Sau khi ra mắt hai tập sách mới Ngày viết mỗi ngày và Có một mầm hoa đã nhú dưới tro tàn, nhà thơ Lê Minh Quốc bỗng nhiên 'đắt sô'. Nhiều đơn vị xuất bản mời anh đến nói chuyện về sách và làm MC.
Sắp tới, lúc 16 giờ 30 phút ngày 17.4 tại Đường sách Nguyễn Văn Bình (TP.HCM), nhà thơ Lê Minh Quốc sẽ cùng nhà nghiên cứu văn học Võ Văn Nhơn, Nguyễn Thành Thi chia sẻ nội dung chủ đề Văn học lãng mạn Việt Nam đầu Thế kỷ 20. 18 giờ cùng ngày anh lại là MC cho buổi bán đấu giá từ thiện tác phẩm Sài Gòn năm xưa (1961) của Vương Hồng Sển, Hai buổi chiều vàng (1937) của Nhất Linh, Tản Đà vận văn (1952) có thủ bút chữ ký của Tô Hoài.
Sau đó, anh phải có mặt tại Đà Nẵng để cùng nhà văn Đoàn Thạch Biền, Nguyễn Đông Thức gặp fan tại Hội sách Hải Châu (khu vực bờ tây sông Hàn) chủ đề Sách - Văn hóa và phát triển, lúc 19 giờ ngày 22.4.
Chưa hết, nhà thơ Lê Minh Quốc bật mí: “Lúc 9 giờ sáng 24.4, tôi và nhà văn Nguyễn Nhật Ánh còn ký sách tặng bạn đọc tại Tiệm sách Đo Đo nhân tái bản tập sách Nguyễn Nhật Ánh - Hoàng tử bé trong thế giới tuổi thơ, do tôi biên soạn. Không chỉ có thế, lúc 18 giờ ngày 24.4 tại Đường sách Nguyễn Văn Bình, tôi lại làm MC của vuổi bán đấu giá sách đợt 2: Thú chơi sách (1960) của Vương Hồng Sển, Minh tâm bảo giám (1938), Mười câu chuyện văn chương (1975) có thủ bút chữ ký của tác giả Nguyễn Hiến Lê”.
Được “chọn mặt gửi vàng” với nhiều hoạt động liên quan đến sách nhân Ngày sách Việt Nam năm nay, anh cười và bảo: “Có lẽ do tôi nói chuyện dí dỏm, có duyên, ít nhiều am hiểu về sách và cơ bản nhất là do… xấu trai nên được mọi người ưu ái chăng”?.
Lê Công Sơn
(nguồn: http://thanhnien.vn/van-hoa/nha-tho-le-minh-quoc-dat-so-690390.html)
Nhà thơ Lê Minh Quốc ký tặng sách và giao lưu với độc giả. Ảnh: THANH TUYỀN
2 tập sách mới CÓ MỘT MẦM HOA ĐÃ NHÚ DƯỚI TRO TÀN, NGÀY VIẾT MỖI NGÀY của LÊ MINH QUỐC ra mắt cùng bạn đọc vào lúc 9g30 sáng thứ Bảy (ngày 26.3.2016) tại Gian hàng sách của Công ty Văn hóa Phương Nam - thuộc Hội sách TP.HCM 2016 ở Công viên Lê Văn Tám, Q.1, T.HCM.
CÓ MỘT MẦM HOA ĐÃ NHÚ DƯỚI TRO TÀN - thể loại: Tùy bút; 324 trang; khổ sách: 14,5x20,5 cm; giá bán: 130.000 đồng.
NGÀY VIẾT MỖI NGÀY - thể loại: Tùy bút; 496 trang; khổ sách: 15,5x23,5 cm; giá bán: 220.000 đồng.
MC: nhà văn CHỊ ĐẸP (LÊ PHƯƠNG THẢO); khách mời: Nhà thiết kế thời trang CHƯƠNG ĐẶNG.
Dịp này, tác giả trao đổi, trò chuyện cùng bạn đọc chủ đề LÊ MINH QUỐC - YÊU VÀ VIẾT; trả lời câu hỏi và tặng chữ ký trên 2 tập sách mới dành cho bạn đọc.
Thông báo này, thay thư mời.
LÊ MINH QUỐC
CÓ MỘT MẦM HOA ĐÃ NHÚ DƯỚI TRO TÀN
Hơn 50 bài viết trong tập sách như những lời tâm tình của tác giả về cuộc sống, về nhận thức hay đơn giản chỉ là những cảm xúc, suy nghĩ bất chợt. Với lối viết tự nhiên, đề tài gần gũi, dẫn chứng, lập luận thuyết phục, tác giả dẫn dắt độc giả cùng anh nhẩn nha đi từ Đông sang Tây, từ gần đến xa, từ xưa đến nay… để bàn chuyện thế sự. Cũng có khi, anh không dài dòng văn tự mà thẳng thắn bày tỏ quan điểm, cảm xúc của mình. Dù theo lối nào, những bài viết ấy vẫn lôi cuốn, không chỉ ở kiến thức sâu rộng, lập luận chặt chẽ, ý tứ dồi dào mà còn ở cái tâm của người viết.
Mở đầu là những bài viết nhẹ nhàng, tản mạn về bạn bè, người thân, ẩm thực, phong tục tập quán hay chỉ là khoảnh khắc thư giãn nhẹ nhàng buổi sáng. Theo Lê Minh Quốc, đôi khi lạc thú chẳng phải tìm kiếm xa xôi nơi đâu, chỉ cần dành lấy một một khoảng thời gian tĩnh mịch, trầm tư cho riêng mình, để nghỉ ngơi sau những vòng quay vội vã của cuộc sống. Hay gieo một hạt giống, ngày ngày tưới nước và mong ngóng, chờ đợi hạt mầm sẽ nhú lên. Bởi "Chờ đợi ấy đem lại niềm vui nho nhỏ trong sự nhẫn nại, niềm hy vọng và mở ra nhiều điều kỳ diệu của trí tưởng tượng" (trang 125). Bên cạnh những niềm vui nho nhỏ ấy, còn có một niềm hạnh phúc lớn lao, ấy là khi ta còn có mẹ. Với tác giả, "Một ngày rất đẹp" là ngày vẫn có mẹ bên đời và còn gì buồn hơn khi:"Mẹ thành mây trắng đã lâu. Con về thăm mẹ, ngồi đâu cũng buồn". Những trang viết về mẹ, về gia đình một cách hồn hậu, chan chứa yêu thương của tác giả để lại nhiều dư âm trong lòng người đọc.
Càng về sau, những bài viết càng đi sâu vào những vấn đề thời sự, xã hội, những mặt trái của thời đại công nghệ số. Qua đó, tác giả bàn về cách sống, cách tìm niềm vui trong bận rộn và cả những vấn đề tưởng cũ nhưng luôn có giá trị như: "Nhẫn", "Cảm ơn và xin lỗi", "Tìm niềm vui trong sự tha thứ", "Sướng, khổ cũng tự lòng mình", "Nghĩ tốt về nhau", "Quan tâm đến nhau", "Im lặng để lắng nghe", "Chọn hạt để gieo"… Sau tất cả, Lê Minh Quốc rất tán thành với quan điểm của nhà văn Nodar Dumbatze trong tác phầm lừng danh "Quy luật muôn đời" rằng: "Con người ta cần ốm nặng ít nhất một lần trong đời" bởi "Như vậy sẽ có dịp phân tích và đánh giá lại toàn bộ quãng đường đã qua" để càng thêm trân trọng cuộc sống, để nhìn đời, nhìn người một cách nhân hậu và thuần khiết hơn.
CÁT ĐẰNG
(nguồn: www.baocantho.com.vn/?mod=detnews&catid=78&id=195422)
Từ trái: Nhà thơ Lê Minh Quốc cùng ông Lê Anh - Chủ tịch UBND Quận Hải Châu (Đà Nẵng)
Đầu tháng 11.2014, NXB Tri Thức và Công ty cổ phần văn hóa Đông A đã phát hành bộ truyện tranh HÀO KHÍ ĐÔNG A (10 tập). Tác giả: Lời: Lê Minh Quốc. Tranh: Kim Duẩn. Giới thiệu: Dương Trung Quốc. Số trang: 20, kể cả bìa, toàn bộ in màu; kích thước:19 x 26 cm; giá bìa: 12.000 VNĐ/tập.
Bạn đọc có thể tìm mua tại các nhà sách toàn quốc; hoặc tại nhà sách của Công ty Đông A: Trụ sở: 113 Đông Các, P. Ô Chợ Dừa, Q. Đống Đa, Hà Nội, Việt Nam. ĐT/Fax: (84-4) 3856 9367/ Văn phòng đại diện TP .Hồ Chí Minh: 209 Võ Văn Tần, P.5, Q.3. ĐT: (84-8) 3929 1286. Fax: (84-8) 3929 1284
Sau đây là lời giới thiệu của nhà sử học Dương Trung Quốc:
“Hào khí Đông A” - chỉ qua cái tên hẳn bạn đọc đã cảm nhận được khí thế mạnh mẽ của cha ông mà bộ sách tranh này mong truyền tải. Mười truyện trong bộ sách kể về mười nhân vật lịch sử lừng lẫy của nhà Trần - những con người đã góp phần làm nên một triều đại ba lần đánh bại giặc Nguyên - Mông xâm lăng và nâng nền văn hiến dân tộc lên một tầm cao của tinh thần tự chủ.
Những câu chuyện, do người vừa am hiểu lịch sử vừa biết cách thể hiện nhẹ nhàng bằng ngôn từ thuật lại, sẽ chuyển tới bạn đọc những điều quá khứ muốn trao truyền để chúng ta biết tự hào về quá khứ và xây đắp niềm tự hào cho tương lai. Riêng hoạ sĩ lại dùng màu sắc và đưòng nét dẫn dắt các bạn trở về thế giới của cha ông, giúp các bạn dễ dàng tiếp nhận từ lịch sử những điều bổ ích.
Theo Wikipedia tiếng Việt, trong tiếng Hy Lạp cổ , từ “historia” - gốc của từ “lịch sử” trong nhiều ngôn ngữ - có nghĩa là “sự tìm hiểu kiến thức bằng cách điều tra”. Bạn đọc, nhất là các bạn đọc nhỏ tuổi khi đọc bộ sách này, mong các bạn luôn đặt câu hỏi của người điều tra rằng: “Có thực khuôn mặt người xưa như thế này chăng?”, “Trang phục, hoạ tiết trên trang phục có thực như thế này chăng?”, “Chiến thuyền, chiến cụ có đúng như thế này chăng?”... Mỗi câu hỏi các bạn đặt ra là một bước đi tới sự khám phá, tìm tòi, điều tra cho lịch sử nước nhà ngày càng sáng tỏ..."
Lê Minh Quốc cho biết, sở dĩ ông chọn viết về Chiến tướng Tôn Thất Thuyết bởi vì lâu nay giới sử học đánh giá rất khác nhau về vai trò của Tôn Thất Thuyết trong phong trào khởi nghĩa Cần Vương. Do đó ông muốn tái hiện Tôn Thất Thuyết một cách toàn diện theo dạng biên niên để có thể hình dung và khắc họa chân dung một chiến tướng yêu nước, vốn là linh hồn của phong trào Cần Vương.
Xây dựng hạnh phúc gia đình tưởng chừng dễ mà lại rất khó. Khai thác đề tài này với cách viết hài hước và góc nhìn của người trong cuộc, nhà thơ Lê Minh Quốc gửi đến bạn đọc những “bí kíp” để giữ gìn tổ ấm qua cuốn sách “Khi tổ ấm nhảy Lambada”.
Hoạt kê hay phúng dụ, trào phúng, giễu nhại, tiếu lâm… được xem là đặc trưng nổi bật của truyện ngắn, tiểu thuyết. Nó làm người đọc cảm thấy vui vẻ, nhẹ nhàng, thú vị khi tiếp nhận những vấn đề nghiêm túc của thời đại.
Trang 6 trong tổng số 11