Lâu nay, bất kỳ cơ quan, đoàn thể nào cũng có thể tổ chức hội thảo khoa học (HTKH), miễn là có kinh phí. Nguồn kinh phí này, chủ yếu từ đóng góp của các tổ chức đoàn thể hoặc cá nhân nhưng thông thường do “trên” rót xuống vì nó đáp ứng nhu cầu thời sự về lĩnh vực chính trị, văn hóa… nào đó.
Vấn đề này rất đáng hoan nghênh.
Quang cảnh một hội thảo khoa học. Ảnh: phunuonline
Tuy nhiên, một thời gian dài những người đứng ra tổ chức hội thảo đã không “chọn mặt gửi vàng” để có được những báo cáo khoa học đúng nghĩa. Người được chọn viết tham luận là ai? Phổ biến nhất vẫn là kiểu chọn cùng phe cánh với nhau, dù người đó không có chuyên môn về lĩnh vực đặt ra trong HTKH, dù đề tài đó không thuộc chuyên ngành mình nghiên cứu. Bằng chứng, có nhiều “nhà nghiên cứu” đi tỉnh này, tỉnh nọ quanh năm mà không tốn kém một xu, đến nơi còn được “cơm bưng nước rót”, chỉ đơn giản là họ có thư mời tham dự HTKH, được ban tổ chức lo từ A đến Z. Thực chất chỉ là cách “trả ơn” qua lại: “Suất này cơ quan tôi mời anh, thì suất sau anh đừng quên tôi nhé!”. Chính vì sự “bánh ít đi bánh quy lại” nên có những đề tài mà người thật sự có chuyên môn và tâm huyết lại… đi chỗ khác chơi.
Thông thường, sau một cuộc HTKH, ban tổ chức gom các bài tham luận in thành tập kỷ yếu nhằm báo cáo và quyết toán với đơn vị đã rót kinh phí. Các kỷ yếu này chủ yếu “phát hành nội bộ” hơn là lưu hành trong công chúng. Mà thật ra, các tham luận đó khó có thể phát hành rộng rãi vì chất lượng quá thấp.
Lại có một khoảng thời gian rất dài, các công trình nghiên cứu về địa chí của tỉnh này, tỉnh nọ chỉ nằm trong tay một nhóm người. Tôi có thể liệt kê danh sách, nếu cần. Do có học hàm, học vị và đang công tác ở viện này, viện nọ nên những người này có uy tín, có điều kiện đặt vấn đề với UBND các tỉnh, huyện, thậm chí cả cấp xã để làm địa chí. Đây là một nhu cầu cần thiết để quảng bá địa phương nên đề nghị này thường được tán thành, thậm chí tán thành nhiệt liệt! Cứ nhìn hàng loạt địa chí đã công bố thì rõ. Nhiều người cho biết, trong năm chỉ cần ký được một hợp đồng làm địa chí cấp tỉnh là “sống khỏe”, bởi kinh phí cho mỗi công trình này không có quy định cụ thể nào mà tùy theo sự hào phóng của từng địa phương. Sau khi có kinh phí, “nhóm chủ biên” lại đặt hàng cho người khác viết để cuối cùng gom lại thành sách.
Điều đáng phàn nàn nhất là các tập địa chí trên đều được thực hiện theo một dàn bài y chang nhau, bất chấp tính đặc thù của từng địa phương. Lật bất kỳ tập địa chí nào, ta cũng gặp “cấu trúc”: Tự nhiên và dân cư; Lịch sử và truyền thống đấu tranh; Kinh tế; Văn hóa; Giáo dục; Nhân vật tiêu biểu… Trong đó, giống nhau nhất vẫn là các phần viết về thời chống Pháp và chống Mỹ vì đa phần sử dụng tài liệu chung của cả nước chứ không riêng gì của địa phương đó. Nếu có khác chăng chỉ là phần hình ảnh minh họa.
Với kiểu làm địa chí như trên, chất lượng chỉ là cưỡi ngựa xem hoa. Cả một đời sống gắn bó và nghiên cứu tận lực chưa chắc đã nên “cơm cháo” gì, thế mà có nhóm người cứ “đánh” hết địa phương này sang địa phương khác!
Cách làm “khoa học” như trên đã góp phần lý giải vì sao từ năm 1975 đến nay, chúng ta vẫn chưa có những địa phương chí đúng nghĩa. Thật ra, tính đến nay thì các nhà địa phương học của ta chỉ có thể đếm trên đầu ngón tay. Chẳng hạn, ông Nguyễn Vĩnh Phúc với Hà Nội; Nguyễn Văn Xuân với Quảng Nam; Quách Tấn với Bình Định; Toan Ánh với vùng Kinh Bắc; Nguyễn Khắc Xương với Vĩnh Phú; Sơn Nam với Sài Gòn… Trong khi đó, hầu như địa phương nào cũng có các tập địa chí đồ sộ!
Đã đến lúc, chúng ta phải nhìn nhận thực trạng này một cách công khai và minh bạch nếu thật sự muốn thay đổi chất lượng của việc nghiên cứu khoa học.
Lê Văn Nghệ
(nguồn: Báo Phụ Nữ TP.HCM 17.10.2012)
< Lùi | Tiếp theo > |
---|