BÁO CHÍ Lê Minh Quốc viết LÊ MINH QUỐC: 24 năm “nhân bản”

LÊ MINH QUỐC: 24 năm “nhân bản”

Thế hệ chúng tôi lớn lên đã nghe âm vang tiếng còi tàu thống nhất. Lúc ấy, những đứa trẻ tuổi mười bốn, mười lăm của chúng tôi hân hoan đạp xe ra chợ Cồn (Đà Nẵng) để ngơ ngác nhìn bộ đội. Họ vừa lạ lẫm vừa gần gũi. Lạ lẫm vì quân phục màu xanh, mũ cối và dép râu nhưng lại gần gũi vì giọng nói miền Bắc. Bài thơ đầu tiên của cách mạng mà tôi được học là bài Nhớ con sông quê hương của nhà thơ Tế Hanh, được nghe đọc, nghe giảng cũng bằng giọng Bắc. Nhưng rồi chỉ một hai năm sau, chính chúng tôi mặc áo xanh, đội mũ cối, mang dép râu lên biên giới Tây Nam để trở thành bộ đội.

24-nam-nhan-ban

 

Tôi đã mang trong ba lô tập Việt Nam thi nhân tiền chiến. Quái lạ, vầng trăng ở trong rừng sáng ngời, cứ tưởng như một dòng ánh sáng từ trên cao đổ xuống. Đầm đìa và lênh láng. Những lúc ấy, tôi đã ngồi đọc những vần thơ. Tuổi mười tám, ai mà không yêu thơ? Tập thơ được tách ra thành từng tập nhỏ để đồng đội cùng đọc. Nhưng rồi dọc đường hành quân từ đường 14B vượt sông Mê Kông để đến tận Phnom Penh rồi leo lên tận đỉnh trời Danrek, chúng tôi đã xé từng trang thơ để vấn thuốc hút. Linh hồn của các bài thơ “tiền chiến” hóa thành tro bụi vương vãi dọc theo dặm đường hành quân, há không phải là một điều thú vị sao?

Tôi sực nhớ đến tủ sách hàng ngàn cuốn của gia đình tôi ở Đà Nẵng. những quyển sách ấy bị vạ lây bởi văn hóa phẩm Mỹ ngụy. Sau năm 1975, trong một chiến dịch, mấy chiếc xe bò ùn ùn chở sách đem đi. Tôi đứng nhìn theo mà ứa nước mắt… Chao ôi! những quyển sách có đóng dấu đỏ của gia đình tôi bây giờ phiêu bạt ở nơi nào? Thèm sách, sau khi rời quân ngũ, tôi đã dốc tiền mua sách sạch sành sanh đến đồng xu cuối cùng. Thì ra, tôi vẫn còn giữ nguyên vẹn tình yêu dành cho sách.

Những năm tháng ngồi ở giảng đường đại học, là “bộ đội chuyển ngành” nên tôi được hưởng lương, những đồng lương ấy tôi đều dồn cho sách. Từ cơ sở 3 của trường Đại học Tổng hợp, trên chiếc xe đạp cọc cạch, tôi cùng bạn học chung lớp - Nguyễn Quốc Chánh, Trương Nam Hương, Kiều Kim Loan - còng lưng đạp xe về Sài Gòn tìm mua sách. Thú vị nhất là lúc chìa tấm thẻ sinh viên để được mua bộ Từ điển văn học, lật trang sách và úp mặt vào đó, chợt thấy mùi thơm của giấy mới mà lòng sung sướng lạ lùng.

Sau này, ra trường rồi đi làm báo, tôi vẫn giữ được thói quen tìm niềm vui trong các hiệu sách. Đến một tỉnh lạ, một trong những việc đầu tiên của tôi là đến hiệu sách. Đến để tìm mua bản đồ tỉnh đó và sách do địa phương ấy xuất bản. Chẳng hạn, tại Nghệ An tôi đã mua được quyển Địa chí văn hóa dân gian Nghệ Tĩnh mà các hiệu sách lớn ở Hà Nội hoặc TPHCM khó mà tìm thấy trên kệ sách! Riêng ở hiệu sách quốc doanh của huyện Hải Hậu (Nam Định) bước vào đó, tôi không nhìn thấy gì trừ… sách giáo khoa! Hoặc ở huyện vùng núi Quế Sơn (Quảng Nam) có đi tìm đỏ mắt cũng không ra một hiệu sách! Lý do đơn giản là nơi này thu nhập quá thấp. Em tôi làm bác sĩ nơi ấy, mỗi lần khám bệnh tư tại nhà riêng chỉ có quyền thu của bệnh nhân đúng… 3.000đ - thì tiền đâu người dân nơi này mua sách?

Hai mươi bốn năm sau giải phóng, cho đến nay, tôi đã có một gia tài riêng, một tài sản quý báu là hàng ngàn quyển sách.

Riêng quyển Việt Nam thi nhân tiền chiến thì sau này (1996) NXB Văn học có tái bản.  Anh S. - người liên kết với NXB để thực hiện - có tặng tôi một bộ, anh Hoàng Lại Giang lại tặng tôi một bộ nữa để nhờ giới thiệu. Như vậy, dù năm xưa, tôi có xé tập thơ này để vấn thuốc rê - thì nay trong tủ sách vẫn có những… hai bộ! Há không phải là cái duyên của người mê sách đó sao? Hai mươi bốn năm qua há không phải là một thời “nhân bản” những trang hữu ích.

Lê Minh Quốc

(nguồn: Tạp chí Thế Giới Mới, số 45 phát hành 30.4& 1.5.1999)

Chia sẻ liên kết này...

Add comment


Việt Tuấn Trinh | www.viettuantrinh.com