TÁC PHẨM - DƯ LUẬN Nhận định “KHI TỔ ẤM NHẢY LAMBADA”: Xây tổ ấm, đâu phải dễ!

“KHI TỔ ẤM NHẢY LAMBADA”: Xây tổ ấm, đâu phải dễ!


Xây dựng hạnh phúc gia đình tưởng chừng dễ mà lại rất khó. Khai thác đề tài này với cách viết hài hước và góc nhìn của người trong cuộc, nhà thơ Lê Minh Quốc gửi đến bạn đọc những “bí kíp” để giữ gìn tổ ấm qua cuốn sách “Khi tổ ấm nhảy Lambada”.

102KHI_TO_AM_NHAY_LAM_BA_DA

Sách do NXB Văn hóa, Văn nghệ phối hợp với Phương Nam Book phát hành.


Đọc 48 bài viết của Lê Minh Quốc, độc giả khi gật gù đồng tình vì tác giả nói đúng quá, lúc bật cười sảng khoái vì những ví dụ minh họa thật tréo ngoe, hài hước. Những chuyện vợ chồng, ứng xử với họ hàng, bạn bè, những vấn đề xã hội... từng được các chuyên gia, báo chí, sách vở đề cập, bàn luận. Nhưng qua góc nhìn của Lê Minh Quốc, những vấn đề ấy trở nên hấp dẫn, gần gũi hơn bởi cách bình luận sắc sảo, tếu táo cùng với dẫn chứng thuyết phục.

Chẳng hạn như ăn ở sạch sẽ là tốt nhưng sạch sẽ quá mức lại khiến mọi chuyện trở nên ngột ngạt, khó chịu. Đó là câu chuyện về một anh chồng ở sạch nổi tiếng: mời bạn đến ăn tiệc mà anh lại lui cui sắp xếp lại giày dép, lau lại sàn nhà khi bạn vừa bước chân vào; đến giờ ngủ anh bắt vợ rửa tay, rồi thay drap giường, áo gối mới... (“Sạch quá thì sống với ai?”). Bên cạnh đó, chuyện quản lý, chi tiêu tiền nong trong gia đình; quan hệ giữa mẹ chồng và nàng dâu; về quê vợ hay chồng ăn Tết; mua sắm vô tội vạ hay thói đa nghi, ghen tuông vô cớ... được tác giả lần lượt đề cập qua những bài viết “Tiền của ai”, “Khi tổ ấm nhảy Lambada”, “Mình ơi! Ăn Tết ở đâu?”, “Méo mặt vì em vô siêu thị”, “Khi Tào Tháo xuất hiện”. Những câu chuyện thường ngày ấy lôi cuốn độc giả vì ai cũng có thể bắt gặp vấn đề của mình trong đó. Sau mỗi vấn đề, tác giả gợi mở cách giải quyết tình huống, sự cố sao cho hợp lý, hợp tình. Trên hết vẫn là sự đồng thuận, chia sẻ giữa hai vợ chồng để giữ hạnh phúc bền lâu.

Từ chuyện gia đình, tác giả bàn ra chuyện xã hội, mà chuyện xã hội ấy có liên quan đến chuyện trong nhà. Đó là những giá trị ảo khi những người làm nghệ thuật muốn “đi tắt” để sớm nổi danh, hoặc những cuộc “Hôn nhân siêu ngắn” chỉ vì yêu chớp nhoáng, cưới liền tay... Vừa mang tính suy ngẫm, vừa có những tình huống dở khóc, dở cười là những câu chuyện về “Cơm và phở”, “Galant lắm khi cũng mệt”, “Gái mê trai đẹp”, “Đàn ông xài mỹ phẩm”, “Vui như đám cưới”...

Bàn luận mọi chuyện theo góc nhìn khách quan, thiên về đạo lý truyền thống của dân tộc, nhưng tác giả vẫn có cách nghĩ thoáng và tiến bộ về trụ cột gia đình, thế giới riêng của chồng- vợ, quan niệm đẹp - xấu... Điển hình như trong bài viết “Đàn ông đi chợ, nấu cơm”, tác giả cho rằng: “Giúp vợ làm việc nhà, không hề làm giảm “giá trị” mà chính là thước đo nhận thức về văn hóa, về trách nhiệm của người đàn ông trong quá trình chung sống. Hành động “nghĩa hiệp” ấy chắc chắn sẽ góp phần không nhỏ đem lại hạnh phúc của một gia đình” (trang 100).

Lồng trong những bài viết là những câu thơ minh họa được tác giả dẫn từ “Truyện Kiều”, những tác phẩm nổi tiếng, thơ trào phúng hay những câu ca dao truyền thống... cùng với những dẫn chứng thực tế, gần gũi nên “Khi tổ ấm nhảy Lambada” sinh động, dễ ngấm vào lòng người đọc.

 

CÁT ĐẰNG

(nguồn: http://www.baocantho.com.vn/?mod=detnews&catid=78&id=153889)

Chia sẻ liên kết này...

Add comment


Việt Tuấn Trinh | www.viettuantrinh.com