Nhà thơ Lê Minh Quốc sinh 1959 tại Đà Nẵng. Đi bộ đội từ 1977-1983. Tốt nghiệp Khoa Ngữ văn Đại học Tổng hợp 1987. Công tác tại báo Phụ nữ TP.HCM từ 1988 đến nay. Các tác phẩm chính: Trong cõi chiêm bao, Ngày mai còn lại một mình tôi, Tôi chạy theo thơ, Sân trường kỷ niệm, Mùa thu đứng trước cổng trường, Thời của mỗi người… Các bộ tiểu thuyết lịch sử và Kể chuyện danh nhân Việt Nam, cùng nhiều công trình biên khảo khác…
* Thời phổ thông anh học trường nào? Giữa hai thế hệ học sinh ngày ấy và bây giờ có khác nhau nhiều lắm không anh?
- Một ngôi trường ở Đà Nẵng bình thường như bao ngôi trường khác thuở ấy. Tôi tự đi xe đạp đến trường. Sách giáo khoa và ngay cả quần áo đều dùng lại của ông anh. Chương trình giáo dục hồi ấy cũng ít thay đổi. Chúng tôi được chia tổ, tự giúp đỡ nhau trong học tập. Thời gian học, chơi, giải trí khá cân bằng…
* 18 tuổi, anh đã vào bộ đội, chiến đấu ở Campuchia. 6 năm gián đoạn việc học, vậy mà anh vẫn quay lại thi đậu vào đại học. Anh có bí quyết vượt khó nào “bật mí” cùng các bạn, mà vì lý do nào đó bị gián đoạn việc học hành?
- Sau khi “qui cố hương”, tôi ghi danh học ngay bổ túc văn hóa lấy bằng cấp III, vì khi vào bộ đội tôi chưa kịp thi tốt nghiệp. Chẳng còn cách nào khác là chúi mũi vào học. Nếu số phận chưa mỉm cười với chúng ta? Ba tôi nói, “không có nghề nào xấu, chỉ có người xấu”. Nếu không thi đậu vào đại học, tôi cũng sẽ chọn một công việc nào đó để làm. Miễn là tự nuôi sống được bản thân, đóng góp cho cộng đồng chứ không nhất thiết phải vào đại học. Các bạn biết “thần đèn” Nguyễn Cẩm Lũy chứ? Ông có học đại học đâu, vậy mà vẫn “nhất nghệ tinh, nhất thân vinh”, ai cũng nể.
* Thời đại học, anh có phải là một “con mọt sách”, bám chặt bài giảng? Hay anh còn học thêm ngoài giáo trình?
- Tôi không học theo lối “thầy đọc trò chép”. Kiểu học ấy giết chết tính sáng tạo. Tôi chỉ chép những ý chính, sau đó tìm sách vở “biên soạn” lại bài học theo ý của mình. Tôi không tin người ta có thể học giỏi mà không mê đọc sách và “nhốt mình” trong thư viện theo một thời khóa biểu nhất định.
* Đó là việc học, còn sáng tác, anh còn nhớ bài thơ đầu tiên của mình được đăng báo?
- Tôi yêu văn chương từ những năm học cấp II, với những tờ báo dành cho thanh thiếu niên trước 75 như Thiếu Nhi, Thằng Bờm… Tôi đọc ngấu nghiến rồi tập tành viết lách. Bài thơ đầu được đăng báo tôi còn nhớ mãi! Đó là bài Em tôi, http://www.leminhquoc.vn/lmq/tho/tho-truoc-1975/739-thuo-mo-lam-thi-si.html?start=4 in trên tuần báo Thiếu Nhi số 89 ra ngày 13/5/1973, năm ấy tôi 14 tuổi.
* Không chỉ sáng tác thơ văn, thời gian gần đây anh còn xoay qua công việc biên khảo và khá thành công trong lĩnh vực này. Anh đã tự học được điều gì từ chính công việc này?
- Dù chưa một lần gặp mặt, tôi vẫn thầm coi nhà biên khảo Nguyễn Hiến Lê như một người thầy của mình. Sau khi đọc tập hồi ký của ông, trong ấy có vài dòng đã thay đổi cả cách sống và nếp nghĩ của tôi, đại ý: Khi muốn tìm hiểu một vấn đề gì, cách tốt nhất là hãy viết một cuốn sách về vấn đề đó. Tôi lăn xả vào mọi nguồn tư liệu. Từ việc biên khảo này, tôi thấy trong kho lịch sử, văn hóa nước nhà có rất nhiều điều thú vị. Ví dụ chuyện này do tiến sĩ Đặng Xuân Bảng (1828-1910) kể: Có ông bạn, quanh nhà, cả dưới ao lát toàn cối đá. Người ta hỏi vì sao, ông bảo: Nếu để ruộng lại, con cháu sẽ bán cả mẫu, còn để cối, chúng sẽ bán chậm hơn. Ấy vậy mà chỉ một thời gian sau, cối đã bị bán hết! Vậy đó, thương con thì hãy trao lại cho chúng một cái nghề, một vốn trí thức, chứ để của cải, có tính mấy chúng cũng bán sạch thôi!
* Bộ sách Kể chuyện danh nhân Việt Nam của anh đã được Bộ Giáo dục Đào tạo chọn làm sách tham khảo cho học sinh. Anh có thể nói thêm vài điều về bộ sách này?
- Đầu tiên, tôi giữ chuyên mục Kể chuyện danh nhân Việt Nam trên một tờ báo. Với chuyên mục này, tôi viết ròng rã nhiều năm với hàng trăm nhân vật. Một cán bộ biên tập NXB Trẻ đã đề nghị tôi phát triển thành một bộ sách nhiều tập dành cho học sinh. Tôi đồng ý và chia đề cương các nhân vật ra thành 10 lĩnh vực: Các vị tổ ngành nghề, Danh nhân văn hóa, Danh nhân khoa học, Danh nhân quân sự, Nữ danh nhân, Danh nhân sư phạm… Từ những bài báo ban đầu, tôi bắt tay vào viết lại, bổ sung nhiều hình ảnh và tư liệu mới. Đến nay tập sách đã phát hành đến tập thứ 23 và chắc chắn không dừng lại ở đó. Tính trung bình mỗi tập 170 trang in, tôi đã viết được trên dưới 3.500 trang! Đó là kết quả của một người “cần cù bù thông minh”.
* Được biết, anh là chủ của một “gia tài” vài ngàn cuốn sách? Anh có thể nói thêm vài điều về “gia tài” này của anh?
-Tôi có thói quen sưu tập sách từ nhỏ. Bất kể sách gì lọt vào tay đều được giữ gìn cẩn thận dù chưa kịp đọc. Đến nay, các hiệu sách cũ ở Sài Gòn đều nhẵn mặt tôi. Những ích lợi của sách, ta khỏi cần nói nữa. Tôi tâm đắc hai điều về sách như thế này: Một, số phận của một cuốn sách rất lạ kỳ, không bao giờ nó mất đi, có những quyển sách ra đời cách đây hàng trăm năm tại sao vẫn có người giữ được? Nếu có duyên, không chóng thì chày ta cũng gặp được những quyển sách quý. Hai, gặp một cuốn sách nào đó, dù không thích, bạn cũng cứ giữ gìn, chắc chắn sẽ có ngày bạn cần đến nó!
* Sau cùng, anh có lời khuyên nào cho các bạn học sinh về công việc học và tự học nhân dịp đầu năm học mới?
-Trong đời, tùy từng giai đoạn mà gia đình, xã hội, giao cho chúng ta những nhiệm vụ khác nhau. Nhiệm vụ của học trò tất nhiên là học. Muốn gì thì muốn, ta cũng học trước đã. Thích giàu có, vợ đẹp con ngoan, lên xe xuống ngựa ư? Sau khi học xong, bạn sẽ có tất cả, thật đấy! Những thứ đó, có thể tìm kiếm trong cả cuộc đời, nhưng việc học, chỉ thuận lợi trong một khoảng thời gian ngắn mà thôi! Bây giờ, bản thân tôi cũng ý thức mình còn kém nhiều thứ, muốn học lại vô cùng, nhưng bao nhiêu việc chi phối! Vậy thì phải tự học! Học cho mình chứ chẳng cho ai khác. Trong cuộc đời, trong lịch sử có bao tấm gương học tập ngời sáng, chúng ta cần phải noi theo.
* Xin cảm ơn anh về cuộc trò chuyện bổ ích này! Kính chúc anh ngày càng thành công trong công việc của mình!
Lãm Nguyên (thực hiện)
(Nguồn: báo Mực Tím số 15.9.2005)
< Lùi | Tiếp theo > |
---|