BÁO CHÍ Lê Minh Quốc viết LÊ MINH QUỐC: Một nén nhang cho Đam San

LÊ MINH QUỐC: Một nén nhang cho Đam San

 

Với những bạn nhậu đáng quý, trong tôi, có Đam San (1946 - 5.5.1998). Đọc lại các ấn phẩm quay ronéo phát hành trong phong trào đấu tranh SVHS tại đô thị miền Nam, ta biết sáng tác của anh được phổ biến khá nhiều. Anh viết nhiều thể loại, nhưng nhiều nhất vẩn là thơ.

Thơ Đam San hay, rất hay. Thậm chí, theo tôi có thể xếp anh ngang hàng với những cây bút thơ như Ngô Kha, Hữu Đạo Trần Quang Long, Trần Vàng Sao. Bài Thơ tôi bây giờ là tuyên ngôn thơ của Đam San. Một tinh thần phản chiến dữ dội... Nếu chọn lấy chừng mươi bài thơ tiêu biểu nhất của phong trào đấu tranh của SVHS tại miền Nam trước 1975, dứt khoát phải chọn, phải có bài Thơ tôi bây giờ của Đam San.

Chiều nay vào goolge tìm kiếm Đam San không có một thông tin nào.

Buồn.

L.M.Q

XI.2012

 

damsan

 

17giờ 30 ngày 5/5/1998, tại căn nhà nhỏ trên đường Nơ trang Long, phường 13, quận Bình Thạnh, Đam San vĩnh viễn từ bỏ cõi trần gian này. Hôm ấy bạn bè đến không nhiều, bởi lẽ anh ra đi quá đột ngột, nhiều người không biết tin này. Bây giờ, một chút tro tàn của anh được gửi ở chùa Phước Thành (Q. Bình Thạnh). Chắc hẳn sự ra đi của anh nhẹ nhàng thanh thản như câu thơ anh đã viết: “Và kết thúc bằng một giấc mơ…”

Nếu một sớm mai nào

Mọi người vừa thức dậy

Sau giấc ngủ hôn mê

Thấy nước mắt, mồ hôi và máu

Đổ đầy trên quê hương

Thấy sinh viên, học sinh và trẻ em

Ngất lịm đầy đường

Tuổi trẻ chúng tôi là như vậy đó

Nhà thơ Đam San (tên thật là Trần Ngọc Minh) đã có một thời tuổi trẻ không hồn nhiên, ngay từ ngưỡng cửa vào đời anh phải đối diện với máu và nước mắt. Cả một thế hệ SVHS trong phong trào đấu tranh đô thị miền Nam, ở lứa tuổi mười tám đôi mươi họ đã tự ý thức như thế.

Từ một  SV, sinh năm 1946 tại Bình Định, Đam San theo học Ban Triết học Đông Phương (ĐH Văn khoa Sài Gòn) và tham gia phong trào đấu tranh chống Mỹ của SVHS. Đến năm 1970, anh gia nhập Ban An ninh T.4 (Khu Sài Gòn - Gia Định). Thời gian này, Đam San làm nhiều thơ - những bài thơ hừng hực lửa cháy - dù biết rằng bạn bè của mình:

Những Thắng, những Sơn, những Sanh, những Lập:

Ôm cây đàn trên tay

Cắn chặt giọng hát trên môi

Âm thầm đi vào ngục tối

Nhạc sĩ Trần Long Ẩn đã từng phổ bài thơ Hoa lục bình của Đam San - ca ngợi cô gái giao liên nội thành về vùng giải phóng. “Em kể chuyện Cửu Long cắm cờ bên đồn giặc, anh kể chuyện miền Đông, những vùng quê độc lập, giặc sợ từng đứa trẻ lên ba, sợ trái cây ngon, sợ bờ cỏ mọc, sợ gió mát bao la…” Bài thơ này được in trên báo Sinh Viên Vạn Hạnh năm 1970. Trong một buổi tối trở về ngủ tại nhà bác Chín trên Gò Vấp cùng với Tôn Thất Lập, Trần Long Ẩn tình cờ đọc được bài thơ này.

Cảm nhận được sức sống từ bài thơ, sau khi chui vào mùng, thắp ngọn đèn hột vịt, Trần Long Ẩn không dùng đàn, mà chỉ “ậm à ậm ừ” để phổ nhạc. Thế là suốt một đêm mất ngủ, ca khúc Hoa lục bình ra đời và phổ biến rộng trãi trong phong trào SVHS.

“Đò em lướt gió dầm mưa qua vùng giặc đóng, đón tin vui từ những gốc cây rừng, chiều nay quê mình thắng lớn, anh trở về kể chuyện chiến công. Có cô gái nhỏ ven sông, giữa đồn giặc cắm cờ hồng quê hương”.

Đặt ca khúc này trên môi và hát. Tôi tin rằng nhiều người vẫn còn xúc động, cũng như bất cứ sáng tác nào được viết từ trong máu lửa và mồ hôi của phong trào SVHS. Bởi lẽnói như ông Trần Bạch Đằng, thì đó là “Sáng tạo bằng tấm lòng, bằng cả những mất mát bản thân người sáng tạo, văn nghệ học sinh sinh viên các đô thị miền Nam thời chống Mỹ đi vào văn học bằng cổng chính. Đó là lịch sử, nó có sức sống riêng. Một thời và mãi mãi".

Sau 1975, Đam San ít làm thơ mà anh viết khá nhiều tiểu thuyết và chủ yếu kiếm sống bằng nghề viết báo. Anh viết đến kiệt sức. Những tác phẩm của anh - đã đưa anh vào Hội Nhà văn TPHCM - ít nhiều tạo được ấn tượng ở người đọc, nhất là ở mảng viết về giới giang hồ bụi đời…

Lê Minh Quốc

(nguồn: báo Vũng Tàu chủ nhật 24.5.1998)

Chia sẻ liên kết này...

Add comment


Việt Tuấn Trinh | www.viettuantrinh.com