Một diện mạo độc đáo, phi thường trong lịch sử văn hóa VN: Phan Huy Chú (1782 - 1840) - nhà bác học, nhà bách khoa toàn thư, nhà thơ.
Ông có tên tự Lâm Khanh, tên hiệu Mai Phong, sinh năm 1782 tại làng Sài Sơn (làng Thày) thuộc phủ Quốc Oai, trấn Sơn Nam (Hà Tây), mất năm 1840. Tổ tiên vốn là người ở làng Thu Hoạch, huyện Thiên Lộc (Nghệ An), sau mới di cư ra làng Sài Sơn. Ông tổ đầu tiên của chi phái này là Phan Huy Cận, đậu tiến sĩ năm 1754, con trai là Phan Huy Ích, đậu tiến sĩ năm 1775 và Phan Huy Ôn, năm 1779 cũng đậu tiến sĩ. Cả ba bố con cùng làm quan đồng triều, được người đương thời ca ngợi: "Tam phụ tử huynh đệ đồng triều". Phan Huy Chú là con trai của Phan Huy Ích, do hai lần thi đậu Tú tài, mọi người gọi Tú Kép, nhưng sinh tại làng Thày nên gọi Kép Thày.
Dù không đậu cao nhưng Phan Huy Chú nổi tiếng khắp vùng là người hay chữ, kiến thức uyên bác khó có ai sánh kịp. Thiên hạ truyền tụng câu: "Sáu La, Ba Thầy" có ý ca ngợi ông Sáu làng La Khuê là Ngô Thế Mỹ và ông Ba làng Thày là Phan Huy Chú. Nghe tiếng tăm của ông, năm 1821, vua Minh Mạng đã triệu ông vào kinh để giữ chức Biên tu Quốc tử giám.
Tại sao Phan Huy Chú được "ơn mưa móc" này, dù ông không phải là người đỗ đạt cao?
Đó là nhờ sự nỗ lực tự học ghê gớm của ông. Ngay từ lúc còn đi học, năm 27 tuổi, Phan Huy Chú đã bắt tay vào biên soạn bộ sách Lịch triều hiến chương loại chí gồm 49 quyển. Bộ sách này được biên soạn trong vòng 10 năm, đến năm 1819 thì hoàn thành, đề cập đến những vấn đề như: chính trị, kinh tế học, địa lý học, luật học, văn học, ngoại giao, quân sự v.v... Để làm được công việc khó nhọc này, và nhất là có thời gian toàn tâm toàn ý cho công việc, Phan Huy Chú cho biết, trong suốt mười năm viết Lịch triều hiến chương loại chí, ông bỏ nhà vào núi trú ẩn, nhằm tránh khách khứa, bạn bè thường ngày vẫn tìm đến giao du. Thậm chí, ông còn lấy nghệ bôi vào mặt, tay và đun nước thơm như đang sắc thuốc để cáo bệnh mà tránh bạn bè. Sau thời gian viết thì ông đọc sách, sau lúc đọc sách "được nhàn rỗi thì tùy từng loại khảo xét và đính chính, có khi nghĩ được điều gì thì làm ra lời bàn". Ông đã dâng công trình đồ sộ này lên vua Minh Mạng, được nhà vua hết lời khen ngợi, ban thưởng 30 lạng bạc, một áo sa, 30 cái bút và 30 thỏi mực.
So với Nghệ văn chí trong bộ Đại Việt thông sử của Lê Quý Đôn, nếu nhà bác học họ Lê chỉ mới giới thiệu cả thảy 115 bộ sách thì phần Văn tịch chí, trong Lịch triều hiến chương loại chí của Phan Huy Chú, đã giới thiệu đến 213 bộ sách! Không phải giới thiệu qua loa đại khái, mà đối với mỗi tác phẩm, ông đều có lời bình luận, nhận xét, dù ngắn gọn nhưng sắc sảo. Và so với Vân đài loại ngữ của Lê Quý Đôn, thì bộ sách của ông đã phân loại và hệ thống hóa mang tính khoa học hơn.
Năm 1960, 120 năm sau ngày ông mất, Hội Sử học VN đã tổ chức dịch tác phẩm bày ra chữ Quốc ngữ, dày đến 1.450 trang, khổ 14,5x20cm và ghi nhận: "Trong kho tàng thư tịch Việt Nam, nếu trước kia có bách khoa toàn thư, thì phải nhận rằng, Lịch triều hiến chương loại chí là bộ bách khoa toàn thư đầu tiên của VN, là cả một kho tư liệu cần thiết cho công tác nghiên cứu và xây dựng các khoa học xã hội...".
Trong những ngày này, khi phía Trung Quốc công bố bản đồ "đường lưỡi bò” trên biển Đông rất phi lý, chúng ta hãy đọc lại một đoạn ngắn trong Lịch triều hiến chương loại chí có liên quan đến quần đảo Hoàng Sa - một "hồn thiêng sông núi" của non sông gấm vóc Việt. Cùng với Trường Sa, quần đảo Hoàng Sa gồm những hòn đảo ngoài khơi bờ biển Việt Nam, phương Tây gọi là Paracels, Trung Quốc gọi là Tây Sa - khoảng cách từ bến cảng Đà Nẵng tới hòn đảo gần nhất khoảng 170 hải lý (khoảng 315 km). Đó là lãnh thổ thiêng liêng của VN, không một thế lực nào có thể chia cắt nổi. Nay quần đảo Hoàng Sa là một huyện của thành phố Đà Nẵng.
Nhà bác học Phan Huy Chú viết: "Ngoài biển phía đông bắc có đảo Hoàng Sa, nhiều núi lớn nhỏ, đến hơn 130 ngọn núi. Từ chỗ núi chính đi ra biển sang các đảo khác ước chừng hoặc một ngày; hoặc vài trống canh. Trên núi có suối nước ngọt. Trong đảo có bãi cát vàng, dài ước chừng 30 dặm, bằng phẳng rộng rãi. Trong bãi có dòng nước trong suốt đến đáy. Sườn đảo có vô số vỏ yến sào; các thứ chim có đến hàng nghìn vạn con, thấy người vẫn cứ đỗ quanh, không bay tránh. Bên bãi cát, vật lạ rất nhiều, có thứ ốc có vằn gọi là ốc tai voi to như cái chiếu, trong bụng có hột châu to bằng ngón tay cái, nhưng sắc nó đục, không bằng ngọc châu ở trong con trai; vỏ nó đẽo làm bia được, lại có thể nung làm vôi để xây tường. Có thứ ốc gọi là ốc xà cừ, có thể khảm vào các đồ vật; có thứ gọi là ốc hương. Thịt các con trai, con hến đều có thể làm mắm hoặc nấu ăn được. Có thứ đồi mồi rất lớn, gọi là hải ba, mai nó mỏng, có thể ghép làm các đồ vật; trứng nó như đầu ngón tay cái. Lại có thứ gọi là hải sâm, tục gọi con đột đột, nó bơi lội ở bên bãi cát, bắt về, xát vôi qua, rồi bỏ ruột đi phơi khô. Khi nào ăn, lấy nước cua đồng mà ngâm, nấu với tôm và thịt lợn, ngon lắm.
Các thuyền buôn khi gặp gió thường nấp vào đảo này. Các đời chúa Nguyễn đã đặt đội Hoàng Sa 70 người, người làng An Vĩnh thay phiên nhau đi lấy hải vật. Hàng năm cứ đến tháng ba, khi nhận được mệnh lệnh sai đi, phải đem đủ sáu tháng lương thực, chở năm chiếc thuyền nhỏ ra biển, ba ngày ba đêm mới đến đảo ấy. Ở đấy tha hồ tìm kiếm các thứ; bắt cá ăn, tìm được những thứ của quý của bọn Tàu ô rất nhiều và lấy được hải vật rất nhiều. Đến tháng tám thì đội ấy lại về, vào cửa Yêu Môn (còn gọi cửa Yêu Lục, tức cửa Thuận An) đến thành Phú Xuân đưa nộp".
Không chỉ từ những tư liệu quý này, mà khi đọc lại Phủ biên tạp lục của nhà bác học Lê Quý Đôn, trên báo Tiếng dân (số ra ngày 23/7/1938) cụ Minh Viên Huỳnh Thúc Kháng đã có bài viết rất thuyết phục khẳng định chủ quyền của VN đối với quần đảo Hoàng Sa, đến nay vẫn còn mang ý nghĩa thời sự: "Dấu tích đảo Tây Sa (Paracels) trong lịch sử VN ta và giá trị bản "Phủ biên tạp lục". Bằng nhiều nguồn tư liệu xác thực, trong đó có cả Lịch triều hiến chương loại chí, cụ khẳng định Hoàng Sa: "là phần sở hữu của nước Nam ta, vì chính người Nam đã chiếm trước hết và đã kinh dinh các công cuộc ở đảo ấy". Với các tài liệu ấy, theo cụ: "Trở thành món tài liệu rất quý giá có quan hệ đến công pháp quốc tế không phải là ít".
Lê Minh Quốc
(nguồn: báo Phụ Nữ - 2009)
< Lùi | Tiếp theo > |
---|