BÁO CHÍ Lê Minh Quốc viết Lê Minh Quốc: TỪ “LÁ CẢI” ĐẾN “LÁ NGÓN”

Lê Minh Quốc: TỪ “LÁ CẢI” ĐẾN “LÁ NGÓN”

 

Hiện nay, có một sự thật không thể chối cãi: Báo Phụ Nữ TP.HCM và nhiều đồng nghiệp khác đã đồng loạt lên tiếng mạnh mẽ sự tác hại của cái gọi là báo “lá cải” - hoàn toàn phù hợp với nguyện vọng chính đáng của người đọc báo lẫn người bán báo. Sự kiện này đã gây ra chấn động trong dư luận báo giới, kể cả các thông tấn nước ngoài cũng quan tâm, thậm chí một hãng truyền thông phát sóng tiếng Việt cũng đặt vấn đề “Trả lại tên cho báo “lá cải”. Ta có thể thấy được vài đặc điểm của loại báo này như:

 

bao-sg-22

Một sạp báo tại Sài Gòn trước 1975. Ảnh chỉ mang tính minh họa (nguồn: Internet)

 

- Đáp ứng thị hiếu thuộc bản năng của người đọc, bất kỳ thông tin nào miễn là bán được báo. Bài báo đó không có tính chọn lọc và cũng không định hướng. Nếu “đánh hơi” độc giả còn thèm thuồng thì “nhà báo” cứ thêm thắt, kéo dài cà kê dê ngỗng kể cã bịa đặt đặng câu khách…

- Tòa soạn gọn nhẹ, chỉ cần mua giấy phép, núp dưới tên một cơ quan chủ quản nào đó là có thể ra được báo. Có một điều hiển nhiên là một vài tay phát hành láu cá do thấy “ngon ăn” nên cũng nhanh chóng đầu tư kinh phí, quy tụ nhà báo để “công nghệ” làm báo khép kín từ khâu sản xuất đến phát hành.

Dù với cách làm nào, tự bản thân mỗi nhà báo, mỗi cơ quan báo chí đó phải chịu trách nhiệm trước công luận.

Chúng tôi quan niệm rằng, càng có nhiều loại báo thì đời sống văn hóa của bạn đọc càng phong phú và họ càng có nhiều sự lựa chọn. Đã là nhà báo, là người săn tin, thư ký của thời đại thì chúng ta không né tránh bất kỳ một đề tài nào nếu nó được dư luận xã hội quan tâm. Sự có mặt của các loại ấn phẩm báo chí này, nghĩ cho cùng là một sự bình thường, nếu các tờ báo đó tuân thủ theo đúng tôn chỉ, mục đích và đối tượng phục vụ bạn đọc. Do đó, không vì vấn đề A thuộc dạng “lá cải” hoặc ngược lại mà nhà báo né tránh hoặc khai thác.

Thế nhưng bất kỳ sự tự do nào - kể cả tự do báo chí - cũng có giới hạn của nó. Giới hạn này phải lấy quyền lợi của cộng đồng làm mục tiêu trước nhất mà không một nhà báo nào có quyền vượt qua cái ngưỡng đó.

Khi chúng tôi lên tiếng phê phán “báo lá cải” cũng xuất phát từ động cơ đó.

Chúng tôi quan niệm rằng, dù không né tránh bất kỳ đề tài nào nhưng điều cốt lõi vẫn là liều lượng và cách thức thể hiện nội dung như thế nào? Lúc ấy nhà báo đứng trên quan điểm nào?

Chúng tôi vẫn chưa quên lời dặn dò thời Đổi mới của cố Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh khi ông kêu gọi nhà báo, văn nghệ sĩ mạnh dạn phê phán cái xấu, cái tiêu cực đặng cải thiện đời sống xã hội tốt hơn, lành mạnh hơn. Nhằm bào chữa cho cái sự “lá cải” này, các “nhà báo” cũng nhân danh như thế, nhưng họ lại quên rằng đồng chí Tổng Bí thư đã yêu cầu và nhấn mạnh rằng, bất kỳ sự phê phán nào cũng phải xuất phát từ lập trường, từ quan điểm với tư cách “người trong cuộc”. Có nghĩa, nhà báo phải đứng trên tinh thần xây dựng, phải có trách nhiệm với sự phê phán đó.

Nhìn lại nội dung của các tờ báo “lá cải” chúng ta thấy rõ ràng, họ bất chấp tất cả chỉ vì một mục tiêu duy nhất: Lợi nhuận.

Đã làm báo tất nhiên phải có lợi nhuận, đó là điều chắc chắn, nhưng không phải vì thế mà “nhà báo” nhẫn tâm đưa “thuốc độc” đến bạn đọc. Đọc những trang báo đó, chúng ta thấy bức tranh xã hội được miêu tả với sắc màu quá đen tối, tiêu cực, bi thảm… Nếu một nhà báo có trách nhiệm với ngòi bút - dù ngòi bút ấy nhằm “câu cơm” thì không ai lại khái thác quá sâu về các chi tiết mà bạn đọc đã tạm gói gọn trong vài từ “tình, tù, tội, trần truồng”.

Chúng tôi không cực đoan nghĩ rằng những đề tài trên là “vùng cấm” đối với báo chí bởi nó cũng cần thiết cho bạn đọc. Thế nhưng sự cần thiết này chỉ có ý nghĩa khi nó được nhìn dưới góc độ nhân văn, chứ không phải nhân danh “nhân văn” để khai thác tất tần tật từng chi tiết phản cảm, trắng trợn, giật gân để ma mị người đọc - như Báo Phụ Nữ TP.HCM đã phân tích.

Không chỉ câu khách bằng các tựa nổi da gà, quái đản, mê tín, phản cảm mà ngay cả trang quảng cáo của chúng cũng bất chấp quy định của cơ quan chức năng. Nếu cần chúng tôi sẽ liệt kê chứng mình, nhưng ở đây mọi sự trích dẫn sẽ làm bẩn mắt bạn đọc.

Là một người sưu tập báo chí, lật lại báo chí trước năm 1975 tại miền Nam, chúng tôi thấy loại báo “lá cải” hiện nay đã được tiếp nối bằng tư duy của lớp “hậu sinh” còn “khả ố” hơn nhiều. Sự khả ố đó không chỉ được gọi đích danh báo “lá cải” mà tùy liều lượng độc hại của nó, ta còn có thể gọi báo “lá ngón”. Thậm chí còn có quá nhiều bài báo mà đọc xong, bạn đọc có cảm tưởng như “nhà báo” đã chui xuống gầm giường của “người nổi tiếng” hóng hớt tất tần tật chuyện phòng the rồi tương lên mặt báo. Loại báo ấy gọi là gì? Chúng tôi xin dành câu trả lời cho chính các “nhà báo” đã tác nghiệp như thế.

Đừng bao giờ đánh giá giá thấp nhận thức của bạn đọc, chính họ sẽ là người quyết định số phận của các loại báo từ “lá cải” đến “lá ngón” trước khi cơ quan chức nằng có biện pháp tích cực làm sạch lại mội trường báo chí. Đó là điều chắc chắn.

 

L.M.Q

(2012)

Chia sẻ liên kết này...

Add comment


Việt Tuấn Trinh | www.viettuantrinh.com