giờ đồng chí trở về đơn vị và cứ yên tâm công tác.
Khi nói những điều thân mật như trên thì ông cũng cảm thấy khó xử. Có nên cho thằng Hổ ở lại đơn vị hay không ? Trong khi đó mệnh lệnh của toàn sư đoàn đã phổ biến trong kế hoạch Z. Bước ra khỏi căn nhà của Chính ủy lòng thằng Hổ vẫn còn buồn rười rượi. Sau đó chuyện của hắn cũng mau chóng quên đi. Vào lúc nửa đêm có lệnh báo động của toàn trung đoàn. Các đại đội, tiểu đoàn nhanh chóng có mặt tại điểm tập kết. Cả gia tài của người lính được gói trọn trong chiếc ba lô. Gia tài ấy nặng chừng 40 ký lô và họ có cảm tưởng như mang cả trái đất trên vai mình. Từng cánh quân vượt qua đêm tối hằng chục cây số để về trung đoàn. Đêm ấy, thằng Hổ còn nhớ là mùa hoa cà phê đã tàn. Gió thổi lành lạnh và bụi đỏ xốc lên mũi. Họ đến điểm tập kết ung dung và không suy tính gì cả. Đâu có giặc thì ta cứ đi. Chỉ tiếc là không kịp chia tay từ giã với những người thân quen trong xóm làng. Những người dân lương thiện của vùng đất sát biên giới. Thôi giã từ những má, những chị, những em đã yêu thương người lính như con em, bè bạn của mình. Thằng Hổ còn nhớ, khi mới từ quân trường về đơn vị mới. Hắn lên đây thì gặp biết bao điều lạ lùng mà không sao hiểu được. Trong một lần đi tuần tra vào các buôn làng người dân tộc để đẩy lùi sự đột nhập của Funrô hắn đã gặp một má cho trái bầu to tướng, đi tiếp một đoạn nữa thì lại gặp một má khác cho thêm trái dưa hấu… Lần đầu tiên bắt gặp cảnh ấy, thằng Hổ ngỡ ngàng về mối quan hệ giữa dân với lính. Tại sao họ lại thương bộ đội như vậy. Có lần biết thằng Bảo lùn bị sốt rét, các má các chị lại kéo nhau vào đơn vị thăm hỏi và cho quà. Quà ở đây không phải là giấy khen với bằng khen xanh đỏ tím vàng sặc sỡ mà chính là những trái bầu, trái bí, những con gà con vịt rất thiết thực. Thằng Hổ bùi ngùi nhìn lại những buôn làng đã dần xa… Đến điểm tập kết, đội hình trung đoàn được di chuyển bằng xe cơ giới. Trong đời lính của thằng Hổ thì đây là một cuộc di động rầm rộ nhất, lớn nhất mà chính hắn là một trong hàng ngàn người lính đã có mặt kịp thời. Bám vào thành xe xốc nghiêng ngửa, thằng Dũng B.40 hỏi :
- Nè Hổ, mày có biết là đơn vị mình đi đâu không ?
Hắn mắt nhắm mắt mở vì bụi đỏ mịt mù :
- Chắc là đi tiếp viện cho trung đoàn Vinh Quang chăng ? Tao nghe đâu là dạo này vùng biên giới đánh nhau lớn lắm.
Thằng Dũng làm như hiểu biết hơn :
- Biên giới thì đâu mà không biên giới ? Bộ bọn mình không ở biên giới là gì ? Vậy bọn mình đi đâu vậy cà ?
Thằng Hổ nín thinh. À đơn vị đi đâu vậy ? Người lính đã quen với những lần báo động như thế này. Có khi là báo động giả để tập dợt chăng? Thằng Hổ có hỏi Chính trị viên đại đội, nhưng anh lắc đầu :
- Kế hoạch chưa được phổ biến, nhưng mấy cậu cứ sẵn sàng chiến đấu cho tốt. Dù đi đâu, làm bất cứ nhiệm vụ gì thì người lính cũng phải hoàn thành tốt nhiệm vụ của mình.
Nói xong đồng chí Chính trị viên Chương cười khà khà. Anh vẫn đứng bám một tay vào thành xe, một tay choàng lên vai thằng Hổ. Những chiếc xe vun vút lao về hướng mặt trời mọc. Ánh sáng từ từ xua tan dần bóng đêm…
Và sau đó, tất cả mọi người đều lầm. Mọi đoán non đoán già đều trật lất. Đội hình cả trung đoàn chẳng có lên biên giới, chẳng ra chiến trường nào cả ! Họ đã đến chân đèo An Khê để… an dưỡng. Để nghỉ ngơi. Xây dựng lại doanh trại. Không lẽ cấp trên lại chuyển tất cả trở thành những người lính xây dựng chăng ? Thằng Hổ tự hỏi như vậy ? Trong những ngày an dưỡng ở đây, thằng Dưỡng - bí thư chi Đoàn của đại đội thường cau có khó chịu. Điều gì làm hắn thay đổi tính nết đột ngột vậy ? Trước khi vào bộ đội, Dưỡng đã là đoàn viên thanh niên cộng sản. Hắn là một trong số ít ỏi vài người đã được kết nạp Đoàn tại địa phương, là đoàn viên trước khi mặc áo lính. Thằng Dưỡng nói với thằng Hổå :
- Mày biết tin gì mới chưa ?
- Tin gì ? Sắp được tăng phụ cấp cho cánh lính tân binh bọn mình à?
Thằng Dưỡng cau mặt :
- Đoán mò !
Dù bị chê trách là đoán mò, nhưng thằng Hổ vẫn hào hứng hát ì ò bằng giọng nghẹt mũi của mình “Em có biết chăng lương anh 5 đồng 6, anh tiêu rồi còn có 30 xu, tiền cà phê gửi hết cho em để em lấy chồng mà đi… quýnh bài là lá la”. Bài hát rất quen thuộc của anh em tân binh đã nhại một bài hát cũ để nghêu ngao cho đỡ buồn. Nghe vậy thằng Dưỡng càng cau có :
- Mày ngu quá ! Đơn vị an dưỡng ở đây để chuẩn bị thay cho trung đoàn bạn đang ở biên giới.
- Sao mày biết “tin mật” này vậy ?
Thằng Dưỡng kề tai thằng Hổ nói nhỏ :
- Tối hôm qua họp giao ban đại đội, tao có nghe đại đội trưởng tiết lộ như vậy. Nhưng mày phải giữ bí mật nghen ?
Tưởng cái tin gì mới, chứ chuyện đi chiến đấu thì có gì là lạ đâu ! Thấy thằng Hổ dửng dưng với nguồn tin mà mình đã bật mí thì thằng Dưỡng càng bực mình :
- Tao tưởng mày thông minh, chứ ai ngờ mày ngu quá vậy ?
Nói xong Dưỡng quay lưng bỏ đi. Thằng Hổ chẳng hiểu sao cả. Hắn lại cắm cúi lau súng và hát một mình “là lá la đi ta đi những trai làng Phù Đổng còn gì vui hơn đường ra trận mùa xuân, ôi, có những vì sao cùng ta đêm nay…” Tiếng hát vọng theo bước chân của thằng Dưỡng như muốn níu kéo lại những điều mà hắn đã suy nghĩ. Tâm tư của thằng Dưỡng thì thằng Hổ làm sao hiểu được. Dưỡng vốn là một thanh niên thức thời. Sau giải phóng, lúc mà mọi người còn rụt rè khi tiếp xúc với chính quyền cách mạng thì Dưỡng đã hăng hái công việc đoàn thể. Anh ta làm bất cứ nhiệm vụ gì khi được giao phó, từ giao liên cho đến phụ trách sinh hoạt thanh niên. Nhưng thức thời khôn khéo nhất của Dưỡng là bao giờ cũng lấy lòng ông Đính – chủ tịch Ủy ban phường. Khi ông Đính xây nhà thì Dưỡng là người tích cực chạy vật tư và kéo từng xe cát, xe gạch từ Ủy ban về cho ông Đính. Ai dám nói gì nào ? Đó là vật tư của cơ quan, nhưng ông Đính là người đứng đầu cơ quan thì lẽ nào ông ta không được quyền sử dụng ? Những ngày Tết, ngày lễ thì Dưỡng đều có những món quà nhỏ để biếu riêng cho đồng chí chủ tịch phường. Quan hệ giữa cấp trên với cấp dưới như vậy là có gì sai nào ? Nhờ vậy, nhờ lấy lòng một cách khôn khéo như vậy nên từ thằng giao liên chạy văn thư, Dưỡng đã được “cân nhắc” lên phụ trách thanh niên. Ôi ! Thời ấy mà. Cái thời ấu trĩ người ta chỉ nhìn thấy ông chủ tịch phường như là thấy Đảng. Đảng đã làm nên thắng lợi lịch sử của 30.4.1975. Một bước ngoặt lớn. Một cuộc đổi đời. Tất cả được xảy ra theo nhiều chiều hướng khác nhau, thậm chí trái ngược nhau, va chạm vào nhau đến khốc liệt. Lợi dụng buổi giao thời đó, thằng Dưỡng đã làm được điều mà mình ước mơ. Đó là đứng vào hàng ngũ của Đoàn. Huy hiệu Đoàn lấp lánh trên ngực áo là một vinh dự. Nhưng để gắn lên chiếc huy hiệu đó - không phải bằng tài năng và sức phấn đấu bền bỉ mà chính là sự luồn cúi để mưu lợi riêng cho mình. Vào Đoàn, vào Đảng gắn liền với mọi quyền lợi khác về chính trị lẫn kinh tế. Thử hỏi làm sao mà thằng Dưỡng không thích ? Những hạng người như Dưỡng - chính là nguồn gốc để trong tự điển Việt Nam có một cụm từ mới, được gọi một cách mỉa mai là “Cách mạng 30 tháng tư”. Khi được phụ trách thanh niên trong phường thì cũng là lúc Dưỡng được kết nạp vào Đoàn. Điều đó tất nhiên thôi. Đảng lãnh đạo Đoàn. Đoàn lãnh đạo thanh niên. Trước vài ngày thanh niên lên đường bảo vệ Tổ quốc, làm nghĩa vụ quân sự thì Dưỡng đã biết mình có tên trong đợt trúng tuyển đó. Dưỡng có đến nhờ ông Đính rút giùm tên của mình để… đi vào đợt sau. Nhưng ông Đính bảo :
- Mày ngu như con bú dù ấy. Đây là một trong những đợt đầu tiên sau giải phóng, mày vào quân đội vài ba năm thì về, chứ có chiến tranh chết chóc gì đâu mà lo ? Tính là phải tính dài lâu, phải có cái nhìn chiến lược thì đời mày mới khá lên được. Mày vào bộ đội ba năm là mày được vào Đảng. Mày có Đảng thì về địa phương mày “lên” mấy hổi ?
Ông Đính tính tình ít nói, nhưng đã nói là như đinh đóng cột. Phải là chỗ thân tình lắm ông Đính mới khuyên bảo chí lý chí tình như vậy. Cả địa phương này có mấy người là đảng viên nào ? Suy đi tính lại một cách cặn kẽ, Dưỡng có mặt lên đường cùng thanh niên trong phường. Vào quân trường ba tháng thì Dưỡng vẫn thường xuyên được cấp trên khen thưởng, biểu dương vì tính năng nổ, hoạt bát của mình. Ra sức phấn đấu như vậy là Dưỡng nhằm mục đích được giữ lại quân trường, chứ không bị chuyển về đơn vị chiến đấu. Nhưng tiếc cho Dưỡng là năm đó không một ai được giữ lại mà tất cả đều chuyển đi bổ xung quân cho những đơn vị chủ lực đang đứng chân trên những vùng biên giới. Và do là một đoàn viên trong cánh tân binh nên về đơn vị mới, Dưỡng nhanh chóng được phân công làm bí thư chi đoàn của đại đội. Hôm nay bí thư chi đoàn có điều gì buồn bực, cau có vậy ? Thằng Hổ không thể nào biết được. Riêng thằng Dưỡng thì mấy hôm nay, nó suy nghĩ lung lắm. Chỉ vài ngày nữa thôi, cả trung đoàn sẽ áp sát về phía biên giới. Nơi đó ngày đêm súng đạn ì ầm. Ai dám chắc là không có hy sinh, không có đạp mìn hoặc trúng đạn ? Cụt chân mà trở về địa phương thì chỉ có nước bốc cát mà ăn ! Tư tưởng bi quan đã dần dần nêu lên trong tâm tư của Dưỡng. Hắn muốn lui về tuyến sau. Lui về với thành phố, với gia đình với những quán cà phê và yên ấm phía sau. Trong bất cứ cuộc chiến tranh nào cũng vậy, có những người lính chưa hề bóp cò, chưa hề ra trận, chưa hề thương tật nhưng đã muốn lùi về phía sau. Đồ chó chết. Từ đèo An Khê về thành phố chỉ cần một cái ngoắc tay, xe đò dừng lại là xong tất ! Thằng Dưỡng báo cáo với đại đội trưởng đi Pleiku để mua thực phẩm cho đơn vị - cải thiện bữa ăn cho bộ đội. Ý kiến đó được đồng ý. Từ Pleiku thằng Dưỡng không quay lại đơn vị mà hắn mua vé xe trở về nhà. Chỉ cần bán một bộ quân phục là đủ tiền xe. Dễ dàng như vậy mà sao mấy hôm nay hắn mệt mỏi và đau đầu tính toán đến vậy. Thằng Dưỡng bật lên tiếng cười khanh khách khi bánh xe lăn đi. Bánh xe lăn đi về phía sau bình an bao nhiêu thì chính đó cũng là lúc cuộc đời hắn rẽ sang một cung đoạn khập khễnh bấy nhiêu. Cái tin thằng Dưỡng đào ngũ đã gây xôn xao trong đơn vị. Công việc của mỗi ngày đã làm họ quên đi sự hèn nhát của Dưỡng. Sự trốn tránh nghĩa vụ thì có gì để đáng nhớ, để nhắc lại lúc trà dư tửu hậu ? Dưỡng như một bóng mờ được quên hẳn đi trong ký ức mọi người. Kẻ còn sống mà xem như đã chết.
Điều tiết lộ mà thằng Dưỡng nói với thằng Hổ đã xảy ra. Toàn trung đoàn vào lúc nửa khuya đã lên đường. Thiên nhiên còn ngủ vùi trong im lặng. Tháng mười hai lạnh buốt. Những cơn gió lạnh lẽo. Chỉ có những vì sao đăm đăm mọc cuối trời là nhân chứng tiễn đưa người lính ra trận. Những chuyến xe lại lao đi. Pleiku mịt mờ bụi đỏ. Ai đó đã cao hứng hát “Em Pleiku má đỏ môi hồng, ở đây buổi chiều quanh năm mùa đông nên tóc em ướt và mắt em ướt, nên em mềm như mây chiều trong … là lá la”. Xe dừng lại ở đường 19B. Cuộc chiến đấu bắt đầu mở ra. Họ hành quân đi vào trận mạc. Im lặng. Tất cả im lặng để lắng nghe cái chết và sự gian khổ đang đón đợi ở phía trước. Trung đoàn Quyết thắng được giao nhiệm vụ thay thế cho trung đoàn Vinh Quang. Họ tiếp nhận công sự, chiến hào của bạn trong lặng lẽ. Chỉ cái bắt tay nhau. Ánh mắt nhìn nhau. Người được lệnh lui về sau an dưỡng đã chia sẻ tất cả lương thực lẫn niềm tin cho người mới đến. Buổi chiều hôm ấy không có tiếng súng nổ. Chỉ có những bước chân âm vang trên lá mục. Đội hình chiến đấu đã được triển khai xong với những người lính của đơn vị mới. Trong sổ công tác của đồng chí Chương - chính trị viên đại đội 7 được lật sang một trang mới. Nằm dưới căn hầm kèo chữ Z kiên cố, anh đã bật đèn pin nắn nót ghi con số “ngày 5.12.1978”.
Đêm nay, trong phiên gác của mình, thằng Hổ chợt nhớ lại những ngày tháng đã trôi qua. Hắn vẫn đứng tì súng trên thành chiến hào với ánh mắt căng ra quan sát phía trước. Đêm tối đen. Bất chợt, thằng Hổ thấy thèm một điếu thuốc. Hắn nuốt ực nước bọt xuống cổ và lắng nhìn phía trước bằng tai, bằng mắt của mình. Chợt Hổ rùng mình khi thấy phía trước một ánh lửa lóe sáng rồi lập tức tắt ngúm. Hắn nghiến răng lại, tay phải đặt súng xuống dưới chân, hắn cầm lấy quả lựu đạn và bắt đầu nghiến răng cắn chặt để rút chốt… Đêm vẫn tối đen bủa vây đầy sự chết chóc đến lạnh người.



Add comment


Việt Tuấn Trinh | www.viettuantrinh.com