Họa sĩ Trịnh Cung qua bài báo "Trịnh Công Sơn & tham vọng chính trị":
Ngậm máu phun người
04/04/2009 22:03
Cố nhạc sĩ Trịnh Công Sơn - Ảnh: Ngọc Hải
Lẽ ra, tôi không viết phê phán bài báo Trịnh Công Sơn & tham vọng chính trị của họa sĩ Trịnh Cung (TC) công bố trên một trang web hải ngoại, khổ nỗi nó lại liên quan đến nhiều văn nghệ sĩ sống trong nước.
Hơn cả thế, nó còn liên quan đến tư cách đạo đức, thái độ chính trị một nhạc sĩ tài hoa đã quá cố: Trịnh Công Sơn (TCS). TCS là “người ơn” của nhiều thế hệ trong đó có tôi. Tại sao? Vì bằng âm nhạc, hội họa, thơ ca và nhân cách sống - anh đã để lại một thông điệp “Hãy yêu nhau đi”. Yêu để sống trong tình người. Đơn giản và sâu sắc.
Vậy bài báo của TC như thế nào mà buộc tôi - trách nhiệm một nhà thơ, nhà báo không cho phép tôi im lặng dù lâu nay tôi vẫn kính trọng tài năng và “nhân cách” của TC? Nếu không ai lên tiếng thì cái thói “lộng giả thành chân” của TC sẽ ảnh hưởng không ít đến danh dự của nhiều người lương thiện khác, thậm chí thế hệ cứ tưởng đó là “sự thật”.
Sự việc khiến thiên hạ chú ý và trở nên “trầm trọng” khi TC viết mở đầu như một lời trăn trối: “Tôi đã tự hỏi mình nhiều lần trong nhiều năm qua: có nên viết nó ra, giải thoát cho nó khỏi ngục tù trong tôi suốt hơn 30 năm qua? Sự quằn quại của nó trong cái nhà tù ký ức cũng làm tôi đau buồn đến không chịu nổi. Giải phóng cho nó là giải phóng cho chính tôi, dù có phải bị trả giá”.
Cái gì mà ghê gớm vậy?
Thật ra là những cái mà theo tôi chỉ vặt vãnh như:
1. Trong lúc “Sài Gòn rơi vào tình trạng hỗn loạn” của ngày 30.4.1975 thì “TCS từ chối ra đi và cho biết sắp nhận chức Quốc vụ khanh đặc trách văn hóa trong chính phủ Dương Văn Minh”. Có thật TCS “cho biết” như thế không hay TC cố tình “dựng chuyện” nhằm đạt mục đích chứng minh về “khuynh hướng chính trị của TCS”? Điều này ta có quyền đặt câu hỏi vì TCS đã về suối vàng làm sao cải chính? Mà thông tin này rất quan trọng đối với nhân cách TCS. Vì sao? Tôi xin không lý giải.
2. Theo TC, về ý tưởng dự án “Ngôi đền tình yêu” không phải “của Phạm Văn Hạng và TCS được ông Võ Văn Kiệt ủng hộ” mà của kiến trúc sư Nguyễn Hữu Đống. Về vấn đề này KTS Phạm Văn Hạng cho biết, ông đang giữ toàn bộ hồ sơ, bút tích liên quan đến dự án này, nếu TC cần sẽ cung cấp. Mà thật ra hư thực của dự án ra sao - ta cũng không quan tâm lắm, nhưng khi TC khẳng định “Nguyễn Hữu Đống lập ý cho TCS viết Kinh Việt Nam” (!?) thì với thông tin này nếu TC không chứng minh được là một sự xúc phạm đến nhân cách và tài năng của TCS.
4. Ngay trong ngày 30.4.1975, khi TCS đến Đài phát thanh Sài Gòn hát bài Nối vòng tay lớn thì “bị Tôn Thất Lập, một nhạc sĩ chủ chốt trong phong trào Hát cho đồng bào đã thoát ly đi theo MTGPMN, đuổi ra khỏi phòng thu: Mày có tư cách gì mà hát ở đây!”. Nhạc sĩ Tôn Thất Lập cho tôi biết đây là sự vu khống trắng trợn mà TC cần phải xin lỗi công khai, vì lúc đó anh Lập đang hoạt động trong phong trào yêu nước ở Pháp, mãi đến tháng 8.1975 anh mới về nước.
5. Sau năm 1975, khi TCS vào lại Sài Gòn “Từ đây, dưới sự ưu ái của ông Kiệt và nhà văn Nguyễn Quang Sáng được ủy nhiệm của thượng cấp chăm sóc TCS”. Nhà văn Nguyễn Quang Sáng cho tôi biết TC nói như thế là sai: “Sau ngày giải phóng, cán bộ văn phòng của Hội văn nghệ là Doãn Triều có dẫn TCS đến thăm tôi tại nhà riêng, lúc đó, tôi lấy tập tiểu thuyết Mùa gió chướng viết ở miền Bắc đem tặng TCS, trong đó có đoạn trích ca khúc Đại bác ru đêm. TCS ngỡ ngàng, vì sao một nhà văn ở miền Bắc biết đến ca khúc của mình? Nhờ thế, từ đó chúng tôi thân thiết nhau. Sau đó, tôi có đưa TCS đến thăm Thủ tướng Võ Văn Kiệt, cũng chỉ là tình văn nghệ với nhau, chứ ở đây không hề có “ủy nhiệm của thượng cấp” gì cả”.
6. Theo TC, sau khi “thế đứng chính trị của TCS cũng đã được tốt hơn trước rất nhiều, có phải vì thế mà anh đã chủ quan nghĩ mình là người đến lúc nên đứng vào hàng ngũ của đảng? Sơn đem ý định này nói với tôi, tôi liền can”. Là nhân chứng, nhà văn Nguyễn Quang Sáng cho biết: “Sự việc như thế này, có lần nhạc sĩ Hoàng Hiệp nói với tôi là Hội Âm nhạc TP.HCM có ý định phát triển Đảng cho TCS, nhưng tôi không đồng ý dù biết thiện ý của anh Hoàng Hiệp là tốt.
Với tôi, TCS đứng ngoài Đảng vẫn hay hơn, chứ làm gì có chuyện như TC đã viết”. Hơn nữa, chúng ta càng bất ngờ khi TC “tiết lộ” rằng TCS không trở thành đảng viên Đảng CSVN: “là bởi sự ngăn cản của nhạc sĩ Hoàng Hiệp, người giữ vai trò chính trị của Hội Âm nhạc TP.HCM và cũng là cán bộ có trách nhiệm quản lý TCS”; Và: “TCS đã chửi thẳng vào mặt Hoàng Hiệp ngay tại trụ sở Hội Âm nhạc TP.HCM: Mày là thằng mặt l…!”. (Xin lỗi bạn đọc, vì quá thô tục nên cho phép chung tôi “viết tắt”... một chữ của TC).
Ngoài những sai lệch như trên, còn có khá nhiều chi tiết sai lệch khác nhưng không ngoài mục đích “đánh bóng” cá nhân TC nên tôi không việc gì phải nêu ra. Chỉ xin đưa ra vài ví dụ nhằm bổ sung cho cái “sự thật” theo cái kiểu gọi là “họa sĩ TC” để ta thấy “giá trị” và “sự thật” của nó:
1. TC cho biết trong ngày 1.5.1975, khi ông đến nhà họa sĩ Đinh Cường gặp bác sĩ Trương Thìn và nhạc sĩ Miên Đức Thắng: “Tôi gượng gạo ngồi xuống và Đinh Cường nói với hai vị khách kia như hỏi ý: Mình cấp cho TC cái giấy chứng nhận thuộc Thành Phần Thứ 3 nhé!”.
Trao đổi với tôi, bác sĩ Trương Thìn và nhạc sĩ Miên Đức Thắng khẳng định đó là sự bịa đặt hoàn toàn! Đơn giản, bấy giờ hai anh (kể cả Đinh Cường, nếu có) chỉ hoạt động trong phong trào đấu tranh yêu nước của SVHS đô thị miền Nam, chứ không có một “chức vụ”, một “quyền hành” gì trong “ủy ban quân quản” để có thể phán một câu rất kẻ cả là “cấp cho” như TC đã viết!
2. TC cho biết nhà thơ liệt sĩ Ngô Kha đã có lần nói với ông: “Cậu vào chiến khu với mình đi, có người dẫn đường đang chờ”. Điều này không hợp lý vì bấy giờ Ngô Kha đang sống trong phong trào đấu tranh SVHS ở Huế, chứ không có ý định thoát ly. Vì thế, ngày 29 Tết âm lịch năm 1972 ông mới bị Mỹ ngụy bắt giam và thủ tiêu đến nay vẫn chưa tìm ra mộ. Hơn nữa nhà thơ Ngô Kha đã mất thì lấy gì chứng minh điều này?
Những sai sót như trên người độ lượng có thể bỏ qua, nhưng thú thật, không rõ TC nghĩ như thế nào khi ông “tuyên bố”: “tự cho mình nhiệm vụ phải ngồi lại để làm Sơn tỉnh táo hơn, để những tiếng nói bớt đi những lời xu nịnh (!?) trong lúc“rượu, phụ nữ và xu nịnh là một loại ma túy tổng hợp đang nhấn chìm TCS được ngụỵ danh dưới khẩu hiệu: Mỗi ngày tôi chọn một niềm vui”(?!). Vậy lúc ấy, TC như thế nào? TC tự hào: “Tôi vẫn đứng trên đôi chân liêm sỉ và theo đuổi một thứ nghệ thuật tri thức…”.
Chính vì “liêm sỉ” như thế mà TC trở nên “cô độc và bất lực” và ông lớn lối đánh giá rằng, lúc bấy giờ: “những người bạn thân một thời hồn nhiên như thế nay cũng đã cúi mình, ngoan ngoãn làm những con rối của chế độ mới, quay lưng lại với thân phận khốn đốn của đồng loại, tự hủy tri thức, lương tâm, thứ một thời nhờ nó đã làm nên những ca khúc tranh đấu cho thân phận và tự do con người, nay chọn cho mình con đường sa lầy vào rượu, thuốc và phụ nữ, tôi thấy mình thật sự cô độc và bất lực trước sự sụp đổ từng ngày của một người bạn tài hoa nhất mà tôi từng yêu quý”.
Đọc đến đây không riêng gì tôi mà độc giả bình thường cũng rú lên: “Ủa! TC là ai mà lại lớn tiếng phán xét người khác như thế?”. Ủa! Nhưng thôi, xin hãy nghe nhà thơ Đỗ Trung Quân đánh giá trong một comment về bài báo này, rằng TC “thành Khổng Tử lúc nào thế?”. Một câu hỏi chỉ riêng TC mới có thể trả lời rốt ráo.
Thưa anh Trịnh Cung,
Tại sao bài báo của anh có quá nhiều sai lệch như thế vậy? Có nhiều cách lý giải, tùy theo cảm nhận của người đọc. Nhưng theo tôi, đây cũng chỉ là một trong những thủ pháp nhằm PR cho tên tuổi của chính anh. Cũng là một cách “ăn theo” hào quang TCS quá sáng chói đấy thôi. Tại sao? Đơn giản, nếu ai có lòng tự trọng khi viết về một người đã khuất là “bè bạn” như anh đã cho biết thì chẳng ai “nỡ” hạ bút khoe khoang kệch cỡm như: “TCS trong những lúc cô đơn nhất đã đến gõ cửa nhà tôi bất kể đêm khuya hay khi bình minh vừa ló dạng để hàn huyên hoặc khoe và hỏi ý kiến tôi về bức tranh mà anh vừa vẽ” (!?). Những chi tiết rất khó kiểm chứng như thế này không thiếu trong bài Trịnh Công Sơn & tham vọng chính trị của TC.
Thật ra, phê phán anh TC là một điều khó khăn, vì so với tôi - thế hệ cầm bút trưởng thành sau năm 1975 - thì anh vẫn là người trước trong lĩänh vực văn học nghệ thuật lẫn tuổi đời, tuổi nghề. Vậy bày tỏ thái độ như thế nào? Tôi hỏi mẹ tôi - năm nay gần 90 xuân xanh - mẹ tôi bảo: “Sống ở trên đời đừng bao giờ “ngậm máu phun người”, vì người chưa bẩn nhưng miệng ta đã bẩn”.
Lê Minh Quốc
http://www.thanhnien.com.vn/news/pages/200914/20090404220303.aspx
< Lùi | Tiếp theo > |
---|