BÁO CHÍ Lê Minh Quốc viết LÊ MINH QUỐC: Đôi điều về vở Ngàn năm tình sử:

LÊ MINH QUỐC: Đôi điều về vở Ngàn năm tình sử:

 

LỊCH SỬ VÀ HƯ CẤU

Vở Ngàn năm tình sử (NNTS) đang “hot”, bởi lẽ nó tập trung khai thác về một khía cạnh “tế nhị” của danh tướng Lý Thường Kiệt (LTK): Vị  “hoạn quan” lừng lẫy sinh năm 1019 tại phường Thái Hòa - Thăng Long có tình yêu hay không và đã thể hiện như thế nào? Hư cấu là quyền của nhà văn, nhưng do điểm xuất phát từ “nguyên mẫu” LTK, một nhân vật có thật, được ghi trong chính sử với những chiến công hiển hách thì ta không thể làm sai lệch đi những nét chính yếu trong cuộc đời nhân vật ấy. Đành rằng, với nguyên mẫu ấy nhà văn có quyền hư cấu thêm nhiều tình tiết nhằm làm rõ hơn “nội tâm” của nhân vật, nhưng không vì thế ta được phép đi quá xa những chứng cứ của lịch sử mà chính sử đã ghi chép. Có người quan niệm, lịch sử chỉ là mắc áo để nhà văn khoát lên đó những suy tư trong thời đại mình đang sống. Nói cách khác, lịch sử chỉ là cái cớ để nhà văn gửi gắm một thông điệp nào đó của chính mình. Gì thì gì, sự hư cấu ấy phải phù hợp với tính cách, sự nghiệp của nhân vật lịch sử. Xem NNTS, ta thấy gì?

ngnanamtinh_su

Kịch bản Nguyễn Quang Lập, đạo diễn Thành Lộc, diễn tại Nhà hát Bến Thành (Quận 1) bắt đầu từ 20g ngày 15/8/2009

 

1.

 Tại sao nhân vật Ngô Tuấn được gọi LTK? Theo NNTS (hồi 1, lớp 3) lúc 16 tuổi, LTK phát biểu: “Cha tôi theo Lý Đạo Thành lên biên cảnh dẹp loạn Nùng Tồn Phúc bị tên độc tử nạn. Hoàng thượng lấy làm thương xót ban cho anh em tôi quốc tính, họ Ngô thành họ Lý”. Thật ra, cái tên LTK chỉ xuất hiện trên “vũ trường chính trị” vào năm 1069, lúc ông đã vào tuổi “ngũ thập tri thiên mệnh”.  Theo Lịch triều hiến chương loại chí: Đây là năm vua Lý Thánh Tôn chinh thân bình Chiêm, LTK theo phò và  được cử làm đại tướng quân, hàm nguyên sói lãnh ấn tiên phong. Vì có công lớn, đánh vào kinh thành Vijaya (thành Phật Thệ - Bình Định) bắt được vua nước Chiêm Rudravarman III (sử ta gọi Chế Củ), ông được thăng Phụ quốc Thái phó, tước Khai quốc công và được ban “Thiên tử nghĩa đệ” (em nuôi vua), cũng có tài liệu ghi “Thiên tử nghĩa nam” (em nuôi vua). Vì vậy ông được đổi từ họ Ngô sang Lý. So chi tiết này với đường dây kịch bản “diễn ra từ năm 1015 đến 1039” thì tên gọi của nhân vật Ngô Tuấn lại đổi thành LTK là không hợp lý.

Về nhân vật Nùng Tồn Phúc, nhân đây cũng xin nói rõ, năm 1039, vua Lý Thái Tôn thân chinh lên châu Thảng Do (nay thuộc Cao Bằng) đánh dẹp bắt được Tồn Phúc, đưa về kinh và chém giữa chợ. Thử hỏi, cha LTK có mặt trong cuộc ra quân này như NNTS đã cho biết không? Không, cha LTK đã mất từ năm 1031.

2.

Hồi 2, lớp 1, nhân vật Lý Đạo Thành căn dặn Lý Thường Kiệt: “Về văn hóa biết ký tên là đủ. Nhưng vũ học thì phải cố rèn cho giỏi, sau này đi xa vạn dặm lập công, lấy được ấn phong làm vẻ vang dòng tộc. Đó là sở nguyện của bố con, rõ chưa”. Có đúng Lý Đạo Thành là tác giả của câu nói nổi tiếng này? Không. Đọc lại Lý Thường Kiệt, lịch sử ngoại giao và tôn giáo đời Lý của GS Hoàng Xuân Hãn - cho đến nay vẫn là công trình nghiên cứu công phu nhất về cuộc đời và nghiệp LTK và nhiều tài liệu khác, ta biết: Khi cha mất, lúc ấy LTK mới 13 tuổi, ngày đêm thương khóc không nguôi. “Chồng cô, là Tạ Đức thấy thế, đem lòng thương và dỗ dành. Nhân đó hỏi về chí hướng, ông trả lời”. Đại khái cũng như câu trên. Và “Tạ Đức khen là có chí khí bèn gả con gái cho ông, tên là Thuần Khanh”.

Khi NNTS đặt câu nói ấy vào miệng Lý Đạo Thành để phát ngôn, thì vô hình trung lại làm giảm đi khí phách, bản lĩnh vốn có và ý nguyện thời trai trẻ của LTK. Hơn nữa, chính câu nói ấy còn nói lên đức khiêm tốn của một bậc danh tướng,  dù tự nhủ, chỉ cần học để biết “ký tên là đủ”, nhưng ông chính là người đã soạn ra bài văn “Lộ bố” với lý luận chặt chẽ, đanh thép - lúc cùng Tôn Đản thực hiện một chiến lược táo bạo vào năm 1075 “phòng ngự bằng tấn công”: hành quân sang đất Tống, đánh thẳng vào châu Khâm và châu Liêm lập nên chiến công hiển hách. vậy cớ gì NNTS lại tước đi câu nói của LTK?

3.

Lý giải như thế nào về việc LTK “tự yếm” để trở thành hoạn quan, vào triều? Theo NNTS là do: “LTK: (nghèn nghẹn):  Bẩm bác, cháu chỉ cần xáp mặt Thuần Khanh một lần, bất kể sống chết biến họa thế nào (nghẹn lại). Bẩm bác, dù gan óc lầy đất...” (Hồi 2, lớp 6). Thì hóa ra việc làm của LTK chỉ đơn giản, thường tình như thế thôi sao? Nhìn qua cuộc đời binh nghiệp của ông, một người “giàu mưu lược, có biệt tài làm tướng súy” (Phan Huy Chú) thì ta không tin cách lý giải của NNTS. Hơn nữa vấn đề “tự yếm” của LTK phải được đặt vào trong bối cảnh của một giai đoạn lịch sử cụ thể. Căn cứ trên nhiều tư liệu, kể cả sách do nhà Tống biên soạn, GS Hoàng Xuân Hãn giải thích: “Hoạn quan xưa nay nhiều quyền thế, vì thường ngày ở cạnh vua. Nhất là từ đời Đường, hoạn quan càng được thế. Trước khi, tuy được vua nghe, nhưng hoạn quan cũng thường chỉ hành động trong cung thất. Từ đời Đường, thì càng được công nhiên cầm chính quyền hay làm đại tướng. Vì những lẽ ấy đời sau lắm kẻ tự thân để được chọn. Đối với LTK, có đặc biệt hơn là được vua ban tiền và sai làm. Ông nghe lời. Bấy giờ ông 23 tuổi. Không biết bà vợ ra sao, hay lúc ấy đã mất rồi. Không sách nào nói đến" (SĐD, tr. 47).

Xét ra, khi LTK “tự yếm” vì một mục tiêu lớn lao là muốn được thi thố tài năng (như chính ông đã phát biểu với Tạ Đức). Dù rằng, có là một danh tướng chăng nữa, thì con người ta cũng có những rung động tình ái như bao kẻ khác, nhưng ở đây sự hư cấu của NNTS đã tái hiện nhân vật LTK không như nó vốn có, mà vô hình trung lại làm lệch đi chí khí của một đấng nam nhi trong thời loạn. Nói cách khác, NNTS đã làm “nhỏ lại” tính cách của danh tướng LTK, chứ không thể biện minh LTK cũng đã có một tình yêu “vĩ đại” đến như vậy.

3.

Do bám lấy đường dây tình ái của LTK và Thuần Khanh nên trong NNTS đã hiện lên quá nhiều cảnh bi lụy, sướt mướt và đầy nước mắt. Chia tay lên đường tòng quân: khóc; lúc ở Tử Cấm Thành tưởng tượng đến người yêu: khóc; gặp nhau ở cung: nhau, khóc; không thể ân ái được với nhau (vì đã tự yếm): khóc; gặp lại người yêu đã vào chùa, xa lánh hồng trần: khóc v.v... Một người lúc nào cũng đau đáu với tình yêu và luôn than khóc như thế, thì làm sao có đủ dũng khí tung hoành vó ngựa bình Chiêm đánh Tống? Đặt câu hỏi như thế không thừa, vì ta biết rằng mẫu người LTK trong NNTS ấy rất xa lạ với “nguyên mẫu”. Theo chính sử, lúc ngoài 70 xuân, LTK vẫn còn hừng hực khí phách như thuở trai tráng. Bấy giờ ở xứ Nghệ có loạn Lý Giác, không thể dẹp nổi, mãi đến lúc ông ra tay thì mọi việc mới yên. Một người từ thuở trẻ đến lúc cuối đời vẫn xông pha hòn tên mũi đạn thì  không thể là người... mau nước mắt như NNTS đã hư cấu.

Do khuôn khổ một bài báo ngắn, dù còn nhiều, rất nhiều điều cần trao đổi, nhưng chúng tôi tạm dừng tại đây. Chỉ xin nói thêm rằng, nếu vở diễn này xoáy về số phận của một vị họạn quan nào đó, sản phẩm hoàn toàn của trí tưởng tượng thì đây là một vỡ diễn hay, hấp dẫn người xem, nghệ sĩ diễn tròn vai. Nhưng khi được gọi “chính danh” là danh tướng LTK thì buộc người xem phải cần có một độ lùi cần thiết để xét nhân vật trong một hoàn cảnh lịch sử cụ thể. Nhưng nếu chỉ là vở diễn về một hoạn quan “vô danh tiểu tốt” nào đó trong hư cấu thì mấy ai quan tâm đến NNTS? Âu sự lựa chọn nào cũng có cái giá của nó vậy.

 

LÊ MINH QUỐC

(nguồn: Báo Phụ Nữ TP.HCM 8/2009)

Chia sẻ liên kết này...

Add comment


Việt Tuấn Trinh | www.viettuantrinh.com