TÁC PHẨM - DƯ LUẬN Phỏng vấn LÊ MINH QUỐC: Tôi không quan tâm đến hình thức của thơ

LÊ MINH QUỐC: Tôi không quan tâm đến hình thức của thơ

tho

PV: Thưa nhà thơ, lâu lâu mới lại thấy anh xuất hiện trên văn đàn, nhưng lần này lại là một tập du ký. Khi xuất bản cuốn Du lịch của người câm (http://www.leminhquoc.vn/lmq/the-loai-khac/bien-khao/652-du-lich-cua-nguoi-cam.html), anh nghĩ tới điều gì trước tiên?

Lê Minh Quốc: Tôi nghĩ đến những chuyến đi xa để mở rộng tầm nhìn, được đón nhận những ngọn gió thổi vào tâm hồn đang có nguy cơ xơ cứng. Đó là ý thức của một người sáng tác. Trong tập sách, có đoạn: “Tôi thèm đi. Thèm được đến những chân trời xa. Để tẩy rửa tâm hồn. Nhất là những khi ý thức được mình đã sắp mọc rễ trên cái ghế của một người làm việc mẫn cán và lúc nào cũng lo sợ đến cái trách nhiệm của mình. Vì thế làm sao có thể thản nhiên ra đi một cách nhẹ nhàng. Cơm áo từng ngày bủa vây chân đi. Bủa vây dày đặc đến nỗi nó hình thành một thói quen và tôi chấp nhận thói quen ấy như một sự tự nguyện. Tôi nghĩ mà chán cho tôi. Nhà văn khi đi du lịch, đi công cán xa nước vẫn là người sung sướng nhất, bởi họ có dịp quan sát, ghi chép và viết lại những điều mắt thấy tai nghe. Những buồn vui của họ được người đọc chia sẻ. Vậy là vui”.

Và tôi cũng nghĩ đến trách nhiệm của người sáng tác. Trong tập sách tôi viết: “Sáng tạo của nghệ sĩ? Là chấp nhận ra khơi trong lúc tâm hồn đầy giông tố, đầy hoài nghi, đầy bất trắc. Có người chết đắm ngoài trùng khơi. Có người quay về cùng con cá nhép. Có người quay về với bàn tay không. Sáng tạo là chấp nhận một cuộc chơi không bắt đầu và không kết thúc. Còn chúng ta? Trong cuộc đời này, đôi lúc không phải ta sống, mà ta chỉ hít thở để tồn tại đấy thôi. Ta thỏa hiệp để tồn tại đấy thôi”.

PV: Mỗi tác giả khi viết một cuốn sách đều muốn mang tới cho người đọc một ý tưởng nào đó. Với anh, ngoài chuyện kể của một chuyến Tây du, với tư cách một nhà thơ, anh có thông điệp gì?

Lê Minh Quốc: Trong tập sách này là cái cớ để tôi có trình bày đôi điều suy nghĩ về vấn đề sáng tác. Chẳng hạn, trong tập sách có đoạn viết: “Trước đây tôi không ủng hộ quan niệm, là người sáng tác, anh phải đi thực tế. Để lấy cảm hứng từ thực tế. Để hơi thở của đời sống ùa vào trong từng trang viết. Nhưng chi “cỡi ngựa xem hoa” thì làm sao có thể cảm nhận được tâm tư, tình cảm của những con người một đời gắn bó nơi ấy? Mà trang văn không viết về số phận của họ thì viết về cái gì? Chẳng lẽ miêu tả, kể lể những gì nhìn thấy lớt phớt bên ngoài trong chốc lát? Tôi nghĩ, đi là thu thập những điều mắt thấy tai nghe. Và quên. Đến một lúc nào đó những điều tưởng đã quên, bỗng một ngày kia, khi đang viết nếu gặp một bối cảnh, một không khí thích hợp thì tự nó thức dậy và bước vào trang viết. Nói cách khác, đi thực tế là thu nhặt hạt giống và gieo. Gieo ở đâu? Ở trong tâm hồn của anh chứ đâu nữa, rồi một ngày mưa thuận gió hòa tự nó sẽ nảy mầm" hoặc: “Nghệ thuật là gì ư? Chẳng phải cứ “vóc hạc sương mai” là “trăng hoa tuyết nguyệt” mới đem lại cho người thưởng ngoạn một cảm hứng về cái đẹp. Có khi những cảnh vật rất đỗi bình thường, quen mắt nhưng một khi thổi vào đó cảm xúc chân thành, thổi vào đó sự sáng tạo thăng hoa thì vẫn trở thành một tác phẩm nghệ thuật. Giản dị là đỉnh cao của các giá trị nghệ thuật. Ai đó đã nói nghệ thuật không dành cho đám đông. Vừa đúng lại vừa chưa đúng. Nghệ thuật phải vừa hòa nhập vào đám đông, vừa dự báo cho đám đông về những điều mà họ chưa nhận ra. Tôi vẽ, tôi làm thơ là để trình bày nội tâm bí ẩn của chính tôi, tôi không cần ai hiểu, không cần ai cảm nhận, không cần ai chia sẻ, không cần ai quan tâm. Ấy chỉ là ngụy biện cho sự bất tài”.

PV: Lâu nay ít thấy Lê Minh Quốc in thơ, do công việc của một vị trưởng ban VHVN của một tờ báo quá bận rộn hay anh đang ấp ủ ý định gì chăng?

Lê Minh Quốc: Công việc của mỗi ngày đã chiếm hết thời gian của tôi. Tôi là “người máy” đã được lập trình để tuân thủ theo thời khóa biểu nghiêm ngặt. Tuy nhiên, trong năm nay, tôi sẽ cho xuất bản tập trường ca Hành trình của con kiến (http://www.leminhquoc.vn/lmq/tho/tap-tho/733-hanh-trinh-cua-con-kien.html). Tôi thích tập thơ này. Đó là tâm trạng của nhà thơ sống trong thời đại @, bị bủa vây bởi nhịp sống công nghiệp. Chắc chắn nó sẽ đem lại sự hứng thú cho những người yêu thơ.

PV: Đọc thơ anh, thấy hiện rõ trong đó một người luôn đam mê với nghiệp thơ, như anh nói “Tôi chạy theo thơ” (http://www.leminhquoc.vn/lmq/tho/tap-tho/732-toi-chay-theo-tho.html). Nhưng như người ta vẫn nói, có những điều tưởng là đã chạm vào được rồi lại càng thấy nó xa hơn, với thơ thì điều đó càng rõ hơn bao giờ hết.

Lê Minh Quốc: Về vấn đề này, trong tập trường ca Hành trình của con kiến, tôi đã lý giải, rằng: “Thi sĩ? Đó là kẻ có sứ mạng tìm kiếm, khai thác những giấc mơ đã đến trong cuộc đời của chính hắn. Giấc mơ ấy chính là tâm trạng, tâm thế, tâm linh đang phiêu bồng, trôi dạt đâu đó phía chân mây cuối trời trong thời đại hắn đang sống. Sau đó hắn thể hiện bằng những con chữ được sắp xếp ngẫu hứng và ý thức. Trên hành trình đơn độc này không ai thành công và cũng chẳng ai thất bại. Bởi lẽ mỗi bài thơ viết ra đã mang dấu ấn của sự thất bại não nề của những giấc mơ không bao giờ đạt đến”.

PV: Tuy vậy, như cách gọi ngày nay, có một điều dễ nhận ra là thơ của anh khá “hiện đại”, hiện đại nhưng vẫn nhuần nhị. Dường như hai điều này thật khó song hành?

Lê Minh Quốc: Làm gì có cái gọi là “thơ hiện đại” và “thơ không hiện đại”. Thơ là thơ. Một bài thơ hay, dù ra đời cách đây vài thế kỷ, nếu được viết trong tâm thức không thể không viết, không thể cưỡng nổi cái cảm xúc của nội tâm ùa ra trên trang giấy; và nếu bài thơ đó lay động sâu thẳm tâm hồn người đọc thì sẽ có sức sống vượt qua thế kỷ XXI.

Nếu bài thơ cố tình thể hiện cho ra vẻ “hiện đại” viết trong thế kỷ “hiện đại” này, nhưng nếu không hay thì lập tức nó tắt thở ngay đấy thôi. Tôi không quan trọng hình thức của thơ. Tại sao lại phải mày mò đi tìm hình thức của nó, khi mà tâm hồn anh đang xơ cứng, không còn giữ được cảm xúc tươi rói? Mà chỉ muốn “khác người”. Thử hỏi, ai quy định hình thức của bài thơ đó? Xin thưa, tâm trạng của chính anh. Tâm trạng anh như thế nào thì nó sẽ quy định một hình thức phù hợp để chuyển tải nội dung. Thế thôi. Điều quan trọng của một nhà thơ, theo tôi, vẫn là cảm xúc của chính anh. Làm sao giữ được cảm xúc ấy? Làm sao ta có thể sống được trong những giây phút nhiệm mầu của thơ? Như Hàn Mặc Tử đã từng trải qua: “Thơ chưa ra khỏi bút / Giọt mực đã rụng rồi / Lòng tôi chưa kịp nói / Giấy đã toát mồ hôi”.

PV: Một người làm thơ, với anh điều gì là quan trọng nhất?

Lê Minh Quốc: Sống. Sống tận cùng với đời sống này trong mỗi sát-na. Chúng ta có dám sống? Hay chỉ thỏa hiệp để sống? Nhưng đôi khi tôi nghĩ rằng, làm thơ là làm thơ. Chẳng có gì quan trọng cả. Đừng đặt trên vai nó quá nhiều sứ mệnh. Ngay cả Cao Bá Quát, một thiên tài thơ, đã bảo chúng ta, rằng “Văn chương chỉ là trò chơi con trẻ”. Đơn giản vậy thôi.

PV: Anh có đọc thơ trẻ hiện nay, nhất là những tác giả thơ trẻ của TPHCM? Anh đánh giá thế nào về họ?

Lê Minh Quốc: May mắn được là người chọn thơ cho Tuổi trẻ online, Phụ nữ chủ nhật nên tôi đã đọc khá nhiều thơ của các tác giả trẻ. Tôi nhận thấy: Họ biết trình bày nội tâm của họ theo cách của họ, không giẫm chân lên những người đi trước. Tuy nhiên, bên cạnh nhiều bài thơ rất thật, rất đời ấy, tôi nhận thấy không ít lần họ uốn éo làm duyên, làm dáng trong câu chữ. Tôi tin tưởng ở các cây bút thơ nữ vừa xuất hiện là Mạc Vi, Khương Hà, Nguyệt Phạm, Liêu Phúc Minh, Trương Gia Hòa, Ly Hoàng Ly, Lê Thùy Vân, Tú Trinh…

PV: Hiện nay có một vài tác giả thơ trẻ lai căng, vọng ngoại, sản sinh ra một thứ thơ sex mà họ nhầm tưởng đó là thơ cách tân. Từ phía họ đã có một dư luận không tốt tới thơ văn trẻ nói chung?

Lê Minh Quốc: Thơ không giới hạn đề tài, cách thể hiện, cách tân… Nó chấp nhận tất cả. Có điều nó phải xuất phát từ đòi hỏi của nội tâm. Chứ không phải “thấy thiên hạ ăn khoai mình cũng vác mai đi đào”. Vấn đề này, trên VietnamNet tôi đã từng phát biểu: “Hàn Mặc Tử nói làm thơ là một sự phi thường, khi một người phụ nữ làm thơ tôi nghĩ họ đã có gấp đôi sự phi thường đó. Nhưng cái khó của thơ chính là chỗ một bài thơ khi đưa ra có nhiều người đọc và nó không còn của riêng cá nhân nào nữa. Vấn đề là nghệ thuật viết. Có vật vã, trăn trở thơ mới hay được. Hiện nay có nhiều người làm thơ nữ không viết vì nhu cầu của mình mà chỉ bắt chước hay khai thác đề tài thân xác để được sớm nổi tiếng. Đó là sự dễ dãi, dung tục làm nghèo nàn thơ ca. Tôi không ủng hộ những trường hợp như vậy”.

PV: Vậy có một trào lưu thơ internet, anh có ủng hội họ?

Lê Minh Quốc: Tất nhiên là ủng hộ rồi. Nhưng có điều đáng lo ngại là không ít bài thơ được “bắn” lên mạng chất lượng quá thấp, dễ dãi. Có những bài thơ cố tình “làm mới” bằng cách nói nhăng cuội, dung tục như được viết trong vô thức, không thể hiểu họ muốn nói cái gì cả. Tôi có cảm giác là hiện nay có một số trang web cổ súy cho loại thơ này và khoác cho nó cái áo “tân hình thức”, “thể nghiệm”, “hiện đại”, “thơ hậu chiến”…. Để làm gì? Để lừa mị người đọc và lừa mị chính mình. Điều này khiến cho thơ ngày càng mất giá trong mắt người đọc thơ. Ai đó có thể biện bạch rằng: “Ông Quốc ạ, nếu thơ cần đạt đến sự đa tầng đa nghĩa, thì tôi có quyền viết trong phút giây “xuất thần”, giây phút “lên đồng” như thế chứ? Vì lúc ấy tôi không thể kiểm soát được mạch cảm xúc dạt dào, kiểm soát được ý thức thăng hoa của tôi”. Xin thưa, nếu như thế thì các người điên đều là những “thiên tài” của thơ cả.

PV: Cảm ơn anh!

 

Trần Hoàng Thiên Kim (thực hiện)

(nguồn: báo Văn nghệ trẻ 19.3.2006)

Chia sẻ liên kết này...

Add comment


Việt Tuấn Trinh | www.viettuantrinh.com