Bạn thơ Cao Xuân Sơn - trưởng chi nhánh NXB Kim Đồng vừa điện thoại và email đến tôi thông tin về nhà thơ Thy Ngọc. Nguyên văn như sau:
Nhà văn Thy Ngọc (1925 - 2012)
"Nhà văn THY NGỌC. Bút danh khác: Thy Thy Tống Ngọc. Tên thật: Nguyễn Ngọc. Sinh ngày 4-10-1925
Quê quán: Cửa Ông, Quảng Ninh
Nguyên cán bộ Nhà xuất bản Kim Đồng (1957-1987)
Hội viên Hội Nhà văn Việt Nam
Sau một thời gian lâm trọng bệnh, do tuổi cao, sức yếu, đã từ trần lúc 12g20 ngày 23-12-2012 (ngày 11 tháng 11 năm Nhâm Thìn), hưởng thọ 88 tuổi.
Linh cữu quàn tại Nhà tang lễ thành phố, 125 Phùng Hưng, Hà Nội.
Lễ viếng bắt đầu từ 7g30 đến 9 giờ ngày 25-12-2012, sau đó đưa đi hỏa táng tại Đài hóa thân Hoàn Vũ (nghĩa trang Văn Điển).
Nay tôi post thông tin này cùng bài viết THY NGỌC - MÔT ĐỜI BẦU BẠN VỚI TRẺ EM do Bảo Trân tổng hợp - như lời chia buồn sâu sắc đến gia đình nhà thơ Thy Ngọc - một bậc đàn anh có nhân cách cao thượng mà tôi rất kính trọng.
L.M.Q
XII.2012
THY NGỌC - MÔT ĐỜI BẦU BẠN VỚI TRẺ EM
Nhà văn Thy Ngọc tên thật là Nguyễn Ngọc, sinh ngày 4 - 10 - 1925 tại quê gốc Cửa Ông, tỉnh Quảng Ninh. Ông làm biên tập viên NXB Kim Đồng từ ngày đầu thành lập (3-1957) cho đến khi về hưu (1987). Bút danh khác: Thy Ngọc, Thi Thi Tống Ngọc.
Thy Ngọc tham gia viết văn viết báo khá sớm, từ thời mặt trận Việt Minh ở Hải Phòng (báo Dân Chủ). Năm 1950, ông làm Bí thư Hội Văn hóa Kháng chiến tỉnh Thái Bình. Từ 1955-1957, ông làm giảng viên môn văn - họa ở Hà Nội. Từ 1957 - 1987, ông làm cán bộ biên tập của Nhà xuất bản Kim Ðồng, sau đó cộng tác thường xuyên với báo Khăn Quàng Đỏ (TP.HCM) từ 1987 đến 2001 qua các vai trò: trợ lý thư ký tòa soạn, phó quản đốc xưởng in, pụ trách phòng tư liệu...
Tác phẩm đầu tiên được xuất bản là cuốn truyện viết cho thiếu nhi Vỡ đê (1943, do nhà xuất bản Cộng lực ở Hà Nội.
Tác phẩm được in gần nhất: Lớp học của anh bồ câu trắng, tái bản, NXB Kim Đồng 2012.
Các giải thưởng văn học đã nhận:
- Giải thưởng loại A về truyện và thơ cho lứa tuổi nhi đồng do ủy ban Thiếu niên nhi đồng Việt Nam tặng (1969).
- Bằng khen của Bộ Giáo dục vì "Ðã có nhiều sáng tác tốt phục vụ sự nghiệp giáo dục thiếu nhi". (1987).
Với 88 tuổi đời, nhà văn đã có tròn 70 năm chuyên sáng tác cho trẻ em. Ngoài viết văn, làm thơ, ông còn làm bìa, vẽ minh họa cho gần 300 cuốn sách Kim Đồng. Các tác phẩm của ông được bạn đọc nhỏ tuổi yêu thích. Tác phẩm "Lớp học của anh bồ câu trắng" hiện được Đài Truyền hình Việt Nam chuyển thể thành 8 tập phim hoạt hình.
Nhà văn Thy Ngọc và độc giả thiếu nhi. Ảnh: Cao Xuân Sơn
Ông kể:
- Cuối năm 1942, tôi mới 17 tuổi, đang học Thành Chung thì được tin NXB Cộng Lực, Hà Nội sẽ in cho một cuốn truyện đầu tay Vỡ Đê. Đầu năm 1943 thì sách phát hành. Sau đó tôi đến NXB lĩnh nhuận bút. Tuy chúng tôi còn trẻ lắm nhưng ông Lê Diệu chủ NXB vẫn giới thiệu: Đây là bác Ngọc, còn đây là bác Trí (Nam Cao). Nam Cao hôm ấy đến lĩnh nhuận bút cuốn Người Thợ Rèn, biết tôi có quen ông Lê Văn Trương nên anh nhờ tôi dẫn đến nhà ông ấy để cám ơn. Vì nhờ có ông Trương viết lời tựa cho cuốn Đôi lứa xứng đôi mà tác phẩm này bán rất chạy. Trên đường đi, Nam Cao nói có đọc tác phẩm của tôi và khuyên: “Anh nên viết về những người nghèo”. Lời của một nhà văn tên tuổi như Nam Cao không chỉ là sự khích lệ lớn, mà còn định hướng cho việc cầm bút của tôi.
+ Và từ đó ông theo đuổi nghiệp văn?
- Năm 1944 NXB Tam Kỳ in cuốn truyện thiếu nhi thứ hai của tôi là Hai lần thoát xác, nhân vật là con bọ dừa. Thú thực với anh, mình là học sinh, viết rồi được in thì nó gây cho mình men say, khiến mình yêu nghề chứ cũng không nghĩ mình sẽ là nhà văn đâu. Nhưng sau này khi đã về công tác tại NXB Kim Đồng, tôi thấy viết cho thiếu nhi là nghề phù hợp với mình.
+ Suốt đời viết cho thiếu nhi, ông thấy đâu là điều khó nhất?
- Viết cho thiếu nhi trước hết phải có tính giáo dục, song lại phải giản dị mà vẫn hấp dẫn. Ngay cả đến giờ, càng viết tôi càng thấy khó. Bởi hấp dẫn không phải là cầu kỳ, mới lạ, mà là cách viết câu chuyện như thế nào. Nhưng trên hết, mình phải hết lòng với các em thì mới viết được.
Tôi có may mắn là được sống và làm việc cùng các nhà văn như Nguyễn Huy Tưởng, Tô Hoài, những bậc thầy hết lòng khi viết truyện thiếu nhi. Rồi các họa sĩ Mạnh Quỳnh, Tạ Thúc Bình, những người vẽ, dù chỉ là phác thảo thôi cũng công phu, kỹ lưỡng…
+ Ông đã minh họa, vẽ bìa của khoảng 300 tập sách. Ông học vẽ từ khi nào vậy?
Thời Pháp, trước năm 1940 có một trường ở Paris đào tạo theo lối gửi bài chấm rồi mình trả tiền. Cứ vẽ bài xong thì mình gửi bài qua đường bưu điện sang bên đấy. Họ xem, chấm bài bằng cách viết thư lại cho mình, đề cập tỉ mỉ lỗi của mình, khuyên nên chữa như thế nào với bài mẫu gửi kèm theo. Rất quy củ nghiêm túc. Nói nôm na như bây giờ là đào tạo từ xa. Cứ thế vài ba năm là mình đã nắm khá căn bản kiến thức hội họa. Nếu ai yêu thích thì đều có thể học như thế.
+ Thy chắc là tên một mối tình của ông?
- Vâng. Một mà lại là duy nhất. Đấy là tên của vợ tôi đấy. Tôi mê thơ nhưng không giỏi về thơ tình, bởi tôi chỉ cần làm có một bài là lấy được vợ rồi. Có vợ rồi thì còn làm thơ tình với ai nữa. Mà nếu thơ không thật, không còn ở tấm lòng mình thì không còn là thơ hay nữa.
+ Thưa nhà văn, ông còn nhớ tác phẩm đầu tay không?
- Ðầu những năm 1940, tôi học Thành Chung (tương đương cấp 2 bây giờ) tại Trường Thành Nhân, Hà Nội. Giờ tan học, tôi thường đi vòng ra con đường phía sau trường để được nhìn thấy những người thợ in đang làm những công đoạn in ấn cho tờ báo thiếu nhi hiếm hoi lúc bấy giờ là tờ "Cậu ấm". Tôi đứng ngắm say sưa và thích thú cách thức ra lò của một tờ báo mà tôi vẫn đón đọc nó hằng kỳ. Rồi, một cách tự phát, tôi bắt tay viết truyện. Với tri thức và vốn sống còn hạn hẹp của một cậu học trò, những truyện tôi viết đều xoay quanh những nhân vật là thiếu nhi. Nhà xuất bản Cộng Lực đã in những truyện đó thành tập sách có nhan đề chung là "Vỡ đê", xuất bản năm 1943, lúc ấy tôi vừa tròn 18 tuổi. Tôi còn nhớ đó là lần đầu tiên tôi được nhận nhuận bút 12 đồng! Tôi dùng tiền may một bộ áo quần "mới cáu", còn lại đủ chi dùng ba tháng vào việc học, ăn uống, ở trọ. Cũng nhờ cuốn sách ấy, tôi được gặp và làm quen với nhà văn Nam Cao.
+ Nhà văn Nam Cao lúc ấy đã nổi tiếng?
- Nhưng không bằng Lê Văn Trương. Lê Văn Trương lúc ấy đã rất nổi tiếng ở Hà Nội. Tôi quen biết Lê Văn Trương nhờ chơi thân với em của ông. Khi Nam Cao ra mắt cuốn "Ðôi lứa xứng đôi" - sau này nổi tiếng với tên "Chí Phèo" - Nhà xuất bản đã phải mời Lê Văn Trương viết giúp lời tựa, in ở ngoài bìa dòng chữ "Tựa của Lê Văn Trương" để thu hút độc giả! Cả cuốn truyện của tôi, tôi cũng cho in ở trang đầu dòng chữ "Kính tặng chị Lê Văn Trương". Ấy, mê và kính nể ông nhà văn, nhưng còn ngại tiếng tăm ông ấy, tôi chỉ dám đề tặng... vợ nhà văn mà thôi.
- Cuốn "Vỡ đê" ghi tên tác giả là Nguyễn Ngọc, còn những cuốn sau này ghi là Thy Thy Tống Ngọc, rồi sau này nữa chỉ là Thy Ngọc. Thưa ông, sao lại có những sự thay đổi ấy?
- Nguyễn Ngọc là tên thật của tôi. Khi lập gia đình tôi lấy bút danh là Thy Thy Tống Ngọc kéo dài từ đầu cho đến cuối những năm 1950 - thời kỳ tôi tham gia Hội Văn hóa kháng chiến ở Thái Bình rồi sau đó công tác tại Nhà xuất bản Kim Ðồng. Lúc đó một số bạn bè có tính khắt khe hay phê bình góp ý với tôi rằng cái tên Thy Thy Tống Ngọc có vẻ còn tiểu tư sản lắm, tên gì mà dài ngoằng, thà cứ lấy tên thật làm bút danh như Nguyễn Tuân, Nguyễn Huy Tưởng... thì có hay hơn không. Nghe riết, tôi đành cắt bớt - chứ không bỏ được - thành Thy Ngọc như hiện giờ, vì Thy là tên vợ tôi, còn Ngọc là tên tôi. Vợ chồng sao mà xa nhau được (cười).
- Hình như sau này ông còn có bút danh "Ông Ngoại" nữa?
- Thời mới cầm bút, tôi được những bậc cao tuổi gán cho các bút danh "Bé Nguyên", "Em Lúa Vàng", về già tôi được những độc giả nhí gọi thành bút danh "Ông Ngoại"... Những cái tên đó đều nói lên tình cảm và chí hướng nhất quán của tôi trong sáng tác: Viết vì trẻ em và cho trẻ em suốt đời.
- Không phải chỉ viết mà còn vẽ nữa. Trong cuốn sách "20 năm sách Nhà xuất bản Kim Ðồng, 1957 - 1977", ở mục Tác giả Thy Ngọc có ghi: Ðã vẽ gần 300 cuốn sách. Thật là một con số đáng nể!
- Tôi mê hội họa cũng rất sớm, gần như đồng lúc với mê văn chương. Trên tờ báo thiếu nhi "Cậu ấm", tôi có nhắc ban nãy, tôi rất mê tranh vẽ của họa sĩ Mạnh Quỳnh. Theo tôi, ông là họa sĩ vẽ truyện tranh đầu tiên ở Việt Nam. Thầy dạy vẽ của tôi thời đi học thành chung là thầy Trần Quang Trân với bút danh NGYM. Ðầu những năm 1940, tôi học hàm thụ vẽ tại Paris (Pháp), sau đó quen biết họa sĩ Bùi Xuân Phái, tôi hay đến xưởng vẽ của ông ở trao đổi và luyện vẽ.
Lúc thành lập Nhà xuất bản Kim Ðồng (1957), cùng với Tô Hoài, Nguyễn Huy Tưởng... tôi là thành viên sáng lập, được phân công biên tập nội dung và trình bày, vẽ minh họa, vẽ bìa sách. Ðể làm tốt nhiệm vụ, nhiều khi tôi phải đạp xe 50 cây số, đến tận vùng cao, miền hẻo lánh để vẽ tại chỗ rồi trở về ngay để kịp in ấn, vì minh họa theo sách hồi đó hầu hết là người thực việc thực. Việc in ấn hãy còn thô sơ nên phải vẽ theo lối tranh khắc gỗ, đừng chi tiết quá, khó khắc, nhưng vẫn đảm bảo nội dung, bố cục, đường nét và tính mỹ thuật. Tôi có một kỷ niệm (cũng là kỷ vật) quý cả về nghề viết lẫn nghề vẽ, đó là lần tôi được Nhà xuất bản giao công việc tự trình bày, vẽ bìa minh họa cho chính cuốn sách mình viết, cuốn "Ði vàng về xanh" năm 1977.
- Làm thơ, viết văn, và vẽ, ở cả ba lĩnh vực bác đều có một khối lượng tác phẩm đầy đặn. Ông có thể nói gì thêm về "bút nghiệp" của mình?
- Tôi mê văn học và hội họa từ nhỏ. Thoạt đầu tôi dùng nó để thể hiện cá tính, tâm tình mình. Không ngờ những gì tôi viết, vẽ đều có bóng dáng của trẻ em. Rồi có ý thức hơn, tôi nghĩ trẻ em là hiện thân của ngày mai; ai yêu cái ngày mai đó của mình, của dân tộc, đất nước mình hẳn phải cảm thấy cần làm gì có ích cho trẻ. Và tôi đã cố hết sức làm, thông qua văn học và hội họa. Lỗ Tấn có lần viết: "Quắc mắt coi khinh nghìn lực sĩ / Cúi đầu làm ngựa đứa nhi đồng". "Lực sĩ" gì gì thì tôi chửa dám khinh, nhưng với "nhi đồng" thì tôi xin làm con ngựa thồ văn học phục vụ cho các cháu. Nay tuổi đã gần 80, bút lực không còn sung mãn, nhưng mỗi ngày nhiều ít tôi vẫn tranh thủ viết. Và đọc nữa chứ. Vừa rồi, đọc tập truyện "Một cần câu" của ông bạn nhà văn Trần Thanh Ðịch, nay cũng đã ngoài 90, tôi rất xúc động, cảm thấy cách viết truyện của anh ấy còn có thể khiến mình học được. Với thơ, bất chợt nghĩ ra đôi ba câu tôi chép ngay vào giấy và để đó, chờ cảm hứng nối tiếp để hoàn chỉnh thành bài...
- Giả dụ ngay bây giờ, nếu đọc một bài thơ hay một đoạn thơ mình đã viết, ông sẽ đọc những câu thơ gì?
- Ồ, thời gian này tôi đang trông nom đứa cháu gái hai tuổi gọi tôi bằng ông nội. Tôi xin đọc ngay một đoạn đang "chắp vần" để ru cháu: "Cháu ngủ đi, cháu ngủ đi Lời ông ru cháu thầm thì bên tai/ Cháu nép má, ấm bả vai / Nhẹ nhàng ông bước chắp vài ý ru / Cứ cho là những câu thơ / Miễn sao cháu được giấc mơ, ông tìm.../ Ông nghe như trái tim mình / Hoài hơi thở thật yên bình cháu ngoan...".
Làm thơ cả đời, giờ đây tôi càng phát hiện ra thể thơ lục bát dân tộc có một nhịp điệu riêng, đó là nhịp ru, rất thích hợp cho các bà dùng để ru con ngủ. Tài tình thật.
- Những nhà văn viết cho thiếu nhi, ông thích những nhà văn nào?
- Tôi thích Tô Hoài, Nguyễn Huy Tưởng, Võ Quảng, Trần Thanh Ðịch, Phạm Hổ... Nhưng ngoài ra, tôi còn muốn nhắc đến một tên tuổi nữa, ông đã mất trong thời kỳ chống Pháp, đó là nhà văn Bắc Thôn, tên thật là Nguyễn Tuấn San, là em ruột nhà thơ nổi tiếng Thâm Tâm (Nguyễn Tuấn Trình). Bắc Thôn có cuốn "Hai làng Tà Pình và Ðộng Hía" viết năm 1958, đã được tái bản dăm bảy lần, song vẫn ít người nhớ đến. Tôi cho rằng viết về miền núi, về trẻ em vùng cao thực hay là nhà văn ấy.
- Một đời làm "con ngựa thồ văn học" cho thiếu nhi, ông có kỷ niệm gì đáng nhớ với bạn đọc?
- Cách đây hơn chục năm năm, có hai chị em nhỏ tuổi là Dương Thị Hồng Vy và Dương Thị Hồng Vân ở Thủ Ðức (TP Hồ Chí Minh) là những cộng tác viên báo Khăn Quàng Ðỏ và Nhi Ðồng nơi tôi đang làm việc. Các cháu viết khá tốt, bài được sử dụng đều. Tôi đã có lần viết bài giới thiệu tài năng các cháu. Song, nhà các cháu nghèo quá, các cháu còn phải lo học nên viết ít đi, tôi phải động viên mãi. Các cháu nhận tôi là "ông ngoại". Diễn biến cuộc sống, thành tích học tập, các cháu đều gởi thư đều đặn báo cáo cho tôi biết. Cả những bài thơ được in báo, các cháu cũng chụp, đóng, trình bày thành tập trang trọng gửi tặng tôi. Thương các cháu, tôi có tặng phẩm tinh thần là những bài viết, những cuốn sách; nhưng cảm thấy chưa đủ, tôi đã tặng lại cho các cháu "con ngựa sắt" yêu quý của tôi là chiếc xe đạp đã cùng tôi rong ruổi biết bao nhiêu đường trường.
- Thưa ông, nhà văn, nhà thơ, họa sĩ, trong ba danh xưng đó, nên chọn danh xưng nào cho Thy Ngọc?
- Thưa, chọn Thy Ngọc, người bạn của trẻ em.
+ Xin cảm ơn ông.
Tác phẩm chính:
- Tuổi ngây thơ (truyện, 1943)
- Hai lần thoát xác (truyện, 1944)
- Cu Tý (truyện, 1954)
- Khúc ca thơ ấu (thơ, 1954)
- Lớp học của anh Bồ Câu Trắng (truyện, 1957)
- Tiếng hát chim non (thơ, 1962)
- Cô bé mê truyện (truyện, 1963)
- Chiếc nhãn vở in tay (truyện, 1969)
- Tên lửa bút chì (thơ, 1972)
- Ðôi cánh của ngựa trắng (truyện, 1976)
- Bài ca trong hẻm (truyện, 1986)
- Có một khoảng trời (truyện, 1991)
- Thơ tặng cháu (thơ, 1994)
- Trang viết tuổi thơ (tuyển tập, 1995).
- Học dưới trời xanh (thơ, 1995)
- Chuyện trò với cháu (thơ, 2007)
- Nhà không người lớn (2005)
- Trăm tay ngàn mắt (2008)
- Lời hứa với ngày mai (2009)
Bảo Trân (tổng hợp)
< Lùi | Tiếp theo > |
---|