- Thưa nhà thơ LMQ, anh có theo dõi vụ P.H.T. vào ngày thơ VN vừa qua không? Anh có nhận xét gì về sự vụ này?
- Thật sự tôi rất sững sờ. Trường hợp P.H.T. đối với tôi rất đáng tiếc, ít ra em cũng đã gây cho tôi sự thất vọng vì lâu nay tôi vẫn dành cho em nhiều thiện cảm, nhất là khi đọc thơ của em.
- Theo anh thì hành vi đạo văn là do năng lực kém hay là…
- Là do không tự trọng.
- Có những tác giả đạo văn một cách công khai theo kiểu copy nguyên văn nhưng cũng có nhiều tác giả “cao siêu” hơn, ăn cắp ý tưởng, nhân vật, cách hành văn… Điều này khiến chúng ta khi đọc tác phẩm họ cảm thấy “ngờ ngợ”. Tất nhiên, trong nhiều trường hợp là khó “bắt tận tay day tận trán”. Theo anh, chúng ta có nên thành lập một tổ chức nhằm xử lý chuyện đạo văn hay không?
- Không phải bây giờ mà ngay thời văn học “tiền chiến”, các nhà phê bình Hoài Thanh, Vũ Ngọc Phan... cũng đã chỉ ra điều này rồi. Cùng “đạo văn” một cách “cao siêu” nhưng mỗi thế hệ có cách “hành xử” khác nhau. Với thế hệ 1930, họ im lặng; còn thế hệ bây giờ đạo văn mà cứ huếnh hoáng, tuyên ngôn ầm ĩ như mình là “ngọn cờ đầu” của “văn học đổi mới” (!). Rõ ràng, nhiều người đạo văn rất khéo, khó bắt “quả tang” nhưng cách diễn đạt, cách hành văn v.v... cũng không thể đánh lừa được độc giả. Theo tôi, Hội Nhà văn VN hoặc các hội chuyên ngành địa phương nếu thật sự có lòng với văn học nước nhà thì vẫn có thể “giải quyết” được tình trạng xấu hổ này.
- Theo anh, cách xử lý những trường hợp đạo văn như thế nào là hữu hiệu nhất?
- Theo tôi, cách tốt nhất vẫn là các cơ quan thông tấn tạo ra dư luận xã hội - nó sẽ điều chỉnh, răn đe, phê phán, phòng ngừa một cách lâu dài căn bệnh trên. Điều quan trọng dư luận xã hội sẽ thức tỉnh lòng tự trọng của người viết. Có như thế thì mới là cách “giải quyết chiến lược” và căn bản.
VIỆT QUÊ (thực hiện)
Theo www.sggp.org.vn
http://tintuc.xalo.vn/001891465085/Nha_tho_Le_Minh_QuocMong_nguoi_viet_tu_trong.html
< Lùi | Tiếp theo > |
---|