ĐẾN VỚI BÀI THƠ HAY
TỪ NAY TÔI ĐÃ NÊN NGƯỜI
Tôi muốn lấy em làm vợ
Để dạy dỗ tôi nên người
Như con ngựa chở cuộc tình phố xá rong chơi
Chiều nay tôi mỏi mệt
Gã tình si ngốc nghếch
Gom góp hết
Những vóc dáng thanh tân đã một lần ân ái
Những phụ nữ, đàn bà, con gái
Đã một lần giao hoan
Tôi đặt vào giỏ nan quảy gánh lên ngàn
Thả xuống đầu nguồn cho trôi ra biển
Đứng cúi đầu tôi vẫy tay đưa tiễn
Những cuộc tình đã xa…
Tôi chọn cho tôi duy nhất một cửa nhà
Để mỗi đêm bước vào tìm chỗ ngủ
Để từng đêm được nghe vợ dạy dỗ
Chuyện nợ nần và chuyện áo cơm
Chuyện phải về nhà trước lúc hoàng hôn
Chuyện đi ra đường không nhìn ngang liếc dọc
Chuyện ru con lúc nửa khuya chợt khóc
Chuyện ngàn xưa…Đay nghiến chuyện ngày nay
Từ gã đàn ông tôi hóa thành đứa con trai
Ngoan ngoãn lắng nghe lời em răn dạy
Thôi vĩnh biệt những ngày thơ dại
Từ nay, tôi đã nên người
Thôi vĩnh biệt những đóa hoa tươi
Đừng quyến rũ tôi bằng mùi hương lạ.
LÊ MINH QUỐC
Nhà thơ Lê Minh Quốc vốn là người tôn sùng phụ nữ đẹp và yêu họ một cách ngây thơ, như anh từng viết: “Dâng hiến tình yêu như gủi tiền vào tín dụng/ Tình cuối mùa thua thiệt lẫn thi ca”. Tự cho mình là kẻ “lơ lững trên mặt đất” tự nhiên lạc vào “cõi đàn bà”, thơ anh đầy ắp những cuộc tình phiêu bồng và Lê Minh Quốc cũng từng tuyên bố: “Chẳng lẽ phải cưới một Hoạn Thư để nàng ghen mà trói buộc cái nết trăng hoa của mình ư? Tôi chẳng dại!”.
Bởi thế, “Từ nay tôi đã nên người” là một bài khá lạ trong gia tài thơ của Lê Minh Quốc. Hãy xem người đàn ông ấy đã mơ ước những gì: Tôi muốn lấy em làm vợ/ Để dạy dỗ tôi nên người…
Đọc qua, hẳn nhiều người bật cười, dù giọng điệu thơ có vẻ rất chân thành. Lý do để lấy vợ thật…kỳ cục. Nhưng ngẫm lại, hai câu thơ có cái lý của nó. Chẳng phải người ta vẫn bảo đàn ông chỉ là một cậu bé lớn xác cho đến khi lấy vợ đó sao? Cậu bé ấy cần môi trường hôn nhân để trưởng thành, nói như Lê Minh Quốc là để “nên người”. Và tiếp theo, gã đàn ông thổ lộ điều đã khiến gã muốn lấy vợ: Như con ngựa chở cuộc tình phố xá rong chơi/ Chiều nay tôi mỏi mệt…
Thì ra đến một lúc nào đó, khi những cuộc tình không cho gã đàn ông cảm giác được “chắp cánh” nữa, mà trở thành gánh nặng, thì gã muốn từ bỏ cuộc rong chơi. Tự tay gói ghém quá khứ, tình nguyện “nộp mình” cho những trói buộc của cuộc sống hôn nhân- cuộc sống mà bao “người trong cuộc” đang vùng vẫy muốn thoát ra.
Bài thơ có thể coi là lời tự sự và khát khao dung dị, chân thành nhất của gã đàn ông không còn muốn “tự do”, đoạn tuyệt với những mối tình đã xa để tìm kiếm hơi ấm gia đình - giá trị vĩnh hằng của hôn nhân hạnh phúc.
PHÚC LÂM
(nguồn: Tạp chí Hạnh phúc Gia đình Phụ Nữ Việt Nam số 14.3.2014)
< Lùi | Tiếp theo > |
---|