TÁC PHẨM - DƯ LUẬN Nhận định

LÊ MINH QUỐC: Trước trang giấy trắng

 

bao-lam-dong-1R

Chia sẻ liên kết này...

 
 

Nhà thơ Lê Minh Quốc: Chữ nhiều nhờ yêu… khỏe

 

(Thethaovanhoa.vn) - Khó có thể tưởng tượng một gã đàn ông gần 60 tuổi như Quốc, mà “mỗi lần yêu là một lần suýt chết”. Bạn bè thân của Quốc cho biết, từ thời trẻ đến tận bây giờ Quốc đều yêu như thế.

1. Lê Minh Quốc được biết đến nhiều nhất trên tư cách nhà thơ (đã in 11 tập thơ) nhưng anh còn là tác giả của 6 tiểu thuyết, 14 cuốn tùy bút, 8 cuốn biên khảo. Từ đầu 2017 đến nay, anh đã ấn hành cùng lúc 6 cuốn sách trong đó có 1 tập thơ.

Nếu lấy mốc tập thơ đầu tay Trong cõi chiêm bao của Lê Minh Quốc được NXB Trẻ ấn hành năm 1989, thì trong gần 30 năm qua, anh đã in trung bình mỗi năm hơn 1 cuốn sách. Xét về lao động của người cầm bút, viết như thế đã là một “lực điền”.

le_minh_quocxxx


Nhà thơ Lê Minh Quốc

Năm 18 tuổi Quốc nhập ngũ cầm súng ở chiến trường Tây Nam. Bị địch bắt tưởng chết đến nơi thì đồng đội phá ngục cứu thoát. Ngoài thời gian đi lính và học đại học, Quốc chỉ làm một nghề duy nhất là viết: từ làm thơ, viết báo đến viết sách. Có thể nói, viết là nguồn sống ở nhiều nghĩa khác nhau trong Quốc.

Dù viết báo, làm thơ, biên khảo, tùy bút hay tiểu thuyết, Quốc luôn đau đáu về nghề chữ của mình. Thời hoàng kim của báo giấy, anh có nhiều năm làm phóng viên, rồi phụ trách mảng văn nghệ của một tờ báo. Quốc suy tư về nghề báo và nghiệp thơ: “Thời tôi sống nhà thơ đi viết báo. Để kiếm cơm hơn một chút danh hờ. Còn nhà báo lãng quên bao sự thật. Viết báo bằng trí tưởng tượng của thơ”. Những câu thơ này của Quốc phải được viết ra từ tấm lòng của người rất yêu nghề viết.

Trong tập tùy bút vừa ấn hành Trong tàn phai có nụ hồng thơm lên (NXB Hội Nhà văn và Phương Nam Books), những điều Quốc viết đã tạo thành một sự thật khiến người đọc đồng cảm và tìm thấy mình trong đó.

lat_leo_tieng_vietxxx

“Tiếng Việt lắt léo” - một tác phẩm vừa xuất bản của Lê Minh Quốc

 

2. Chị Nguyễn Hướng Dương (Giám đốc Thư viện sách dành cho người mù), người từng bị mất hai chân trong một tai nạn giao thông, đọc Trong tàn phai có nụ hồng thơm lên và cho biết: “Trang viết của nhà thơ Lê Minh Quốc làm tôi nhớ lại hồi nằm trong bệnh viện, suốt ngày tôi rầu rĩ, khóc lóc mỗi khi nhìn xuống hai chân đã bị cụt dưới gối”.

“Bỗng một hôm, khi đang ngập chìm trong nước mắt và oán than số phận, tôi chợt nghe một người bị cụt hai tay tới bả vai la lên: Cho tôi cụt chân giống cô này. Tôi mếu máo: Anh chế nhạo em đó hả. Anh nói chân thành: Em mất hai chân nhưng mai mốt gắn chân giả em sẽ đi được, chứ anh mất tay không làm được gì hết” - Hướng Dương nghĩ: “Thì ra mình cũng còn may mắn hơn nhiều người. Lê Minh Quốc chỉ ra cái nghệ thuật đối diện với những điều bất như ý: Cũng là một sự cố nhưng nếu nhìn nhận ở góc độ tích cực hơn, tự nó sẽ có cách hóa giải nhẹ nhàng”.

Bất kỳ ai trong đời sống này đều có những “điều bất như ý”. Quốc cũng có những “điều bất như ý” của riêng anh, trong đó có việc người mẹ già của anh bao năm trông chờ Quốc lấy vợ sinh con cho bà ẵm bồng. Thế nhưng, sinh một đứa cháu cho mẹ Quốc chưa làm được, phải chăng đây là di chứng của những ngày đi lính và bị tù ở chiến trường Tây Nam? Quốc đã “hóa giải” điều này khi anh dồn sức và trí “sinh nở” những cuốn sách như những đứa con tinh thần của mình.

Hỏi Lê Minh Quốc, chữ ở đâu mà anh viết nhiều thế? Quốc trả lời: “Chữ nhiều nhờ yêu… khỏe”. Vả vậy, chưa thấy ai yêu một cách đắm say, si tình, lụy tình, vật vã, hụt hơi như Quốc.

Tập thơ Yêu một người là nuôi dưỡng đức tin (NXB Hội Nhà văn và Nhà sách Văn Lang) của Quốc thể hiện điều này. Cả tập thơ dày hơn 200 trang được Quốc dành tặng một người phụ nữ; hay nói cách khác, tất cả hân hoan và đau khổ Quốc dành hết cho một người: “Có những ngày như vừa mới thôi nôi. Anh mong được gặp em thêm một chút. Đừng ngoảnh mặt đừng bỏ đi xa lắc. Anh vẫn còn bấu víu lúc đang mê”.

Có lẽ, yêu nghề viết và trong tình ái cũng cháy hết mình đã làm nên một Lê Minh Quốc như bây giờ!


Lê Minh Quốc “nói vậy nhưng không phải vậy”


Yêu một người là nuôi dưỡng đức tin, Trong tàn phai có nụ hồng thơm lên, Ngày sống đời thơ, Ngày đi trên chữ, Tình ta đang nhảy rockLắt léo tiếng Việt là 6 cuốn sách vừa ấn hành của Lê Minh Quốc.

GS-TS Ngôn ngữ học, NGƯT Nguyễn Đức Dân, nhận xét về cuốn biên khảo Lắt léo tiếng Việt (NXB Trẻ): “Phần lớn mỗi mục trong tập sách này đề cập tới một từ. Lấy nghĩa gốc của từ đặt cạnh những những nghĩa của từ đó trong những lối nói ví von, cách nói bóng nói gió, “nói vậy nhưng không phải vậy” hoặc trong những cách chơi chữ, dùng ẩn dụ, hoán dụ, thành ngữ, tục ngữ mà nghĩa bóng khác hẳn nghĩa đen thế là hình thành những lắt léo chữ nghĩa thú vị. “Mình ơi, tôi gọi là nhà/ Nhà ơi, tôi gọi mình là nhà tôi”. Vợ lại gọi là nhà. Thế là vui, là lắt léo”.

Hoàng Nhân

(nguồn: Báo Thể thao & Văn hóa - Thứ Ba, 23/05/2017 07:18 GMT+7)

Chia sẻ liên kết này...

 
 

Lê Minh Quốc đa tài và đa tình

11-hinh-tap-tho-14928766300731r

Chia sẻ liên kết này...

 
 

NGUYÊN HÙNG: THƠ VỊNH LÊ MINH QUỐC

 

16425719_1877614445817121_6865594909995707293_n

Sợ đàn bà cả trong cõi chiêm bao

Ngày mai còn lại một mình tôi vẫn sợ

Tôi vẽ mặt tôi năm tháng xanh xao

Cô đơn gọi về nơi nào để nhớ!


Theo hành trình của kiến, tôi chạy theo thơ

Với chuyện tình danh nhân tôi ngồi soi hoá thạch

Làm báo, viết văn, ngày chợp mắt vài giờ

Lấy đâu sức yêu em nếu không còn cổ tích?

 

Gái đẹp trong anh mọi nơi mọi lúc

Đàn bà với anh như...sếp nữ báo nhà

Họ đâu phải đất bên ngoài Tổ quốc

E ngại gì mà không dám lân la?


Thơ:
- Trong cõi chiêm bao (NXB Văn Nghệ TP.HCM - 1989)
- Ngày mai còn lại một mình tôi (NXB Trẻ - 1990)
- Tôi vẽ mặt tôi (NXB Văn hóa Thông tin - 1994)
- Nếu không còn cổ tích (NXB Đồng Nai -1997)
- Đất bên ngoài Tổ quốc (in chung với Đoàn Tuấn - NXB Văn Học - 1998)
- Yêu em, Đà Nẵng (NXB Trẻ - 1999)
-Tôi chạy theo thơ (NXB Trẻ - 2003)
- Hành trình của con kiến (NXB Trẻ- 2006)

Văn xuôi:
- Về nơi nào để nhớ (NXB Văn Nghệ TP.HCM - 1991)
- Chuyện tình các danh nhân Việt Nam (NXB Tổng hợp TPHCM, 2017).
- Gái đẹp trong tôi (NXB Văn hóa Văn nghệ - 2010)

N.H
(nguồn: Facebook Nguyên Hùng)

Chia sẻ liên kết này...

 
 

Lê Minh Quốc và tình yêu Đà Nẵng lạ lùng

 

leminhquocgiaoluucungbandoc_OLFE

Nhà thơ Lê Minh Quốc tại buổi ra mắt sách tháng 3.2016 Ảnh: P.H

Lê Minh Quốc và tình yêu Đà Nẵng lạ lùng

Phan Hoàng

 

Phố biển Đà Nẵng thơ mộng và đáng sống có rất nhiều người yêu thích. Nhưng yêu một cách say mê và lạ lùng như nhà thơ Lê Minh Quốc thì rất hiếm. Tình yêu Đà Nẵng không chỉ thể hiện trong thơ mà còn bàng bạc trên mọi trang viết của anh.

Hội sách TP.HCM lần thứ 9 mùa xuân 2016 đánh dấu sự ra mắt hai tập tạp bút khá “dày cơm” của Lê Minh Quốc, do Công ty văn hóa Phương Nam phối hợp Nhà xuất bản Hội Nhà văn ấn hành: Ngày viết mỗi ngày (dày gần 500 trang, khổ 15,5 x 13,5 cm) và Có một mầm hoa đã nhú dưới tro tàn (dày hơn 320 trang, khổ 13 x 20,5 cm). Thi sĩ gốc Đà Nẵng cũng đã có buổi giao lưu ra mắt sách sinh động tại hội sách, thu hút sự tham gia của nhiều đồng nghiệp và bạn đọc.

Hai tập tạp bút gồm gần 140 bài viết của Lê Minh Quốc với những đề tài khác nhau, từ chuyện sách vở xưa nay đến những sự kiện, nhân vật, kỷ niệm, ứng xử mang tính thời sự đời sống đương đại. Vừa đọc vừa đi vừa quan sát, chiêm nghiệm, Lê Minh Quốc cho thấy một sức nghĩ, sức viết “cường tráng” đáng nể và nghiêm túc về nghề nghiệp. Điều thú vị là trong phần lớn trang viết anh đều đặt để, đưa đẩy, liên hệ đến quê hương văn học của mình bằng một tình yêu khi nồng nàn say đắm, khi lặng lẽ suy tư đối với ký ức Đà Nẵng. Một tình yêu lạ lùng. Tất nhiên không chỉ ở văn xuôi, mà tình yêu ấy còn từng thể hiện sâu đậm trong thơ anh qua hàng chục tập thơ đã xuất bản.

“Chưa về tắm biển quê hương

cùng tiếng sóng bóng trùng dương chập chùng

xa quê giấc ngủ lưng chừng

chợt nghe sóng dội tận cùng chiêm bao”

Đã hơn 20 năm rồi tôi vẫn thuộc lòng bài thơ bốn câu lục bát ấy của nhà thơ Lê Minh Quốc, như một nỗi ám ảnh và như một sự sẻ chia. Đà Nẵng quê anh có biển. Phú Yên quê tôi cũng có biển. Và anh đã nói hộ giùm tôi cùng bao người “xa quê giấc ngủ lưng chừng” khác nỗi khắc khoải thương nhớ nơi chôn nhau cắt rốn, nhớ thương lời ru vĩnh hằng biển cả “sóng dội tận cùng chiêm bao”. Một nỗi nhớ, một tình yêu tưởng chừng bình thường nhưng chỉ có thi sĩ mới văn bản hóa thành hình ảnh đẹp nên thơ.

Mỗi nghệ sĩ đều có một quê hương văn hóa làm bệ phóng, nuôi dưỡng cảm hứng sáng tạo cho mình. Đối với nhà thơ Lê Minh Quốc, quê hương văn học chính là Đà Nẵng, cũng là nơi sinh thành nên anh, để từ đó anh bước đi, vượt qua bao thăng trầm, cả trên chiến trường ác liệt, đam mê và cật lực như gã lực điền dựng nên cánh đồng chữ nghĩa phong phú riêng mình. Và anh gọi quê hương văn học là “bến thơ”, như trong bài Gửi Đà Nẵng 1 anh viết:

“Nghìn năm sóng vỗ âm vang

Bến thơ tôi chính là bến sông Hàn”

Người sinh từ đất Quảng Nam - Đà Nẵng vào lập nghiệp ở Sài Gòn khá đông, trong đó có không ít nhà thơ, nhưng có lẽ không ai làm thơ về xứ sông Hàn nhiều như Lê Minh Quốc. Anh có nguyên một tập thơ Yêu em, Đà Nẵng xuất bản từ năm 1999, và càng về sau quê hương càng là nguồn cảm hứng thường trực trong thơ anh, bởi như anh tâm sự:

“Đà Nẵng nhập vào tôi và tan ra qua hơi thở

tan ra qua mạch máu

tan ra qua tiếng kêu run rẩy

đôi môi

em chính là sự sống của tôi”

(Lộc biếc)

Không chỉ là sự sống mà Đà Nẵng còn là nguồn thi hứng cho những trái tim chớm biết hẹn hò lứa đôi, trong ấy có thời tuổi xanh mơ mộng của anh:

“Hỡi thành phố lạ lùng như huyền thoại

Bất cứ ai hò hẹn trước cổng trường

Sẽ đều biết làm thơ để tặng người thương”

(Gửi Đà Nẵng)
Vì quá yêu Đà Nẵng mà Lê Minh Quốc có những phát hiện tinh tế, nhất là lúc ở giữa Sài Gòn anh chợt quay quắt nhớ quê:

“Chao ôi chú chuồn chuồn kim quái quỷ

Sao mày biết tao nơi đây

mà lại đến tìm?

Đà Nẵng - Sài Gòn

một ngàn cây số

Gặp nhau rồi sao cứ lặng im?”

Hồn nhiên và xúc động. Tôi tưởng tượng lúc Lê Minh Quốc đối thoại với chú chuồn chuồn kim, tâm hồn anh trong suốt như pha lê, và đó chính là thần thái đích thực của thi sĩ vốn có vẻ bề ngoài bụi bặm băm bổ “ruột bỏ ngoài da” này. Một cuộc đối thoại thuần khiết mang vẻ đẹp hướng thiện.

Cũng chính tình yêu quê hương mà Lê Minh Quốc còn đào sâu trong vỉa tầng văn hóa Việt phát hiện ra con trâu, con bò, cái cày, cái bừa, cái cối, cái chày… và cả cái giếng cũng ăn tết. Trong tạp bút Về quê ăn Tết anh có một đoạn văn rất hay và cảm động: “Tuổi thơ của tôi có những vạt mây trắng. Mây bay trên trời xanh lồng lộng bây giờ đã chìm khuất đâu đó trong trí nhớ, nhưng vạt mây từng soi bóng dưới giếng chắc vẫn còn. Giếng nhà ông ngoại. Cái giếng cũ kỹ ấy là một thời kỷ niệm khó quên. Nước trong vắt. Mỗi chiều, bà con láng giềng thường đến múc nước. Tình làng nghĩa xóm thân mật và gần gũi lắm. Trong tôi vẫn còn nghe vọng lên âm thanh của những chiếc gầu va vào thành giếng. Âm thanh của tuổi thơ nhiều mộng mị xa vời”.

Cái giếng cũ kỹ nhà ông ngoại của Lê Minh Quốc có thể sẽ biến mất theo thời gian. Nhưng cái giếng trong tâm tưởng lung linh qua từng con chữ thi sĩ thì tôi tin sẽ mãi mãi vẫn còn, như tình yêu lạ lùng của anh với quê hương không bao giờ phai nhạt.

 

leminhquoctinhyeu-dan-nang-da-lung-1R

P.H
(nguồn:Báo Thanh Niên 3.5.2016)

Chia sẻ liên kết này...

 
 

LÊ MINH QUỐC QUA CÁI NHÌN CỦA NHÀ BÁO PHẠM QUỐC TOÀN

dam-me-va-1-chu-tinn-h-1-RRbis

 

Nhà báo, nhà thơ, nhà văn Lê Minh Quốc (Báo Phụ nữ thành phố Hồ Chí Minh) là một người con xứ Quảng. Anh là một người rất đa tài và có nhiều tác phẩm xuất sắc.

Tôi quen thân Lê Minh Quốc mấy chục năm, từ thuở cầm chịch tờ Vũng Tàu Chủ nhật. Mấy năm nay ít có dịp gặp anh hàn huyên tình xưa nghĩa cũ, nhưng hai anh em hiểu nhau, vẫn thư từ, điện thoại cho nhau. Nhớ Lê Minh Quốc thì vào nhà sách “khuân” tác phẩm anh viết về đọc.

Lê Minh Quốc sung sức, viết khỏe; ngoài sáng tác thơ, hàng trăm bài báo, chuyên khảo, chuyên luận, năm nào anh cũng có dăm ba đầu sách, không lúc nào ngưng nghỉ. Anh là tác giả của 3.000 trang sách in thành 10 tập Kể chuyện danh nhân Việt Nam. Bộ sách này hơn 10 năm trước được Bộ GD&ĐT chọn làm sách tham khảo cho môn học lịch sử trong các trường THPT toàn quốc. Anh cũng là tác giả các cẩm nang: Hỏi đáp về báo chí Việt Nam, Giáo dục Việt Nam, Doanh nhân Việt Nam. Lê Minh Quốc còn là nhà viết tiểu thuyết lịch sử, với các bộ sách về Hoàng Hoa Thám, Tôn Thất Thuyết, Nguyễn Thái Học, Nguyễn An Ninh…

Lê Minh Quốc ở đâu, làm gì, cứ đọc nhật ký hằng ngày đều đặn trên trang thông tin điện tử cá nhân của anh là biết hết niềm vui và cả những việc chưa vui gắn với đời và nghề. Người ta viết nhật ký cho riêng mình đọc nỗi niềm riêng tư.

Lê Minh Quốc thì viết nhật ký cho thiên hạ đọc, thế mới khó! Mở cuốn Tình éo le mà lý oái oăm (NXB Phụ nữ) được xuất bản vào năm ngoái, lật từng trang sách, tôi thủ thỉ một mình: “Lê Minh Quốc viết “bợm”. Khá lắm Quốc ơi!”. Cuốn sách này tiếp nối cùng chủ đề các cuốn đã xuất bản vài ba năm trước của anh: Gái đẹp trong tôi, Tôi và đàn bà, Khi tổ ấm nhảy Lambada.

Lê Minh Quốc kém tôi chục tuổi, gia nhập quân đội vào năm 1977, có 5 năm làm lính Sư đoàn 307 đánh bọn diệt chủng Pol Pot trên chiến trường nước bạn Campuchia, cũng vào sinh ra tử lắm. Làm báo, anh là “hoa khôi” của Báo Phụ nữ thành phố Hồ Chí Minh.

Đàn ông mà lại đi làm báo cho phụ nữ đọc, gỡ rối chuyện tình duyên cho phái đẹp giữa một “rừng” đồng nghiệp nữ, không là “hoa khôi” thì là gì? Lê Minh Quốc sống độc thân mà sao viết về tình yêu - cuộc sống gia đình “bợm” đến thế. Chuyện về tình yêu đôi lứa, chuyện vợ chồng trong phòng kín được anh lý giải đâu ra đấy, đưa vào truyện ngắn, tiểu thuyết không chê vào đâu được. Thế mới kỳ tài!

Đọc Ngày trong nếp ngày (NXB Hội Nhà văn, 2015) của Lê Minh Quốc mới biết cuộc đời anh hình như chỉ có đi, đọc, ghi chép và viết. Anh yêu báo chí, sống bằng nghề viết, chứ chẳng làm gì thêm. Nói không ngoa, Lê Minh Quốc ngồi viết, đi viết, nằm viết mà khi ngủ, khi yêu cũng… viết.

Trang mạng của anh, xem kỹ có khác gì một tờ báo. Viết đàng hoàng, ngay ngắn, chững chạc, xây dựng và có tính định hướng ra phết. Gần 500 trang sách Ngày trong nếp ngày là những trang nhật ký, những trang làm nghề. Vốn sống được Lê Minh Quốc tích lũy mỗi ngày qua những trang nhật ký của mình trước khi anh kịp kết nối, hoàn thiện thành những tập bản thảo in thành sách. Đọc nhật ký của Lê Minh Quốc, ta thấy ngồn ngộn trong đó những chi tiết báo chí sống động tình éo le mà lý oái oăm.

Lê Minh Quốc cho biết, anh luôn cố gắng tìm tòi cách thể hiện mới để có thể chia sẻ từ việc làm đến suy nghĩ hằng ngày của riêng mình mà vẫn được bạn đọc tìm đọc. Còn Lê Minh Quốc trong Tình éo le mà lý oái oăm được nhà văn Ý Nhi lý giải: “Với Lê Minh Quốc, người phụ nữ là hiện thân của cái đẹp, là nguồn cội của tình yêu, là người sáng tạo thế giới và, cũng là người chịu đựng nhiều nhất những tai ách, những bất hạnh, những đau đớn của kiếp người. Tôi nghĩ, nếu không có tình yêu thương, không có nỗi cảm thông, không có sự hiểu biết và những trải nghiệm sống, Lê Minh Quốc khó viết nên những trang văn nồng nhiệt, tha thiết, có khi đắm đuối như vậy về một đề tài đã được nhiều người luận bàn”.

Trần Ngọc Châu trạc tuổi tôi, sinh trước Lê Minh Quốc gần một con giáp. Nhưng Trần Ngọc Châu và Lê Minh Quốc cùng là dân gốc Quảng Nam-Đà Nẵng, yêu văn thơ và báo chí. Tôi hỏi chuyện Trần Ngọc Châu về mấy cuốn sách của Lê Minh Quốc, Trần Ngọc Châu cười vui: “Lê Minh Quốc làm thơ hay, lý giải lịch sử có sức lôi cuốn, viết về cái chữ tình giỏi!”.

 

PHẠM QUỐC TOÀN
(nguồn: trích bài viết ĐAM MÊ VÀ MỘT CHỮ TÌNH -  Báo Đà Nẳng số 5706 ngày 23.4.2016)

Chia sẻ liên kết này...

 
 

LÊ MINH QUỐC: "Nhảy lambada" với chữ nghĩa


Trước khi đến Hội thảo, tôi đã biết gì về Lê Minh Quốc? Vâng đó là một khối tác phẩm đồ sộ của anh. Lê Minh Quốc viết không biết mệt, anh đã trình làng 12 tập thơ trong đó nhiều tập in lần thứ hai hoặc ba...

09-29-57_trng-26
Nhà thơ Lê Minh Quốc

Sau khi rảo một vòng qua Hội sách TP.HCM 2016 trước khi bế mạc, tôi đến khu vực của nhà sách Phương Nam. Ở đây, tổ chức hội thảo sách của Lê Minh Quốc, tôi được anh nhắn tin mời với ngôn từ khiêm nhường rất Lê Minh Quốc: “Mời anh đến ủng hộ cho em!”.

Thực tình với Lê Minh Quốc ngoài việc mến vì sự đa tài trong nghề cầm bút, khâm phục bởi sức viết - gần 80 đầu sách in trong khoảng 25 năm được bạn đọc mọi giới yêu thích và sự đánh giá cao rất khách quan của bạn văn, tôi còn là sự kính nể của một đàn anh với người em trung thực thẳng thắn cởi mở quyết liệt bảo vệ cái đúng với thiên chức nhà báo.

Trước khi đến Hội thảo, tôi đã biết gì về Lê Minh Quốc? Vâng đó là một khối tác phẩm đồ sộ của anh. Lê Minh Quốc viết không biết mệt, anh đã trình làng 12 tập thơ trong đó nhiều tập in lần thứ hai hoặc ba. Thơ là thế mạnh của anh và cũng là một thành công bởi hiện nay thơ được tái bản là khá hiếm. Anh có 9 tập bút ký tản văn mà cũng có nhiều tập được tái bản hai ba lần.

Tôi không ngạc nhiên với thành tích này bởi như đã nói anh là một nhà báo. Lê Minh Quốc cũng viết truyện dài với 8 tập đã in, tất nhiên lại cũng có tái bản. Và rồi anh viết tiểu thuyết lịch sử với những nhân vật Nguyễn Thái Học, Hoàng Hoa Thám, Nguyễn An Ninh,Tôn Thất Thuyết, Bạch Thái Bưởi...

Bây giờ, xin trở về với khung trời hẹp: Hội thảo sách của Lê Minh Quốc. Khuôn viên nhỏ nhưng thơ mộng nằm nép mình dưới những tàng cây cổ thụ, khách dự khá đông đặc biệt là giới trẻ.

Có hai MC, một nhà thiết kế thời trang, và một nhà văn nữ mang bút danh Chị Đẹp. Trong suốt hội thảo ta thấy một Lê Minh Quốc luôn hoạt động viết và ký tặng sách, lui tới bởi những di chuyển cần thiết trong khuôn viên hội thảo... Áo ướt đẫm mồ hôi song trên gương mặt hầm hố bặm trợn ấy luôn nở những nụ cười vui tươi mà sảng khoái trả lời những câu hỏi không kém phần gai góc của người dự.

Về động từ “viết”, Quốc chia sẻ rằng anh làm việc cần mẫn như con ong, lấy “cần cù bù thông minh”, ngoài việc làm tay phải của một nhà báo anh cấp tập nạp thông tin bằng đi và đọc để hành nghề tay trái viết văn làm thơ bằng mọi thể loại đề cập đến nhiều lĩnh vực khác nhau cho người đọc mọi lứa tuổi.

Lê Minh Quốc viết nhiều về phụ nữ. Cả cuộc đời Quốc gắn với tờ báo dành cho giới nữ nên anh có quá nhiều kinh nghiệm quá nhiều thông tin từ những chuyến tác nghiệp của nghề báo để thổi vào trang viết những nhận xét tinh tế về các sự kiện muôn mặt của phụ nữ.

Anh giải thích bổ sung về thiên kiến đối tượng viết của mình: “Đẻ là sự sáng tạo. Đàn bà là kẻ sáng tạo.Họ sáng tạo ra vũ trụ này”. Do vậy mà khi viết về họ anh một lòng trân trọng trong bất cứ tác phẩm nào như những Tình éo le mà lý oái oăm, Gái đẹp trong tôi, Tôi và đàn bà, Khi tổ ấm nhảy Lambada...

Có bạn đọc cắc cớ hỏi:“Gần sáu mươi rồi mà anh vẫn độc thân, được biết anh có khá nhiều mối tình vậy tại sao tan vỡ, lỗi do ai?”. Lê Minh Quốc lý giải: “Tất cả bởi một chữ duyên, còn duyên thì sống với nhau trọn đời mà hết duyên thì chia tay mà vẫn xem nhau như bạn bè thân thiết, với tôi chỉ có thể nói như vậy, còn cứ muốn quy trách nhiệm thì xin thưa tại tôi! Ví như có khi bạn thấy tôi hấp dẫn lắm nhưng sống một thời gian lại thấy nhàm chán vậy không tại tôi thì tại ai đây?”.

Nói chung thì sợi chỉ đỏ xuyên suốt các bài viết của anh là bênh vực phụ nữ, cảnh báo đàn ông phải nhận thức lại chớ chủ quan cho mình có vai trò tuyệt đối phụ nữ chỉ luôn là “Con gái giữ đạo tam cang/ Lấy chồng gánh vác giang san nhà chồng”.

Người phụ nữ thời nay khác trước nhiều, họ được trang bị nhiều tri thức và nhất là trách nhiệm cộng đồng đã quan tâm đến họ nhiều hơn, chu đáo hơn. Lại nữa bằng sự trợ giúp của khoa học, họ có thể sinh con mà chẳng phải “nâng khăn sửa túi” cho một gã đàn ông nào.

Theo Lê Minh Quốc: “Tùy vào nhận thức, mỗi người phụ nữ có trách nhiệm với gia đình chồng. Họ thực hiện theo cách của họ mà vẫn tròn đạo dâu con. Vì thế đừng đem quan niệm xưa cũ phán xét về đức hạnh tư cách của họ”.

Nhà thơ Ý Nhi chia sẻ: “Với Lê Minh Quốc, người phụ nữ là hiện thân của cái đẹp, là nguồn cội của tình yêu, là người sáng tạo thế giới và cũng là người chịu đựng nhiều nhất những tai ách, những đau đớn của kiếp người. Tôi nghĩ nếu không có tình yêu thương, không có nỗi cảm thông, không có sự hiểu biết và những trải nghiệm sống, Lê Minh Quốc khó viết nên những trang văn nồng nhiệt, tha thiết, có khi đắm đuối như vậy, về một đề tài đã được nhiều người luận bàn”.

Như đã nói, nghề báo giúp Lê Minh Quốc có nhiều đất viết và một trong những cách thể hiện là anh viết nhật ký về văn hóa, xã hội. Anh tích lũy thông tin thời sự hàng ngày sau đó chắt lọc và suy ngẫm, liên tưởng sâu hơn. Tôi khá thích thú với nhận xét của nhà văn Đoàn Thạch Biền: “Viết nhật ký chỉ dành riêng cho mình đọc, không khó. Nhưng viết nhật ký cho nhiều người khác cùng đọc thì khó. Vì nếu chỉ viết về “cái tôi riêng tư” thì ai mà thèm đọc, nên còn phải viết về “cái chung ta quan tâm” để bạn đọc chia sẻ.

Lê Minh Quốc chọn cách viết khó và đã đưa nhật ký của anh lên mạng xã hội để bạn đọc góp ý, trước khi in thành sách. Anh đã khôn khéo khi viết về “cái tôi riêng tư”, nhiều khi bằng những bài thơ tự sự nên bạn đọc dễ cảm thông”.

Điều này được minh chứng trong tập “Ngày trong nếp ngày” gồm 112 tạp bút từ nhật ký anh ghi chép trong năm 2013, đó là những lời tâm sự với thời gian mỗi ngày vừa trôi qua khiến mỗi chúng ta quý trọng hơn đời sống hiện tại của mình. Một bạn đọc hỏi: “Bảy năm đi bộ đội chiến đấu ở chiến trường Campuchia tiếp đến bốn năm học đại hoc đến năm 1988 mới đi làm nhà báo vậy mà đến nay anh đã có 80 đầu sách chất lượng được in, xin cho biết bí quyết?”.

Lê Minh Quốc vui vẻ bộc bạch: “Tôi nghiêm khắc thực thi lịch làm việc được vạch cụ thể hàng ngày, đã ngồi vào bàn là viết không có “phây phủng vô bổ” gì hết . Vâng, thực tế cuộc sống ngồn ngộn từ cái thời đi lính đó rồi lại làm báo trời cho thêm cái khiếu thơ văn thì xúc cảm có từ đó nên không phải đợi cảm xúc đến mới viết”.

Tôi hoàn toàn chia sẻ điều đó với anh bởi tôi có những người quen như nhà văn Nguyễn Mạnh Tuấn bằng với thực tế cuộc đời từng trải quá phong phú luôn tôn trọng một lịch làm việc sít sao khoa học và khi đã ngồi vào bàn là chỉ có viết... Những người viết Tựa và Bạt cho cuốn “Gương mặt thời gian” in năm 1999 của tôi như nhà lý luận văn học Lê Ngọc Trà viết nhiều sách lý luận có giá trị trong nước và những năm gần đây cho nước ngoài, rồi nhà thơ Trần Mạnh Hảo mà ít người có sức tự học sức đọc sức viết như anh.

Tôi không có ý định “chụp ảnh” buổi hội thảo, nên chỉ lướt qua mấy nét tôi thích. Bởi tôi đến đây còn để học. Tuy đi làm báo cùng lúc với Lê Minh Quốc nhưng lúc đã ở tuổi tri thiên mệnh khởi đi từ một ông giáo dạy và làm toán đã gần ba chục năm trong nghề nên chỉ tập trung học và hành nghề báo, còn viết văn thì phải đợi có cảm xúc. Ngồi với máy chẳng phải viết ngay mà còn “phây phủng” tùm lum... thói quen ghi nhật ký thì được chăng hay chớ. Và lần này thì tôi đã học được rất nhiều nhất là phong cách làm việc ở chú em tôi vốn rất quý.

Mấy cuốn sách tôi vừa ra là Lê Minh Quốc có bài bình ngay còn lần hội thảo này tôi lại ầu... ơ...!

LÊ KHẮC HÂN
(nguồn: Báo Kiến Thức Gia Đình số 15, phát hành ngày 14.4.2016)

Chia sẻ liên kết này...

 
 

Lê Minh Quốc mê đắm tâm thức văn hóa Việt

 

leminhquoc-me-dan-tam-thuc-van-hoa-Viet

Thật khó hình dung một con người năng động, chừng như sống vội sống vàng, xuất hiện thường xuyên trong mọi sinh hoạt báo chí và văn học của TPHCM như Lê Minh Quốc lại là một tâm hồn luôn mê đắm tâm thức văn hóa dân tộc qua những trang sách và di sản khác của người xưa, để từ đó anh suy nghiệm, tái hiện, chia sẻ cảm hứng trên trang viết của mình.

Nhà thơ, nhà báo Lê Minh Quốc có một bút lực rất sung mãn. Nếu liên tưởng với nông dân, anh là gã lực điền trên cánh đồng chữ, còn với ngư dân thì anh là người đánh bắt gần lẫn xa bờ không một ngày rời xa biển cả văn chương, báo chí. Hơn 25 năm qua, cây bút gốc Đà Nẵng này đã xuất bản 10 tập thơ, 7 tiểu thuyết, 10 tập tùy bút và nhiều sách thể loại khác, đủ minh chứng cho sức làm việc như người chạy “không phổi” của anh.

 

images628756_8

Nhà thơ, nhà báo Lê Minh Quốc giao lưu với bạn đọc tại Hội sách TPHCM lần thứ 9

 

Đối với Lê Minh Quốc, mỗi lần ngồi trước trang viết là “lần đầu tiên những con chữ dàn binh bố trận”, nhưng đó cũng là “trận cuối cùng trên đôi bờ sinh tử” quyết liệt và tâm huyết như thơ anh viết: Tôi vội múa đao/ rồi lộn nhào/ từng con chữ knock-out trên trang giấy/ tôi chiến thắng cũng chính tôi chiến bại/ dù khôn ngoan vẫn là khờ dại/ trơ trọi một mình gặm nhấm buồn vui (Nghề văn).

Vì sự Tự nguyện làm tù khổ sai đó mà trong 9 lần diễn ra Hội sách TPHCM hầu như lần nào Lê Minh Quốc cũng có tác phẩm mới tham gia. Trong hội sách vừa qua cùng lúc anh ra mắt và giao lưu với bạn đọc 2 tập tùy bút khá đồ sộ: Ngày viết mỗi ngày (dày gần 500 trang) và Có một mầm hoa đã nhú dưới tro tàn (dày hơn 320 trang).

Bên cạnh việc thường xuyên xê dịch, Lê Minh Quốc xem đọc sách như cái thú “du lịch tại gia”. Không chỉ đọc để giải trí mà anh còn chắt lọc, ghi chép “cảo thơm” của người xưa, đặc biệt là lịch sử và văn hóa của dân tộc, rồi trình bày lại một cách ngẫu hứng nhưng khúc chiết những vấn đề rất thú vị, rút ra những bài học đối nhân xử thế.

Chẳng hạn về sự thể hiện lòng yêu nước khác nhau của người Việt, Lê Minh Quốc đã nhớ đến nhân vật lịch sử Trần Quốc Khang có số phận đặc biệt vào thời nhà Trần. Lúc vợ của An Sinh vương Trần Liễu là công chúa Thuận Thiên mang thai được ba tháng thì bị Thái sư Trần Thủ Độ ép gả cho Trần Cảnh, tức về sau là vua Trần Thái Tông, lúc đó chưa có con với công chúa Chiêu Hoàng. Cuộc hôn nhân chính trị trái khoáy ấy đã sinh ra Trần Quốc Khang. Về danh nghĩa, ông là con Trần Cảnh, nhưng thực chất là giọt máu của người anh ruột Trần Liễu.

Do hoàn cảnh trớ trêu ấy, khi đất nước bị quân Nguyên Mông xâm lược, Trần Quốc Khang đã có sự lựa chọn khác chứ không xông pha trận mạc như người em Trần Quốc Tuấn. Trong một buổi thiết triều, Trần Quốc Khang đã dâng lên thượng hoàng và nhà vua một con rùa và tâu rằng triều đình hãy xem ở ngực và bụng rùa có chữ gì, vì đây là Kim Quy hiển linh sứ giả của thần linh như thời An Dương Vương. Sử thần Lê Văn Hưu được lệnh xem và đọc được chữ “vương” ở ngực và chữ “nhũng” ở bụng rùa, nghĩa là chuyến xuất quân này của triều đình được thần linh tiên lượng là “vô sự”. Hành động “văn hóa quân sự” (chữ của nhà sử học Lê Văn Lan) ấy của Trần Quốc Khang đã giúp tăng thêm niềm tin và sức mạnh cho quân dân Đại Việt chống xâm lăng. Lê Minh Quốc viết lại câu chuyện Trần Quốc Khang trong tạp văn Mỗi con sóng đều hóa Bạch Đằng giang vào tháng 5-2014.

Không chỉ trong lịch sử đánh giặc giữ nước mà Lê Minh Quốc còn đắm mình, rút tỉa nhiều bài học quý báu của người xưa qua quan niệm sống, nghệ thuật ứng xử, phong tục tập quán, tinh thần sáng tạo, tình yêu con người và thiên nhiên…, từ nền văn hóa vật thể và phi vật thể giàu truyền thống của dân tộc. Những bài học đối nhân xử thế, trước hết anh chiêm nghiệm để tự sửa mình và sau đó là chia sẻ với bạn đọc tri âm. Điều ấy phần nào cũng đã thể hiện ý thức trách nhiệm của một người cầm bút có nghề có tâm và bền bỉ như Lê Minh Quốc.

HOÀNG THỦY

(nguồn: Báo Sài Gòn Giải phóng số Chủ nhật, 17/04/2016)

 

 

Viết bằng tâm thức văn hóa Việt

 

Thật khó hình dung một con người năng động, chừng như sống vội sống vàng, xuất hiện thường xuyên trong mọi sinh hoạt báo chí và văn học của TP Hồ Chí Minh như Lê Minh Quốc lại là một tâm hồn luôn mê đắm tâm thức văn hóa dân tộc qua những trang sách và di sản khác của người xưa, để từ đó anh suy nghiệm, tái hiện, chia sẻ cảm hứng trên trang viết của mình.

Le-Minh-Quoc160429
Nhà thơ, nhà báo Lê Minh Quốc ký tặng sách - Ảnh: H.THỦY

“TỰ NGUYỆN LÀM TÙ KHỔ SAI” CHO CON CHỮ

Nhà thơ, nhà báo Lê Minh Quốc có bút lực rất sung mãn. Nếu liên tưởng với nông dân, anh là gã lực điền trên cánh đồng chữ, còn với ngư dân thì anh là người đánh bắt gần lẫn xa bờ không một ngày rời xa biển cả văn chương, báo chí. Hơn 25 năm qua, cây bút gốc Đà Nẵng này đã xuất bản 10 tập thơ, 7 tiểu thuyết, 10 tập tùy bút và nhiều sách thể loại khác, đủ minh chứng cho sức làm việc như người chạy “không phổi” của anh.

Đối với Lê Minh Quốc, mỗi lần ngồi trước trang viết là “lần đầu tiên những con chữ dàn binh bố trận” nhưng đó cũng là “trận cuối cùng trên đôi bờ sinh tử” quyết liệt và tâm huyết như thơ anh viết: “tôi vội múa đao/ rồi lộn nhào/ từng con chữ knock-out trên trang giấy/ tôi chiến thắng cũng chính tôi chiến bại/ dù khôn ngoan vẫn là khờ dại/ trơ trọi một mình gặm nhấm buồn vui” (Nghề văn).

Quan niệm của Lê Minh Quốc thoạt nghe có vẻ lạ tai và hơi “cực đoan” nhưng cho thấy sự say mê hết mình và nghiêm cẩn một cách có ý thức về nghề nghiệp:

“Tay lóc ngóc gõ lọc xọc

Một tảng đá ngồi trước bàn

Vận dụng nội lực lên dốc

Chẳng bao giờ chịu đầu hàng

Nhoay nhoáy đêm ngày xoèn xoẹt

Chữ ơi ốm béo ngắn dài

Văn chương cái nghề cực nhọc

Tự nguyện làm tù khổ sai”

(Chuyện nghề)

Vì sự “Tự nguyện làm tù khổ sai” đó mà trong 9 lần diễn ra Hội Sách TP Hồ Chí Minh, hầu như lần nào Lê Minh Quốc cũng có tác phẩm mới tham gia. Trong hội sách vừa qua, cùng lúc anh ra mắt và giao lưu với bạn đọc 2 tập tùy bút khá đồ sộ: “Ngày viết mỗi ngày” (dày gần 500 trang) và “Có một mầm hoa đã nhú dưới tro tàn” (dày hơn 320 trang ), đều do Công ty Văn hóa Phương Nam phối hợp với NXB Hội Nhà văn ấn hành. Anh đã trực tiếp trả lời từng câu hỏi bằng giọng Quảng đặc sệt và túa mồ hôi không ngừng ký tặng sách cho những bạn đọc đặt câu hỏi hay.

Ở đâu có Lê Minh Quốc là ở đó náo nhiệt, mà sôi động nhất, hứng khởi nhất là tại những buổi giới thiệu sách của chính anh. Trước mọi câu hỏi bạn đọc quan tâm, từ cảm hứng sáng tác, nghệ thuật viết văn, phong cách tác giả đến chuyện tình yêu lứa đôi, hôn nhân gia đình, cách nhìn về phụ nữ… anh đều nhiệt tình trả lời theo hiểu biết của mình. Anh còn ký tặng sách cho những bạn đọc có câu hỏi hay mà anh trả lời cũng… hay!

Nhờ sự sốt sắng và dẫn chuyện tùy hứng vui nhộn mà Lê Minh Quốc còn được mời làm MC cho những chương trình ra mắt sách, bán đấu giá sách. Ngoài hội sách thì anh là gương mặt quen thuộc tại Đường Sách TP Hồ Chí Minh. Anh tâm sự rằng, xuất hiện nhiều, được nổi tiếng, cũng khổ, vì nhất định sẽ có những người không thích sự “chai mặt” của mình. Nhưng biết làm sao được, ngoài sự “khổ sai” trên trang viết thì những hoạt động khác của đời sống văn học nghệ thuật cũng mang lại niềm vui và cảm hứng sáng tạo trên con đường chữ nghĩa chông gai.

 

CHẮT LỌC CÁI HAY CỦA NGƯỜI XƯA ĐỂ “ĐỐI NHÂN XỬ THẾ”

Bên cạnh việc thường xuyên xê dịch, Lê Minh Quốc xem đọc sách như cái thú “du lịch tại gia”. Không chỉ đọc để giải trí mà anh còn chắt lọc, ghi chép “cảo thơm” của người xưa, đặc biệt là lịch sử và văn hóa của dân tộc, rồi trình bày lại một cách ngẫu hứng nhưng khúc chiết những vấn đề rất thú vị, rút ra những bài học “đối nhân xử thế”. Chẳng hạn về sự thể hiện lòng yêu nước khác nhau của người Việt, Lê Minh Quốc đã nhớ đến nhân vật lịch sử Trần Quốc Khang có số phận đặc biệt vào thời nhà Trần. Lúc vợ của An Sinh vương Trần Liễu là công chúa Thuận Thiên mang thai được 3 tháng thì bị Thái sư Trần Thủ Độ ép gả cho Trần Cảnh, tức về sau là vua Trần Thái Tông, lúc đó chưa có con với công chúa Chiêu Hoàng. Cuộc hôn nhân chính trị trái khoáy ấy đã sinh ra Trần Quốc Khang. Về danh nghĩa ông là con Trần Cảnh, nhưng thực chất là giọt máu của người anh ruột Trần Liễu.

Do hoàn cảnh trớ trêu ấy, khi đất nước bị quân Nguyên Mông xâm lược, Trần Quốc Khang đã có sự lựa chọn khác chứ không xông pha trận mạc như người em Trần Quốc Tuấn. Trong một buổi thiết triều, Quốc Khang đã dâng lên thượng hoàng và nhà vua một con rùa và tâu rằng triều đình hãy xem ở ngực và bụng rùa có chữ gì, vì đây là Kim Quy hiển linh sứ giả của thần linh như thời An Dương Vương. Sử thần Lê Văn Hưu được lệnh xem và đọc được chữ “vương” ở ngực và chữ “nhũng” ở bụng rùa, nghĩa là chuyến xuất quân này của triều đình được thần linh tiên lượng là “vô sự”. Hành động “văn hóa quân sự” (chữ của nhà sử học Lê Văn Lan) ấy của Trần Quốc Khang đã giúp tăng thêm niềm tin và sức mạnh cho quân dân Đại Việt chống xâm lăng. Lê Minh Quốc viết lại câu chuyện Trần Quốc Khang trong tạp văn “Mỗi con sóng đều hóa Bạch Đằng Giang” lúc giàn khoan Hải Dương 981 của Trung Quốc xâm phạm vùng biển đặc quyền của Việt Nam vào tháng 5/2014.

Nghiền ngẫm những sự kiện lịch sử, nhất là dã tâm của Minh Thành Tổ trong việc xua quân hủy diệt văn tự, văn hóa Đại Việt, Lê Minh Quốc khẳng định: “Âm mưu đồng hóa về văn hóa của Trung Quốc đã thất bại. Chắc chắn còn thất bại”. Và cũng từ lịch sử, qua những câu chuyện về Lê Văn Thịnh, Trần Quang Khải, Hồ Quý Ly, Trần Khát Chân, Nguyễn Trãi…, anh nhận thấy: “Ngàn đời nay, tính cách của dân tộc Việt cũng kỳ lạ: Khi đứng trước nguy cơ ngoại xâm, mỗi một người lại tự giác tạm gác mọi tị hiềm, bè phái để tập trung sức mạnh chống kẻ thù chung” (“Lòng nhân của người Việt lớn lắm”).

Lê Minh Quốc cũng từng thốt lên: “Lòng nhân của người Việt lớn lắm!”. Và anh liên hệ câu chuyện Lê Lợi sau 10 năm nằm gai nếm mật chống quân xâm lược nhà Minh, khi chiến thắng đã cung cấp phương tiện và lương thực cho bọn hàng binh về phương Bắc. Đó là lòng nhân mà cũng là thượng sách của tổ tiên!

Bao dung đối với kẻ thù, dĩ nhiên người Việt cũng đầy lòng nhân ái đối với chính đồng bào mình. Lê Minh Quốc đã minh chứng điều ấy bằng câu chuyện vua Lý Thánh Tôn ra lệnh cung cấp chăn chiếu và thực phẩm đầy đủ cho tù nhân trong ngục thất để tránh cái rét lớn năm 1056. Lòng nhân và sự khoan dung còn thể hiện ở cách hành xử của Thượng hoàng Trần Thái Tông mà anh thuật lại từ “Đại Việt sử ký toàn thư”: “Trước kia, người Nguyên vào cướp, vương hầu, quan lại nhiều người đến doanh trại giặc xin hàng. Đến khi giặc thua, bắt được cả một hòm biểu xin hàng, thượng hoàng sai đốt hết đi để yên lòng những kẻ phản trắc”. Tinh thần cao thượng và tầm nhìn chiến lược của tổ tiên ta thật đáng khâm phục!

Không chỉ trong lịch sử đánh giặc giữ nước mà Lê Minh Quốc còn đắm mình, rút tỉa nhiều bài học quý báu của người xưa qua quan niệm sống, nghệ thuật ứng xử, phong tục tập quán, tinh thần sáng tạo, tình yêu con người và thiên nhiên… từ nền văn hóa vật thể và phi vật thể giàu truyền thống của dân tộc. Những bài học “đối nhân xử thế” trước hết anh chiêm nghiệm để tự “sửa mình” và sau đó là chia sẻ với bạn đọc tri âm. Điều ấy phần nào cũng đã thể hiện ý thức trách nhiệm của một người cầm bút có nghề có tâm và bền bỉ như Lê Minh Quốc.

HOÀNG THỦY

(nguồn: http://www.baophuyen.com.vn/93/153690/viet-bang-tam-thuc-van-hoa-viet.html)

Chia sẻ liên kết này...

 
 

Nhà thơ Lê Minh Quốc 'đắt sô'

 

 

Sau khi ra mắt hai tập sách mới Ngày viết mỗi ngàyCó một mầm hoa đã nhú dưới tro tàn, nhà thơ Lê Minh Quốc bỗng nhiên 'đắt sô'. Nhiều đơn vị xuất bản mời anh đến nói chuyện về sách và làm MC.

leminhquoc_AIMO

Sắp tới, lúc 16 giờ 30 phút ngày 17.4 tại Đường sách Nguyễn Văn Bình (TP.HCM), nhà thơ Lê Minh Quốc sẽ cùng nhà nghiên cứu văn học Võ Văn Nhơn, Nguyễn Thành Thi chia sẻ nội dung chủ đề Văn học lãng mạn Việt Nam đầu Thế kỷ 20. 18 giờ cùng ngày anh lại là MC cho buổi bán đấu giá từ thiện tác phẩm Sài Gòn năm xưa (1961) của Vương Hồng Sển, Hai buổi chiều vàng (1937) của Nhất Linh, Tản Đà vận văn (1952) có thủ bút chữ ký của Tô Hoài.

Sau đó, anh phải có mặt tại Đà Nẵng để cùng nhà văn Đoàn Thạch Biền, Nguyễn Đông Thức gặp fan tại Hội sách Hải Châu (khu vực bờ tây sông Hàn) chủ đề Sách - Văn hóa và phát triển, lúc 19 giờ ngày 22.4.

Chưa hết, nhà thơ Lê Minh Quốc bật mí: “Lúc 9 giờ sáng 24.4, tôi và nhà văn Nguyễn Nhật Ánh còn ký sách tặng bạn đọc tại Tiệm sách Đo Đo nhân tái bản tập sách Nguyễn Nhật Ánh - Hoàng tử bé trong thế giới tuổi thơ, do tôi biên soạn. Không chỉ có thế, lúc 18 giờ ngày 24.4 tại Đường sách Nguyễn Văn Bình, tôi lại làm MC của vuổi bán đấu giá sách đợt 2: Thú chơi sách (1960) của Vương Hồng Sển, Minh tâm bảo giám (1938), Mười câu chuyện văn chương (1975) có thủ bút chữ ký của tác giả Nguyễn Hiến Lê”.

Được “chọn mặt gửi vàng” với nhiều hoạt động liên quan đến sách nhân Ngày sách Việt Nam năm nay, anh cười và bảo: “Có lẽ do tôi nói chuyện dí dỏm, có duyên, ít nhiều am hiểu về sách và cơ bản nhất là do… xấu trai nên được mọi người ưu ái chăng”?.

Lê Công Sơn

(nguồn: http://thanhnien.vn/van-hoa/nha-tho-le-minh-quoc-dat-so-690390.html)

sach-ban-dau-gia-lan-1-Rsach-ban-dau-gia-lan-2-R


Chia sẻ liên kết này...

 
 

Nhà thơ Lê Minh Quốc và hai đứa con tinh thần

 

 

nha-tho-le-minh-quoc1_njdj

Nhà thơ Lê Minh Quốc ký tặng sách và giao lưu với độc giả. Ảnh: THANH TUYỀN

Chia sẻ liên kết này...

 
 

Trang 5 trong tổng số 11

Việt Tuấn Trinh | www.viettuantrinh.com