TÁC PHẨM - DƯ LUẬN Nhận định Nhà thơ LÊ MINH QUỐC: Cuối đời còn mẹ

Nhà thơ LÊ MINH QUỐC: Cuối đời còn mẹ

 

Nhà thơ LÊ MINH QUỐC

Cuối đời còn mẹ

cuoi-doi-con-co-me-R

TRẦN HOÀNG THIÊN KIM

Nếu đưa vào danh mục nhưng nam nhà thơ đam mê và sống chết với cây bút của mình, yêu thơ đến độ có thể ngồi hàng giờ để bàn bạc các vấn đề của thơ ca, viết viết và viết như thể không cầm bút là… chết, thì đó là nhà thơ Lê Minh Quốc. Giữa Sài Gòn phồn hoa đô hội hay những lần đi công tác ở Thủ đô Hà Nội, giữa cái bận bịu, ồn ã của phố phường, tôi vẫn thấy anh cố gắng tìm cho mình một góc nhỏ để ngồi nhâm nhi li cà phê, đọc, sáng tác, ghi chép một điều gì đó anh vừa nhìn thấy, nghe thấy, cảm nhận thấy như sợ nếu không cầm bút ngay lúc đó, dòng cảm xúc sẽ vụt tan biến. Đó cũng là một trong những lý do Lê Minh Quốc năm nào cũng ra sách, những cuốn sách dày dặn, in đẹp cứ đầy lên trong tủ sách cá nhân của riêng anh…

Sài Gòn thoắt nắng, thoắt mưa, những con đường mát mẻ dưới bóng cây cổ thụ khiến cho lòng người đầy cảm xúc. Gặp nhà thơ Lê Minh Quốc trong cái vội vàng của công sở, của dòng người tấp nập trên các ngả đường, dừng chân trong một góc quán quen thuộc đầy bóng mỹ nhân của Sài Thành buổi sáng mát mẻ, bỗng thấy cuộc đời nhẹ bẫng. Tôi hiểu vì sao, đối với nhà thơ Lê Minh Quốc, chẳng có điều gì cần phải vội. Anh nói nhanh, tư duy nhanh, bắt nhịp với những vấn đề của thời cuộc nhanh, nhưng đằng sau tất cả đó, anh lại là một người sống chậm. Cuộc sống của anh yên bình trong căn nhà với người mẹ già đã gần 90 tuổi. Sáng tối đi về, đầm ấm và yêu thương giữa tình mẹ và cả một gia tài sách. Cũng hiếm có người đàn ông nào, ở vào tuổi ngót 60 như anh mà lúc nào sống cũng hồn nhiên như trẻ thơ, chăm chút mẹ đầy hiếu đễ, an ủi, vỗ về. Cũng hiếm có người đàn ông nào như anh, hàng ngày vẫn về ăn cơm trưa mẹ nấu, tối đến quây quần bên bàn ăn để thưởng thức cùng mẹ những món ăn quen thuộc bao nhiêu tháng năm. Cũng bởi gần gũi mẹ, nên nhà thơ Lê Minh Quốc, bên cạnh những áng thơ tình, thì đầy ắp những bài thơ về tình mẹ, những vần thơ mà khi đọc lên, ứa nước mắt bởi tình cảm của người con trai dành cho mẹ, quá đỗi nhiều sự chăm lo và lòng biết ơn. Từ năm 1988, nhà thơ Lê Minh Quốc đã viết những bài thơ xúc động về mẹ: “Có bao giờ mẹ ta ngủ hồn nhiên/ thanh thản nằm trên chõng tre sau bếp?/ gió thổi rúc xương cuối mùa mưa rét/ mẹ cựa mình thao thức với chiêm bao/ mẹ ta nhớ nhiều cổ tích với ca dao/ dù chữ cắn đôi mẹ không biết đọc/ ta chưa thấy mẹ cười, chưa nghe mẹ khóc/ gương mặt đăm chiêu ngay lúc ngả lưng nằm” (Giấc ngủ của mẹ).

Gần đây, khi mẹ đổ bệnh, anh lại viết vè mẹ đầy tâm trạng: “Có những ngày nắng sớm cũng quạnh hiu/ Trời trở gió mẹ lại vào bệnh viện/ Làm nũng, làm nư như trẻ nhỏ lên mười/ Khuya giường bệnh cần có con bên cạnh/ Trái gió trở trời, nóng run, rét lạnh/ Mẹ ngỡ như lúc lội ruộng mưa dầm/ Thời thiếu nữ qua nhanh hơn chớp mắt/ Đã gần chín mươi như lá sắp lìa cành/ Viết câu thơ bên giường bệnh mẹ nằm/ Chữ nghĩa nhẹ tênh chênh vênh phù phiếm/ Thơ ơi thơ có an ủi nhọc nhằn/ Vỗ về mẹ - cơn đau đang ùa đến?/ Cầm tay mẹ những phút giây chống chếnh/ Con lựa lời như dỗ ngọt trẻ thơ:/ “Mẹ cố ngủ, cố ăn  mau khỏi bệnh/ Mẹ có ngoan - bác sĩ mới cho về”/ Phía ngoài trời mưa gió kéo lê thê/ Đột ngột chân mây dần dần hửng nắng/ Câu thơ con lặng lẽ ước mơ:/ “Mẹ về với con” cửa nhà thôi quạnh vắng/ Thơ về mẹ là câu thơ im lặng/ Tuổi năm mươi - con là trẻ lên mười/ Năm tháng của một thời thiếu nữ/ Lại quay về với mẹ sắp chín mươi…”.

Nhà thơ Lê Minh Quốc, theo như nhận xét của nhiều bè bạn, thì anh không những sống kỹ với cuộc đời, với chính mình trong từng chặng đường, trong từng năm tháng mà còn sống kỹ trong từng ngày, từng giờ. Và nhìn vào đời sống của Lê Minh Quốc, người đọc còn thấy đời sống đã chắt lọc của quá khứ, đời sống bộn bề của hiện tại và một đời sống với khát khao thanh lọc chính mình.

Dễ hiểu vì sao, nhà thơ Lê Minh Quốc, suốt từ thời tuổi trẻ cho đến bây giờ, trong hành trang văn chương của đời mình, anh vẫn mê đắm với mảng thơ tình, với những bài thơ viết cho người yêu dấu đầy đắm đuối. Trong thơ tình, Lê Minh Quốc là một người đàn ông yêu đến khờ dại và cả tin, yêu đến mê muội và không giấu diếm, nhưng đôi khi cũng là những đoạn đứt gãy của ký ức, không tên, không chấm phẩy, miên man, ngây dại, khiến người đọc phải nín thở để đọc một hơi dài, thật dài mới cảm nhận được hết độ yêu của Lê Minh Quốc!

Những người biết Lê Minh Quốc, đều bảo rằng anh sinh ra chỉ để làm thơ, đặc biệt là thơ tình. Từ bài thơ đầu đời đến nay, tâm hồn thơ của Quốc vẫn khát khao và nuôi dưỡng một vẻ đẹp thuần khiết với những hương hoa, mùi lá trong vườn, với những ban mai, ngọn sao trời, với những búp non, tay thơm, với những nàng thơ ngoan hiền, lễ phép... Có ai đó từng nói, muốn biết con người nhà thơ, hãy đọc thơ họ. Câu nói này đúng hoàn toàn với Lê Minh Quốc. Trong thơ anh, cho dù là cả một trường ca hay chỉ là đoản khúc, thì âm hưởng thơ luôn gắn kết với bóng dáng tình nhân, dù thời điểm ấy anh đang hạnh phúc, xum vầy hay khổ đau, chia ly… Dường như mỗi bài thơ ra đời cũng là một cách giúp anh cảm tạ những người đàn bà đã đem đến cho anh thi hứng.

Nhà thơ Lê Minh Quốc từng nói: “Không phải tôi làm thơ đâu. Chính cái chua ngoa, ngoay ngoắt, đay nghiến, yêu thương… của người phụ nữ mà tôi yêu say đắm, rồ dại đã làm ra những bài thơ đó. Tôi chỉ là người ghi chép lại mà thôi. Tôi “ghi chép” nhiều bởi tôi có quá nhiều cuộc tình. Nhiều như thế là ngốc. Nhưng như danh họa Salvador Dali có nói một câu đơn giản mà kiêu hãnh: “Là họa sĩ thì hãy vẽ đi”. Tôi nghĩ, bất kỳ ai yêu thích công việc đang làm, họ cũng đều dành trọn vẹn thời gian, công sức cho nó. Nghề của chúng tôi là nghề viết. Không viết thứ này thì viết thứ kia. “Xay lúa thì khỏi bồng em”. Và ngược lại. Cứ nhìn người nông dân mới thấy họ tận dụng thời gian rất sít sao. Ngay cả được “ăn bữa giỗ”, họ đã lo “lỗ bữa cày”. Lúc nào cũng bận rộn với công việc. Tôi luôn kính trọng những người biết quý thời gian. Trước kia để có thể hoàn thành bộ Kể chuyện danh nhân Việt Nam, tôi đã mất thời gian 10 năm. Nghĩ lại, cũng chẳng là gì so với lúc viết sách về phái đẹp. Bởi lẽ ngay từ lúc lọt lòng, người đàn ông nào trên trái đất cũng đã bắt đầu ghi nhận lấy hình ảnh người phụ nữ vào óc. Rồi, lúc lớn lên với những cuộc tình khi thăng hoa bay bổng lên tận chín tầng mây xanh, lúc tuyệt vọng tưởng chừng đã sa chân xuống tận địa ngục thì nỗi ám ảnh về phụ nữ càng hằn sâu da thịt, xuyên qua ký ức lẫn thời gian. Tôi cũng vậy thôi. Có điều, tôi quan niệm rằng, cứ trình bày hết những suy nghĩ về phụ nữ ắt có nhiều thú vị cho chính mình và người bạn đọc”. Bởi vậy, khi nhận xét về hai tập sách mới của Lê Minh Quốc, nhà biên kịch Đoàn Tuấn khẳng định: “Những lời tâm sự với thời gian mỗi ngày vừa trôi qua của Lê Minh Quốc khiến mỗi chúng ta quý trọng hơn đời sống hiện tại của mình. Tập sách  ''Ngày trong nếp ngày'' của Lê Minh Quốc là một đóng góp mới vào dòng văn học ghi lại dấu vết thời gian. Câu ''Trăm năm thì ngắn, một ngày dài ghê” trong thời đại công nghệ và kỹ thuật số này càng ý nghĩa biết bao!

Ở lời tự bạch đầu cuốn sách, nhà văn Lê Minh Quốc tự trào: “Nếu tự đánh giá về mình, tôi sẽ nói thế nào? Xin thưa: Đó là người cần cù bù thông minh, cũng có nhiều thói xấu khác nhưng lại có ưu điểm rất đáng khen là luôn luôn dại gái”. Là nói thế, nhưng có người, khi đọc Lê Minh Quốc đã hình dung trái tim thơ của anh như hiệp sĩ Don Ki-ho-te không mệt mỏi chiến đấu với những cánh quạt ma quái của cuộc sống. Và trái tim đó không bao giờ… thất nghiệp. Nói cách khác, ở anh có một nội lực ghê gớm để yêu liên tục từ mối tình này đến cuộc tình khác, không mệt mỏi, không dừng chân, cứ hăm hở lao tới, cho dù đó là những bóng hồng thoáng gặp làm cho trái tim thi nhân rung lên những cung bậc cảm xúc. Yêu nhiều, hẳn nhiên, trái tim anh cũng gặp nhiều bất trắc. Khi chạm vào những đổ vỡ, tâm hồn thơ ấy đã va đập với những nghiệt ngã, chứ không phải tình yêu là trái chín mang màu hồng hạnh phúc. Anh luôn luôn săn đuổi tình yêu nhưng số phận lại không mỉm cười với anh. Người tình đến và đi để lại trong anh một vết xước khó phai theo năm tháng. Điều đau đáu nhất trong thơ tình của Lê Minh Quốc vẫn là mảnh vỡ của nhiều cuộc tình không bao giờ đi tới bến bờ hôn nhân, hạnh phúc. Và đó cũng là lý do, cho đến khi bước qua tuổi ngũ thập tri thiên mệnh, anh vẫn là một người đàn ông cô đơn, sớm tối đi về trong ngôi nhà thân yêu với bóng mình và như đã chia sẻ ở trên: may còn mẹ để yêu thương, hạnh phúc…

Đôi khi tôi hỏi chuyện nhà thơ Lê Minh Quốc về những cuộc tình của anh, luôn là một cái cười đầy sảng khoái, xuề xòa, lảng tránh và phớt lờ bởi một câu nói bông đùa nào đó… Đối với anh, dường như mọi góc khuất của tâm hồn đều được lấp đầy bởi thơ ca, văn chương, hội họa, bạn bè. Rồi anh chia sẻ: “Thời trẻ, tôi không tin vào tử vi, tướng số nhưng rồi nay tôi có tin đôi chút, nhất là tin hôn nhân là do sắp xếp của số phận. Đến với một người, có thể ăn đời ở kiếp với nhau và sinh con đẻ cái, gìn giữ nòi giống ắt phải có duyên nợ với nhau. Duyên nợ thế nào? Từ kiếp trước hay kiếp này? Tôi không biết. Nhưng chắc chắn là có. Nếu không, làm sao ta lý giải ở thời điểm nọ, ta có thể chết chỉ vì cái nguýt mắt, hắt hơi của người đó. Mà sau đó, mọi sự liên quan đến người ấy ta lại dưng dửng cứ như thể người dưng nước lã chưa từng gắn bó máu thịt? Và, theo tôi, người đàn bà “lý tưởng” nhất để tôi kiếm tìm sẽ nằm trong những câu thơ của tôi: “Lạ lùng sao và cũng kỳ diệu sao/ em có thật như là không có thật/ là dáng mẹ tảo tần - chiều nay anh gặp/ lúc đang nằm ốm sốt với cô đơn/ và khi em độ lượng đặt môi hôn/ anh gặp sự dịu dàng - người chị/ em lại hoá thành người vợ chung thủy/ khi đi bên anh đến cuối đất cùng trời…”.

T.H.T.K

(nguồn: Báo ANTG số 168 cuối tháng 8.2015)

Chia sẻ liên kết này...

Add comment


Việt Tuấn Trinh | www.viettuantrinh.com