Trên tờ Giáo dục Việt Nam (ngày 25/9/2012), tiến sĩ Đỗ Văn Khang cho rằng, thiên cổ hùng văn Bình Ngô đại cáo không phải do danh nhân Nguyễn Trãi viết (!?) mà “xét một cách khoa học chỉ có thể là của Lê Lợi”
.
Văn thần Nguyễn Trãi
“Phát hiện” động trời này lập tức gây sốc trong giới học thuật. Lâu nay, các tài liệu chính thống của nước ta đều ghi nhận Bình ngô đại cáo là Tuyên ngôn độc lập thứ hai của đất nước ta - hàm ý bài thơ thần Nam quốc sơn hà phổ biến trong lần đánh giặc Tống năm 1077 là bản Tuyên ngôn độc lập thứ nhất; và thứ ba là Tuyên ngôn độc lập do Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc tại quảng trường Ba Đình ngày 2/9/1945.
Thế thì, lập luận trái khoáy của ông Khang như thế nào?
Một, lúc Lê Lợi chuẩn bị khởi nghĩa ở Lũng Nhai năm 1416, Nguyễn Trãi không có mặt, vì “xét về văn bản và lịch sử thì cuộc khởi nghĩa Lũng Nhai năm 1416 không có Nguyễn Trãi. Lúc đó, Nguyễn Trãi đang bị giam giữ ở Đông Quan”; hai, Nguyễn Trãi chỉ ghi lại lời của Lê Lợi, bởi “Lê Lợi là một vị vua lập ra vương triều Lê hưng thịnh, ngài là người quyết đoán, không chỉ giỏi việc võ mà còn có tài văn chương”; và “ngoài ra, từ xa xưa trong Hoàng Việt thi tuyển (1788), học giả Bùi Huy Bích chọn ba bài thơ của Lê Lợi vào tuyển tập của ông”; ba, “cho đến nay vẫn chưa tìm thấy văn bản gốc của Bình Ngô đại cáo. GS Nguyễn Huệ Chi cũng chỉ xác định bằng hai chữ “có lẽ” in lần đầu tại Đại Việt sử ký toàn thư do Ngô Sĩ Liên biên soạn vào năm Hồng Đức thứ 10, tức là năm 1479. Như thế về văn bản, khoảng 59 năm thất lạc từ sau vụ án Lệ Chi Viên đến tay Ngô Sĩ Liên đã không còn nguyên gốc”.
Liệu các lập luận trên có đứng vững không?
Một, hiện nay giới sử học vẫn chưa thống nhất về thời gian Nguyễn Trãi tham gia kháng chiến. Có hai thuyết như sau: trong suốt thời gian từ năm 1407 - 1416, sử sách chưa biết rõ Nguyễn Trãi ở đâu, có tài liệu cho rằng thời gian đó ông bị giam lỏng ở thành Đông Quan, và cũng có tài liệu cho rằng ông lưu lạc sang Trung Quốc. Sau thời gian đó, có tài liệu cho rằng ông đã xuất hiện tại đại bản doanh của nghĩa quân Lê Lợi vào năm 1416 và tham gia hội thề Lũng Nhai để chuẩn bị khởi nghĩa. Nhưng ngược lại, có tài liệu cho rằng mãi đến năm 1421, Nguyễn Trãi mới đến Lỗi Giang (Thanh Hóa) tìm gặp Lê Lợi - chủ soái của phong trào Lam Sơn để dâng tập Bình Ngô sách. Thưa ông Khang, nếu năm 1416, Nguyễn Trãi chưa có mặt tại Lũng Nhai thì điều này cũng không ảnh hưởng gì đến sự ra đời của Bình Ngô đại cáo. Cuộc kháng chiến kéo dài mười năm, chắc chắn ở thời điểm đó cả Nguyễn Trãi lẫn Lê Lợi đều chưa nghĩ đến sự ra đời của áng văn trác tuyệt này.
Hai, toàn bộ văn bản trao đổi với nhà Minh trong kháng chiến (được gom thành tập Quân trung từ mệnh) cũng như sau này đều do Nguyễn Trãi viết. Đại Việt thông sử của nhà bác học Lê Quý Đôn nói rõ: “Tập Quân trung từ mệnh do Nguyễn Trãi thảo là những thư từ đi lại với các tướng Bắc triều”; sách Lam Sơn ký cũng cho biết: “Nhà vua từ lúc bình Ngô đến lúc phục quốc, phàm bao nhiêu văn thư đi lại ở quân trung, đều sai văn thần Nguyễn Trãi làm cả”.
Ba, bộ Đại Việt sử ký toàn thư “không những có giá trị sử học cao mà giá trị văn học cũng rất đáng chú ý, nhất là trong phần văn bản của Ngô Sĩ Liên” (Từ điển văn học bộ mới). Nếu chịu khó tìm hiểu, ta biết, bộ sử này được viết trên cơ sở của bộ Đại Việt sử ký của Lê Văn Hưu soạn đời nhà Trần và Sử ký tục biên của Phan Huy Tiên soạn đầu đời nhà Lê. Thế thì, khi ông Khang cho rằng, văn bản Bình Ngô đại cáo công bố lần đầu trong Đại Việt sử ký toàn thư do Ngô Sĩ Liên biên soạn vào năm 1479 là không chính xác, cho dù như thế, cũng không có cơ sở để khẳng định không phải do Nguyễn Trãi soạn thảo.
Lâu nay, không phải chúng ta mà cả thế hệ trước đã thừa nhận và khẳng định Nguyễn Trãi: “Con người viết thư thảo hịch tài giỏi hơn hết mọi thời” (Lê Quý Đôn); “Văn chương mưu lược gắn liền với sự nghiệp kinh bang tế thế” (Phan Huy Chú); con người “như một ông tiên trong tòa ngọc, có tài làm hay, làm đẹp cho Nước từ xưa chưa có bao giờ” (Nguyễn Mộng Tuân)… Với văn tài tót vời đó, Nguyễn Trãi là người soạn thảo Bình Ngô đại cáo cũng là điều dễ hiểu.
Nói như thế, không phải chúng tôi quan niệm, những gì sử sách đã khẳng định thì giới sử học không được “có ý kiến phản biện”. Tuy nhiên, cách đặt vấn đề và lập luận của ông Khang, đáng tiếc lại không dựa trên một cơ sở khoa học nào. Thưa ông Khang, lập luận tung hỏa mù của ông, liệu có ích gì cho sử học?
LÊ MINH QUỐC
(nguồn: báo Phụ Nữ ngảy 5.10.2102
http://phunuonline.com.vn/giai-tri/kheu/ich-gi-cho-su-hoc/a76221.html
< Lùi | Tiếp theo > |
---|